Tiếng Rao Hàng: Dòng Văn Chương Nghệ Thuật Bất Tử

TRANH BÉ KÝ
tranh Bé Ký

Thật không ngoa khi có ai đó quả quyết rằng, nhớ đến gánh hàng rong là nhớ về một tổng hợp nhiều thứ đam mê, bao trùm âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, tâm lý, xã hội, kinh tế, sinh học v.v… Những tiếng rao ngược xuôi trên quê hương, đủ giọng cao thấp, đủ vị cay đắng ngọt bùi, êm đềm ấm áp như lời mẹ ru, đã đi sâu vào ký ức và đọng lại trong tâm tư mỗi chúng ta. Dù ai đang ở bất cứ chân trời góc biển nào, cứ nhớ đến các “lời rao lời ru”, mắt bỗng cay xè, lồng ngực xốn xang, bụng quặn thắt lại.

Văn chương rao hàng, dòng nghệ thuật kiếm sống này vẫn tiếp tục quyến rũ lòng người, vào bất cứ thời khắc nào, vang tiếng mời gọi, lọt qua tai, thấm vô mũi, chui vào bụng, xuyên lên óc, âm ỉ luồn sâu vào tâm khảm. Không hiểu tại sao, đang trùm chăn ngái ngủ, bỗng thoáng nghe tiếng rao hàng, đôi khi khiến ta liên tưởng đến những chiếc lá lưu luyến rời cành một buổi sáng cuối thu. Trong cái thế giới đầy ngập ảo giác như thế, sự va chạm cộng hưởng giữa lá vàng khô giòn và tơ trời heo may, tạo nên những âm thanh vừa từ tốn vừa dồn dập, vừa giản đơn vừa phức tạp, khuấy động bao nhiêu tần số của thèm muốn, đang khép nép chờ được gọi tên, để thanh thản bước ra khỏi những ràng buộc bị chôn vùi dưới cuộc sống. Thế là dù đang nằm cũng phải bật dậy, đang ngồi cũng phải đứng lên, chạy vội chạy vàng ra cửa, “mời chào” ngược lại chính những người trước đó chừng vài phút đã “chào mời” chúng ta.
Cuối thập niên 1960, gia đình chúng tôi dọn từ Đà Lạt về Sài Gòn, sống trong một khu xóm nhỏ. Nhà nằm sát đầu con hẻm, càng đi sâu càng chằng chịt lối ra lối vào, cửa nẻo xiêu vẹo, người đông lúc nhúc. Cuộc sống phức tạp, địa hình địa thế ngổn ngang, nhưng bà con láng giềng ai cũng đầy tình nghĩa. Tôi nhớ mãi chị Mùi, xấp xỉ 40, chuyên bán rượu nếp, hay cơm rượu. Chị không thuộc gia cảnh quá nghèo, chồng có việc làm ổn định, nhưng vì muốn kiếm thêm ít tiền nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn, nên ngày ngày quảy gánh đi rao hàng khắp xóm. Chị luôn ghé thăm chúng tôi, chỉ dăm ba phút, nhưng nói đủ chuyện trên trời dưới biển, mưa nắng trăng sao. Quái lạ là cả con chó Bi-Bô nuôi trong nhà, cũng đâm ra nghiện mùi món cơm rượu. Chị Mùi mới đến đầu ngõ, nó đã lăng xăng chõ mõm vào mặt tôi sủa inh ỏi, xúi tôi cầm tiền ra mua cho được bát rượu nếp thơm phức.

Hơn 20 năm sau, tôi có dịp trở về thăm xóm cũ, nhưng người xưa đã tan tác đi đâu gần hết. Thế mà chị Mùi, vẫn tiếp tục gánh rượu nếp đi khắp xóm. Vô tình gặp lại, cặp mắt ngấn lệ, chị Mùi vừa cầm nón quạt tới quạt lui, vừa kéo áo tôi nhỏ to tâm sự. Chị đang được đứa con trai chuẩn bị giấy tờ bảo lãnh sang Mỹ. Nhưng chị suốt ngày lo lắng chẳng biết sang bên bển có bán được rượu nếp hay chăng, vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cái. Tôi nắm chặt bàn tay đầy những ngón đã chai sạn theo năm tháng vất vả, cố khuyên chị cứ yên tâm chuẩn bị chuyến đi đoàn tụ gia đình. Với lại chị Mùi suốt một đời lo cho con cái, bây giờ chúng nó phải lo ngược lại cho chị thì cũng hợp luân thường đạo lý. Vâng, những con người quê hương tôi, mộc mạc, chất phác như chị Mùi, suốt cả một đời chưa bao giờ nghĩ đến bản thân.

Hiện nay những người buôn gánh bán bưng, phần lớn là phụ nữ chưa quá 50, nhưng cũng không thiếu trẻ em, cụ già, đàn ông v.v… Có người lê gót chân khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, dãi dầu mưa nắng, với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai. Có người tay xách nách mang, đầu đội mâm, rổ, phủ bằng tấm nhựa úa màu thời gian. Có người đạp xe hai bánh, đẩy xe ba bánh, mang theo hoa quả, bánh trái, nước ngọt, nồi nước lèo, dăm ba lát thịt, cọng rau v.v… mong sao bán hết hàng.
Cuối buổi, có đôi vai gầy còm ngồi lau từng giọt mồ hôi, vuốt từng sợi tóc đã thưa dần theo năm tháng. Cuối buổi, có cặp mắt như ngọn đèn đêm hắt hiu, đếm tới đếm lui, xếp lên xếp xuống, phân loại từng đồng bạc. Cuối buổi, có bàn tay mỏi mòn run run, lo sợ con cái bữa no bữa đói, hay hy vọng gia đình một ngày đủ cơm canh, đỡ quay quắt; chứ nói gì đến chuyện thuốc men những khi trái gió trở trời. Cuối buổi, may là vẫn còn nụ cười rạng rỡ của đấng sinh thành, vui vì biết học phí, tiền sách vở cho con cái đã vừa kiếm đủ.
Rất nhiều tiếng rao hàng luôn luôn mở đầu bằng đại từ nghi vấn “Ai”, hầu như đi đâu cũng nghe, tới đâu cũng gặp, xôn xao từ sáng sớm mù sương cho đến đêm khuya thanh vắng:
Ai… ăn chè đậu xanh đậu váng… hôn!
Ai… chè đậu xanh nước dừa… đây!
Ai… bánh tráng chè kê… này!

Đôi khi tiếng rao hàng không liên quan gì đến món ăn thức uống mà là đồ vật sử dụng hằng ngày trong nhà:
Chổi lông gà… đây!
Và cũng có tiếng rao hàng nhằm hỏi mua – chứ không rao bán – thứ này thứ nọ:
Ai… có đồng hồ nồi niêu xoong chảo ve chai giấy báo cũ, bán … hôn!
hoặc tiếng mời chào không phải món hàng cụ thể mà là một dịch vụ:
Tẩm quất đấm lưng xoa bóp giác hơi… đây!
Xỏ lỗ tai em nhỏ đeo bông… nè!
Mài dao mài kéo… đi!
Chum chậu bát sứ vỡ hàn… không?

Lại có cả tiếng rao hàng đặc biệt, chỉ vang vọng ở một vài địa phương nào đó:
Xà Rông Nam Vang… trăm đồng hai cái
bán quảng cáo lấy tiền làm nghĩa
ta trở “dìa”… Hà Tiên chiều nay!

Trong số hàng trăm thứ hàng hóa, dịch vụ liệt kê ở trên, Kẹo Kéo là một trường hợp khá đặc biệt. Nó vừa mang những thuộc tính riêng biệt của một loại mặt hàng thực phẩm, vừa rất tiêu biểu cho ngành nghề bán hàng rong nói chung, đã và đang biến dạng trong chiều hướng đô thị hóa phức tạp hiện nay. Những phương tiện rao bán kẹo kéo ngày trước (rao chào mời bằng miệng, đẩy xe hai bánh) hầu như đã biến mất khỏi mọi đường phố. Cảnh người bán hàng tự cất tiếng rao hiện đã mất tung tích:
“Ông Tây mà lấy bà đầm
Thấy hàng kẹo kéo chạy ầm ra xem
Cô kia đôi mắt kèm nhèm
Ăn đồng kẹo kéo mắt sáng hơn đèn ô-tô
Cô kia chồng bỏ chồng chê
Ăn đồng kẹo kéo chồng mê đến già”

hoặc
“Kẹo kéo vừa ngon vừa giòn vừa dẻo vừa dai vừa dài vừa ngọt,
ngọt hơn đường cát mát hơn đường phèn, kẹo kéo… đây!”

Thay vào đó là những chiếc loa phóng thanh thời hiện đại, nhằm phát âm cho to, truyền âm cho xa, chở theo trên xe đạp, xe gắn máy, để chủ nhân di chuyển cho lẹ, thích hợp với mọi tình huống, từ vùng vắng khách cấp tốc di dời sang nơi đông khách. Ngày trước, người bán hàng phải có cánh tay tương đối “vạm vỡ” (chắc vì thế mà đa số là đàn ông), để vặn để vẹo từ mớ đường nóng chảy lỏng bỏng trong như màu hổ phách, biến nó ra một bó kẹo trắng ngà, rồi khéo tay nhét thêm đậu phụng vào chỗ này chỗ kia. Sau đó người bán lại mạnh tay kéo nó dài ra cả nửa thước, lắc ngang lắc dọc khiến cục kẹo đứt ra thành từng miếng giòn giòn ngăn ngắn thon thon chừng 10 phân. Sản phẩm giai đoạn cuối thường chui vào mồm bọn trẻ qua hình thức tiền trao cháo múc.

Cũng có người bán kẹo kéo lại trang bị thêm chiếc bàn đinh dựng đứng, dụ khị khách hàng thả bi. Bi trôi trót lọt thì ăn kẹo kéo không mất tiền, bi kẹt lại thì mất tiền mà không được ăn kẹo kéo. Lạ một cái là chủ nhân thả bao nhiêu hòn bi, thì dù chúng có chạy quanh co đến đâu, cuối cùng đều đến đích đầu xuôi đuôi lọt. Còn “đoàn học sinh ta góp tiền vô” (chuyển đổi lời từ bài hát “Khỏe Vì Nước” của nhạc sĩ Hùng Lân) thì nhìn tưởng là dễ hóa ra lại rất khó. Những thằng óc bùn như tôi và vài đứa bạn ảo tưởng dễ ăn, dám trích ra một phần học phí tham gia làm nghĩa vụ. Đa số các hòn bi của chúng tôi thả xong cứ nửa đường đứt gánh. Tiền mất tật mang nên về nhà đã bị cha mẹ nọc ra quất chổi lông gà lên lưng lên đít vài trận nhừ tử. Ôi cái thời thơ ấu xa xưa sao quá nhiều chuyện tào lao!

Thời hiện đại – nói lái là “hại điện” – thế kỷ XXI, loa kẹo kéo biến dần thành loa karaoke vô tội vạ, bất chấp lỗ tai người nghe. Khách hàng, mặt hàng cũng theo đó mà biến dạng. Trẻ con, học sinh v.v… mất vai trò chủ chốt, nhường “đặc quyền” này lại cho người lớn. Sản phẩm không chỉ là kẹo kéo, mà còn kèm thêm nhiều mặt hàng phụ (bò bía, kẹo ngọt nhiều loại, me chua, xúc xích, …) thường đã được cân đo đong đếm, đóng gói bao bì, sẵn sàng móc ra trao tay người mua. Cuối cùng “loa kẹo kéo” mất luôn chữ kẹo mặc nhiên trở thành đồng nghĩa với “loa kéo (karaoke)”.

Trí Ngô