Nguồn: Internet
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
TÁM MƯƠI LÀ GÌ?
* Mừng sinh nhật Ông Già Leo Núi Hoa Vàng, tự Hoàng Xuân Sơn *
tám mươi là tám lần mười?
là mười lần tám? là cười? hay nhăn?
là ngụ trên biển như trăng,
hay len dưới suối như làn mây bay?
là thơ cứ gõ cửa hoài?
là long lanh giữa thôn Đoài ngóng Đông?
quê xưa, bạn cũ ngập lòng,
nghe trong mộng mị áo hồng dáng ai
tám mươi tuổi, ôi thật dài!
đường về chốn cũ, còn ai nhớ mình?
hoa Vàng một chút làm tin
để gom ký ức đẹp tình núi Xuân
Little Saigon tháng Chạp 2022
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn
Trần Thị Nguyệt Mai
ĐẦU NĂM
CHÚC MỪNG SINH NHẬT HOÀNG HUYNH
1.
Tám mươi còn thở ra thơ
Còn vui với hát còn chờ XUÂN sang
Ô kìa một đóa hoa VÀNG
Tươi thắm nở giữa mênh mang NÚI rừng
13.12.2021
2.
Tám mươi ngỡ mười tám
Hồn mãi còn XUÂN xanh
Hoa VÀNG nơi góc NÚI
Khoe với trời thiên thanh
Sinh nhật ngày vui tới
Nụ cười trên bờ môi
Trông càng thêm tươi trẻ
Còn đẹp mãi tám mươi!
17.12.2021
3.
Tám mươi, ừ nhỉ, đã tám mươi
Ba số không, kết hợp tuyệt vời:
Không lo, không nghĩ, không buồn chán
Bạn với Nàng Thơ suốt cuộc đời.
Ngày tháng êm đềm nhẹ trôi
Mong huynh vui mãi với thời tám mươi…
18.12.2021
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn
Tô Đăng Khoa
TẰM NHẢ TƠ, NHÀ THƠ NHẢ CHỮ
Đọc Nhả Chữ của Hoàng Xuân Sơn
Trong dân gian “kiếp tằm trả nợ dâu xanh” là một thành ngữ để nói về thân phận của người nghệ sĩ trong xã hội. “Dâu xanh” hay “biển dâu” còn được hiểu là “cuộc đời này” trong một số điển thi.
Ví như con tằm, hấp thụ chất dinh dưỡng từ lá dâu và nhả ra những sợi tơ óng ả cho đời, cũng vậy, người nghệ sĩ trả ơn đời bằng chính những tác phẩm của họ. Từ những cảm xúc rất mong manh và bất chợt như những sợi tơ, nghệ sĩ “đan” chúng lại với nhau thành một thi phẩm hoàn tất. Khi đọc một bài thơ hay tuyệt, người đọc chỉ “cảm” được cái “mát lạnh” của bài-thơ-tơ-lụa, nhưng ít khi thâm cảm tới tiến trình gian khổ của sự “nhả tơ” và “đan lụa” của Thi Sĩ.
Nhìn từ khía cạnh này, thi sĩ cũng giống như người thợ đan tơ: họ luôn làm việc ở “phía bên kia” của sản phẩm của mình, tức là những cảm xúc. Trong khi đó, độc giả như là người tiêu thụ của sản phẩm tơ lụa đã hoàn tất.
Nỗi lòng của “người đan tơ” và của “con tằm nhả tơ” được Thi Sĩ Hoàng Xuân Sơn giãi bày cùng quý độc giả để tạo ra nhịp cầu thâm giao giữa tác giả và độc giả qua bài thơ “Nhả Chữ”
N H Ả C H Ữ
):-(
nhả chữ từng câu từng ý đồ
nâng hàng phẩm vật tới phi lô
mà sao bóng nhạn bay trầm quá
nước ở trên không chảy lồ ồ
/
nhả chữ tâm thần lúc kê bệnh
khục khặc ho hen nín tượng đài
bùn đen đã trát vào tinh ý
sắc diện bơ phờ mấy tóc tai
/
nhả chữ nhả chữ buồn chấu cắn
nhả tới u hoài khúc lấn cấn
con chim tự tử ngoài bìa rừng
nhả chữ. chiều tàn buông rất đậm
)))
h o à n g x u â n s ơ n
13, 16 dec. 2016
Khổ 1: Nâng hàng phẩm vật tới phi lô? Phải chăng phi lô chính là “philosophy”-love of wisdom? Thi Ca là đỉnh cao của tư tưởng như Everest là đỉnh cao của Hy Mã Lạp Sơn. Tư tưởng bay và khó nắm bắt như bóng nhạn. Nhưng hôm nay bóng nhạn bay trầm vì “nước ở trên không chảy lồ ồ”.
Khổ 2: Thân tằm dẫu mang bệnh, dẫu sắc diện bơ phờ vẫn không ngừng nhả tơ. Là vì chỉ mong được “bùn đen đã trát vào tinh ý”. Tinh ý gì? Phải chăng là sự nhắc nhở lẫn nhau rằng: Tất cả chúng ta: con tằm, người thợ dệt, người tiêu thụ tơ lụa, thi sĩ, độc giả đều mang thân phận “bùn đen” khi từ giã cõi đời này. Trải qua một cuộc bể dâu, tất cả chúng ta sẽ đều quy tụ về một nơi, trở thành một thứ: “bùn đen”. Cơn bịnh khiến ta “khục khặc ho hen”, “sắc diện bơ phờ” chỉ là một lời cảnh tỉnh về số phận “bùn đen”. Và Thi Sĩ đã đem cái “bùn đen” trát vào cái “tinh ý” trong khổ thơ này cho chúng ta cảnh tỉnh.
Khổ 3: Còn gì buồn hơn? Ôi nỗi buồn chấu cắn: một kiếp tằm dâu, một thân phận bùn đen, những khục khặc ho hen, sắc diện bơ phờ khi đi qua kiếp nhân sinh… và một con chim tự tử ngoài bìa rừng!
Trong khi đó nhịp thời gian vẫn gõ đều, chậm, và chắc trong một buổi chiều tàn…. và con tằm vẫn nhả tơ, và nhà thơ vẫn nhả chữ nguyện đem thân phận bùn đen này trát vào tinh ý của Thi Ca.
Cảm ơn Thi Sĩ Hoàng Xuân Sơn về một bài thơ hay và thiết lập nhịp cầu thâm giao giữa độc giả và tác giả.
***
Hoàng Xuân Sơn ở tuổi 80 hát TÌNH CẦM, thơ Hoàng Cầm do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
***
khê kinh kha
SINH NHẬT CỎ HÈN
Cho Cậu Hoàng Xuân Sơn
chao ôi tám mươi thật rồi
nhanh như dòng nước ra khơi
như mưa đổ nhào từ trời mênh mông
thắp trong hồn ngọn nến lòng
dọn trong tim, buổi tiệc mừng
nào bia nào rượu nào tâm tình này
rót đầy ly, rượu nồng cay
rượu nồng cay bao tháng ngày
tháng ngày cô quạnh giữa đời bao la
nâng ly này, cạn cùng ta
ly đầy kỷ niệm xa xưa
cho men thương nhớ lên vừa gian nan
ly này nữa, ly tủi hờn
tủi hờn số phận lưu vong
xa quê xa mẹ xa dân tộc mình
xa SàiGòn, phố nhân tình
xa Hương Giang, xa nội thành rêu xanh
cạn ly này, ly lãng quên
lãng quên ngày, lãng quên đêm
lãng quên số phận cỏ hèn tha hương
say cùng ta, say thật lòng
như ngày nào nhé Xuân Sơn
cùng Xuân Giang, cùng Xuân Hùng mình say
uống thêm đi, thêm ly này
ly này có pha lệ cay
làm sao kéo lại khoảng thời gian xưa
ly nữa nhé – cạn hết đi
rượu say, nằm ngủ, không chi
may đâu trong mộng lòng ta nguôi buồn
tỉnh dậy, còn thấy tủi, thương
tỉnh dậy, còn thấy lệ tuôn
cạn thêm ly nữa cho quên nỗi sầu
rồi mai đời có ra sao
một ly một rượu có nhau
có nhau cho đến bạc đầu trăm năm
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Thanh Trí
Nguyễn Thị Khánh Minh
MÙA THƯƠNG
Cảm xúc thi phẩm Thơ Quỳnh của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn
Hốt nhiên một phút vô thường
Một giây miên viễn rất-thường. Nở ra
Nghìn năm trong một đóa hoa
Tiếng hát xanh. Trăng vỡ òa. Đêm hương
Sống lại hết một mùa thương*…
9.2020
* thơ Hoàng Xuân Sơn: Sống lại hết một mùa thương tưởng…
Hai Nhà thơ: Vũ Hoàng Thư & Hoàng Xuân Sơn
Vũ Hoàng Thư
SINH NHẬT CỦA HOÀNG
· về Hoàng Xuân Sơn
về hiên
lục bát vắt dòng
ngọ lên cương sải
với thong dong đời
nhắn chim di vỗ cánh lời
buồn nhen là cái cuộc cười nhập khuôn
thấy lòng vui một chút buồn (*)
lượng bi thương
hoan hỉ thuôn
đã hoài
lửa hồng nhen
nhớ tàn phai
khêu tro lấy bóng
nhặt vài quỳnh thi
hắt hiu hoa vướng
tư nghì
trong hương lửa
hư trù ghì giữ nhau
mùa én lượn gói mộng đầu
ngày hoàng
sững thiên nhai
màu núi xuân
30/12/2021
—————————————-
(*) Thơ Quỳnh, Hoàng Xuân Sơn