Trí Ngô
Phần II: Nhà điêu khắc Igor Mitoraj
Nhà điêu khắc Igor Mitoraj – Nguồn: Internet
Igor Mitoraj, điêu khắc gia đương đại, cha gốc Pháp, mẹ Ba Lan, chôn nhau cắt rốn tại Đức năm 1944, là tác giả bức tượng Daedalus (Hình 1) tại Pompeii và Icarus gãy cánh (Hình 2) tại Valley Of The Temples (xem Phần I: “Gặp lại” Icarus). Ông tốt nghiệp ngành Hội họa tại Viện Nghệ thuật Krakow, Ba Lan (1967). Sau khi chuyển sang sống ở Paris, Igor Mitoraj có dịp du hành một số quốc gia vùng Nam Mỹ. Thông qua những chuyến đi đầy cảm xúc, ông ta bị quyến rũ bởi vẻ đẹp kỳ diệu thoát ra từ các pho tượng mang sắc thái đặc biệt Châu Mỹ La Tinh. Như một cậu bé dậy thì chợt tìm thấy tình yêu, Igor Mitoraj bỏ hẳn hội họa để quay sang điêu khắc (1974). Và Igor Mitoraj lại tiếp tục tiến hành nhiều chuyến đi khám phá nghệ thuật, lần này các điểm hành hương là nước Ý, nơi còn rất nhiều tác phẩm điêu khắc cổ đại còn tồn tại đến ngày nay, nhưng đã bị thời gian bào mòn hay gây tổn thương nghiêm trọng.
Hình 3: Tượng đồng “Light of the Moon/Ánh Trăng” 1991,
đặt ở bãi biển Scheveningen, Hà Lan – Nguồn: Internet
Cho đến khi Igor Mitoraj từ giã cõi đời ra đi, các tác phẩm điêu khắc của ông ta luôn xoay quanh chủ đề “trân trọng những gì cổ kính, từ đó khám phá và phát triển cái đẹp trong sự đổ vỡ, không toàn vẹn“. Sử dụng vật liệu đá, đất sét, hay đồng thau, những đứa con tinh thần của ông ta – nằm rải rác khắc nơi trên thế giới – chỉ là một phần nào đó của thân thể, khiến chúng ta khi ngắm nhìn, vừa liên tưởng đến các bức tượng cổ xưa bị tàn phá theo thời gian, vừa phải đắn đo về nỗi đau mất mát của con người. Vườn Tuileries ở Quận I, Paris, cũng là khu triển lãm rất nhiều “cái đẹp trong sự đổ vỡ, không toàn vẹn“. Hy vọng trong thời gian tới, quý vị khi có dịp đi du lịch thế giới, cũng như thăm viếng những khu di tích lịch sử, sẽ khám phá ra một số tác phẩm nghệ thuật của Igor Mitoraj?
Hình 4: Tượng đồng “Centurione I/Tướng La Mã I” 1987,
đặt ở thành phố Bamberg, Đức – Nguồn: Wikimedia
Trước khi chấm dứt Phần II của bài này tôi xin được quay trở về với Icarus, thông qua bức vẽ sơn dầu “Landscape with the Fall of Icarus” (Hình 5), tạm dịch nghĩa đen là “Phong cảnh với cú rơi của Icarus“, chào đời trong khoảng thời gian từ 1555 đến 1560 (tức là gần 1600 năm sau “sinh nhật” Icarus), hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật ở Brussels thủ đô vương quốc Bỉ. Một vài câu hỏi liên quan đến ai là tác giả, bức tranh là bản chính hay bản sao chép lại, v.v…, vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa có trả lời chính xác.
Hình 5: Bức tranh “Landscape with the Fall of Icarus –
Phong cảnh và cú rơi của Icarus” – Nguồn: Wikimedia
Không bàn tới những thắc mắc còn tồn đọng xoay quanh vấn đề ai là tác giả, mà giới nghiên cứu hội họa chuyên môn cho là của Pieter Bruegel the Elder, ấn tượng đầu tiên khi chúng ta chiêm ngưỡng bức tranh vẽ là cảnh trí thanh bình thời Trung cổ tại một ngôi làng ven biển. Kiểu bố cục dựa vào một đường chéo tưởng tượng chạy từ góc trái phía trên đâm xuống góc phải phía dưới, tạo cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng, bình thản. Các chi tiết khác góp phần đào sâu thêm cảm giác an tâm nói trên: nông phu thúc ngựa cày bừa thửa ruộng xanh tươi, bầy cừu non ngoan ngoãn bám theo chân người chủ chăn, thuyền buồm căng theo gió lộng sắp sửa ra khơi, xa xa ở cuối đường chân trời, ánh sáng lung linh như đang mời gọi v.v… đúng là thiên đường hạ giới!
Nhưng phải chú ý lắm chúng ta mới nhìn thấy ở góc phải phần bên dưới, đôi chân Icarus cố hết sức quơ lên đạp xuống, vùng vẫy đầy tuyệt vọng, trước khi đầu hàng số phận, chìm xuống đáy biển. Tại sao nhân vật chủ chốt Icarus lại chỉ xuất hiện quá khiêm tốn (chiếm chưa đến một phần trăm diện tích bức tranh), so với các nhân vật và chi tiết khác? Hai chiếc cẳng rất nhỏ bé, ẩn hiện mờ nhạt ở góc khuất của bức tranh, tượng trưng cho hồi kết bi thảm của chuyến vượt ngục đi tìm tự do, hay một chân lý nào đó. Trái ngược lại, nằm giữa biển và hầu như chiếm vị trí trung tâm bức tranh là tòa tháp, nơi cha con Daedalus và Icarus bắt đầu chuyến vượt ngục, hay chuyến đi tìm chân lý, vẫn còn tràn trề bao hy vọng.
Bi kịch xảy ra trong lúc tất cả mọi người: bác nông phu vẫn chăm chú quan sát các luống cày, ông chăn cừu vẫn nhìn trời chắc để suy đoán lúc nào mưa, và ngay sát “hiện trường” một người thản nhiên tung cần câu cầu mong cá đớp mồi. Ai cũng thờ ơ, chẳng ai đoái hoài tới cái chết của chàng Icarus, và thế giới này bình chân như vại cứ thế mà “phát huy”, cứ thế tiếp tục công việc hằng ngày, coi như chẳng có gì phải làm ầm ĩ. Tự do là gì? Chân lý là gì? Phải chăng tác giả bức tranh sơn dầu ra đời trong thời Trung cổ, mượn đề tài Icarus, để cố gióng lên hồi chuông báo động về những biểu hiện xã hội xuống cấp trầm trọng.
Dù sao thì sao, có những huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết v.v… dù ra đời đã vài trăm đến vài ngàn năm trước, vẫn tiếp tục được con người mọi thời đại chọn làm nguồn cảm hứng, cho tái sinh, dưới nhiều nhãn quan khác nhau, và trở thành bất tử. Huyền thoại Icarus là một thí dụ tiêu biểu. Chúng ta có thể nhìn “Đôi cánh Icarus” qua lăng kính như sau. Cha con Daedalus và Icarus là hai nhân vật tự chủ động, hay nhận trọng trách, đi tìm cái gọi là “Tỷ Lệ Vàng” cho cuộc sống. Daedalus đóng vai “lý thuyết gia”, đưa ra một số giả định và giới hạn: “Đừng cao quá mà cũng đừng thấp quá. Phải chọn một tỷ lệ tối ưu”. Icarus dù được tập luyện, trang bị đầy đủ lý thuyết để thực hiện ước mơ nói trên, nhưng vẫn thất bại, phải trả giá bằng chính sinh mạng mình. “Tỷ Lệ Vàng” cho cuộc sống là thách đố luôn luôn vượt ngoài khả năng con người, hay chỉ vì Icarus áp dụng sai lý thuyết của Daedalus?
Nhưng thật là phiến diện và đơn giản hóa, nếu chúng ta đánh giá “Đôi cánh Icarus” chỉ là lời khuyên con người nên chọn triết lý sống trung dung, tránh vượt qua những lằn ranh đưa ta đến hiểm họa thất bại, thậm chí tử vong. Văn hóa Á đông chẳng phải đã khuyên chúng ta hãy “tận nhân lực” rồi sẽ “tri thiên mệnh” hay sao. Huyền thoại này như vậy, còn cố chuyển tải các thông điệp quan trọng khác trong hành trình của nhân loại đi tìm chân thiện mỹ, với cuộc sống vô vàn phức tạp, vàng thau lẫn lộn nhiều cặp đối kháng: chân-giả, thiện-ác, mỹ-xấu, tự do-ngục tù, v.v… Trong mọi chuyến hành trình gian khổ nói trên, Icarus đi sau liên tục nối tiếp con đường của Icarus đi trước, xuất phát từ mê cung u tối, cố vươn cao tới vùng ánh sáng, nhưng lại chìm xuống biển cả của vô minh, tạm chấm dứt một quy trình, để lại khởi động một quy trình mới, vô thủy vô chung.
Trí Ngô
Ghi chú: Bài này dựa vào tài liệu chủ yếu lấy từ WIKIPEDIA, bao gồm các đề tài liên quan đến Icarus, Igor Mitoraj v.v…
(còn tiếp)