Đôi đũa, cái bếp và ly nước

Hồ Thị Ngọc Trang

Dương Nghiễm Mậu đang làm tranh sơn mài

Sau 1975 và sau khi đi tù cải tạo về, chồng tôi ngưng viết văn quay qua làm tranh sơn mài để mưu sinh. Lúc đầu, anh làm công nhân ở một xí nghiệp sơn mài. Một thời gian ngắn sau đó, anh về nhà và một mình làm hết mọi công đoạn: quậy sơn, lược sơn (loại bỏ tạp chất trong sơn), làm vóc, cẩn ốc, cẩn trứng, vẽ, mài, đánh bóng… Phòng khách nhỏ trở thành “xưởng tranh”, và cửa ra vào thì luôn mở rộng tiện cho việc khuân vác. Công việc rất nặng nhọc, ví dụ khi quậy sơn trong chậu sành cho nó loãng ra thì phải ngồi dưới trời nắng gắt, trước hiên nhà, hàng giờ, còn lược sơn thì phải có tôi giúp đổ sơn ra giữa tấm vải, túm hai mép vải lại, rồi hai người ngồi đối diện lọc sơn bằng cách xoắn ngược chiều hai đầu tấm vải, như kiểu sắc thuốc Bắc. Nhưng lạ lùng thay, chồng tôi làm tất cả những việc đó với dáng vẻ ung dung tự tại, y như khi anh đang đọc sách hay đang sáng tác vậy. Thái độ của anh làm tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng, không khổ sở, áy náy do thấy chồng mình quá vất vả, và tôi thầm biết ơn điều này. Có những người qua đường, những người mài dao, hàn xoong, hàn nồi và mua bán ve chai (đa số dân có học phải hành nghề như thế do “trời làm một trận phong ba”) ghé lại xem, hỏi dăm ba câu về kỹ thuật, giá cả… và có những người quen đích thân đến hoặc gửi con cháu đến học nghề, anh đều vui vẻ nhận lời, nhưng họ “vào ngày ba ra ngày bảy” hết vì không đủ kiên nhẫn. Đối với bạn bè ghé chơi, anh tiếp chuyện trong khi tay anh vẫn cẩn vỏ trứng, cẩn vỏ ốc trong âm thanh cộc… cộc… của con dao cẩn gõ vào tấm ván. Những người bạn thân thiết ấy vừa hàn huyên vừa ngồi xem anh làm tranh. Họ vui vì thấy bạn mình không vì phải tiếp mình mà bỏ bê công việc. Thức uống đãi bạn chỉ có trà nóng hoặc trà đá tùy trời mát hay oi bức, không có cà phê, nhưng có những câu chuyện thú vị không dứt.

Buổi sáng hôm ấy anh Tâm đến chơi nhà như anh vẫn đến hằng tuần. Đó là khoảng thời gian 1985-1990. Trước 1975 anh Tâm và chồng tôi có biết nhau, đọc và quý nhau nhưng không thân thiết, không tụ họp đàm đạo, đi chơi hay ăn uống gì. Với các vị khác trong nhóm Sáng Tạo cũng vậy. Trên văn đàn họ là đàn anh của chồng tôi. Đầu năm 1972, nhân dịp dự tiệc cưới con gái ông chủ nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, lần đầu tôi được diện kiến đông đủ các bậc quần hùng văn nghệ thủ đô miền Nam. Chồng tôi dắt tôi đến trình diện các vị ấy vì chỉ mới vài tháng trước đó, các anh đều gửi lời chúc mừng đăng lên báo dành cho đám cưới chúng tôi diễn ra ở nhà gái tại Đà Nẵng. (Chúng tôi không tổ chức tại Sài Gòn.) Vì sự quá nổi tiếng của họ, tôi thuở ấy mới 22 tuổi, cũng có đôi phần e ngại. Nhưng các anh rất lịch sự, nhã nhặn và niềm nở, đặc biệt là anh Mai Thảo, vồn vã hỏi tôi ba câu liên tiếp: “Cô giáo hả? Người Huế hả? Người Huế pure hả?” Nhưng giao thiệp chỉ đến thế thôi. Anh Tô Thùy Yên thì khác, thân với chồng tôi kiểu chia ngọt sẻ bùi từ thuở đôi mươi, có những dự định văn chương cùng nhau, đi chơi trong thành phố, đi tỉnh, đi tiền đồn cùng nhau, và mọi thành viên trong hai gia đình đều quen nhau, qua lại thăm viếng nhau. Anh Đoàn Tường – Lý Hoàng Phong lại khác nữa: anh như người anh cả trong nhà. Tiếp đến là những năm đầu và giữa thập niên 1980, các anh Tâm và Yên lần lượt rời trại cải tạo trở về. Từ đó anh Tâm bắt đầu trở nên thân thiết, còn anh Đoàn Tường và anh Tô Thùy Yên với chúng tôi đã thân lại càng thêm thân.
Trở lại buổi sáng anh Tâm đến chơi nhà hôm ấy, anh bảo chồng tôi: “Để tôi đọc cho Mậu nghe bài thơ mới của Nguyễn Đức Sơn:
Đ.M. cây bông
Mày đứng ngoài đồng
Mày phi lao động
Đ.M. cây bông.”

Thơ thế này thì tục quá, tôi sẽ bỏ chữ đầu tiên để thành:

“Mẹ cây bông
Đứng ngoài đồng
Phi lao động
Mẹ cây bông.”

Chồng tôi chưa kịp phản hồi thì tôi, lúc ấy mới soạn bài xong, rời bàn viết từ trên gác bước xuống góp chuyện:

“Anh Tâm, theo em không nên biến dialogue thành monologue. Vì cái mood của bài thơ sẽ thay đổi hoàn toàn: bài thơ nguyên gốc 4 chữ rất mạnh mẽ, gọi thẳng mặt mà chửi trực tiếp trong khi bài 3 chữ là chửi đổng, yếu xìu à”. Chồng tôi, vẫn với nụ cười hiền hòa cố hữu, không nói gì, nhưng tôi đã kịp thấy chút lóe sáng trong mắt anh, còn anh Tâm tuyệt nhiên không có biểu hiện gì. Anh nói: “Trưa rồi, tôi đi về đây.” Ngay sáng hôm sau, anh Yên đến thăm chúng tôi, gặp chồng tôi đang mài tranh trước hiên nhà nhưng anh không ngừng bước mà đi thẳng vào trong nhà tìm tôi. Anh nói: “Bà Mậu này, hôm qua đã trưa lắm rồi mà anh Tâm còn đạp xe đến nhà tôi. Ảnh kể: “Tôi đang đọc thơ Nguyễn Đức Sơn cho Mậu nghe thì có một người đàn bà, trên tay còn cầm đôi đũa, từ trong nhà bếp bước ra, nói… như vầy… như vầy…”

Thoạt tiên tôi ngớ người ra, nghĩ thầm, “Ủa, ủa, đôi đũa ở đâu ra? Hôm qua mình có nấu ăn gì đâu? Mà mình trên gác đi xuống, đâu phải trong bếp bước ra? Định thần lại một chút, tôi thấy vui khi hiểu ra cái ấn tượng mình đã gây nên. Tôi bật cười, nói: “Té ra người-cầm đũa-trong-bếp đôi lúc cũng nói được điều chí lý, anh Yên hén?” Anh cười vang và lặp lại: “Chí lý!”

Đây không phải là lần “Ủa, ủa” đầu tiên. Lần thứ nhất là khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết ngắn BẾP LỬA (nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng in năm 1957, trang 77- 78). Cuốn sách xuất bản non chục năm mới tới tay tôi ở Huế lúc đó mới độ 16, 17 tuổi, chưa quen biết bất cứ ai là nhà văn, nhà thơ ở Sài Gòn. Đây, đoạn nhân vật nam tên Tâm đến thăm cô em họ tên Thanh:

“Lễ Phục Sinh tôi về thăm Thanh gặp lúc nàng ốm nghỉ nằm ở nhà, Minh đi học vắng, Thanh gượng dậy tiếp tôi. Tôi khuyên nàng nằm nghỉ và tôi kê ghế ngồi cạnh giường. Sau khi hỏi thăm về sức khỏe của Thanh tôi ngồi im và không biết nói chuyện gì. Tôi nhìn Thanh và mi mắt nàng hơi khép xuống nặng nặng, nàng thở một cách đắn đo, tôi đứng dậy để đốt thuốc lá, Thanh bảo:
– Anh cứ tự nhiên, em không sợ thuốc lá đâu.
Tôi ngồi xuống và thở khói nhè nhẹ. Thanh bỗng nói với tôi:
– Anh rót cho em xin cốc nước.
Tôi sửng sốt vì sự quá đáng của Thanh. Chưa bao giờ Thanh dám làm thế với tôi cả. Mặt tôi hơi sầm xuống. Thanh lại nói tiếp như van lơn:
– Anh cho em xin cốc nước…
Thanh định nói thêm điều gì lại thôi. Tôi miễn cưỡng làm theo lời Thanh. Uống xong nước, Thanh nói:
– Em có câu chuyện muốn nói với anh.
Thanh cố ý ngừng lại. Tôi hít một hơi thuốc lá dài và thở khói um khiến Thanh phải sặc. Nàng quay mặt đi bảo:
– Anh thổi khói vào mặt em.
Tôi thở nhẹ và khói tan dần. Mắt Thanh có nước và da mặt nàng hồng lên mệt nhọc. Thanh kéo chăn chấm nước mắt và nói rất nhỏ:
– Anh Tâm, anh xem Minh đã có thể lấy chồng được chưa?
…”

Tôi còn nhớ lúc đó, tôi dừng đọc, gập sách lại. Dù tôi như đang bị mê hoặc bởi cách hành văn tinh tế, giản dị mà đẹp như thơ, tôi vẫn không cưỡng được một tiếng kêu thảng thốt: “Ủa, ủa, cô Thanh đang bị bệnh mà! Cô xin ông anh họ có mỗi ly nước thôi mà! Sao lại thế nhỉ?”

Thủ bút của anh Tô Thùy Yên

Tuy nhiên, không thể vin vào việc anh nói chỗ của người đàn bà là cái bếp mà bảo rằng anh xem nhẹ mọi người nữ được. Đó chỉ là bên ngoài thôi, không phải thực sự cách nghĩ và hành xử. Bằng chứng là anh Yên, trong lúc chuyện trò, gọi tôi theo tên chồng tôi: “Bà Mậu” (Madame Mậu, theo văn hóa Tây) hoặc trong những lúc cần trịnh trọng: “Chị Mậu”. (Nhưng tặng sách cho tôi thì anh đề: “Bản riêng của Trang”). Anh Đoàn Tường luôn luôn gọi tôi: “Cô Mậu”. Riêng anh Tâm dù nói hay viết đều gọi đúng: “Cô Trang”, không phụ thuộc tôi vào tên chồng tôi. Và sau này, trong những lá thư gửi về quê nhà cho vợ chồng tôi, bao giờ trong cái greeting, anh Tâm cũng đề tên tôi trước, lại bổ túc thêm cái noble title nữa. Còn về nội dung thư thì những câu chuyện văn chương vẫn được anh tiếp tục “nói” trên giấy.

Thư anh Tâm (2-10-1993)

GHI THÊM: Lần đầu đọc DOCTOR ZHIVAGO, tôi hơi bối rối với tên nhân vật chính vì khi thì Yurii Andreievich, khi chỉ là Yurii, khi thì Yura. Trường hợp Dương Nghiễm Mậu cũng vậy, khi được gọi là Mậu, khi thì là Nghiễm.