Chúc Mừng Sinh Nhật Bác sĩ / Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc

tuổi vàng
duyên tô mầu acrylic 7/2020. Happy Birthday!

HOÀNG XUÂN SƠN
T Ặ N G  C Ụ  Đ Ỗ,  B Á T  T U Ầ N

Nghê là ngọc
Ngọc là hồng
Đậu quang phản chiếu từ trong tâm người
làm gì
thuận- thảo- theo- thời
không làm gì cũng
đẹp ngời
châu
thân

Mừng tám mươi
lóng lánh
trần

12.7.2020
hxs

Bác sĩ/ Nhà văn/ Nhà thơ/ Họa sĩ Đỗ Hồng Ngọc
tranh Đinh Trường Chinh

THU VÀNG
NHỮNG THOÁNG SÀI GÒN

Những năm tháng ở Sài Gòn cùng anh em, bạn bè vui vẻ, ấm cúng là thế, rồi cũng chóng qua! Biết “chóng qua” là hiển nhiên, nhưng nhớ về những kỷ niệm đẹp lại mong nó đừng qua! Mà theo anh Đỗ Hồng Ngọc nói thì “chẳng vô thường chẳng đổi thay. Chán chết”, cũng đúng! Tại nó chóng qua nên giờ người nhớ về mới thấy nó quý biết chừng nào!

Nhớ những sáng café cùng với anh Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Kim Quy, Thanh Hằng… dưới bóng mát của những hàng me giao cành nhau trên Đường Sách, gió sớm đùa cùng những lá me li ti, những hôm có gió nhẹ, lá me bay như mưa rây trong nắng dịu thật dễ thương. Thỉnh thoảng có bạn bè từ phương xa về: anh Trịnh Y Thư, Hoàng Quốc Bảo, Nguyễn Lương Vỵ, anh Tùng, Duyên, Nguyệt Mai… thì thật rôm rả, lên chương trình, hẹn hò, tặng nhau sách, nhạc, đĩa hát… Cũng có những hôm hẹn lên café Đông Hồ ở quận 10, nơi có bàn ngồi hướng về hồ sen rộng, nước lăn tăn, hoa sen lác đác nở, mùi sen thoang thoảng quyện hương café thật dễ chịu.

Nhớ những lần Thu được hát trong các chương trình nói chuyện của anh Đỗ Hồng Ngọc ở nhà sách, đường sách, các cơ quan, chùa… nơi nào khán giả đến với chương trình của anh cũng đông, trao đổi thật hào hứng. Anh thật uyên bác trong nhiều lãnh vực, nhất là về Phật học. Thật đáng cho đàn em này học tập về sức đọc, sức viết của anh. Rất biết ơn cái duyên hội ngộ. Nhớ anh Ngọc đã viết ý như là những gặp gỡ nhau đây đâu phải tình cờ mà đã hẹn hò từ muôn kiếp trước. Vậy thì chúng mình lại tiếp tục hò hẹn nhe các anh chị các bạn thương mến của Thu.

Có lần chúng tôi được cùng nhau về Phan Thiết, quê anh Đỗ Hồng Ngọc. Chúng tôi có ghé qua một trại nuôi cừu, những chú cừu thật dễ thương với bộ lông trắng muốt, mềm mại như những nắm bông, ẵm trên tay, các chú nằm yên như những em bé ngoan. Chợt nghĩ, ước gì mình gửi được đến” Hoàng Tử Bé” một chú nhỉ! Đến Phan Thiết, chúng tôi được thăm ngôi nhà của đại gia đình anh Đỗ Hồng Ngoc. Tuy gia đình không còn ai ở đây, chỉ có một người trông nom giúp nhưng giàn hoa giấy trước cổng nhà vẫn đầy hoa đỏ thắm. Ngoài vườn vẫn còn cây mít cho quả và nhiều loại cây khác vẫn xanh tươi.

Chúng tôi ở lại khách sạn tại Mũi Né. Buổi tối ra dạo phố khuya, những ngọn đèn đường vàng nhạt, những quán ăn nhỏ, những hàng rong thật hấp dẫn: bánh canh, bánh căn, chè các loại đậu… tha hồ chọn. Anh Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh lại còn có biệt tài chọn món ăn nữa đấy, những bữa ăn ngay tại biển Mũi Né, các anh chọn món thật hấp dẫn, ngon miệng, cho cuộc đi chơi được trọn vẹn. Cũng tại nơi đây chúng tôi được ngắm biển trưa im ắng, người hát ” Mũi Né”, thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc Hoàng Quốc Bảo được “mục sở thị” những con sóng hiền hòa cùng màu xanh đậm, nhạt của nước biển tùy thuộc vào những quãng thời gian trong ngày dọc theo bãi cát ngút tầm mắt. Chúng tôi cũng có dịp thăm cồn cát tuyền một màu nâu nhạt như màu da phấn của cô gái đẹp óng ánh trong nắng. Những nếp cát nhô lên như một dãy núi cát nhỏ, những bước chân chúng tôi vừa lún xuống, cát hồi lại xóa dấu vết chân trước, làn gió nóng nhẹ thoáng qua đủ cho du khách cảm nhận một thoáng sa mạc. Từ giã cồn cát, mọi người còn nuối tiếc nhìn lại những lượn cát nhấp nhô trong nắng. Tôi rất thú vị khi nhấp một ngụm nước dừa ngay chân cồn cát, buột miệng hát nhỏ “nhớ môi em ngọt dừa xứ Rạng” và hồn nhiên nghĩ, có lẽ mình sẽ hát bản Mũi Né hay hơn sau khi được nhấp ngụm nước dừa này chăng? Rời cồn cát còn nhìn lui lại…

Hôm sau chúng tôi từ giã Mũi Né trong lưu luyến và không khỏi tham lam mơ ước, sẽ một ngày quay lại.

Mơ ước vẫn còn chỉ là ước mơ cho đến khi nào cơn đại dịch Covid-19 rời khỏi thế giới dễ thương này, trả lại cho con người sự bình yên như đã. Lạy Đất Trời, loài người chúng con đã có được một bài học quý giá để đối đãi tốt hơn với thiên nhiên và với mỗi sinh vật dù nhỏ nhoi nhất trên quả đất quý giá này. Để một ngày nào đó “gánh hát rong” của chúng con với anh cả Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, anh Tùng, Trịnh Y Thư, Ngọc Vân, Khuất Đẩu, Huyền Chiêu, Kim Quy, Khánh Minh, Duyên,Thanh Lương, út Nguyệt Mai, được cùng nhau rong ruổi trên những nơi chốn đẹp đẽ ở quê nhà, hát cùng với mặt trời, với trăng đêm trong bầu không khí bạn bè thân thiết.

Chúng ta đã cùng nói với nhau ước mơ này, phải không các anh chị, các bạn? Biết đâu một sinh nhật ai đó được tổ chức mừng vui giữa đất trời cát biển Mũi Né? Riêng tôi, tôi sẽ được trở lại tắm biển Mũi Né, thêm lần nữa, chạm chân trên cồn cát và uống ực những ngụm dừa xứ Rạng ngọt thanh. Hẹn nhé Mũi Né ơi!

Santa Ana, ngày 30.7.2020
tv

VŨ HOÀNG THƯ
CHÚC MỪNG BÁT TUẦN ANH ĐỖ HỒNG NGỌC!
.
mới thôi
chi vội
          thu hồi
kéo thiên thu lại
mời ngồi cùng bên
“không thôi đi được”…
làm duyên
cuộc chơi.
          lai. khứ.
chốn uyên nguyên về
.
vht

Cụng dừa giữa những người bạn.

HUYỀN CHIÊU
GIÀ

Mừng anh Đỗ Hồng Ngọc thọ tám mươi.
Xin phép được thu xếp một vài câu văn, câu thơ trong “Về Thu Xếp Lại”
thành một bó hoa tặng tác giả.

Sáng dậy nhìn vào gương
Mấy ngày nữa đã gần tám chục
Viết khó mà vẽ chơi cũng khó
Tôi bây giờ già hơn tôi xưa
Già xồng xộc trên trời rơi xuống
Tàn bạo như con sóng vỗ bờ
Mạnh mẽ và tàn nhẫn tung tóe
Tôi giật mình râu tóc đã bạc phơ
Góp nhặt từ những trang nhật ký
Những ghi chép lang thang
Rất riêng tư và rất chủ quan
Sẻ chia cùng bạn bè thân thiết
Nếu tôi có gì khác tôi xưa
Thì có gì đáng phàn nàn đâu
Theo dòng nước buông trôi về biển cả
“ai biểu già chi”
Biết để mà thương mà chấp nhận mình
Rồi cười xòa với nhau
Mà không khỏi có chút ngậm ngùi
Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở của nghìn năm xưa.

Ninh Hòa, tháng 7/2020
hc

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
(Nhà thơ Đỗ Nghê)

TRẦN VẤN LỆ
MỪNG SINH NHẬT KHÔNG NGÀY CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC

Lại tới tháng 8 rồi. Vẫn như năm ngoái, năm kia, vẫn như vài ba mươi năm nay, nước mình, dân mình có “lệ” mừng Sinh Nhật cho mình hay cho ai đó… thì tôi vẫn có lời mừng Sinh Nhật bạn tôi, Đỗ Hồng Ngọc và kèm theo là lời chúc Vui.

Tôi Mừng Chúc chớ không Chúc Mừng.
Nhân dịp mừng Sinh Nhật bạn tôi, Đỗ Hồng Ngọc, năm nay 2020, tôi viết như trên mong Đỗ Hồng Ngọc vui theo…. quên đi tuổi đời đang lớn, 80 rồi, trở lòng lại với ngày xưa – những ngày xưa thân ái…

Đỗ Hồng Ngọc là tác giả cuốn sách “nhiều chuyện ở đời” nhan đề Để Làm Gì, mới xuất bản, dày lắm, trên 400 trang, in đẹp, nội dung vui, đọc là cười tủm tỉm, thấy thật sướng… Chắc có nhiều người mừng Sinh Nhật Đỗ Hồng Ngọc, mừng một Y Khoa Bác Sĩ nhân ái (đặc biệt với nhi đồng), mừng một Giảng Sư Y Khoa Đại Học, mừng một Thi Sĩ có danh từ thập niên 1960, mừng một Văn Sĩ có nhiều tác phẩm in ấn đẹp trong nước, cả “ấn tống” ở một số Chùa ngoài nước, mừng một Cư Sĩ đạo Phật từ tâm và uyên bác, mừng một nhà báo viết “nhật trình” thật duyên, mừng một người bạn có tấm chân tình với bạn…

Ngọc ơi, mình nhớ Ngọc từ tấm lòng con nít, thuở hai đứa mình học đệ thất… 1954. Mình vẫn tấm lòng đó, cách nay 4 năm (2016) tái ngộ lần đầu tiên với Ngọc ở Cà Phê Bệt, đường Hiền Vuơng Sài Gòn. Thời gian vô tận, tình cũng vô tận thôi!

Mừng Sinh Nhật Đỗ Hồng Ngọc! Chúc Đỗ Hồng Ngọc Vui, bên gia đình, bên bạn bè, bên chồng sách ngày càng cao và bên độc giả ngày càng tin cậy…

tvl


Kệ sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong nhà sách Nguyễn Huệ (Sài Gòn)
[Hình chụp tháng 9 năm 2018].

HAI TRẦU
TÔI ĐI TÌM SÁCH

Hồi đời trước, người đọc sách thế hệ như chúng tôi, ít khi nào được làm quen với các tác giả nên ba cái vụ tác giả tặng sách cho người đọc như ngày nay, tôi thấy dường như là hổng có trừ những bạn bè thân thiết riêng của các tác giả thì tôi hổng biết; kỳ dư hổng có tác giả nào tặng sách cho người đọc! Ai muốn đọc sách thì tìm tới nhà sách để mua sách; còn không muốn mua thì tới thư viện mượn sách; còn như nếu không muốn tới thư viện nữa thì người ta tìm các chỗ cho mướn sách và đến đó mướn sách về đọc.

Trong công việc đọc sách, tôi có cái thú vui nữa là ưa tìm kiếm và đúc kết các tác phẩm của các tác giả có nhiều sách giá trị và quý. Chẳng hạn tôi ưa tìm kiếm và đúc kết sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, của học giả Vương Hồng Sển … Thật tình ra, các tác phẩm của các bậc tiền bối ấy đã in có khi rất lâu, năm ba chục năm, mà lại nhiều nữa, nên các năm xuất bản hoặc nhà xuất bản nào in lần đầu hoặc tái bản chẳng hạn nó nằm rải rác khắp nơi, có khi mình muốn tìm, muốn biết, nhiều lúc chẳng biết đường đâu mà mò!

Trong sở thích đó, vài năm trước, có lần tôi ghé ngang qua Sài Gòn, tôi đi tìm sách của các tác giả như học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Nguyễn Hiến Lê và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở vài nơi để bổ túc những quyển nào của ba vị này mà tôi chưa có, trong đó có đường Sách Sài Gòn nằm bên cạnh nhà Bưu Điện, đối diện với nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nơi đây bán rất nhiều sách, đặc biệt là các quầy sách cũ xuất bản trước 1975, nhưng rất khó tìm sách vì người ta để không theo thứ tự nào cả. Tôi thả bộ ra khu Lê Lợi nhưng lúc bấy giờ đại lộ Lê Lợi bị rào chắn lại để sửa đường rất khó đi đến nhà sách Khai Trí, nên tôi tạt qua đường Nguyễn Huệ và gặp nhà sách Nguyễn Huệ nằm trên đường này gần góc đường Ngô Đức Kế & Nguyễn Huệ, gần với nơi có Bookshop ngày trước. Ở đây cũng như nhiều nhà sách khác từ xưa tới nay người ta thường chưng bày (có chỗ viết “trưng bày”) sách trên các kệ sách kê sát tường theo từng loại hoặc theo tên tác giả; nhưng đặc biệt sách của học giả Vương Hồng Sển và nhà văn Nguyễn Hiến Lê được chưng bày rất trang trọng và mỹ thuật ngay chỗ vừa bước vào rất nhiều tựa sách.

Tình cờ tôi bắt gặp kệ sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với các tác phẩm được để trên kệ riêng biệt như một cái tủ kính rất lớn và đứng lại coi từng tựa sách một rồi lựa mua những cuốn nào mình chưa có. Lúc bấy giờ tôi nhìn quanh thấy nhiều người cùng ghé lại cầm những cuốn sách trên quầy sách này lên và lật lật ra xem. Tôi đếm thử thì có khoảng hơn bốn chục tựa sách như vậy được chưng bày ở đây.

Thật ra, lúc bấy giờ theo chỗ tôi được biết thì các sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản rất nhiều tác phẩm rồi, có khi lên tới trên 50 cuốn, và nay có vài cuốn đã tuyệt bản! Nhờ lần đó mà tôi lò mò ghi chép các tựa sách, các năm xuất bản và nay tôi tạm đúc kết các tác phẩm của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc theo chủ đề và theo thứ tự thời gian như dưới đây:

Tác phẩm của Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC:
(Hai Trầu sưu tập, tháng 7.2020)

I. THƠ

1/ Tình Người (1967)
2/ Thơ Đỗ Nghê (1973)
3/ Giữa Hoàng Hôn Xưa (1993)
4/ Vòng Quanh (1997)
5/ Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác (2010)
6/ Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017)
7/ Những Bài Viết Về Thơ Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc):
“Như Không Thôi Đi Được” (2020).

II. VĂN: Tùy bút, tạp văn

1/ Gió Heo May Đã Về (1997)
2/ Già Ơi… Chào Bạn! (1999)
và bản dịch tiếng Nhật của Kazuo Minagawa (2001)
3/ Những Người Trẻ Lạ Lùng (2001)
4/ Thầy Thuốc & Bệnh Nhân (2001)
5/ Như Ngàn Thang Thuốc Bổ (2001)
6/ Cành Mai Sân Trước (Tuyển tập, 2003)
7/ Thư Gởi Người Bận Rộn I (2005)
8/ Khi Người Ta Lớn (2007)
9/ Như Thị (2007)
10/ Chẳng Cũng Khoái Ru? (2008)
11/ Nhớ Đến Một Người (2011)
12/ Thư Gởi Người Bận Rộn II (2011)
13/ Ăn Vóc Học Hay (2011)
14/ Ghi Chép Lang Thang (2014)
15/ Già Sao Cho Sướng? (2015)
16/ Có Một Con Mọt Sách (4.2015)
17/ Một Hôm Gặp Lại (2016)
18/ Chuyện Trò Cùng Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc Về Nếp Sống An Lạc (2017)
19/ Về Thu Xếp Lại (2019)
20/ Biết Ơn Mình (2019)
21/ Để Làm Gì (tháng 6 năm 2020)


Cuốn Già Ơi… Chào Bạn! do Kazuo Minagawa dịch sang tiếng Nhật
(Nhà xuất bản Sosisha, Tokyo 2001 và tái bản ngay cùng năm.)

III. PHẬT HỌC

1/ Nghĩ Từ Trái Tim (về Tâm Kinh Bát Nhã, 2003)
2/ Gươm Báu Trao Tay (về kinh Kim Cang, 2008)
3/ Handing Down Precious Sword (bản dịch tiếng Anh, 2015)
4/ Thấp Thoáng Lời Kinh (2012)
5/ Thiền và Sức khỏe (2013)
6/ Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc (về kinh Pháp Hoa, 2014)
7/ Cõi Phật Đâu Xa (về kinh Duy Ma Cật, 2016)
8/ Thoảng Hương Sen (2018)
9/ Thấp Thoáng Lời Kinh (Thư viện Hoa sen, 2019)
10/ Tôi Học Phật (Thuvienhoasen 11.2019)


Cuốn Gươm báu trao tay (viết về Kinh Kim Cang) do Diệu Hạnh Giao Trinh
(Paris 2015) dịch sang tiếng Anh, Thiện Tri Thức ấn hành.

IV. Y HỌC THƯỜNG THỨC

A- Sách dành cho tuổi mới lớn:
1/ Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò (1972)
2/ Nói Chuyện Sức Khỏe Với Tuổi Mới Lớn (1989)
3/ Bệnh Ở Tuổi Hoc Trò (1990)
4/ Viết Cho Tuổi Mới Lớn (1995)
5/ Với Tuổi Mười Lăm (1997)
6/ Bỗng Nhiên Mà Họ Lớn (2000)
7/ Bác Sĩ Và Những Câu Hỏi Của Tuổi Mới Lớn (2003)
8/ Tuổi Mới Lớn (Tuyển tập, 2005)
9/ Khi Người Ta Lớn (2011)

B- Sách dành cho các bà mẹ:
1/ Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng (1974)
2/ Chăm Sóc Trẻ Từ Sơ Sinh Đến 3 Tuổi (1978)
3/ Làm Sao Để Trẻ Được Khỏe Mạnh Và Thông Minh?
4/ Những Bệnh Nguy Hiểm Thường Gặp Ở Trẻ Em
5/ Săn Sóc Con Em Nơi Xa Thầy Thuốc (1986)
6/ Nuôi Con (1988)
7/ Sức Khỏe Trẻ Em (1991)
8/ Câu Chuyện Sức Khỏe (1996)

Tổng cộng gồm 55 quyển (chưa kể còn vài tác phẩm trên liên mạng, chưa in).

Thật đơn giản đối với tôi khi có dịp tôi đi tìm sách ở các nhà sách để mua và sưu tầm rồi đúc kết các tác phẩm của các tác giả đã xuất bản mà mình thích là một trong những thú vui mà tôi nghĩ là, dù ở tuổi nào đi nữa, tôi không thể nào bỏ được thói quen rất dễ thương này vậy!

Hai Trầu
Houston, ngày 27 tháng 07 năm 2020.

Đỗ Hồng Ngọc
self-portrait

LUÂN HOÁN
MỪNG 80 NHÀ THƠ ĐỖ NGHÊ

không cần phải trẻ lại
bay bướm một thời nào
nghe tên Đỗ Hồng Ngọc
lòng tôi chợt nao nao

cho trời đất đá quý
cho mỹ nhân nhà thơ
một ông đủ hai món
nam nhi cùng má đào

trân quý bàn tay ngọc
cầm ống nghe ống tiêm
nắm cây súng viên đạn
sống đời cùng trái tim

ông viết và ông đọc
ông trị bệnh cuộc đời
thi ca cùng y dược
đưa vào mạch máu người

mừng ông lên tám chục
mỹ nhân hay nam nhân
ở vị trí độc giả
vui chúc ông thành tâm

thơ ông viết cô đọng
văn vần tôi lê thê
hơi ngại nhưng cũng tặng
cho ông có dịp chê

chia vui xa không rượu
dừng tạm gió bên trời
một hai ba dzô nhé
tôi ông còn trong đời

lh
26.7.2020

Đỗ Hồng Ngọc
Bản vẽ gởi người bạn ở Toledo
Đinh Cường

ĐINH CƯỜNG
TRONG IM VẮNG

Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?

(Bùi Giáng)

Gởi Đỗ Hồng Ngọc,

Trưa ra ngồi nhìn cánh rừng sau nhà
rừng im không nghe tiếng gió
chim hót vang như tấu nhạc rồi im lửng
như dàn nhạc giao hưởng với cái nhịp tay
cuối cùng của người nhạc trưởng
tiếng cello vừa dứt. sân khấu rồi cũng im
chiếc màn nhung màu đỏ sậm chưa khép lại

trưa màu gì nếu vẽ lên tranh, nếu không là
màu xám xanh của Utrillo. vẽ góc phố Paris
mùa thu. năm nào tôi trở lại. lạnh và buồn.
và mùa thu Đà Lạt qua sương sớm ánh vàng
trên mấy rừng thông, buổi chiều hay mưa đá.

mới đó mà đã gần đến tháng mười một
năm kia cùng bạn bè lên. sáng nào cũng ra
cà phê Tùng ngồi sát bên nhau ấm cúng
nhớ nhất Thầy Tuệ Sỹ, với đôi mắt sâu thẳm…

trưa ra ngồi một mình sau hiên nhà. rừng im
lại gợi nỗi hoài nhớ không nguôi. ôi tuổi già.
tuổi già mà Đỗ Hồng Ngọc luôn nói sống làm
sao cho sướng. gặp gỡ bạn bè, đi đây đi đó…
trong im vắng cũng sung sướng thấy mình tịch lặng…

Virginia, Sept 29, 2015

Bác sĩ, Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc
Huyền Chiêu vẽ

NGUYỄN THỊ THANH LƯƠNG
BA MƯƠI BA BẬC THỀM: NƠI GỢI NHỚ

Kính tặng anh Đỗ Hồng Ngọc, người không tuổi.

Mùa này nơi tôi ở sáng nào cũng có tí sương mù lãng đãng trong khu vườn sau nhà. Tôi có thói quen dậy sớm ra võng ngồi đong đưa với tách cà phê đen đậm và một miếng chocolate nhỏ trên tay, đơn giản thế thôi mà tôi đã thấy có niềm vui. Chỉ độ nửa tiếng sau là sương đã tan và nắng bắt đầu lên, trước mặt tôi trên bờ dốc của ba mươi ba bậc thang mà tôi gọi là dốc “thiên thai” hiện lên màu đỏ rực kiêu kỳ của hai giàn bông giấy xen lẫn vào đó màu vàng quý phái của cây hoa huỳnh liên. Ngang tầm mắt tôi là hai cây hoa mà thi sĩ Khánh Minh, bạn tôi đã tặng khi chúng còn bé. Hoa màu đỏ có dạng của cái lồng đèn nên chúng tôi đặt tên cho nó là cây lồng đèn Hội An.

Mùa xuân lồng đèn nở rộ. Nhìn lồng đèn tôi nghĩ đến Khánh Minh, tôi nhớ Hội An, nhớ Sài Gòn và nhớ vô cùng cuộc hành trình xuyên Việt của tôi vào tháng mười hai năm ngoái.

Trong chuyến đi về Việt Nam này tôi có nhiệm vụ giao sách của các bạn tặng cho anh Đỗ Hồng Ngọc và bởi thế tôi đã có dịp gặp anh.

“Anh muốn giới thiệu em Đường Sách, mình gặp nhau ở quán cà phê Book Phương Nam nhé”. Giọng nói anh nhỏ nhẹ và từ tốn. Tối hôm trước tôi trằn trọc khó ngủ có lẽ vì nôn nóng mong đêm qua mau để đi gặp anh và Đường Sách chăng?

Tôi gọi Grab đưa tôi đến Đường Sách. Trên xe chú tài hỏi tôi “bộ ở ‘bang’ không có bán sách tiếng Việt hay sao mà cô phải tới đây, ở đây chỉ có bán sách thôi nha cô”. “Ừ em cứ đưa cô đến đó”. Xe ngừng lại ở ngay đầu đường của Đường Sách, tôi bước xuống nhìn ngang nhìn dọc để định hướng xem mình đang ở đâu thì trước mặt tôi là một con đường nhỏ, hai bên đường có hai hàng cây to, lá khắng khít chụm đầu vào nhau không để hở cho nắng lọt vào, rất văn hóa, thơ mộng, lãng mạn và hữu tình. Dọc theo hai hàng cây là những tiệm bán sách, tổng cộng có khoảng trên dưới ba mươi tiệm. Ở giữa là đường đi cho khách bộ hành. Ngay lúc đó tôi tự rù rì với chính mình, “À, tên con đường đã nói lên tất cả cái ngụ ý của nó.”

Cà Phê Book Phương Nam nằm gần đầu đường. Khách đông, tôi nhìn loanh quanh để tìm anh Ngọc, chợt thấy một người đàn ông vẻ mặt rất hiền từ và tôi nhận ra anh ngay vì lúc trước tôi đã có thấy hình anh đâu đó. Tôi bước nhanh đến bàn anh đang ngồi và nói “anh Ngọc đây rồi, phải không anh?”. Anh có vẻ mừng rỡ đứng dậy bắt tay thăm hỏi và nói “em ngồi xuống đi uống gì anh gọi.” Anh đi ra quầy gọi cho tôi một espresso và cho anh một cappuccino. Bây giờ đang ngồi trước mặt anh, tôi có dịp quan sát anh kỹ hơn. Anh trông hiền lắm và hay tủm tỉm cười nhẹ. Anh em trao đổi những câu thăm hỏi xã giao rồi anh lấy sách ra ký tặng tôi và những người bạn của anh. Tay anh run run, không rõ vì xúc động hay vì tuổi đời, hay cả hai. Anh được nhiều người yêu mến lắm, anh em đang nói chuyện cứ bị đứt đoạn vì nhiều người ghé lại bàn hỏi thăm anh.

Gặp anh tôi vui mừng khôn xiết nhưng đến lúc phải chia tay. Anh gọi Grab đưa tôi về và hẹn gặp lại một lần nữa trước khi tôi trở về “bang”.

Sau đó tôi ra Hà Nội để bắt đầu cuộc hành trình xuyên Việt. Tháng sau trở về Sài Gòn tôi gặp lại anh ở quán cà phê 343 của Yến. Vẫn nét hiền từ, anh như một dòng sông trải dài yêu thương đến tất cả mọi người làm không khí chung quanh như được tưới mát, tôi nghĩ, với bản chất như anh thì dòng sông đó cứ chảy mãi không ngừng nuôi dưỡng niềm vui cho mọi người. Sau lần gặp đó thì tôi không gặp anh nữa, và hành lý mang về lại Mỹ như rất nặng thêm bởi những cuốn sách của anh, như ai cũng nói, sách Đỗ Hồng Ngọc nặng ký lắm, mà!

Giờ ngồi đây, một mình nơi khu vườn đầy nắng và lá cây này, tôi bỗng thấy nhớ quá đến bóng mát ở Đường Sách, đến giọng nói hiền và vẻ mặt trầm tĩnh với nụ cười mỉm của anh. Tất cả đúng như hình ảnh một thiền giả mà tôi tưởng tượng khi đọc sách của anh. Tôi nghĩ mình thật quá có lý khi về Việt Nam chuyến rồi, không thì đâu đã được gặp Bác Sĩ Nhà văn Nhà Thơ Đỗ Hồng Ngọc. Và cũng thấy buồn nữa, lúc này tất cả đều khựng lại, bà con bạn bè không được tới lui thăm hỏi nhau, những nơi mua sắm, ăn uống tụ họp đều vắng vẻ, trước khi Covid-19 xảy ra thỉnh thoảng tôi cùng vài bạn thân thiết rủ nhau cà phê ăn sáng, giờ nhớ quá, cứ ra vô trong nhà thẫn thờ. May quá còn có sách. Định bụng sẽ đọc cho hết sách của anh, để học hỏi thêm về Phật pháp, để tập Thiền, để biết ơn mình và nhất là thấm sâu cái quan niệm sống rất giản dị và yêu đời của anh.

Như lúc này, với chiếc võng đong đưa, với chút cà phê đen còn trong tách, với ánh vàng hoa huỳnh liên, tôi đọc và nghĩ miên man…

Trong sách Biết Ơn Mình, tôi rất thích đoạn Hạt Bụi Lang Thang/ Dính vào hơi thở, anh Đỗ Hồng Ngọc viết:

Thiệt ra không có chuyện tự nhiên mà “dính vào” một cách tình cờ chi đâu… Tất cả đều có “duyên sinh” của nó, có nhân quả của nó… Nó “hẹn nhau từ muôn kiếp trước” cả đó thôi! (trang 95)

Đúng vậy, tôi thấy mình đâu phải tự nhiên mà được kết duyên anh em bạn bầu với anh Ngọc, với các bạn. Tôi không hiểu rõ lắm về “duyên sinh”, chỉ thấy là rất đúng với chuyện mình, những người mình được gặp trong đời, lại còn thêm được thương yêu kính mến nhau nữa, tôi muốn nói lời cảm ơn về nhân duyên rất tốt lành đó, và nghe theo anh Ngọc, đã đến lúc phải Biết Ơn Mình, nghĩa là mong sao, đã đến tuổi, dù anh Ngọc cho là còn trẻ này, cũng phải biết lo thu xếp lại, cho cuộc sống bớt bộn bề, sao cho thật giản dị, nhưng đừng để thiếu ba cái như anh Ngọc nói, cái thiếu thứ nhất là thiếu bạn, cái thiếu thứ hai là thiếu…ăn, cái thiếu thứ ba là thiếu vận động… (trang 71). Đúng là ba điều cốt lõi để mình được sống vui trong lứa tuổi 65-75 mà anh Ngọc cho là đẹp nhất này.

Vậy ra mình đang ở vào tuổi đẹp nhất đây, chợt nhìn thấy những nụ hoa bay nhẹ trong gió, nắng buổi sáng nhởn nhơ vòm lá sum suê, làm tôi nhớ quá những khuôn mặt bạn bè, đang ở gần chỉ nửa giờ lái xe mà hơn nửa năm rồi không được gặp chỉ vì cái dịch Covid-19 khủng hoảng này, Khánh Minh,Thu Vàng, anh Trịnh Y Thư ơi!

Tôi bỗng nhớ đã đọc ở Về Thu Xếp Lại, anh Đỗ Hồng Ngọc viết về vô thường:

không có luân hồi sanh tử nữa thì mọi thứ khựng lại. Trái đất chẳng buồn quay. Chẳng còn xuân hạ thu đông. Chẳng sáng trưa chiều tối. Chẳng vô thường. Chẳng đổi thay…

Phải đổi thay thôi! Cho cơn đại dịch này qua nhanh để mình còn được sống đúng nghĩa với cuộc sống đầy thay đổi với những buồn vui, với xuân hạ thu đông, với nhịp đập rộn ràng của trái tim yêu đời.

Và cũng như anh Ngọc, “… Rồi lại cũng không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối…”

Rồi lại được chắt chiu bao kỷ niệm để nhớ về, với bao cảm xúc đã sống với mọi người thương mến, nghĩ vậy mà thấy hình như mắt mình đã “Mít ướt. Nó vậy đó. Biết sao.” (Trích Lời Ngỏ Để Làm Gì)

nttl

Đỗ Hồng Ngọc, bản vẽ hư
trên bao đựng bánh Starbucks
đinhcường

NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI
MỪNG ANH NGỌC TÁM MƯƠI

.
Tám mươi nhìn thân ngũ uẩn
ngộ rằng sắc tức là không
lung linh như hư, như thật
biết mẹ chờ bên kia sông
.
Nửa khuya thì thầm với gió
nghe kìa thấp thoáng lời kinh
hương sen ủ vào giấy mực
thư thả viết từ trái tim
.
Đỗ Nghê một thời cầm bút
dòng thơ theo những chuyến phà
chảy khắp dặm nghìn sông núi
mới hay biển cũng là ta
.
Để làm gì, nào ai biết
bé sơ sinh, gửi tiếng cười
hôm nay về, thu xếp lại
nhiều năm nữa, mây lưng trời
.
Tám mươi già ơi chào bạn
dặn dò ngọn gió heo may
như thị, như thị, như thị
niềm vui gươm báu trao tay
.
Một thời tập nghề đỡ đẻ
viết thư tặng bé sơ sinh
giờ nhìn lại, xa phòng mổ
vào giữa chợ, biết ơn mình
.
Có phải một hôm gặp lại
có người tóc trắng rưng rưng
ngồi cảm thọ từng hơi thở
tắm vô thường khắp thịt xương
.
Vui vô cùng, khi học Phật
thấy trăng lên, ngộ Lăng già
mới hay khắp trời vô ngã
mới hay cõi Phật đâu xa
.
Tám mươi cành mai sân trước
nghe đời vui như gió đông
hoa bay khắp trời mưa pháp
ngẩng nhìn lòng nhẹ như không
.
Chắt hết tim gan phèo phổi
hóa thân mưa bụi lưng trời
giã biệt muôn ngàn kiếp trước
chim bay gió bạt lưng trời
.
Phật Phật Phật, khắp trời bất nhị
Thiền thiền thiền, kinh tụng không lời
Tâm tâm tâm, không người, không pháp
Đỗ Hồng Ngọc, cười mãi tám mươi.
.

ng pth
Gửi về quê nhà, mừng anh Đỗ Hồng Ngọc sinh nhật thứ 80.
Tháng 8/2020, nắng vàng phương ngoại*.

(*) Phương ngoại có 2 nghĩa:
1) nghĩa thứ nhất trong kinh là Niết bàn. Thầy Nhất Hạnh viết: “Phương ngoại là một không gian khác vượt thoát không gian và thời gian của tâm thức. Không gian này bao la hơn. Trong đó không có sinh, không có diệt, không có tới, không có đi, không có còn, không có mất.” (https://langmai.org/phapduong/phap-thoai-phien-ta/giang-kinh/giang-kinh-rong-choi-troi-phuong-ngoai/)
2) nghĩa thứ nhì trong thơ cổ là ẩn dật, ẩn tu. Từ điển viết: “Ở ngoài xã hội, ngoài cuộc đời. Nói về người ở ẩn, hoặc đi tu.” (https://hvdic.thivien.net/hv/ph%C6%B0%C6%A1ng%20ngo%E1%BA%A1i)

Chân dung BS Đỗ Hồng Ngọc Nguyễn Quang Chơn vẽ (tháng 10/2016)

Chân dung BS Đỗ Hồng Ngọc
Nguyễn Quang Chơn vẽ (tháng 10/2016)

ĐỖ THANH TÙNG
CHUYỆN Ở LA GI

ở la gi nhớ một thời
ấu thơ nuôi lớn chỉ lời mẹ ru
ở la gi chiều mịt mù
quanh co bờ ruộng mù u mọc tràn
ở la gi có lá vàng
lá rụng về cội những hoàng hôn xưa
ở la gi có chiều mưa
về qua lối cũ cho vừa lòng nhau
ở la gi có nhịp cầu
chạnh lòng sóng nước chở sầu đi qua
ở la gi nhớ mẹ già
cài hoa hồng kẻo về bà ngoại mong
ở la gi có giòng sông
giòng sông đã khuất mênh mông (xế tà!)
ở la gi giỗ la ngà
sông ơi cứ chảy cùng tà huy trôi
…………………………………………
ở la gi có… một thời
biển sóng cùng nước muôn đời chờ trông
ở la gi có như không
ở la gi có như không… có gì !

đỗ thanh tùng
gửi mừng sinh nhật anh đỗ hồng ngọc

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc Duyên vẽ

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Duyên vẽ

DUYÊN
TUỔI RỒNG VÀNG

Gần đây Nguyệt Mai @ rủ một nhóm bạn viết cho anh Ngọc, mừng Đỗ thi sĩ năm nay vừa tròn 80. Không biết anh có đặt tên cho lứa tuổi này một cái tên dễ thương như những lứa tuổi trước đó chưa, như tuổi hườm hườm, tuổi gió heo may đã về… tôi rất thích.
Trong một bài viết, khi bàn về đời sống, anh đề cập đến lứa tuổi hiện tôi đang trải nghiệm: 60 -70. Anh cho đây là thời gian đẹp nhất, dễ chịu nhất của đời người. Khi đọc qua những điều anh lý luận, đã làm tôi vui và hạnh phúc hơn, tuổi tác không là vấn đề, sống lành mạnh, tránh bệnh tật, phiền não, ở tuổi nào cũng thấy vui…

Tôi thua anh đúng một giáp để được cầm tinh con rồng… anh tuổi Canh Thìn, tôi Nhâm Thìn. Tôi mong có chút gì giống được anh chăng?
Năm Nhâm Thìn nghe kể lại bão lụt ghê gớm lắm, nhiều nơi nếu không mất mạng thì cũng trắng tay, nhất là miền Trung, khi nhắc đến năm này người ta thường liên tưởng đến tai ương, tội tình giống như nói về năm 2020 này vậy, có phải đây là thử thách của Thượng Đế cho loài người bớt tham sân si mà vẫn nhìn ra hạnh phúc. Mới đây nhất, khi đọc trên Blog Phạm Cao Hoàng, để tưởng nhớ nhà văn Mang Viên Long vừa qua đời, anh PCH đã cho đi lại vài truyện ngắn hay và buồn của tác giả. Truyện có nhắc lại khổ nạn của năm Thìn, đúng vào ngày mẹ tác giả qua đời trong một đêm mưa, lũ lụt miền Trung. MVL là nhà văn mà họa sĩ Đinh Cường có vẽ một bức tranh tôi rất yêu thích, trên trán ông bao nhiêu là chiếc chìa khóa (tượng trưng cho công việc ông nhẫn nhục làm khi không còn được làm thầy giáo sau tháng 4 năm 1975) ông giúp người mở lại cánh cửa đã khóa (không còn hy vọng), không biết ông có nhớ làm riêng cho mình một chìa để sao cuộc đời ông buồn quá, chắc chắn năm Nhâm Thìn cũng đã ám ảnh ông. RIP anh MVL.
Tôi sinh ra tại miền Bắc, năm đó có lụt lội không, tôi không được biết, nhưng bom đạn thì tôi đã biết từ khi mới được lên 3 ngày tuổi, năm Nhâm Thìn. Sao vùng nào trên đất nước cũng buồn quá vậy kìa?

Nghe người ta hay khen tuổi Thìn rất tốt, mong đó là sự thật. Điều này có lẽ phải đúng cho anh ĐHN, vì từ khi quen biết anh, tôi nghiệm thấy điều đó. Không biết nhiều về tuổi Canh Thìn, nên tôi tìm vào tử vi đọc chơi cho vui.

Canh Thìn là số rất cao,
Số có kẻ đón người đưa rộn ràng.
Thuận sinh tiếp đãi dạ thưa,
Hiển vinh một cách có thừa chẳng sai

Mấy câu nôm na, à ê quá, có dám gửi cho anh cười vui ngày sinh nhật… Người viết có quen không, sao họ biết rõ về anh vậy kìa? Đúng là anh rồi, y chang luôn!

Một điều rất hay là bất kỳ lứa tuổi nào, anh đều nhìn thấy cái đẹp, cái hoàn hảo của tuổi đó dưới một nhãn quan khoa học, lồng vào cái suy nghĩ nên thơ, bẩm sinh, giầu có của một thi sĩ tài hoa. Người đọc luôn thấy mình may mắn và hạnh phúc. Lối viết dí dỏm, vừa khen, vừa như trêu ghẹo nhưng sau đó, anh vẫn tiên đoán, chắc mẩm: một hạnh phúc sẽ có trong tầm với nếu ta luôn cố gắng và biết cách sống. Bạn bè hoan hỉ “share” các bài viết của anh trên mạng. Khi nhận được tôi vẫn thích thú đọc lại, dù đã đọc nhiều lần… qua những quyển sách dễ thương mang tên anh đang khoe mình trên kệ sách (một số do chồng tôi sưu tập giùm, một số do tác giả tặng) 🙂

Dĩ nhiên khi viết, anh thường dùng kinh nghiệm sống của chính mình. Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc là người rất thành công trong đời về đủ mọi mặt, sách anh viết lại nhẹ nhàng bình dị, rất gần gũi với mọi người, bạn đọc tưởng như đang nghe chuyện của một người bạn, người anh, chú, bác hay ông của mình, một người thấm đẫm Phật pháp, từ tâm, rất uyên bác đang rủ rỉ bảo ban: cố lên nhé, bạn đang có đời sống, đó là điều tuyệt vời, hãy ôm nó bằng hai cánh tay thương yêu và một trái tim tỉnh thức, tôi dám chắc bạn đang là người Hạnh Phúc nhất! Trong một quyển kinh nào đó tôi đã đọc, người sẽ thành Phật khi người người đều giác ngộ, anh như một Sa Di trong một lối hành xử rất riêng.
Anh tuổi Rồng, lứa tuổi của anh người Mỹ vinh danh Golden Age, tuổi hoàng kim, hay tôi gọi tuổi 80 của riêng anh, giản dị tuổi Rồng Vàng, vừa đẹp, vừa sang cả, vừa phong độ, oai phong trong hạnh phúc anh sắp bước vào: lứa tuổi Rồng Vàng, bay thật cao, thật cao… nhả châu ngọc cho đời anh Đỗ Hồng Ngọc nhé.
Mà này, đã là Rồng, làm gì có tuổi?
Nên có đã thành không…

duyên
7/29/2020

Để Làm Gì - Tạp Bút
Bìa sách “Để làm gì” của Đỗ Hồng Ngọc

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
“Ra mắt” ĐỂ LÀM GÌ để làm gì?

(tổng hợp ý kiến của bạn đọc trong buổi ra mắt sách
Để Làm gì của tác giả Đỗ Hồng Ngọc hôm Chủ nhật 5.7.2020)

“Để làm gì” như lời biển rì rầm kể chuyện
Hết đợt sóng này đến lớp sóng khác tiếp theo
Những mẩu chuyện xếp lên nhau kỷ niệm
Như từng bờ, bậc đá cheo leo…
Đưa người xem về một thuở xóm nghèo
Có thuyền thúng
Biển biếc màu ngọc thạch
Hàng dừa xanh
Quê hương mình thật đẹp
Yêu làm sao mây nước thuở thanh bình
Yêu làm sao cát ấm nắng long lanh
Thuở mới lớn với tình yêu ngây ngất
Bỗng gió heo may lãng đãng thu về
Đông chợt đến lúc nào không hay biết
Nhưng vẫn trong ta sức sống tràn trề…

Nguyễn Lệ Uyên, người đến nơi sớm nhất
Hoàng Kim Oanh tay ôm bó cúc vàng
Nhật Chiêu nói
đọc Đỗ Hồng Ngọc
có lúc cười tủm tỉm
có lúc cười ha hả…

Tản văn của Đỗ Hồng Ngọc thật lành, thật nhã.
Sáng, trưa, chiều, tối với “trà Tào-Khê, cơm Hương-Tích, thuyền Bát-Nhã, trăng Lăng-Già…”.

Một cuốn sách “Không làm gì mà làm tất cả.
Làm tất cả mà cũng không làm gì.”
Một câu kết của Ngô Tiến Nhân
Đã ôm trọn ý để làm gì chẳng làm gì
Như vòng tròn nơi bìa sách

Chúc mừng buổi “ra mắt”
Chúc mừng anh ở độ tuổi 80
Vẫn có sách best seller, long seller
Cùng nhiều fan ủng hộ nồng nhiệt
Người truyền lửa cho rất nhiều thế hệ

Anh Đỗ Hồng Ngọc
With us, your friends,
You’re the best of the best
We love you!

July 2020
ttnm

Chân dung BS Đỗ Hồng Ngọc
Charcoal on paper 28 x 24”
by Trương Đình Uyên

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
TỦM TỈM ĐI. VỀ. TỚI.

Gửi Nguyệt Mai

Nguyệt Mai gửi e-mail bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Ở là cư ngụ hả Mai. Ở là lúc, thời gian, phải không Mai. Em nói hay thật đấy, tôi đang hình dung những bước chân tuổi 80 hôn trên đất (sư Nhất Hạnh bảo thiền hành với những bước chân như là hôn mặt đất vậy), tôi đang tưởng thời gian đang bắt tay tuổi 80. Mà ai bắt tay ai trước, với bản chất như thế thì chắc là anh Ngọc nhà mình rồi, Mai đồng ý không? Bỗng nhiên tôi mở lại những hình của anh Đỗ Hồng Ngọc, hầu hết là anh cười, mà cười tủm tỉm, mỉm cười. Khi tôi đọc văn thơ của anh lần nào cũng thầm nói, anh Ngọc là vậy, cứ thế mà tủm tỉm đi tủm tỉm về tủm tỉm tới. Hình ảnh đúng như bao người nhận xét, hòa nhã, thong dong, từ từ, nghĩa là tất cả những hình ảnh nào mang tính dừng lại, thì là anh đấy! Anh là mỉm cười, là tủm tỉm, là dừng lại. Tóm lại, là tự tại. Khiến tôi nghĩ đến câu hỏi của Vô Tận Ý bồ tát: “Thế Tôn, Quán Thế Âm dạo đi trong cõi ta bà như thế nào?” Tôi thích nghĩa dạo chơi này lắm, anh Đỗ Hồng Ngọc qua mấy chục pho sách tung tăng cõi bụi độ thoát bao tâm tư thì quả là dạo chơi như thế đúng không hả Nguyệt Mai?

Trong sách Biết Ơn Mình, anh viết,

Xây dựng hình ảnh về chính mình (self-image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.

Tôi nhớ đã nghe trong một pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói, người đang mỉm cười là tỉnh thức, là chánh niệm, là lúc vững chãi thanh thơi. Phải chăng anh Đỗ Hồng Ngọc luôn tự tại mỉm cười nên chi ba-con-nợ tham sân si kia chẳng có cửa mà vào? Thế có phải là Niết Bàn Lạc Trú như sư Nhất Hạnh giảng? Hình ảnh ấy đã để lại những tình cảm tích cực nơi người có dịp tiếp xúc anh hay tiếp xúc anh qua chữ nghĩa. Hình ảnh đó đối với riêng tôi như một nhắc nhở khi tôi lậm vào những thứ buồn bã linh tinh về cuộc sống về bịnh tật.

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Thì bây giờ chỉ nói cái gì liên quan đến cái tuổi thôi nhé Mai, mà nói về phạm trù này thì hầu như chiếm hết trong danh mục mấy chục cuốn sách của anh Đỗ Hồng Ngọc đấy, dám không! Tám mươi tuổi, nhìn dáng vẻ mặt anh thì thấy, ừ 80 thật (dạ thưa quả-táo-nhăn-nheo, can chi một chút eo sèo thời gian!), nhưng nghe anh nói chuyện, đọc văn anh thì ai cũng thốt lên, sao trẻ trung thế! Tôi nghĩ anh được phong thái như thế vì anh chấp nhận tuổi tác vui vẻ quá, đến tuổi nào thì reo tuổi ấy, đây là cách mà chị em mình nên bắt chước đó, Kim Quy, Duyên, Mai, Thu Vàng, Thanh Lương ơi, cái màu tóc bạc, cái da cổ nhăn nheo sẽ làm người ta quên ngó tới khi tiếp xúc với một ánh mắt ấm áp, một nụ cười thân thiện -nếu không tủm tỉm được thì cứ mở hết diện tích của cái miệng xinh, cũng tốt lắm-, khi nào đủ nội lực thì tức khắc tủm tỉm được thôi.

Mà anh đã vào mùa sinh nhật 80 ư anh Ngọc? Nhưng dường như ngày nào cũng là sinh nhật anh mà, nhớ câu thơ này không, Nguyệt Mai, khi em tổ chức sinh nhật anh Ngọc trên không gian ảo nên thơ của Những Tình Thân Ái?

 Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là sinh nhật của anh… (Sinh Nhật)

… Mỗi ngày ta rơi rụng/ Mỗi ngày ta phục sinh (Vô Thường)

Ngày nào mở mắt ra cũng nhủ cười: -hôm nay sinh nhật mình- nên chi anh Đỗ Hồng Ngọc viết cả một loạt sách về cái nhân sinh quan reo tuổi -một võ công thâm hậu đủ sức mạnh để xoay sở với thời gian-. Đôi khi tôi nhìn những vết nhăn, vướng một bịnh nào đó của tuổi tác tôi cứ bị lôi về những kỷ niệm, làm sao tu để có được cái tuệ giác vô thường hầu ứng xử với những nỗi buồn ấy…

Ở đâu đó anh nói, đời người có ba hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó. Cái Hồi đó này bao trùm cả ba hồi. Như giờ ai hỏi tôi đang ở hồi nào, chắc tôi trả lời, hồi đó, đúng lắm, vì ngay phút trả lời thì đã thành hồi đó rồi, nhưng không phải là hồi xưa đâu, là cái đã, vừa qua mà cứ lung linh rung rinh hiện tại. Thế thì em có hiểu thêm cái nghĩa của tủm tỉm không vậy, Nguyệt Mai? Anh lại bảo: … với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ (Thư Gửi Người Bạn Nhật Chưa Quen Biết). Bởi vậy mà tới tuổi nào anh cũng có vô số chuyện để đối thoại với chúng, và lúc nào cũng như đứng trước tấm gương tuổi mà hỏi, tôi bây giờ tôi khác gì xưa (Về Thu Xếp Lại), rồi tủm tỉm tay bắt mặt mừng với nó. Hẳn là thời gian cũng vui mừng khi có người bạn đồng điệu ngang cơ như thế. Luôn nhìn mình hỏi mình để thấy được từng lúc rơi rụng, phục sinh thì sao mà không vui vẻ với cái không ta để thanh thơi mỉm cười?

Mai ơi, em có như tôi, vô cùng “gato” cái dũng ấy của anh không? Hùng lực ấy đến từ đâu? Thưa ở nơi cái nhìn rất nên thơ về các giai đoạn đời người. Nên thơ nên chuyển hóa được sợ hãi lo buồn.

Trong Thư Cho Bé Sơ Sinh, anh viết:

Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
… Khi người ta cắt rún cho bé thì từ đó cái lỗ rún trở nên một nơi chốn để nhớ về.

Khi vừa lìa khỏi êm ấm cõi lòng mẹ, thì có ngay sau đó hình ảnh lỗ rún như một quê hương để nhớ về. Anh đã nhìn nỗi chia lìa kia trữ tình làm sao!

Và khi đến tuổi hoang mang vô kể thì anh cho đó là một phép lạ:

Rồi khi người ta đến tuổi dậy thì, cũng một đợt “biến thái” đầy phép lạ nữa!… không chỉ thể xác mà cả tâm hồn! Người ta xa lạ cả với chính mình. Cao vọt lên, dài ngoằng ra, chỗ phình chỗ xẹp, chỗ lõm chỗ lồi, chỗ dư chỗ thiếu, làm người ta hoang mang vô kể! 

… Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn (Huy Cận). Họ ở đây là… mình chớ không phải ai khác. Bỡ ngỡ xa lạ với mình ngày hôm qua, hôm kia… (Đỗ Hồng Ngọc)

Nếu Hồi đó có ai nói với tôi rằng, có một chiếc đũa thần gõ vào thân thể khiến nó thay đổi lạ lùng đến thế thì hẳn đã không phải “théc méc” lo sợ! Các cháu bây giờ thì đã có bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích rồi, mà nói kiểu của bác thì hẳn đa số các cháu nghe xong sẽ làm văn làm thơ… Bởi có cái nghe như thế này:

Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (Những Tật Bịnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò)

Nghe như thế thì hẳn chả lo sợ gì mà thay vào là nỗi hồi hộp thơ mộng, nghe má mình đang hồng lên, chờ một điều âm thầm nào đó đang khiến mình đẹp hơn lên… Nguyệt Mai ơi, phải mà mình được trở lại tuổi đó để được nghe như thế thì thú quá phải không Mai?

Rồi tới cái tuổi mà Đỗ Hồng Ngọc bảo: Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình… (Một Chút Lan Man)

… Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến…

A. Khi tình yêu tìm đến… vậy tất có cái hồi rất dài đó, anh Ngọc ơi, không chỉ tuổi hai mươi đâu, đó là Hồi yêu, nhìn lại những Reo Tuổi của anh xem, bất kể tuổi nào cũng có tình yêu hiện diện, sắc mầu biến hóa như chiếc kính vạn hoa. Lúc nào Đỗ Hồng Ngọc cũng nhận diện được Thương Yêu chung quanh mình. Nhận về rồi trao đi, rồi thủ thỉ với nhau, Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa! (Một Chút Lan Man)

Nguyệt Mai ơi, em bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Nhưng với ý nghĩ lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ, thì tôi có kết luận rằng lúc nào ông anh nhà thơ lãng mạn của chúng ta cũng ở vào Hồi yêu. Yêu em, yêu người, yêu đời, yêu đạo.

Lúc tôi đọc Thơ Ngắn Đỗ Nghê, tôi có ghi chú dưới mấy bài thơ tình mấy chữ: trời ơi tình! Đã định bụng viết về mảng trời ơi này của anh, nhưng rồi lại xớ rớ đâu đó, giờ tôi xin chép lại đoạn viết ngắn ấy.


Thời gian chỉ còn là một đường tơ mong manh cho nỗi nhớ lay động. Hãy xem chàng làm gì để nguôi? Phải hét lên cho cây già hốt trẻ, phải gióng vang chuông trần cho ta bà biết nhớ…

Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già…
… Nhớ ơi rung tiếng chuông trần
Em xa xôi biết có bần thần không?

(Quê Nhà)

Phải là tiếng chuông nhớ rất duyên nợ với rung động bần thần yểu điệu kia, nên Lá chín vàng / Lá rụng / Về cội / Em chín vàng / Chắc rụng / Về anh. (Lá 1994). Thế thì Thôi hết cồn cào / Thôi không quặn thắt / Chỉ còn âm ỉ / Chỉ còn triền miên (Nỗi Nhớ). Và bình yên. Có phải đã ước nguyện với nhau như thế?

Có thể nói tuổi cho tình yêu này?  Say mơ của tuổi hai mươi. Nồng nàn của tuổi ba mươi. Lắng thương sâu của tuổi bốn mươi. Và biến hóa nhiệm mầu của tuổi không tuổi…

Đưa em đi lễ
Vầng trăng treo nghiêng
Em làm dấu thánh
Anh làm dấu em.

(Đi Lễ 1997)

Anh hôn đằng sau
Anh hôn đằng trước
Anh hôn phía dưới
Anh hôn phía trên
Chiếc áo của em
Món quà em tặng
Chiếc áo lạ lùng
Có mùi biển mặn
Có mùi dừa xiêm
Có mùi cát trắng
Có mùi quê hương…

Paris 1997
(Món Quà)

Tinh nghịch, mộc mạc, giản dị, đằm thắm, cảm động. Em và quê hương giờ đây hòa vào nhau. Nhớ em là nhớ quê hương. Nhớ quê hương là nhớ em. Trời ơi là tình!

Cái tuổi nào mà có thể thủ thỉ những câu có thể đưa nhau tới nơi không sinh không diệt như vầy:

Cảm ơn em sợi bạc
Cảm ơn em sợi hung
Cảm ơn em năm tháng
Đã theo già cùng anh

(Theo Già)

Nguyệt Mai ơi, hẳn em cũng như tôi, đã rưng rưng khi đọc những câu thơ này, tôi cảm thấu được thời gian gắn bó đi theo màu tóc thủy chung của tình vợ chồng, của đạo vợ chồng. Chúng ta còn khóc huống chi là nhân vật Em kia, Mai nhỉ. Ai nói tuổi được của cái Đẹp?

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Tưởng tượng, một buổi sáng nắng rất đẹp hứa hẹn một dạo chơi Đường Sách, bỗng thấy anh mình ngồi trầm tư loay hoay giữa bộn bề sách vở thư từ tranh ảnh, ở mắt dường như có hạt thủy tinh, ngạc nhiên hỏi cớ vì sao, cái tủm tỉm cố hữu bỗng nghiêm trang, “Vào tuổi tám mươi, anh nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” , tôi thấy mắc cười quá, đồng ý việc thu xếp lại kia, nhưng “nhìn lại mình” thì anh lúc nào mà chẳng, mà thường trực nhìn lại mình cơ chứ, phải không Nguyệt Mai. Đọc xem: … tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai… (Một Chút Lan Man) Nhìn ra vậy chẳng phải là pháp tu của Người Biết Sống Một Mình? Thanh thơi với ở đây và bây giờ, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

… Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)

Và trong buổi ngồi thu lại những ký ức thời gian và xếp lại những vướng víu đa đoan ấy, anh đã tâm sự:

… Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Nguyệt Mai có nhận thấy không từ cái thay đổi của tuổi mới lớn đến tuổi hơi già, già chút nữa, già thêm nữa đến…, anh Ngọc đều cảm nhận đó là những biến thái đầy phép lạ, diễn biến tuyệt vời, tôi gọi reo tuổi là vậy:

… Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ! (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)

Và “người không già không trẻ” này kể kinh nghiệm hưởng thụ cái dễ thương đó:

Một là thiếu bạn. Nhìn qua nhìn lại, bạn cứ rơi rụng dần… – Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng nghe mệnh lệnh của bao tử… – Ba là thiếu vận động! (Những Cái Thiếu Ở Người Già)

Nghe thì thấy anh Đỗ Hồng Ngọc chả thiếu cái nào, các bạn trong Gánh Hát Rong mở email từ hồi nảo hồi nao đến giờ có phải là anh thường xuyên ngao du sơn thủy cùng bạn hữu không? Lúc thì với hồng nhan tri kỷ của cuộc đời, lúc thì bạn cố cựu cỡ nửa thế kỷ như Lữ Kiều rồi thì Khuất Đẩu Lê Ký Thương Nguyễn Lệ Uyên Nguyên Minh Lữ Quỳnh… chưa kể một hàng dài người ái mộ xếp hàng chờ một chữ ký trên trang sách thơm, chưa kể ở khắp nơi có biết bao người đang cầm trên tay sách của anh, chưa kể Gánh Hát Rong còn có: Huyền Chiêu, Ngọc Vân, Kim Quy, Duyên, Thu Vàng, Nguyệt Mai, Thanh Lương, và Khánh Minh đây. Nói chung thì Người Trẻ Lạ Lùng Đỗ Hồng Ngọc kia lúc nào cũng có cái Bên Cạnh. Có khi thì em bé mò trai lượm ốc, có khi là người chủ quán cà phê, có khi thì cây bàng, tảng đá, có lúc là những thuyền thúng, còn không thì có nụ cười tủm tỉm trên môi. Đâu có thiếu bạn. Còn ăn ư, cũng không thiếu nốt, vì ngồi với bạn là có cái gì đó để cùng nhau nhâm nhi, thậm chí ngồi quán ăn xong thì có ai đó bí mật trả tiền rồi.  Mà đã đi lang thang hết núi tới rừng tới biển tới quê nhà thế thì sao thiếu vận động được, ôi chả trách người viết Biết Ơn Mình. Và chắc giờ đây sau khi Về Thu Xếp Lại và hỏi Để Làm Gì thì “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của mình, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ.” Tôi cảm thấy cái diệu kỳ nhất, là nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình” (Tìm Tết). Chậm lại, nghe tiếng trái tim, cho ta năng lực để thấm thía được hết những đau khổ và hạnh phúc, mới tu học được bốn tâm vô lượng mà Phật dạy để đối xử với người với mình trong hiểu và thương, phải vậy chăng?

Ở Hồi yêu ấy người-ta lại nói thêm, nghiên cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng sống khỏe sống vui hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Nguyệt Mai bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80 đấy. Nhớ anh có bài thơ rất tình:

thì viết cho anh một lá thư tình
trên tờ pelure xanh
như thuở em mười lăm…
… thời gian qua nhanh
em nay lên bảy tám
cũng vừa mười lăm
anh vẫn đợi hoài lá thư màu xanh
đọc run thuở đó…

(Biết Làm Gì Đây, 2020)

Khi đọc bài thơ trên của anh, tôi có trả lời, em nghĩ ừ hay mình viết một lá thư tình cho ai (cho cố nhân hay cho thời gian) trong lúc đang shelter in place này bằng giấy pelure xanh chăng? Có vậy mới quên được bầy quỷ Covid-19 đang hoành hành, và tuyệt thay tôi nhận được câu trả lời của anh, mà em chưa tới bảy mươi viết thư tình hơi quá sớm chăng? Ừ, thì cứ như Đỗ Hồng Ngọc, như Quang Dũng, em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh xưa…

Và, Nguyệt Mai ơi hãy nghe cùng tôi những tế bào sinh sôi khi đọc: Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới…” (Lời Ngỏ – Về Thu Xếp Lại). Như vậy thì tất cả trong Gánh Hát Rong mình đang là tuổi chín tới đấy, nghe cực lãng mạn phải không các bạn trẻ lạ lùng của tôi? Ơi Huyền Chiêu Ngọc Vân Kim Quy, ơi Duyên Thanh Lương Thu Vàng ơi…

Santa Ana, Jul 24, 2020
ntkm

* Những chữ viết xiên trong bài là văn, thơ của tác giả Đỗ Hồng Ngọc.

2 thoughts on “Chúc Mừng Sinh Nhật Bác sĩ / Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc

  1. Pingback: Tháng sinh nhậtTrang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  2. Pingback: "Tháng sinh nhật" (!)Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Comments are closed.