Đặng Mai Lan
Xa quê hương đã lâu. Khoảng đời tôi sống nơi quê người nhiều hơn ở quê nhà và hầu như không bao giờ tôi có Tết. Một cái Tết đúng nghĩa cả tây lẫn ta. Lễ lộc hàng năm của tôi là ngày Giáng sinh, ngày đoàn tụ gia đình. Tôi phải xăn tay áo đáp ứng mọi nhu cầu cho con cháu. Đến chiều hai mươi lăm kể như tàn tiệc. Tất cả mọi thứ đều trở lại bình thường, ngoài cây thông Noel giữ lại ít ngày cho vui nhà, khỏi bõ công trang hoàng nhiều ngày trước đó. Nhưng đó chỉ là tôi riêng. Lũ trẻ thì khỏi nói, còn những người đồng trang lứa với tôi cũng rộn rịp xôn xao chờ tống cựu nghinh tân. Chuẩn bị thướt tha áo xống cho một buổi dạ vũ nào đó.
Tôi không biết khiêu vũ, cũng chẳng hát hò. Thôi ngồi nhà xem tivi, nghe Tổng Thống chúc Tết, ngắm pháo bông qua màn hình hay đọc sách cho lành.
Về Việt Nam nhiều lần, cũng chưa bao giờ tôi quay về vào đúng dịp Tết. Đời sống công việc không cho phép nên kể từ ngày bước ra khỏi nhà, ngàn dặm ra đi, tôi không hề biết Tết nơi quê hương cũ bây giờ ra sao. Cái không khí Tết xưa có thay đổi như những thứ đã thay đổi đến tận cùng hay không?
Hết tháng chạp, đi đâu đó gặp người quen thường nghe nhắc nhở Tết năm nay sẽ rơi vào ngày đó, tháng đó. Những tín đồ Phật tử hẹn nhau đi chùa. Những hội đoàn lăng xăng phát thư mời đi hội Tết. Tất cả đều không thể làm đúng vào những ngày đầu năm âm lịch. Có khi kéo dài đến hai ba tháng sau vì hội này nhường cho hội kia tổ chức. Không dẫm chân nhau, tránh bị phân tán số khách tham dự. Nên Tết kiểu này cũng chỉ là “nhớ Tết”. Tang Frères, một siêu thị lớn của Paris quận 13 tổ chức đình đám hơn, đúng ngày hơn. Có múa lân, diễn hành nhưng không làm tôi xao động. Vì mọi thứ đều đậm chất Tàu hơn Việt.
Đi hội Tết để vui, để thấy xuân trên những nhành forsythia vàng mà tôi vẫn gọi là mai mạo. Lung linh giữa những nụ hoa là các bao giấy đỏ mừng tuổi, cả những tấm thiệp chúc xuân cũng được treo lên những nhánh cành trang trí. Đi ăn Tết để ăn những món ăn đôi khi chẳng Tết chút nào. Đi để thưởng thức văn nghệ. Xem những điệu múa, nghe những câu hò, những bài hát cũ. Xem lại những tích sử xưa, như sự tích bánh dầy bánh chưng, vua Quang Trung đại phá quân Thanh hoặc hai bà Trưng đánh đuổi giặc Tàu… do các thanh thiếu niên diễn kịch. Những vở kịch mà các bậc đàn anh đàn chị viết ra cho thế hệ sau học thêm lịch sử nước nhà và giữ gìn văn hóa nguồn cội. Còn có những màn kịch phản ảnh xã hội, nói về sự xung đột giữa hai thế hệ trong sự hội nhập văn hóa Đông-Tây. Cả những điều nực cười đang xảy ra nơi cố quận.
Nhà ít người, Tết nhà nếu có cũng chỉ là một nhánh mai mạo cắt ngoài vườn, hay một cái bánh chưng đi mua ngoài chợ. Siêng năng thì làm thêm một lọ dưa chua và kho thêm nồi thịt. Thực ra, ngoài bánh chưng, những thức ăn kia là những món thường ăn mà chẳng cần đợi Tết. Nhưng không phải năm nào cũng có hoa mai. Loại hoa vàng bốn cánh này chỉ nở rộ vào những ngày chớm xuân. Cuối đông, nếu thời tiết không lạnh lắm thì may ra còn có nụ để những cửa tiệm Á châu phù phép cho hoa nở. Hoa bị ép nở, những cánh gầy gò mỏng mảnh thật đáng thương, nhưng có còn hơn không. Tôi thương hoa nên thà không có.
Chẳng phải chỉ có người đồng hương, bạn bè thân thích mới nhắc tôi nhớ Tết.
Tinh sương, lầm lũi đi trong giá lạnh. Vừa bước, vừa phải ngó xuống đường tránh những vũng sương đêm đọng lại thành những mảng băng mỏng bám cứng trên vỉa hè, nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng trượt ngã. Thế nên tôi chẳng quan tâm đến những người đồng hành xuôi ngược. Nhưng hôm đó, giữa cái không khí lãng đãng hơi sương, một câu nói cất lên buộc tôi phải ngừng chân, ngẩng mặt nhìn người đối diện. Một người không già để có thể nghĩ đó là một người lính cũ ở Việt Nam thời đất nước bị đô hộ. Không trẻ, nhưng hẳn có sự tương quan thân thiết với đồng hương mới biết rõ hôm nay là ngày mồng một Tết.
Người đàn ông nhoẻn miệng cười với tôi:
– Bonne Année! (1)
Câu nói ngắn ngủi nhưng làm tôi cảm động quá sức và chỉ biết lí nhí lời cảm ơn với người xa lạ, rồi mạnh ai nấy bước. Một đất nước nhỏ bé, như một nét cong trên bản đồ thế giới. Một cộng đồng di dân với con số khiêm nhường lại được quan tâm bởi những người bản xứ thì sao lại không cảm động. Không có sự hãnh diện, lòng tự hào nào bằng lòng tự hào dân tộc.
Tất cả chỉ là “nhớ”.
Nhà nằm trong hẻm trên một con đường có thể gọi là một khu phố sầm uất vì đầy những tiệm tùng, hàng quán. Đầu hẻm có cả tòa nhà cao năm sáu tầng lầu, nơi cư trú của những người Mỹ. Tuy nhiên sau lưng hẻm lại là một cánh đồng mênh mông và một khu vườn rộng trồng ngâu. Chủ vườn là một gia đình người Tàu, sống bằng nghề trồng ngâu, ướp hoa làm trà. Trong xóm mọi người vẫn gọi ông Tàu này là ông Tỷ.
Cánh đồng trồng đủ mọi loại rau, và rải rác những dãy hoa. Hoa không nhiều lắm, không kỳ hoa dị thảo, nhưng cận Tết vườn rau nhìn đẹp như tranh vì xen giữa đám rau xanh ngan ngát là một thảm vàng rực rỡ của những hàng cúc vạn thọ.
Mùa hè nắng nóng, lũ trẻ thường ra vườn ông Tỷ chơi đùa, rượt đuổi nhau dưới bóng mát của những bụi ngâu và chạy trối chết khi nhác thấy bóng ông già Tỷ quảy gánh xuất hiện phía xa. Có khi ông dừng lại, đặt hai thúng xuống, cầm cái đòn gánh ném ra xa khi nghe tiếng động, tiếng cười nói trong những lùm ngâu. Ông sợ lũ trẻ nghịch ngợm ngắt những nụ ngâu non. Ném chỉ để dọa, nhưng cũng làm đám trẻ sợ hết vía.
Vườn rau là nơi rộn rịp nhất vào những ngày sắp Tết khi không khí bắt đầu se lạnh. Chợ cuối năm sực nức mùi thơm của những rau quả tươi xanh từ Đà Lạt chở về thành phố. Người trong xóm đi chợ mua gì thì mua chỉ trừ rau. Chuyện mua rau phải để phần cho đám trẻ con đã thành lệ. Cũng tiện lợi vì được ăn rau tươi, muốn ăn lúc nào thì sai trẻ ra đồng mua lúc đó. Một đứa đi mua rau bao giờ cũng rủ vài đứa đồng bọn đi theo. Chúng thích phụ hái những cọng rau muống cho người bán cột lại thành bó. Và đứng ngắm người nông dân xới đất, nhẹ nhàng bứng từng cụm xà lách, đập đập phủi phủi những vụn đất bám, nhúng xuống ao nước đẩy qua đẩy lại cho sạch đất thêm lần nữa, rồi vẩy nước cho ráo… Với bọn trẻ, nhìn những bàn tay thao tác thuần thục như đang múa may của công việc này, xem chừng lý thú hơn nhìn những con bướm sặc sỡ vờn quanh bụi hoa vạn thọ.
Ngày đó tôi chỉ là một con bé vừa học hết lớp tiểu học, đủ tuổi để anh chị sai vặt. Được đi mua rau là một điều sung sướng.
Làm sao có thể tìm lại được, thở lại thứ không khí của một mùa xuân thanh bình nơi xóm nhỏ. Những căn nhà nếu không có sân rộng để trồng trong chậu sứ một cội mai cao lớn, cắt tỉa cho nở đúng ngày thì cũng có những chậu cúc vàng be bé mua ở chợ, đặt trên thềm nhà để đón xuân.
Sau giao thừa, đêm trầm hương ngan ngát lẫn mùi khen khét của những dây pháo nổ. Qua một giấc ngủ êm đềm. Buổi sáng còn nằm trong giường, lơ mơ mộng mị đã bị đánh thức bởi những bản nhạc được phát ra từ máy thu băng của nhà hàng xóm.
Thời phồn thịnh, bao nhiêu hàng hóa nước ngoài nhập vào Việt Nam. Trong xóm hầu như nhà nào cũng có một dàn máy nghe nhạc phát ra từ băng nhựa. Không Akai, thì Sony, sang hơn nữa là Teac. Tuy nhiên mọi nhà đều biết tôn trọng lẫn nhau. Nhà này tắt máy thì nhà khác mới mở. Nhạc vang rền trong những ngày xuân nên con bé mười hai mười ba, hầu như những bài hát về xuân, bài nào nó cũng thuộc.
Lớn chút nữa, hết còn thích đi mua rau. Ngày mồng một, ngồi trong nhà ngắm những tà áo mới của các cô, các chị dập dìu đi ngang cửa. Họ đi hái lộc ở một ngôi chùa nhỏ trong khu phố. Có những đứa trẻ con xúng xính trong bộ quần áo mới. Những đôi mắt ngây thơ, tò mò, chỉ dám len lén nhìn vào nhà hàng xóm vì chắc đã được bố mẹ dặn dò kỹ càng là không được bước vào nhà ai ngày đầu năm.
Mùng một đầy màu sắc linh động, nhưng qua đến mùng hai thì rộn rã âm thanh. Nhà nhà khách khứa dập dìu, người vào, người ra rộn ràng câu chúc Tết. Lúc này mới thật sự là Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi… (2)
Tuổi dậy thì, Tết của con bé sinh động hơn vì đã biết chạy xe gắn máy. Chẳng còn ngồi nhà chờ người lớn sai bưng trà bưng nước cho khách. Mùng hai, con bé xuất hành với lũ bạn đi Lăng Ông để xin xăm, rồi đi chùa Xá Lợi. Như thể chùa gần không linh bằng chùa xa. Thực ra đi chùa không hẳn là đi lễ Phật, mà là thích chạy xe dưới những con đường vắng. Thích ngắm những cây anh đào nhân tạo được dựng trên những góc phố. Nhiều thập niên qua sao như vẫn còn cảm nhận được hơi hướng của làn gió nhẹ nhàng trong nắng mới, lay động những cánh hoa phơn phớt hồng ở những góc đường.
Cuối năm, là khoảng thời gian vui nhất của tuổi học trò. Những ngày xôn xao làm báo, làm văn nghệ tất niên. Tới giờ nghĩ lại vẫn không hiểu vì sao ngài hiệu trưởng dám mướn sân khấu rạp Quốc Thanh tổ chức văn nghệ cho trường, mà anh trưởng ban chơi đàn guitar là một anh học trò tu xuất, có lẽ chỉ thông thạo một số hợp âm hấp thụ từ những năm học ở chủng viện. Ca sĩ học trò diễn hay hơn là hát. Hợp ca nhiều hơn đơn ca. Được chọn đơn ca là vinh dự, là thuộc lớp đàn anh đàn chị văn nghệ của trường.
Làm văn nghệ họp hành liên miên, nên được bỏ cours mà không cần xin phép. Bích báo cho trường, cho độc giả toàn trường đã đành. Trường này còn đi qua trường kia bán báo. Có những mối tình “bích báo” âm thầm nở hoa dẫu xuân phai, Tết nhạt.
Tập dượt văn nghệ cả hai tháng trời, chỉ một buổi trình diễn là xong. Như Tết, hết ngày mùng hai là học trò đã chán. Chỉ mong cho mau hết mùng để mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Các cô còn rủ nhau đàn đúm quán hàng, “giải phóng” những tờ giấy bạc mới toanh có được trong ba ngày Tết.
Cô bé ngày xưa thuộc lòng bao nhiêu bài hát. Những lời hát nhập vào tai, vào tâm hồn ngây thơ, phẳng phiu như tờ giấy mới. Nên nghe thì nghe vậy, vì là những bài hát mà nhạc điệu dễ nghe, dễ nhớ. Cô nào nghĩ gì về những câu ca.
Chẳng khác nào người con gái đi chùa Hương ngày xuân trong thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Một đêm xuân, lòng cô cũng đã bồi hồi rạo rực. Không ai đi theo cô để “em không dám đi mau, sợ chàng chê hấp tấp“… Chỉ là một ánh mắt với cái nhìn đầy mệt mỏi của một người lính vừa từ mặt trận trở về. Áo quần xốc xếch, lem lấm bụi đất đường xa. Hình ảnh không thơ mộng chút nào, nhưng hồn cô đêm ấy đầy những giấc mơ xanh.
Đêm qua say tiếng đàn, đôi chim uyên đến gần, chim báo tin xuân đã về trong giấc mộng. Em yêu câu hát buồn, lả lướt trong màu trăng, yêu trời thanh vắng, đón đưa em tới chàng (3)
Từ đó, cô nghe nhạc với nhiều cảm xúc.
Những xuân đời đã phai. Máu xương đã hòa cùng với đất nâu khô cho cây cỏ xanh tươi trên những cánh rừng cháy nám. Sao lòng vẫn bùi ngùi khi nghe “trời bây giờ trời đã sang xuân, anh và mai ngủ bên bìa rừng” (4)
Sao vẫn nghĩ đến ai kia “ngồi ngắm mấy nóc chòi canh, mơ rằng đây mái nhà tranh“. (5)
Những bản nhạc xưa giờ nghe lại vẫn buồn, như thuở biết buồn ngày chinh chiến cũ.
Tết của thời thơ ấu cùng tuổi thanh xuân đã đi qua. Và dẫu thế nào, Tết như một phần hồn trong lòng mỗi người Việt ly hương. Người ta có thể quên đi nhiều thứ nhưng không thể nào quên được những ngày Tết của mình, dù sung túc sum vầy hay nhọc nhằn khốn khó.
Tết tràn đầy trong tâm tưởng của tôi như thế! Không vì những lời rủ rê, nhắc nhở hẹn với bạn bè đến nơi này, nơi kia ăn Tết. Không là câu nói “chúc mừng năm mới” tình cờ của một người Pháp xa lạ mới làm tôi nhớ Tết. Mỗi khi vào chợ, nhìn những búp batavia mơn mởn vừa được rưới nước cho tươi thêm, một loại xà lách ở quê nhà thường được gọi là rau diếp. Chúng làm tôi nhớ những ngày cận Tết. Nhớ vườn ngâu ông Tỷ và cánh đồng rau có tên là Lộc Hưng mà bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Đâu phải chỉ có khu vườn rau tuổi nhỏ mà còn nhiều nơi chốn lịch sử văn hóa cũng đã bị xóa nhòa. Đất nước còn đó, nhưng cái còn lại là hủy hoại, là ly tán, phân chia.
Có dự bao nhiêu hội Tết ở nơi này cũng chẳng sao tìm được không khí Tết của ngày xưa. Tất nhiên là thế! Nhưng may mà cái hồn Tết dân tộc vẫn còn được gìn giữ. Ở bất cứ xứ sở nào trên quả địa cầu có người Việt sinh sống thì Tết vẫn rực rỡ hàng năm. Và với thế hệ chúng tôi, trong những nụ cười hạnh phúc ngày xuân, lòng vẫn xao xác một nỗi nhớ. Tết để nhớ Tết vì quá khứ chưa lìa.
Đặng Mai Lan
(1) Chúc mừng năm mới.
(2) Ly rượu mừng – Phạm Đình Chương.
(3) Đêm Xuân- Phạm Duy.
(4) Mùa xuân trên cao – Trầm Tử Thiêng.
(5) Phiên gác đêm xuân – Nguyễn Văn Đông.