Trí Ngô
Phần I: “Gặp lại” Icarus
Vài mùa Xuân trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, chúng tôi – trên 40 khách lữ hành, hoặc đã quen biết nhau, hay mới gặp lần đầu – được đến thăm miền Nam nước Ý. Thời tiết khá chiều lòng người, ngoại trừ một hai cơn mưa tầm tã, mùa Xuân là thời khắc lý tưởng, không chỉ riêng cho người đã có sáu, bảy bó trở lên, để du ngoạn mà không mất sức, vì trời không quá nóng, không quá lạnh, không quá ẩm ướt v.v…
Chuyến du hành để lại bao nhiêu ký ức nhẹ nhàng, bao nhiêu điều đáng nhớ. Và thâm tâm tôi tự nhủ, phải cố gắng ghi lại những khoảnh khắc khó quên, bằng con chữ, câu cú, càng đầy đủ càng tốt, bên cạnh mớ hình ảnh hỗn độn, tay bấm chân đi, chụp vội chụp vàng. Tuy nhiên du lịch không phải là chủ đề bài viết hôm nay, xin phép được khất đến lần sắp tới. Nên sẽ không có các chi tiết văn hóa, lịch sử, phong cảnh v.v… những điểm đến, ngay cả tại Pompeii và Valley Of The Temples, nơi tôi hoàn toàn vô tình được “tái kiến” Icarus, – và trong một chừng mực nào đó – với cả cha anh ta là Daedalus, sau nhiều năm trời “cách biệt”.
Thời niên thiếu, chọn ban B, tôi được nghe thầy giảng bài môn Triết học, chắc là hai tiếng mỗi tuần. Đôi khi thầy nhắc đến một vài câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp và La Mã. Điều này không hiểu tại sao, đã vô tình khơi dậy trong tâm hồn tôi, bao nhiêu nỗi niềm tò mò, thích thú khó tả. Hình tượng Icarus, hay đúng hơn “Đôi cánh Icarus”, vô tình thâm nhập cuộc đời của một thằng nhóc đang bước vào tuổi 18, cố quan sát và đi tìm lời giải cho nhiều hiện tượng phức tạp đắm chìm trong cuộc sống, sao quá nhiều mâu thuẫn, khổ ải và đa đoan. Đó là trên 50 năm sau, quay nhìn lại, tôi cố phân tích, quan trọng hóa vấn đề cho nó có vẻ triết lý, văn vẻ, chứ thật ra lúc thầy giảng bài, tôi mệt mỏi, buồn ngủ, và chẳng hiểu gì ráo trọi. Nhưng nghe thầy kể giai thoại này kia nọ thì vẫn cố vểnh tai ra nghe một cách thích thú!
Icarus là hình tượng bi đát của thần thoại Hy Lạp cổ đại, tái xuất hiện trong bộ sử thi Metamorphoses (Hóa Thân) viết bằng tiếng La-tinh của thi hào La Mã Ovid. Nội dung huyền thoại “Đôi cánh Icarus” đại khái tóm tắt như sau: Daedalus – cha của Icarus – là nhà tạc tượng với đôi bàn tay vàng. Các tác phẩm điêu khắc của ông ta sống động cho đến nỗi, vừa hoàn thành xong là phải dùng dây thừng trói chặt lại, chứ không chúng nó sẽ bật dậy rủ nhau chạy mất. Ngay cả vị á thần cuồn cuộn cơ bắp Heracles (tên theo thần thoại Hy Lạp), hay Hercules (tên theo thần thoại La Mã) cũng tưởng lầm các bức tượng là “người thật việc thật”, bèn xông vào đấm đá túi bụi. Daedalus đồng thời là kiến trúc sư xây dựng mê cung (labyrinth) cho vua Minos để nhốt con quái vật nửa người nửa bò Minotaur. Vì bất đồng và thù hằn, cũng như muốn giữ bí mật cách thức trốn khỏi mê cung, vua Minos tống cha con Daedalus vào khám, nhốt họ trong tòa tháp cô quạnh trên hòn đảo Crete (nay thuộc chủ quyền Hy Lạp) giữa biển khơi.
Không chịu đầu hàng, Daedalus quyết thực hiện âm mưu vượt ngục. Ông ta nhặt nhạnh lông chim, dùng sáp nối chúng lại với nhau tạo ra hai đôi cánh, cho con trai và cho bản thân. Trước khi khởi hành, ông cẩn thận dặn đi dặn lại Icarus chỉ nên bay ở độ cao trung bình giữa trời và đất, chớ cao quá, vì sức nóng từ ánh sáng mặt trời tỏa ra có thể làm chảy sáp, chớ thấp quá, vì đôi cánh thấm hơi nước biển sẽ mềm và nặng hơn, rất khó điều khiển. Quá thích thú vì lần đầu tiên được tự do tung đôi cánh, Icarus quên ngay lời dặn dò của cha, cứ thế mà lao thẳng lên cao áp gần mặt trời. Kết cục cuộc vượt ngục trở thành bi kịch, sáp chảy tan hoang, lông cánh rã rời, Icarus rơi tòm xuống biển chết thảm khốc. Phải chăng thông điệp của huyền thoại là bài học cho con người, nên chọn triết lý sống không thái quá, đi con đường trung dung, biết đâu là ranh giới không nên vượt qua?

Hình 2: Tượng Icarus gãy cánh nằm trước đền “Temple of Concordia” tại Valley of the Temples, Agrigento, Sicily, Nam Ý. (Nguồn: Trí Ngô)
“Đôi cánh Icarus” tiếp tục là biểu tượng mang tính triết lý về số phận, vai trò của con người, kể cả vấn nạn có nên vượt qua giới hạn mà Thượng Đế, hay một trật tự “thiêng liêng” nào đó đã áp đặt, bày biện ra hàng trăm hàng nghìn năm nay? Không có những bước nhảy rào ngoạn mục của Copernicus, Kepler, Galileo v.v… về Thiên văn, chúng ta vẫn tiếp tục sống trong hoang tưởng “quả đất và loài người là cái rốn vũ trụ”. Không có những tư tưởng đột phá của Wallace, Darwin v.v… về Tiến hóa giống loài, chúng ta lại tiếp tục đi vòng đi vo trong cái trật tự được dựng lên vài ngàn năm qua.
Nhưng huyền thoại Hy Lạp nói trên [xuất hiện chừng 50 năm (?) trước Công nguyên] phải chăng đã mượn ý tưởng từ kinh sách, sử thi Ấn Độ, cụ thể từ bộ trường ca Ramayana viết bằng tiếng Phạn, ra đời từ 500 – 100 năm trước Công nguyên (?) đóng vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa sông Hằng. Người ta cho rằng tác giả sử thi “Ramayana/Chuyến du hành của hoàng tử Rama” là Valmiki, một tên cướp cạn hoàn lương rồi trở thành đạo sĩ.
Trong huyền thoại nói trên có hai nhân vật mang dòng máu chim kên kên, Jatayu và Sampati, là anh em ruột (chứ không phải cha con như Daedalus và Icarus). Vào một ngày đẹp trời, anh em nhà này rủ nhau tung cánh chim tìm về một tổ ấm nào đó, cậu em Jatayu quá sung sướng cứ thế lao vút lên chín tầng mây, bay sát mặt trời và suýt bị sức nóng thiêu đốt. Quá thương em, Sampati cố phóng lên cao, hy sinh thân mình, xòe cánh che phủ cho em. Anh ta bị phỏng nặng, rơi bịch xuống đất, đôi cánh bị thiêu rụi, không thể mọc lại và suốt đời mất khả năng bay nhảy. Hóa ra bên phía Hy Lạp thì con làm con chịu rõ ràng, có nghĩa là mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình. Còn bên phía Ấn Độ thì em làm anh chịu.
Chúng ta nghĩ thế nào, tư tưởng lớn gặp nhau, hay huyền thoại Hy Lạp lấy cảm hứng từ sử thi Ấn Độ? Ngay cả trong kho tàng huyền thoại Hy Lạp, chúng ta còn gặp Phaeton, lại một nhân vật cũng lên trời, chịu cái chết bi thảm vì ngạo mạn, không biết lượng sức mình, chẳng khác gì Icarus. Thật ra trong kho tàng văn hóa nhân loại, việc huyền thoại này lấy cảm hứng từ huyền thoại xuất hiện trước đó, không phải là chuyện hiếm có. Thí dụ: trận Đại hồng thủy với con tàu Noah trong Sáng Thế Ký thuộc Kinh Cựu Ước (một số nhà nghiên cứu cho rằng toàn bộ Kinh Cựu Ước được ghi chép lại bởi ít nhất 40 tác giả trong khoảng thởi gian từ 1200 đến 165 năm trước Công nguyên) có một số điểm tương đồng với câu chuyện lụt lội trong Sử thi Gilgamesh/The Epic of Gilgamesh đã xuất hiện hơn 1500 năm trước Công nguyên, vào thời kỳ người Babylon sống ở vùng Lưỡng Hà.
Thực hư ra sao? Sử thi Gilgamesh là nguồn cảm hứng cho Kinh Cựu Ước, hay cả Thánh Kinh lẫn Sử thi Gilgamesh được viết ra dựa vào một trận đại hồng thủy thực sự đã xảy ra? Đây là vấn đề vẫn còn tiếp tục được tranh luận, và khó hy vọng rằng thế hệ chúng ta sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Nhưng thôi chúng ta hãy tạm ngưng bàn về lịch sử, triết lý, để quay trở lại với gia đình cha con Daedalus, Icarus, đến hai địa điểm tại nước Ý được UNESCO chọn làm khu di sản thế giới. Pompeii, thành phố La Mã hoàn toàn bị chôn vùi – từ năm 79 sau Công nguyên dưới tầng phún xuất thạch của núi lửa Vesuvius – khách lữ hành có thể chứng kiến bức tượng đồng thau Daedalus (Hình 1) ngay gần cổng vào. Riêng tại Valley Of The Temples, quần thể di tích nền văn minh Hy Lạp cổ nằm gần Agrigento, tượng Icarus gãy cánh (Hình 2) nằm sõng soài trước một ngôi đền, cũng đập ngay vào mắt khách du lịch đến thăm viếng.
Trí Ngô
Ghi chú: Bài này dựa vào tài liệu chủ yếu lấy từ WIKIPEDIA, bao gồm các đề tài liên quan đến Icarus.
(còn tiếp)
Pingback: Từ thần thoại Hy Lạp “Đôi Cánh Icarus” đến cổ tích Việt Nam “Ăn Khế Trả Vàng” (II) | Trần Thị Nguyệt Mai