Lê Quốc
Lời tác giả: Những ngày tháng tự quản thúc tại gia vì thảm họa Covid. Bị trói tay, trói chân. Trói cả mặt mũi, miệng mồm. Buồn bã! Chán chường! Một nỗi buồn không tên gọi. Một tâm trạng hoang mang. Không biết bao giờ thảm họa này mới chấm dứt… Ngồi buồn, nhìn lên một chồng sách thi ca: thi ca bỏ túi xuất bản trong nước, thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Nguyễn Bính, thơ gần đây nhứt tại hải ngoại: Hoàng Xuân Sơn, Hà Huyền Chi, Trần Văn Lương, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Dần và mấy quyển phê bình văn học Hoài Thanh, Võ Phiến, Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Trần Hồng Châu (tức Nguyễn Khắc Hoạch) đang nằm lẻ loi cô độc trên kệ sách. Những quyển sách này người ta đã nói nhiều rồi. Hàng trăm quyển sách, hàng chục ngàn trang sách. Những tác giả hầu hết là bậc thầy của kẻ viết bài này. Cho nên muốn tìm một cái gì mới lạ hơn, gần gũi hơn, thay vì đi theo những khuôn mòn sáo cũ… Nhìn lên kệ sách bên cạnh, tôi thấy có nhiều quyển thơ do bạn bè gửi tặng. Tôi hết sức trân quý vì đó là tấm lòng của những bạn bè. Trong những sách này có một quyển thơ có dấu triện son và chữ ký của nhà thơ gửi tặng với những lời lẽ trang nhã, cung cách ân cần. Tôi vói tay lấy xuống mới biết là của nhà thơ Trang Châu, người đã có thời được bầu làm Chủ Tịch VBVNHN (Nhiệm kỳ 1991- 1993). Xin thưa rằng tôi chưa một lần mặc áo thụng – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – tôi viết mấy dòng cảm nhận thật thà về thơ Trang Châu. Ngày xưa, tôi đọc thơ như người cỡi ngựa xem hoa. Đọc để giải trí. Học để kiếm cơm. Bây giờ, tôi đọc thi ca với tuổi đã về chiều và cũng đã nếm trải qua bao thế thái nhân tình, thăng trầm vinh nhục. Trong tinh thần và hành trang đó, tôi thử đọc Trang Châu, một tác giả gần gũi với tôi và đã mở cánh cửa tâm hồn cho tôi đi vào thơ ông.

xem tiếp