Sự Cao Ngạo Của Đàn Ông

Hồ Thị Ngọc Trang


Tiểu thuyết Doctor Zhivago của Boris Pasternak

Chuyện 1: Hai vợ chồng đang dọn tủ sách. Một tờ giấy ố vàng rơi ra. Tôi nói: “A, lá số tử vi của em lấy từ mấy chục năm trước! Anh xem, đầy đủ Văn Xương, Văn Khúc nhé. Ông thầy tử vi bảo em mà theo đuổi văn chương là nổi tiếng lắm đó.” Anh ấy cười và nói: “Vậy ư? Nếu thế có lẽ em sẽ viết thể loại hồi ký.”

Chuyện 2: Trong một buổi họp mặt ở nhà chúng tôi khoảng giữa thập niên 1980, có anh Đoàn Tường, anh Tâm, anh Yên và chị Bích, anh Cường và chị Nhung, vợ chồng tôi, anh Chánh (anh ruột của tôi, người đóng vai Sancho Panza rất thành công trong vở kịch Don Quixote bằng tiếng Anh) và một số người khác nữa. Hôm ấy, nhân nói đến R. M. Rilke như một trường hợp hiếm hoi trong văn đàn với những tán tụng hết lời về sức sống và bản chất thuần khiết của nữ giới như: Người đàn bà sống hồn nhiên hơn, phong phú hơn và tự tin hơn. Trong sâu thẳm, chắc chắn họ chín chắn và nhân văn hơn người đàn ông nhẹ dạ, dễ dãi, và vốn kiêu ngạo và hấp tấp, hắn coi thường những gì hắn nghĩ là hắn yêu. (“Women, in whom life lingers and dwells more immediately, more fruitfully, and more confidently, must surely have become riper and more human in their depths than light, easy-going man who, arrogant and hasty, undervalues what he thinks he loves.”) Tôi có ý kiến nếu trong quá trình sáng tác của người đàn ông cũng có hoài thai, có sinh nở thì họ không bao giờ thực sự có được khả năng trời sinh này của người đàn bà và đây là điểm thua kém của đàn ông. Chính Rilke cũng từng thừa nhận điều này. Và thế là tôi nhắc lại cảnh nhân vật Zhivago tả hình ảnh vợ mình, Tonia, sau khi vừa sinh xong đứa con đầu lòng của họ: Zhivago nhìn qua khe cửa và thấy Tonia vẫn còn trên bàn sinh được nâng lên cao, ở đó Tonia nằm kiệt sức trong bóng mây của cơn đau cùng cực mà cô vừa trải qua. Cô giống như một con thuyền bồng bềnh sau cơn vượt biển sinh tử. Con thuyền ấy bây giờ đã trống rỗng, be thuyền giập nát cả. Con thuyền nằm yên mệt nhoài nhưng tỏa hào quang vì đã đưa được một linh hồn về bến. Anh Yên, vốn gallant, tán thưởng tôi nhiệt liệt và nhắc câu ca dao: “Đàn ông đi biển có chúng có bạn / Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình”. Trong cơn cao hứng được dịp tôn vinh nữ giới, tôi đề cập thêm vai trò của kinh nghiệm đối với người đọc. Tôi nói: “Em đã vô cùng thích cái đoạn này lần đầu em đọc từ 15, 17 tuổi. Nhưng phải chờ đến lúc sinh con rồi, em mới thấy cảnh tượng con thuyền cập bến đó huy hoàng và cảm động dường nào!” Có vẻ như chút xúc động rất nữ tính ấy từ tôi có lan truyền nên không khí của đàm trường có hơi chùng lại. Tuy nhiên, anh Tâm đã lên tiếng ngay: “Nhưng cô quên người viết ra tất cả điều đó là một người đàn ông.” Không ai nói gì và chúng tôi chuyển qua một đề tài mới.

GHI THÊM: Năm 1990, anh Tâm cùng gia đình sang Mỹ định cư. Trước ngày đi, anh ghé nhà, tặng chúng tôi một bịch sách, trong đó có cuốn rất to và dày là tuyển tập các vở kịch của Eugene O’Neill, có cuốn mỏng dính các truyện ngắn của Joyce Carol Oates, và dĩ nhiên có cả tiểu thuyết Doctor Zhivago bìa cứng. (Xin mời xem ảnh và đọc đoạn cuối trang 104.)


Trang sách 104 của cuốn tiểu thuyết Dr. Zhivago