Hai Trầu Lương Thư Trung
Cây điên điển – Nguồn: thatsonchaudoc.com
Theo sách Cây Cỏ Miền Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ thì cây điên điển có ba loại:
1- Điên điển lớn (Sesbania sesban (L.) Merr):
Tiểu mộc 6m; nhánh thường thòng. Sóng 5-15 cm, thứ diệp 10-18 cặp, hẹp, 6-25 x 3-6 mm; lá bẹ 3-6 mm. Chùm, 3-14 cm, hoa 3-13, vàng, cờ có đốm nâu, hông dài hơn lườn. Trái vặn 10-20 cm; hột 20-32.
Trồng ở ruộng (S. aegyptiaca Pers.)
2- Điên điển (Sesbania javanica Miq):
Tiểu mộc 1-4 m, có tủy to, gỗ mềm. Lá do 20-60 lá phụ hẹp có đốm tím ở dưới; lá bẹ 5-6 mm. Chùm ở nách dài 10 cm, 8-10 hoa vàng nghệ, dài 2cm; hông dài bằng lườn. Trái 20 x 0,4 cm nâu hay tím chứa nhiều hột tròn.
Trồng bằng giâm nhánh ở ruộng; hoa ăn được; 9-11 (S. paludosa Prain).
3- Điên điển sợi (Sesbania cannabina Per.):
Tiểu mộc 1-2 m; tủy bằng 1/3 đường kính. Lá do 20-30 lá phụ, lúc non có lông; lá bẹ 2 mm. Chùm dài 2 cm, 2-3 hoa vàng, dài 12 mm. Trái 15-18 x 0,3 cm, chứa cỡ 30 hột hình trụ, dài 3 mm.
Vùng Sài Gòn.
Var. Floribunda Gagn: phát hoa, dài 9-10 cm; Sài Gòn, Hà Tiên. (1)
Theo bộ Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí xuất bản, năm 1970:
“Điên điển (dt). (thực): Loại cây cao lối 5 m, trồng dưới ruộng sâu, hoa vàng, trái nhỏ dài nhiều hột, hoa ăn được, thân gỗ nhẹ để chụm, than để cà trộn thuốc pháo; có tính điều kinh, thu liễm (Sesbania gyptiaco).
Lá của loài điên điển có cái đặc điểm là ban ngày chúng mở ra để hít thở không khí. Chính vì vậy mà khi mình vào trong một đám điên điển với diện tích chừng nửa công hoặc một công tầm cắt thì mình sẽ nghe cái mùi thơm đặc biệt của lá và cái mát mẻ của không khí mà cây điên điển nó thở ra hít vô đó. Nó mát kỳ lạ lắm mà tui thì chữ nghĩa ít quá không biết sao giải thích cho rõ hơn được! Tới chiều, lúc mặt trời gần lặn, mấy cái lá đối nhau nhỏ li ti ấy nó tự động xếp lại; tức là nó nhắm mắt ngủ suốt đêm để sáng hôm sau lại mở mắt hứng hơi sương và đón ánh nắng sáng sớm lúc mặt trời mọc.
Ngày xưa, lúc đất lâm cỏ cây hoang dã mọc còn nhiều, trên những miếng đất chưa khai khẩn vùng Mặc Cần Dưng chạy dài xuống miệt Ba Bần, Định Mỹ hoặc từ Mặc Cần Dưng chạy vô vùng Cần Đăng, Hang Tra, Trà Kiết, Vĩnh Hanh, Cầu số 5 rồi vô tuốt tới miệt Xà Tón – Tri Tôn vùng Bảy Núi có nhiều cây bố rừng và điên điển hoang mọc nhiều lắm; dường như bất cứ miếng đất lâm nào cũng có hai loại cây bố rừng và cây điên điển này mọc; người ta mới nghĩ ra chặt hai loại cây về làm củi chụm, nhứt là những năm đất lâm còn nhiều. Cho tới khi ruộng đất được nông dân khai khẩn nhiều để làm lúa mùa thì lúc bấy giờ dân quê mới bắt đầu lấy hột điên điển để gieo trồng và mục đích chính của việc trồng cây điên điển là để lấy cây làm củi chụm lửa nấu nướng quanh năm trong nhà.
Người ta trồng cây điên điển bằng hai cách:
1/ Nếu mình muốn trồng bằng hột thì lúc trái điên điển già mình hái vô và lấy hột phơi khô và chờ tháng Hai tháng Ba âm lịch đất cày bừa xong xuôi rồi mới tủ rơm đốt cho cháy rụi và để qua ngày sau cho tro rơm nguội rồi mới sạ hột giống. Một công đất tùy theo muốn sạ dày hoặc sạ thưa mình để dành hột giống từ vài ba lít cho một công. Khi sạ xong, chờ mưa xuống hột sẽ nứt nanh và mọc thành cây. Sau này có máy bơm nước mình bơm nước lên trước cho đất ướt, rồi sạ giống, khỏi cần đợi mưa, điên điển lên sớm hơn.
Vì hột điên điển rất nhỏ nên muốn sạ cho hột giống trải đều trên mặt đất, người ta trộn hột giống cho thật đều với tro trấu mua ở các lò nấu đường hoặc các lò gạch hầm gạch bằng trấu; rồi khi sạ người ta cũng cắm rò như cắm rò sạ lúa và bưng thúng giống trộn tro trấu ấy lội theo lối rò và lấy tay bốc đầy nắm tro sạ giống như sạ lúa vậy; sạ cách ấy điên điển sau này khi nẩy mầm lên cây thì đám điên điển mới mọc đều được.
Bông điên điển – Nguồn Internet
Tới tháng Sáu, tháng Bảy âm lịch nước bắt đầu bò lên đồng thì bông điên điển bắt đầu trổ lác đác rồi trổ rộ vàng rực. Bông điên điển buổi sáng còn búp, trưa nở, chiều trời gần lặn bông điên điển sẽ xếp lại. Nên hái bông điên điển thường người ta hái buổi sáng hoặc buổi trưa. Vì bông điên điển búp thì ngọt, nở rồi lại bớt ngon, mà sắp tàn thì bông lại lạt nhách, ăn không bằng bông búp!
Qua tháng Chín, tháng Mười âm lịch, người ta bắt đầu đốn cây điên điển và chừa gốc điên điển lại khỏi mặt nước cỡ chừng năm hoặc sáu tấc tây để có chỗ gác những cây điên điển vừa chặt xong nằm lên ngay trên các gốc điên điển vừa đốn này để phơi cho cây khô dùng làm củi. Vì thân cây điên điển xốp nên lửa củi điên điển dễ cháy nhưng mau tàn! Mỗi nhà trồng được một công điên điển mình có thể lấy cây làm củi chụm nấu cơm được nửa năm hoặc có khi lâu hơn tùy nhà nấu ít nấu nhiều!
2/ Còn cách trồng thứ hai là người ta trồng bằng hom điên điển; tức là trồng bằng các nhánh non của chính cây điên điển già đó. Số là vào khoảng tháng Tám âm lịch, khi cây điên điển trổ bông và sắp già, muốn lấy nhánh non làm hom, người ta phải đạp cho cây điên điển nằm cò xuống, xiên xiên theo mặt nước. Thân cây điên điển nằm dài theo mé nước, rồi nó sẽ mọc rễ trong nước và nẩy những mầm và đâm chồi non lên. Những chồi non này lớn nhanh. Vào tháng Mười âm lịch nước sắp giựt (thường thường ở miệt Mặc Cần Dưng hay miệt Lấp Vò, vào ngày 25 tháng Chín âm lịch nước bắt đầu phân đồng, và ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch nước trên đồng bắt đầu rút xuống các sông rạch và sau đó nước giựt mạnh) người ta dọn đất trồng điên điển cho sẵn sàng rồi mới chặt những chồi điên điển non mà mình định làm giống bó lại từng bó, đem dựng dưới nước lấp xấp đất bùn. Khi thấy các hom này ra rễ là mình đem cắm xuống miếng đất mà mình đã dọn sẵn để trồng điên điển. Các chồi này gọi là hom điên điển giống như hom mía giống, hom khoai mì giống vậy mà! Cắm hom theo khoảng cách tùy theo mình muốn trồng dày hay trồng thưa, nhưng thường thường cách nhau chừng năm tấc hoặc sáu tấc vì cắm dày quá điên điển sau này khi lớn sẽ ít nhánh và cây không lớn, mà cắm thưa qua thì lại phí đất.
Đất trồng điên điển thường là đất gò ngay phía sau nhà. Hồi đời trước những miếng đất gò như vậy trồng lúa hổng được tốt nên người nhà quê để dành ra nửa công hay một công đất chuyên trồng điên điển ngay mé vườn như vậy cho tiện việc đốn điên điển mang về nhà làm củi. Sau này, khi dân cư tăng đông mà đất đai lại ít vì diện tích đất cần để sạ lúa nhiều có lợi hơn so với trồng điên điển thì dân quê mới trồng điên điển cặp theo các bờ mương, bờ vườn, không có ai trồng điên điển ở bờ sông sâu nước chảy mạnh vì điên điển thích trên cạn không thích xuống sông sâu nước chảy và có lẽ điên điển là giống hương đồng cỏ nội nên nó chịu sống trên bờ kinh, bờ mương hoặc đất gò, đất ruộng và dĩ nhiên trồng cặp theo bờ mương, bờ vườn thì điên điển chỉ đủ để lấy cây làm củi tạm và hái bông dùng làm thức ăn như rau sống vậy thôi chứ cũng chẳng là món cao lương mỹ vị hay “quốc hồn, quốc túy” gì gì như có người đã gán cho bông điên điển cái mỹ danh như vậy!
Về các món ăn từ bông điên điển thì nhiều. Dân quê ăn sống chấm nước cá kho hoặc mắm kho cũng được. Nó có mùi vị của giá sống, ăn giòn giòn mát miệng. Bông điên điển làm dưa ăn giống dưa giá. Bông điên điển nấu canh chua với cá lóc, cá rô càng ngon. Bông điên điển nấu canh thường với cá trê ăn giống canh cá trê nấu với bông so đũa. Rồi bông điên điển mà xào thịt heo ba rọi ngọt ơi là ngọt. Bông điên điên xào với tép, bỏ thêm chút thịt heo hoặc thịt gà làm nhưn bánh xèo ăn hết sẩy. Nhưng thực tình ra ở nhà quê mình muốn xào nấu món gì ăn cũng ngon ráo trọi kể cả luộc chấm tương chao ăn cũng ngon như thường vì nó có vị mát, ăn vô là khoẻ re cái bụng.
Trong sách “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” cụ Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến điên điển vào mùa nước lụt những năm 1939-1940 trong chương “Trên sông Cửu Long – Cảnh lụt”:
“Tới mùa nước lụt cảnh đẹp lắm. Nhà sàn sơn xanh đỏ chiếu xuống dòng nước lờ-đờ, ghe xuồng đi lại tấp nập, cá lội ngay dưới cửa sổ nhiều vô cùng, không một thước vuông nào không có hàng chục con; đây một em nhỏ cầm cây đinh ba chăm chú nhìn dòng nước, đợi cá qua là đâm; kia một ông lão thả câu trên chiếc cầu cong cong, dưới gốc dừa, cánh đồng lúa xanh mơn-mởn điểm những bông súng trắng, hoặc phơn-phớt tím, còn trước nhà, sau nhà điên-điển rũ những bức mành xanh điểm vàng, lơ thơ như liễu.”(2)
Viết về bông điên điển, trong sách “Hương Vị Ngày Xưa” của tác giả Nam Sơn -Trần Văn Chi, mục “Bông điên điển, món ngon mùa nước nổi”, trang 123, tác giả viết:
“Cây điên điển là loại cây có thân xốp, nhẹ, có thể dùng làm đế giày, mọc hoang ở miệt Hậu Giang. Có nhiều người chưa hề nghe và thấy cây điên điển ngay cả người gốc miền Lục Tỉnh”.
Cũng trong phần bông điên điển này, tác giả có kể:
“Trời vừa dứt mùa mưa, nước dâng cao hơn thì bông điên điển bắt đầu rơi rụng. Cả dề bông điên điển nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tấp vào bờ sông, bềnh bồng theo con nước đẹp vô cùng. Rồi có người nghĩ ra cách chế biến bông điên điển thành thức ăn mà tới nay trở thành “quốc hồn quốc túy.”
Tác giả kể tiếp:
“Người ở đây sáng sớm bơi ghe cặp bờ sông vớt bông điên điển đem về làm chua, bán lại cho thương lái. Bông điên điển vớt đem về rửa sạch, lựa bỏ bông hư, để ráo nước và ngâm nước muối, hai ngày là thành dưa chua bông điên điển ăn được rồi.”(3)
Thiệt tình ra, tôi sống ở miền quê từ nhỏ, những năm 1942 cho dĩ chí tới lúc lớn lên sau này, tôi không biết tác giả kể trong sách trường hợp người ta đi vớt bông điên điển trôi tấp vào bờ sông ở miệt nào để về làm dưa chua như vậy; nhưng riêng vùng Mặc Cần Dưng, Định Mỹ, Núi Sập, Ba Thê, Vĩnh Chánh, Phú Hòa, Hang Tra, Trà Kiết, Vĩnh Hanh, Kinh Xáng Bốn Tổng, hoặc các nơi như làng Tân Bình, Bàu Hút, Mỹ An Hưng, Vĩnh Thạnh… thuộc quận Lấp Vò (Sa Đéc) và nhiều nơi khác mà tôi biết cách nay có tới hơn trên bảy chục năm qua, tôi chưa từng thấy ai thuật lại vụ đi vớt bông điên điển về làm dưa như vậy bao giờ. Nếu có muốn làm dưa hay đem ra chợ bán, bông điên điển phải được hái một cách nhẹ nhàng, nếu không, thì bông điên điển sẽ bị bầm giập, và bông sẽ hết ngon. Dù là loại bông nhà quê, nhưng không ai nỡ “dùng chiếc dầm, đập nhẹ vào cành, vào thân thì ôi thôi có biết bao bông điên điển rớt xuống khoang ghe! Cành thấp thì dùng tay rung nhẹ cũng tha hồ mà hứng bông.”(4)
Khi tôi tình cờ có nhắc đoạn tả bông điên điển vừa rồi của tác giả trong cuốn “Hương Vị Ngày Xưa”, nhà văn Trần Bang Thạch có ghi thêm ý kiến:
“Cái vụ bông điên điển nếu viết vậy thì tui cũng phải tự gợi lại trí nhớ của mình. Từ nhỏ tui ở vùng sông nước Trà Lồng, Trà Cú, Ngã bảy Phụng Hiệp, rồi Châu Đốc, Hòa Hảo, Chợ Mới, Long Xuyên… suốt 7 năm ăn điên điển mệt nghỉ nhưng chỉ thấy điên điển trên đồng nước, nào có thấy ven sông?! Nếu là điên điển có thể mọc ven sông thì sao mình chỉ có ăn bông điên điển vào mùa nước nổi trên ruộng? Mấy tháng kia thì đố tìm điên điển. Chắc mình phải đọc lại Sơn Nam hay mình phải học hỏi thêm.” (ngày 28.6.2022)
Dà, dù sách vở có nói ba loại điên điển như ở trên, nhưng tôi cứ đinh ninh ở vùng quê tôi là cây điên điển chỉ có một loại thông dụng như từ trước tới nay là loại điên điển có trái dài cỡ 5-6 tấc, với nhiều hột nhỏ nhưng nay tôi mới tình cờ biết thêm có loại điên điển khác khi trổ bông giống y bông điên điển thông thường nhưng lúc có trái thì trái có bốn khía như trái đậu rồng, mỗi trái dài chừng 10-15 cm và có khoảng từ 4 tới 5 hột; thành ra, có nhiều loài cây cỏ quen thuộc mà mình nhìn thấy quanh mình mỗi ngày nhưng đôi lúc mình hổng rành rẽ cho lắm!”
Mùa bông điên điển thì cũ nhưng nay khi mình “già khú đế” rồi tôi mới tình cờ biết thêm vài chi tiết về loại cỏ nội bông đồng này, nên xin phép gởi khoe với các anh chị và các bạn coi qua chơi cho vui luôn vậy!
Hai Trầu
Houston, 24.9.2022
——
Cước chú
1/ Cây Cỏ miền Nam của Phạm Hoàng Hộ, Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, năm 1970, quyển I, trang 861.
2/ Trích trong “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê, Loại sách “Học Làm Người”, Sài Gòn ngày 15-3-1954, trang 95.
3 & 4/ Trích trong cuốn “Hương vị ngày xưa” của tác giả Nam Sơn-Trần Văn Chi, do Xưa và Nay in lần thứ 2, năm 2006, Hoa Kỳ, trang 124, 125.
——
Ghi thêm (từ bài viết và email của anh Hai Trầu):
1) Cây điên điển còn trị được bịnh giời ăn. Người ta bẻ cái đọt điên điển, ở đó có mủ điên điển chảy ra và thoa lớp mủ lên chỗ giời ăn vài ba lần là lớp da bị giời ăn từ từ khô lại và hết hồi nào mình hổng có hay. (http://thatsonchaudoc.com/banviet2/HaiTrau/HoiKy/BongDienDien.htm)
2) Cảm ơn Đinh Yên Thảo có câu hỏi rất hay: “Không biết cái tên điên điển từ đâu ra?”
Anh đi kiếm khắp các sách mình đang có nhưng không có chỗ nào giải thích nguồn gốc từ đâu mà có tên cây “điên điển” ráo trọi.
Ngay như các bộ Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín cũng không có nói nguồn gốc tại sao gọi là cây “điên điển”; các sách chỉ nói chung chung cây điên điển thuộc họ đậu, nhưng thực ra nó giống cây so đũa cả về lá và bông.
Trong sách Cây Cỏ Miền Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ do nhà Khai Trí (Sài Gòn) xuất bản năm 1970, trang 861, Quyển I, xếp So đũa và Điên điển vô cùng họ Sesbania, Pers: Tiểu mộc hay đại mộc, là do rất nhiều lá phụ, trái rất dài:
– 2165. Sesbania aculeata Pers. So đũa gai.
Cỏ nhất niên cao 1-1,5m; thân non và sóng lá có gai nhỏ, đáy có vỏ xốp như khí mô. Lá dài 10-18cm; thứ diệp 20-60, hẹp 2-3cm; lá bẹ nhọn. Chùm 4-7cm, 4-5 hoa vàng-vàng, dài 4mm, 5 răng ngắn; vành 12mm. Trái dài 10-18cm; hột dài 3mm.
Phước Tuy, dựa rừng sát.
– 2166. Sesbania granddiflora Pers So đũa; Sesban, Vegetable Hummingbird.
Đại mộc mọc mau. Vỏ tiết ra mủ đỏ, gỗ mềm. Lá do đến 60 lá phụ, tròn dài. Chùm 3-4 hoa rất to, trắng, ít khi đỏ đậm. Trái dài đến 50cm nở làm hai mảnh ngay; hột vàng.
Trồng khắp bình nguyên để lấy gỗ, lá, hoa (nhiều vitamin C)
– 2167. Điên điển lớn (Sesbania sesban (L.) Merr):
Tiểu mộc 6m; nhánh thường thòng. Sóng 5-15 cm, thứ diệp 10-18 cặp, hẹp, 6-25 x 3-6 mm; lá bẹ 3-6 mm. Chùm, 3-14 cm, hoa 3-13, vàng, cờ có đốm nâu, hông dài hơn lườn. Trái vặn 10-20 cm; hột 20-32.
Trồng ở ruộng (S. aegyptiaca Pers.)
– 2168. Điên điển (Sesbania javanica Miq):
Tiểu mộc 1-4 m, có tủy to, gỗ mềm. Lá do 20-60 lá phụ hẹp có đốm tím ở dưới; lá bẹ 5-6 mm. Chùm ở nách dài 10 cm, 8-10 hoa vàng nghệ, dài 2cm; hông dài bằng lườn. Trái 20 x 0,4 cm nâu hay tím chứa nhiều hột tròn.
Trồng bằng giâm nhánh ở ruộng; hoa ăn được; 9-11 (S.paludosa Prain).
– 2169. Điên điển sợi (Sesbania cannabina Per.):
Tiểu mộc 1-2 m; tủy bằng 1/3 đường kính. Lá do 20-30 lá phụ, lúc non có lông; lá bẹ 2 mm. Chùm dài 2 cm, 2-3 hoa vàng, dài 12 mm. Trái 15-18 x 0,3 cm, chứa cỡ 30 hột hình trụ, dài 3 mm.
Vùng Sài Gòn.
Var. Floribunda Gagn: phát hoa, dài 9-10 cm; Sài Gòn, Hà Tiên..
Còn sách Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi không có nhắc đến loại cây điên điển này.
Bộ Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên của Bửu Kế cũng không có tên điên điển, mà chỉ có chữ “Điên Bái”: Điên là ngã nhào. Bái là nhổ lên.
Đại Nhã trong Kinh Thi có câu: “Điên bái chi yết” (bày ra ngã đổ, bật rễ)
Ý trong Kinh Thi là nói đến cây bị nghiêng đổ, nên bình thường , nói người gặp việc gian truân là “điên bái”. (Sách đã dẫn, trang 561)
Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn cũng không có loại cây “điên điển”.
Trong bộ Đai Nam Nhất Thống Chí các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên, mục Thổ Sàn như Thóc lúa, Khoai đậu, Dưa, Rau, Cỏ, Gỗ, Dược thảo, v.v… đều không có tên “cây điên điển”, nhưng cỏ lác, cỏ tranh thì có…
Ở nhà quê, ngoài bông điên điển, còn có một giống chim và một giống côn trùng cùng mang tên “điên điển”.
Về loài chim thì có giống chim gọi là chim “điên điển” như mình gọi “cò”, “diệc”, “bồ nông”, “thằng bè”, “già đãy” (có nơi còn gọi “gà đãy”…: là giống chim lớn, lông đen, chân có màng dính lại giống như chân con vịt; vào mùa mưa giống chim này thường về các sân chim rất nhiều.
Về côn trùng thì có con “điên điển”, hình dáng giống con cam, con quít, có cánh cứng màu ửng đỏ bóng láng úp trên lưng như mu con rùa. Vào mùa nước lên khi các đám điên điển trổ bông thì loại con điên điển này xuất hiện và chúng sống trong nước nơi các mô, các ụ cỏ khi mình gom cỏ lại làm mô làm ụ cho lươn, cá, cua ốc vào dựa để vài ngày dùng rổ xúc các mô này bắt cá, bắt lươn. thì sẽ có nhiều con điên điển dựa vào; trẻ nhỏ ở nhà quê ưa bắt con điên điển bỏ vô bếp than nướng chín ăn rất thơm và giòn.