Đặng Mai Lan
Làng Trois-Puits (nguồn: Internet)
Con đường nhỏ, ngắn, lọt thỏm giữa hai đại lộ. Ngoài những quán hàng, còn có vài tòa nhà cao tầng. Những tòa nhà kiên cố, được đóng kín bằng các cánh cửa sắt nặng nề màu xanh lục với những nắm xoay cửa tròn bằng đồng sáng bóng.
Chín giờ sáng, những cửa tiệm chỉ vừa mở hé. Các nhân viên trong tiệm còn đang dọn dẹp sắp xếp, chuẩn bị cho một ngày buôn bán.
Tôi đậu xe sát một cửa garage đối diện với khu nhà, hy vọng không có chiếc xe nào ra vào để tôi phải dời chỗ. Vì nếu một trong những cánh cửa xanh lục kia mở ra, tôi cũng còn kịp rời khỏi xe và nhanh chân chạy đến, bước vào bên trong. Không chính xác là tòa nhà nào tôi muốn bước vào. Trí nhớ chỉ giữ lại giùm tôi hình ảnh trước mắt, một dãy bốn tòa nhà liền lạc. Dĩ nhiên, vì chúng giống nhau quá. Và tôi đang chờ từ nơi đó một cánh cửa mở, thấy ai đó sẽ bước ra.
Tháng tư, mùa xuân nắng hanh và gió nhẹ đang rì rào mơn trớn đám lá trên những rặng cây cao. Bây giờ thì tất cả bàn ghế, những tấm biển quảng cáo, cây cảnh của hàng hoa, hàng cà phê, hàng sách báo… những thứ có thể bày biện bên ngoài đã được những nhân viên khuân vác, sắp xếp trên vỉa hè. Một không gian linh động reo vui. Nắng, gió, lá bay cũng reo vui, thế sao lòng buồn hiu hắt.
Tôi nhớ những ngày đầu lưu lạc! Nhớ một ngọn đồi, một căn nhà nhỏ.
Nhà có ba phòng, nằm trên một con dốc thoai thoải dẫn lên một cánh rừng nhỏ và bao quanh là một vườn nho bát ngát. Phía dưới nó là một căn hầm lớn, nơi làm rượu, cất rượu. Ngôi nhà được xây chủ đích dành cho những người thợ hái nho đến từ những nơi xa cần ngủ lại.
Tháng chín, mùa hái nho, ép nước để làm rượu. Thời tiết làng mạc ban đêm đã bắt đầu lạnh. Phương tiện sưởi ấm chính của căn nhà là một lò sưởi đốt củi vuông vức như một cái hộp sắt có ống khói sừng sững, nhìn như một nòng súng bắt lên tận nóc nhà để nhả khói ra ngoài. Xem chừng cái lò sưởi đốt củi, hơi ấm không đủ lan tỏa khắp nhà, nên còn có thêm hai cái máy sưởi điện di động. Khi cần ấm nơi nào thì cứ việc đẩy tới cắm nơi đó
Ngoài bồn rửa mặt sát với phòng tắm, ngay phòng ngoài nơi đặt bộ bàn ăn, có một bồn rửa tay hình chữ nhật. Phòng nào cũng có tủ được xây giấu trong những bức tường. Tuy không có bếp, nhưng chỉ cần mua một cái tủ lạnh và một bếp gaz, dùng cái bồn rửa tay xưa cũ ấy làm chỗ để rửa chén bát, thì ngôi nhà sẽ không còn là một chỗ tạm trú qua đêm cho những người làm vườn, hái nho nữa. Nó sẽ là một căn nhà ấm cúng xinh xắn cho một gia đình.
Bà Jeanne P nói với tôi như thế khi đưa tôi đi thăm ngôi nhà. Hai vợ chồng người Pháp này là chủ nhân của những mẫu đất rộng lớn trồng nho. Họ làm việc với một hội từ thiện và thường đến chung cư nơi tôi ở, mang quần áo cũ, thuốc men giúp người tị nạn.
Tôi đã bị chinh phục ngay phút đầu khi nhìn thấy hàng tử đinh hương, dày đặc những chùm hoa tím trồng dọc theo bờ rào, ngăn chia từng khu đất xung quanh căn nhà. Không chỉ có tử đinh hương, trong mảnh vườn nhỏ còn có hải đường đỏ thắm. Dưới đất thì vô số hoa đủ loại mọc len lỏi cùng đám cỏ dại.
Cạnh nhà, sát bờ rào là một nhà kho dùng để cất các dụng cụ như cuốc, xẻng, giày dép làm vườn. Dưới mái hiên đầy những thanh củi xếp đều đặn bên cạnh cái giá gỗ tréo chân dùng đặt những khúc cây lên để cưa. Hình ảnh thôn dã êm đềm như một bức tranh. Một hình ảnh mà tôi đã từng nhìn thấy trong phim ảnh, hay trong những truyện dịch mà có lẽ tôi đã đọc trong một cuốn sách nào đó.
Trong một bối cảnh đất nước như nhuốm màu tang. Hỗn mang, rách rưới, đói nghèo. Người người bỏ nước ra đi, bỏ phố lên rừng, đi về những vùng đất hoang dựng nhà, trồng trọt tìm kế sinh nhai. Người ở lại sống co cụm, đùm bọc lẫn nhau. Còn một mái nhà để đi ra đi vào, sống chung đã là một điều may mắn. Lấy chồng, làm dâu nên chuyện có một ngôi nhà riêng với tôi là một ước mơ tưởng như không bao giờ thực hiện được. Và tôi chấp nhận lời đề nghị của ông bà P không một đắn đo.
Những người đồng hương nói với vợ chồng tôi rằng nơi này buồn quá. Nhưng tôi nghĩ, mình thực sự đã cảm thấy vui bao giờ chưa từ lúc bước chân ra khỏi nhà, ngồi trong lòng chiếc xe buýt của hãng hàng không Pháp. Xe chạy, nhưng không phải chỉ riêng tôi mà tất cả những người được gọi là may mắn đã cố ngoái đầu nhìn những người thân đang ngồi trên những chiếc xe gắn máy cố gắng vượt theo sau, theo sát phía ngoài. Hai con mắt đăm đăm nhìn những con đường, những góc phố quen suốt một thời niên thiếu. Phố dường như cũng đã đổi thay. Những tàn cây, đám lá bay, những giọt nắng rớt rơi, từng cơn gió thoảng ngày hôm ấy bỗng trở nên xa lạ hơn bao giờ hết. Chúng như thốc lên một nỗi thảng thốt bàng hoàng, một tan tác như lòng người, những con người đang ngồi trong lòng xe êm, những con người vời trông, rượt đuổi phía ngoài.
Những con mắt nhìn nhau ngậm ngùi.
Những con đường lùi lại
Những mặt người mờ xa
Phố mờ xa
Tổ quốc mờ xa
Nỗi buồn vô tận, mênh mông như không gian tối đen hun hút của đường bay. Bởi thời ấy ra đi là tưởng như vĩnh biệt.
Đã lâu rồi, nhưng tất cả mọi thứ như mới hôm nào, còn đầy ắp trong trí nhớ tôi.
Ngày ấy nắng vàng như rơm mới. Nắng chở thêm chút gió thất thường của mùa hè đủ biến những ngọn cỏ lau trên cánh đồng thành từng phiến lụa mềm phơ phất. Những đóa hoa anh túc mọc len lỏi trong cỏ, cũng lờn vờn như một bầy bướm đỏ.
Ngọn đồi như một cù lao xanh giữa những hàng nho tít tắp. Mênh mông xa vời, nhưng tôi cũng nhìn thấy căn nhà nhỏ của mình, một thiên đường tràn đầy ánh sáng mà chúng tôi vừa bước vào, mọi thứ còn đầy lạ lẫm.
Tôi nói với Duy:
– Ngồi đây nghỉ mệt chút xíu đi. Về nhà cũng chẳng làm gì lúc này.
Tôi ngồi tựa lưng vào một thân cây to. Đứa con gái bé bỏng của tôi đang tìm hái những bông hoa dại, thỉnh thoảng lại chạy đến khoe mẹ.
Duy nằm dài giữa đám cỏ lau, chắp hai tay dưới đầu ngó lên khoảng trời xanh. Bỗng dưng nó cười sằng sặc.
– Cười gì vậy ?
– Em nghĩ tới cái ông “chỉ một đêm“.
– Tầm bậy! Người ta có tên đàng hoàng không kêu. Gọi hoài cái tên này tới tai gia đình họ thì phiền đó.
La thằng nhỏ, nhưng tôi cũng bật cười khi nghĩ đến người thanh niên lai đen mà mẹ của anh ta, một bà cụ có một quá khứ lẫy lừng sôi động về tháng ngày gánh gồng chạy giặc. Bà thường kể lể, lặp đi lặp lại những câu chuyện từ mấy mươi năm trước khi Tây về làng đốt phá. Bà phải tản cư từ miền ngược tới miền xuôi. Chuyện khiến những cái đầu khôi hài trong chung cư đã gọi bà là “bà già bốn mươi lăm-năm mươi tư“. Người thanh niên lai đen là kết quả mối tình chỉ một đêm của bà với một gã lính. Chạy giặc Tây, nhưng gã lính Tây đen này lại là một ân nhân đã cứu bà thoát chết trong một trận càn quét.
Tôi nhìn cặp mắt đen, hàng mi rậm như con gái của Duy. Đôi mắt ướt át lại thường ánh lên những tia nhìn nghịch ngợm. Hình như chưa bao giờ cậu bé biết buồn. Rời khỏi vòng vây êm ấm của gia đình. Cuộc sống cậu đang nếm trải đầy những chuyện lạ lùng mà trong cái kén ngà của gia đình, cậu chưa từng nghe, biết.
Chỉ là một cộng đồng bé nhỏ vài chục người. Mỗi người mỗi cảnh ngộ, cá tính. Tất nhiên phải có những va chạm phức tạp xảy ra. Và mọi chuyện luôn làm cậu bé ngạc nhiên, có phần thích thú, muốn khám phá tìm hiểu.
– Ồ cái bà A đó hay thiệt! Em nghĩ bán chè thì đâu có nhiều tiền mà sao bà lại khoe là nuôi hết cả gia đình?
– Trời ơi, hay thiệt! Sao bà B lại nghĩ được chuyện mang mười bốn ký mắm ruốc qua bán?
Đó là những câu hỏi đặt ra từ những câu chuyện Duy nghe được qua những người “hàng xóm“. Ai nói gì, kể gì, nó nhớ rõ từng người, từng chuyện.
Tôi nhớ buổi tối đầu tiên gia đình nó mới đến chung cư. Một gia đình gồm sáu người. Hai vợ chồng, ba đứa con. Một gái, hai trai và cả bà mẹ vợ.
Những năm tháng đó, số người Việt đi tị nạn không nhiều, nhất là ở Pháp. Ra phố nhác trông thấy một mái tóc đen, dáng dấp gầy gò là dõi mắt nhìn theo. Vì ít, nên tình đồng hương bỗng trở nên đậm đà nồng ấm. Người ta chợt thấy thương nhau hơn. Mừng vui khi gặp được nhau trên vùng đất mới. Những người đến trước thường vồn vã với người đến sau. Thăm hỏi và cũng là dịp được nói, được chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm mà họ đã trải qua. Nhưng với gia đình cậu bé này mọi thứ bỗng trở nên lặng lẽ. Người vừa đến ngại ngần. Người đón chào cũng cảm thấy hụt hẫng.
Chỉ trừ hai đứa nhỏ hay la cà chuyện trò với những người trong chung cư. Còn tất cả bốn người trong gia đình đều khép kín, tránh né đồng hương khi chạm mặt.
Duy là thằng bé hay lân la đến trò chuyện với tôi. Có lẽ bảy gia đình Việt Nam cư ngụ trong tòa nhà này đều là người miền Nam. Và giọng nói âm hưởng Bắc của tôi, khiến nó cảm thấy gần gũi.
– Hồi mới tới thấy ông ba, bà má em chị biết ngay là một gia đình giả hả chị?
– Ừ, nhà gì mà cha và con gái nói giọng Nam. Mẹ và bà ngoại lơ lớ tiếng Tàu. Hai cậu ấm thì rặt tiếng Bắc. Không biết sao được!
Ngôi nhà trên đồi là nơi hai cậu bé thường lên chơi, ngủ lại những ngày cuối tuần hay vào những dịp nghỉ lễ. Hai anh em được quyền đi chơi đó đây mà không cần xin phép người lớn, sau một buổi chiều mà văn phòng của trung tâm đóng kín cửa, chỉ tiếp riêng cha mẹ nó. Chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ, được trung tâm nuôi nấng cho đến khi giấy tờ bảo lãnh hoàn tất, sẽ lên đường qua Mỹ đoàn tụ với người thân. Đứa con trai đi cùng Duy may mắn được rời Pháp sớm. Nên những ngày chờ đợi lên đường, tôi như một chỗ nương tựa của Duy.
Ông bà P có một người em gái là tu sĩ. Vị nữ tu vẫn mang đến cho tôi một giỏ mây đầy đồ hộp, bánh trái, mỗi khi có mặt Duy. Thỉnh thoảng thêm một bó hoa tươi bà hái trong vườn.
– Biếu gia đình cô và vị khách trẻ này dùng cuối tuần. Xin Chúa xót thương gìn giữ những đứa trẻ sớm phải lìa xa cha mẹ.
– Thưa sœur, không cần phải thế ! Ông bà P đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.
Không cách chi tôi có thể từ chối lòng tử tế của vị nữ tu. Duy có vẻ không vui với cái nhìn đầy thương xót của bà phước. Nó không muốn được thương hại như một đứa trẻ lạc loài côi cút.
– Hơi đâu mà tự ái!
Ngày nào chẳng có tin tức những người vượt biển. Bao nhiêu thảm cảnh mà cả thế giới bàng hoàng. Sœur nào biết em may mắn sinh trong một gia đình khá giả. Đủ điều kiện cho em ra đi bằng một thẻ thông hành dầy dặn, vì nó được dán lên đó những lá vàng. Trong khi có biết bao nhiêu đứa trẻ, chui rúc trong những khoang tàu. Những đứa trẻ mất mẹ lẫn cha trên đường vượt biển. Tôi nói với nó như thế.
Người con gái có khuôn mặt khá xinh, nhưng không được tươi vui. Dường như có chút gì đó lạc lõng xa xăm nơi ánh mắt. Dáng đẹp nhờ mái tóc đen thẳng, dài đến nửa lưng. Chiếc áo dài tơ tằm màu xác pháo và chiếc quần đen rộng phủ xuống chân không thấy mũi giày. Đứng trên bục giảng được làm bằng những thanh gỗ dài ghép lại tựa cái vạt giường thưa, cô lúng túng như sợ gót giày nhọn lọt vào những khe hở.
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…
Tiếng Chúa luyến láy từ đôi môi. Hai bàn tay đưa lên một lời dâng tha thiết và cũng là tiếng mời gọi mọi người hát theo. Đa số những người đến dự thánh lễ là người ngoại đạo. Có lẽ người ta nghe lời Chúa ít hơn là lắng nghe thứ tiếng Việt thân yêu từ đôi môi ấy thoát ra.
Buổi Thánh lễ được tổ chức giữa khu đất trống, trước căn nhà gỗ. Nơi làm phòng ăn, nấu nướng cho nhân công vào mùa hái nho. Tất cả những chiếc ghế trong nhà kho đều được đem ra trưng dụng.
Vị chủ lễ là một linh mục Việt Nam đến từ Paris. Đây là một tu sĩ mà gia đình ông bà P rất quý trọng. Ông thường đến thăm họ và cũng để nhận những thùng quà, những thứ thuốc men mà họ đứng ra quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm khác.
Lần này vị linh mục trở lại, ông không đi một mình mà còn có một thanh niên và vài cô gái đi cùng. Đây là những người hát trong ca đoàn nơi Giáo xứ ông đảm nhiệm. Ông muốn tổ chức một Thánh lễ và nhờ tôi mời những người Việt trong cộng đồng tham dự. Có lẽ Nga là người lớn tuổi nhất trong các thiếu nữ của ca đoàn, và cũng là giọng ca chính. Chỉ bằng một chiếc micro nhỏ nhưng giọng cô mạnh mẽ vang vang khắp khu vườn rộng.
Buổi chiều sau khi tan lễ, do lời mời của ông bà P, mọi người nán lại dùng bánh ngọt, uống champagne. Những chai rượu không nhãn hiệu, một thứ rượu quý cất lâu năm do chính chủ nhân làm, giờ được đưa ra khoản đãi hầu như ai cũng thích được nếm thử.
Riêng Nga, có vẻ không tha thiết lắm. Cô nhờ Duy đưa cô đi dạo trên đồi, lên khu rừng nhỏ mà đứng nơi cao nhất họ có thể thấy thành phố nhấp nhô bên dưới.
Cô hỏi Duy:
– Em là em ruột của chị Loan?
– Không chị, em chỉ có người chị họ ở Paris. Em chờ bác em lo giấy tờ cho tụi em sang Mỹ.
– Sao em đến được Pháp?
– Bằng giấy khai sanh Pháp của một thằng nhỏ trạc tuổi em. Nghe đâu đợi giấy tờ lâu quá nó đã đi vượt biên.
– Vậy sao!
Nga nhìn sâu vào đôi mắt cậu bé, rồi nhìn xuống đôi tay ngăm ngăm đen. Đôi tay với những ngón tháp bút như tay con gái, lấm tấm những chấm đen từ những sợi lông tơ chưa nứt khỏi làn da, trên mu những ngón tay của thằng bé.
– Em có đôi mắt đầy đam mê và đôi bàn tay của người nghệ sĩ. Đam mê sợ rồi cũng tan như bọt biển.
Chẳng như khi cô hát. Tiếng nói của cô bỗng nhẹ tênh, loãng bay theo gió. Thằng bé lúng túng chưa biết nói gì thì cô đã níu tay nó chạy về nơi có những cánh bồ công anh cuối mùa, thoát xác thành những đốm tơ nõn đang vi vu với gió. Hai tà áo màu xác pháo của cô vờn bay như hai cánh diều hồng quấn quít trong nắng chiều.
Nga cởi giày ngồi bệt giữa thảm hoa tơ. Đôi ống quần dài lết thết của cô lúc này bám đầy những gai cỏ.
– Lại đây ngồi với chị nè!
Cô vẫy tay gọi Duy, nhưng đôi mắt thì như nhìn về một nơi khác. Ánh mắt đuổi theo những triền xanh, buồn thiu, mênh mông. Duy không ngồi xuống mà chỉ đứng nhìn người con gái.
Buổi tối, hai chị em bắt ghế ra sân ngồi. Câu chuyện của chúng tôi bây giờ là Nga. Sao nhìn cô ấy buồn thế! Cô làm gì ở Paris? Cô còn đang đi học hay cô đã đi làm? Có bao giờ cô trở lại?
Duy nói:
– Hồi chiều ngồi trên đồi em thấy chị Nga buồn kỳ lạ!
– Chắc chị ấy có nỗi niềm. Một kỷ niệm nào đó, với ai đó trên một sân cỏ, một ngọn đồi.
Buổi sáng Duy thức dậy! Có lẽ câu nói đầu ngày của Duy mà đến bây giờ tôi còn nhớ như in, nhớ cả nét mặt của cậu bé khi nói.
– Chị ơi đêm qua em không ngủ được. Cứ nghĩ đến chị Nga.
Thằng bé đã bước qua khỏi ngưỡng cửa tuổi thơ rồi đây. Tôi nhìn bàn tay nó. Những sợi lông măng như đen hơn, đậm hơn.
Tôi rời bỏ ngôi nhà trên đồi sau khi Duy đi Mỹ không lâu. Mười năm sau tôi gặp lại Duy, một thanh niên tuấn tú vừa bước chân vào đại học. Mười năm sau nữa, Duy đã là một kỹ sư trẻ, lịch thiệp.
Duy không còn là thằng em thơ dại giúp tôi lau nhà, rửa bát ngày nào. Đôi khi là một người bạn cho tôi học hỏi những kinh nghiệm trong cuộc sống mà cậu đã trải qua.
Duy vẫn nhắc nhớ những chuyện xưa và cũng cười sằng sặc như ngày nào. Nhưng tuyệt nhiên Duy không hề nhắc tới người con gái tên Nga mà cậu đã có một đêm dài không ngủ được. Tôi nghĩ đó là một mối tình thơ dại, nỗi xao xuyến đầu đời mấy ai quên được. Lẽ nào Duy đã quên!
Quận mười ba – Paris, siêu thị Tang-Frères mở cửa suốt tuần.
Thứ bảy, Chủ nhật là ngày nườm nượp khách. Chẳng riêng gì khách của Paris, vùng phụ cận. Những người ở phương xa, nơi không có chợ Việt Nam, hoặc có mà hàng hóa không đủ hay giá cả quá đắt, nên cuối tuần họ đổ về khu thương mại này mua sắm. Thỉnh thoảng tôi cũng vượt đường xa đến đây đi chợ, mua sách báo, ăn uống. Một năm không biết tôi đã về khu chợ Á châu này được mấy lần? Vậy mà Duy đứng đó, nép mình nơi cổng chợ nhìn người qua kẻ lại. Duy mong sẽ thấy tôi trong đám người nhỏ nhắn tóc đen, dù chỉ là một hy vọng mong manh.
Ngoài khu chợ này em còn biết tìm chị ở đâu bây giờ?
Duy đã nói với tôi như thế.
Và giờ đây…
Quận mười bốn – Paris, trong một con đường hẹp mang tên Leopold Robert.
Tôi đang đứng trước một ngôi nhà mà đêm nào tôi đã đưa Duy về. Tôi biết Duy không ở đây. Nhưng tôi chỉ mong được vào tòa nhà kia, tìm tên em trên một thùng thư để gửi vào đó vài hàng chữ, với hy vọng người đang coi sóc giữ nhà cho Duy sẽ chuyển thư tôi về nơi em ở. Duy đang lang bạt ở Kabul, Nanking, Frankfurt, London hay vẫn ở Washington DC? Em đang ở một nơi nào trên trái đất này? Em có hạnh phúc không hay vẫn mãi khủng hoảng buồn rầu với những bất cập nghịch lý của cuộc đời chẳng thể nào bày tỏ.
Ngoài khu nhà này tôi còn biết tìm đâu ra dấu vết của em?
Duy nhỏ,
Chị vẫn muốn đệm thêm chữ “nhỏ” thân thiết của ngày xưa khi gọi tên em. Dù em không còn là một cậu bé mười ba và chị người đàn bà hai mươi hai thanh xuân xưa đã vàng theo năm tháng.
Vậy đó, có những khoảng thời gian, cả hàng chục năm dài chúng ta lạc mất nhau. Thế nhưng em vẫn cố gắng đi tìm chị. Hơn hai năm nay, chị không có tin em. Không một lời thăm hỏi, ngay cả một tấm thiệp điện tử chúc lành trong những ngày lễ lộc. Khi nhận ra sự thiếu sót này chị thực sự buồn bã và lo lắng. Nhận ra chị đã thương quý em đến ngần nào. Người xa xôi nhưng đã sẻ chia cùng chị qua bao biến cố buồn vui của cuộc sống.
Bây giờ tháng tư, chung quanh nhà trên ngọn đồi ở làng Trois-Puits năm xưa, nơi mà chúng ta gọi là làng ba giếng. Những đọt pissenlit mơn mởn mà Duy vẫn hái làm món salade dầu giấm hẳn đã vươn mình thành những đóa bồ công anh vàng rực khắp khu vườn. Bà Jeanne P đã qua đời. Những người “hàng xóm” của chúng ta trong hành trình những ngày đầu xa xứ ai còn ai mất? Tất cả là kỷ niệm. Thứ kỷ niệm mà chị đã từng nói với em, nếu một trong hai chúng ta không còn nữa thì mọi thứ cũng sẽ mất đi. Bởi vì chỉ em hoặc chị, sẽ không còn ai để chúng ta có thể kể lể, nhắc nhớ, cảm nhận thấu hiểu cái thời mới bị bật rễ ra khỏi quê hương. Chị trẻ trung, em ngây thơ, ngờ nghệch.
Như lúc này, chị đang một mình quay nhìn quá khứ. Một mình nhớ lại chuyện xưa. Bây giờ em ở đâu, Duy nhỏ?
Tôi vẫn nhớ lời Duy nói, khoảng thời gian sống trong chung cư nghèo khổ năm xưa là khoảng đời đẹp nhất. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tất cả tiền bạc em kiếm được bây giờ chẳng thể nào bằng những đồng xu nhỏ nhoi chị cho em thuở ấy. Đó là một câu trả lời khi tôi hỏi Duy cớ sao em cứ phải ấn vào tay chị những tờ giấy bạc, đâu có gì bắt buộc em phải làm như thế!
Hôm đó chúng tôi dùng cơm tối trong một quán ăn. Duy đã bỏ ra ngoài chắc cũng hút đến dăm ba điếu thuốc mới có câu trả lời cho tôi. Duy tập tành hút thuốc khi hai tòa tháp ở New-York ngã xuống tan hoang. Nhưng tôi hiểu, đó chẳng phải là một nguyên nhân để Duy chán chường, huỷ hoại sức khoẻ của mình trong cách ấy. Chỉ là một biến cố cùng một biến cố mà thôi.
Đêm qua tôi mơ thấy Duy. Vẫn như ngày nào, Duy ôm chầm lấy tôi:
– Trời ơi sao chị còm quá vậy?
Trong mơ, tôi đẩy Duy ra ngắm nghía khi nhận thấy cậu đang mặc một chiếc áo rất đẹp.
– Cho chị cái áo này đi!
Rồi giấc mơ tan biến…
Sáng thức dậy chợt nhớ xưa Duy đã từng cởi ra cho tôi một cái áo sơ mi sọc, màu tím nhạt mềm mà em đang mặc khi thấy tôi khen áo đẹp.
Chỉ là mơ thôi! Nhưng tại sao lại là một chiếc áo?
Duy bây giờ là một người đàn ông chín chắn, ăn mặc lịch thiệp. Đâu phải là cậu thanh niên mười tám đôi mươi, hớn hở sắc màu thuở ấy.
Nhưng Duy ơi, chị hiểu tất cả chỉ là hình thức. Bất cứ thứ trang phục nào em yêu thích khoác lên người thì em vẫn là em của chị mà Duy!
Có phải thực sự Duy đã biến mất khỏi cuộc đời này, theo một cách nào đó mà tôi đang tưởng tượng, nghi hoặc. Nhưng điều ấy không thể xảy ra với một người Công Giáo thuần thành. Có lần Duy đã nói với tôi về giáo điều này.
Tôi nhớ ngôi nhà trên đồi, khuôn mặt người nữ tu năm xưa. Đứa trẻ hồn nhiên mà bà cầu nguyện Chúa gìn giữ nay đã là một người trưởng thành, chững chạc. Có lẽ bà cũng đã qua đời.
Lạy Chúa, xin thương xót gìn giữ những con người lạc loài không phù hợp, thích hợp với cuộc sống này!
Tôi về. Gió đã bỏ đi, bay biến ở một nơi nào. Chỉ còn mặt trời trên cao rải từng giọt nắng khô xuống lòng đường. Đường Leopold Robert cong queo, nứt rạn. Mặt đất như gẫy gập, vỡ tan từng mảnh vụn dưới bánh xe lăn.
Những ngôi nhà vẫn im lìm cửa đóng như không còn ai ở.
Đặng Mai Lan