Đọc Nhớ Về Những Ngày Tháng Cũ *

Trần Bang Thạch

HaiTrau_cover.JPG

Mở đầu Nhớ Về Những Ngày Tháng Cũ (NVNNTC), ta hãy nghe lời thưa trước của tác giả, tự nhận là một người đọc nhà quê già: “… Nhưng rồi, tôi lại phải đi gom góp các trang ghi chép về đời sống nơi miền quê cùng vài hồi ức về những ngày xa xưa cũ…” Rồi người làm ruộng già này bộc bạch thêm: “… vì vốn là một người làm ruộng già, nên tôi chỉ mong những gì mình ghi lại nơi đây, trước nhứt là để mình có dịp sống lại những ngày tháng cũ của mình mấy chục năm về trước thôi, chứ không dám mơ văn hay chữ tốt gì nơi tập sách quê mùa này!”.

Ối trời! Lão già khú nhà quê này khôn quá mạng nghen. Ông có cái già, cái nhà quê quý như vàng mà làm bộ hổng biết! Càng già càng có nhiều chuyện để nói. Nhờ cái gốc nhà quê mà ông kể chuyện nhà quê mới hết sẩy! Người thật việc thật mà Anh Hai!

Thứ nữa là ông tưởng ông viết để mình ên ông sống lại những ngày tháng cũ của riêng ông thôi sao? Đối với riêng người đọc hèn mọn này, ông lão nhà quê ơi, ông đã khuấy động một vùng ký ức thật rộng, thật sâu của tui. Từng tấm hình, từng bài viết… là kỷ niệm của ông, là bến bờ ký ức đẹp của ông cũng là của tui nữa đó. Và biết đâu cũng của một số người khác.

Đối với người xa quê hương như tui và ông thì Ông Sơn Nam đã nói từ lâu rồi mà:

Năm tháng đã trôi qua,
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

Mình là hạt bụi nhớ đất quê đó anh Hai ơi!

Lược sơ sơ nghe chơi nhen: Trường Thoại Ngọc Hầu, cầu Hoàng Diệu, Bắc Vàm Cống, Bến đò Châu Giang, Bồ đề Đạo Tràng, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Bến Ninh Kiều, cầu khỉ, chiếc bắc, rừng Tràm, nhà lá, nhà bè cá, bầy vịt hãng… những nơi tui từng sống suốt hơn nửa đời người. Rồi những tắc ráng, xuồng, ruộng lúa, rừng tràm, đống rơm, con bò, … làm tui nhớ quá chừng thằng nhỏ nhà quê chưn phèn dính đất của mình. Ấy da! Rồi mắm Châu Đốc, xoài, cóc, ổi, mận, bông điên điển, bông súng, lục bình, tôm cá… càng nhắc càng thèm!

Cho thấy chưa đủ sao mà ông ỷ già chơi gác! Ông còn nhắc Sài Gòn, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên của tui. Ký ức của tui đã theo chân ông bước lùi về những nơi chốn này làm nhớ ôi là nhớ. Nhớ rồi thương thêm, rồi tiếc cho một thời vàng ngọc đã qua. Và sắp lùi dần vào hốc tối của đầu óc lão lai. Là mất hết!

Nghe ông lão nhà quê kể chuyện Sài Gòn nghen: “Nhớ Sài Gòn những năm tháng ấy là nhớ những con đường rợp bóng me mát rượi với những gánh cà phê pha bằng vợt giữa trưa nắng gắt ngồi dưới gốc me nhâm nhi ly cà phê đá mới pha với mùi cà phê thơm ngào ngạt mà thấy đời sao quá sướng, quá an nhàn”. Nói thiệt với ông nhen, thuở đó chắc ông chưa biết phì phà Bastos xanh nên chưa thấy ngầu thêm với tách cà phê đen không đường và sách Phạm Công Thiện dày mo trên tay. Tui hơn ông chỗ này; có lẽ hơn luôn cái mái tóc phủ ót bít-tơn nữa. Và hơn luôn cái mục cà phê dưới gốc me với kẹp tóc. Ơ ông này, ông dám nhắc cái Đại Học xá Minh Mạng của tui, cả trường Võ Khoa Thủ Đức. Ông làm tui nhớ thêm bánh bao bà Năm Sa Đéc bên đường rầy xe lửa Chợ Lớn-Mỹ Tho, nhớ Vũ Đình Trường, đồi Tăng Nhơn Phú, đồn quân cảnh 301. Tuổi thanh xuân của tui chôn ở đó khá nhiều. Rồi mấy con đường Nguyễn Huệ, Phan Thanh Giản, Cộng Hòa, Lê Lợi, Bà Hạt… Ông nói trúng phóc: “… rồi một ngày nào đó sẽ không còn, nào ai biết được có một thời những con đường quen tên ấy có biết bao người đã bao lần đi đi về về ngược xuôi trên những con đường xưa thân ái ấy”. Nhiều tên đường cũng theo số phận Sài Gòn mà mất tên sau cơn sóng dữ. Chắc ông cũng giống tui thời học trò nghèo chỉ biết có rạp Long Vân, Vĩnh Lợi, vừa coi vừa ngủ, dám đâu vào Rex, Eden. Ông già này đáo để lắm nghen: Ông nhắc quán sách báo ngoại ngữ trên đường Ngô Đức Kế nơi ông mua bộ tự điển Encyclopaedia Britannica mà làm bộ như quên nhắc ông mua luôn cô hàng sách, gái đẹp gốc Tân Châu tên “chị Bảy Bookshop”. Từ Sài Gòn ông dẫn tui qua bắc Vàm Cống, vào trường Thoại Ngọc Hầu. Ông còn cho tui nhìn lại hình ngôi trường tôi đã ở nội trú cả năm. Cái Vàm Cống này thì quen quá với tui mỗi lần từ Sài Gòn về Long Xuyên, Châu Đốc. Vàm gì mà thấy bờ bên kia trước mặt mà bắc chạy ngược xuôi theo con nước, lâu phát ớn! Ông nhắc tên trường Thủ Khoa Nghĩa, trường Nguyễn Hữu Cảnh, kinh Lò Heo… làm tui thấy như mình đang đưa tay ra là đụng, rồi ôm vào lòng những vật thể thiết thân một thời của chàng trai mới lớn “theo nàng về xứ lạ”! Ông nhắc vài nơi ông đã đi qua, sống qua… đọc cho biết thôi chớ mình không sống qua nên không có cảm nhận gì. Chỉ một tấm hình ông chụp ngồi với nàng ở bậc thang lên chùa ở Cam Ranh, kế bên là phiến đá ghi rành rành hàng chữ: “Xin đừng hái hoa” vậy mà ông có “care” gì đâu, ông ngồi khít rịt với nàng đủ biết hoa đã bị ông cò phạm luật hái rồi!

Bậc thang lên chùa Vạn Hạnh (Cam Ranh) năm 1970.

Ông già này độc nhen: Ông đưa người thanh niên đi từ Sài Gòn dìa Long Xuyên, Châu Đốc, qua mấy nơi xa Sài Gòn, rối thoắt một cái ông cho tui thành thằng nhỏ ở ruộng đồng An Trạch, vườn quê Bà Vèn của tui khi ông nói về những cây cầu khỉ, cái xuồng ba lá, cái lu, cái khạp, cái rế, cái nia, cái lờ, cái lưới, cái đăng… đồ chơi mà ăn thiệt hồi nhỏ của tui đó. Tui là vua câu rê mà. Nhưng bộ ông không biết con trâu sao vậy, không nghe ông nói tới? Chắc ông không có cái thú cỡi trâu như tui. Vui lắm ông ơi! Tắm ở vũng trâu nằm giữa nắng chang chang khoái hơn tắm hồ bơi Đô Thành, chỉ thiếu mấy cái bikini rửa mắt!

Có lẽ đây là cái chiêu độc đáo của lão nhà quê trên xứ cờ hoa: Ông đem được giống điên điển từ ruộng nước Châu Đốc, Long Xuyên cắm trên vườn sau của ông, lại điểm xuyết thêm ao lục bình trổ hoa tím, bông súng, bông sen… Cái Góc Việt Nam này của ông thật đáng đồng tiền bát gạo! Cái Hồn Quê của ông đó.

Nói bây nhiêu chưa hết đâu ông ơi. Chữ nghĩa của ông làm ruột gan tui lộn tùng phèo, thương thương, nhớ nhớ, quên quên, tiếc tiếc… đủ thứ. Lại mắc bịnh làm biếng nên trước khi ngưng tui muốn mượn thơ Kiên Giang để tặng ông:

Dầu xa cách mấy trùng dương,
Ở đâu cũng có quê hương trong lòng

Mấy lời thô thiển gởi tới Anh Hai, coi như hai lão nhà quê mình một buổi rảnh rang chuyện đồng áng, ngồi trên đệm lác khề khà bên hũ nếp than cho vui vậy mà.

Trần Bang Thạch
Houston, ngày 17 tháng 6 năm 2023

* Thân mời các bạn đọc sách “Nhớ Về Những Ngày Tháng Cũ” của tác giả Hai Trầu Lương Thư Trung tại đây.