Nơi để đợi chờ

Lê Chiều Giang

tranh Trịnh Cung

“… Chuông reo lời nắng mới
Tình ta đẹp bao nhiêu
Hồn em chìm đắm
Tiếng chuông xa vời…”

[Tiếng chuông chiều thu / Tô Vũ]

Khi quyết liệt bỏ quê hương ra đi, và sau nhiều ngày phải băng qua những con đường rừng dài chằng chịt với đầy gian nan, khiếp sợ… một sáng sớm tôi hoảng hốt nhận ra, chắc mình sẽ phải chết luôn nơi đây, khi biết nhóm người cùng tôi tìm đường qua Thái Lan đã bỏ xa tôi, đã đi mất biệt.
Campuchia, nơi tôi đang lạc lối, đang hoang mang cùng mọi thứ hãi hùng. Lần mò thế nào mà tôi bước vô một vùng đất ít khô cháy, gió mát với vài luống cải rau xanh xanh, bao quanh một ngôi chùa nhỏ.
Rừng ngút ngàn làm bé thêm chùa hoang, trông buồn buồn, trông lành lạnh như một miếu cổ im lìm.
Rêu phong phủ kín, làm nặng thêm mái chùa nghiêng như sắp rớt, tường vách nứt nẻ hoen ố, và thêm cả tiếng gió vi vu chập chờn, nghe như có vong linh nào réo gọi… Tôi lạnh người, ngỡ như mình đang đứng giữa bãi tha ma.
Nhưng dù là bãi tha ma hay nghĩa địa, tôi vẫn thấy an tâm, vui mừng vì biết đêm nay mình còn sống sót.

Đưa đôi tay bé xíu dắt tôi bước lên thềm gỗ mục, là chú tiểu ốm yếu, lúng túng trong chiếc áo rộng bạc màu, trông rất tội nghiệp.
Và chị cười chào đón tôi, nụ cười hiền hòa, làm yên lòng tất cả mọi người trên thế giới.
Vắn tắt, tôi kể về mọi gai góc trên đường từ Saigon tới đây. Đơn giản không kém, chị nói nếu muốn, tôi cứ ở lại.

Chiều tà rọi soi chút nắng ấm làm chuông sau chùa bớt đi phần lạnh lẽo. Chuông như được đúc bằng những đồng xu rơi rớt, gom góp, nhặt nhạnh từ muôn phương. Những vết sét rỉ làm chuông mất đẹp, nhưng như đã bảo vệ nó tới cùng, để chẳng gợi khơi được chút lòng tham nào của thiên hạ.
Chuông lặng lẽ không lời, chuông chẳng chút âm thanh, sao tôi nghe như có tiếng ngân dài xa tắp tới trời cao, rồi mất tăm trong bóng chiều tịch mịch.
Rừng lao xao bên con suối nhỏ, nguồn nước nuôi dưỡng bắp và khoai sắn. Màu xanh mướt của rau, óng ả của bắp, làm tôi tưởng như chị là một người trồng rau, hái trái chuyên nghiệp.

Tôi ít hỏi, chị cũng chẳng muốn kể lể dông dài.
Nhưng không phải tôi đã chẳng biết tưởng tượng ra một “tiểu thuyết đường rừng”, đầy hồi hộp và gay cấn. Nhân vật chính chắc phải là chú tiểu, con của chị. Và chị với những trắc trở, những nước mắt của một nhân duyên thơ mộng nhưng đầy trái ngang…
Điều tôi không cần suy diễn thêm, là sự can đảm của chị. Chị buông rơi, chị bỏ hết, đến sống lạ lùng ở ngôi chùa vắng vẻ, điêu tàn Tôi cũng chẳng dám hỏi xem chị và cậu con nhỏ đã đến nơi đây từ đâu và bao giờ?

Tối, khi rừng ướt lạnh, chúng tôi ngồi cay mắt, thở cùng khói thơm thơm, mịt mù bên bếp lửa. Lửa đỏ ấm áp đã làm bớt đi nỗi cô quạnh của chúng tôi, dù tiếng gió hú lồng lộng bên ngoài, đã nhiều khi làm tôi sợ mái chùa sẽ bị tung bay, sẽ rớt rơi theo cùng gió cuốn.

Đêm nay. Chị hát.
Tôi giật mình bởi lời oán than nghe buồn như nước mắt. Qua tiếng hát thanh thoát, tôi hình dung ra chị với đời sống khuê các, yêu kiều. Nhưng cách nào và làm sao chị lại ẩn thân, sống lạnh lùng như một chân tu trong ngôi chùa tiêu điều, mục rã.?

“…Người từ phương nao
Trở về cho ta
Hết u sầu
Yêu người rồi không nguôi
Trầm mình trong
Thú đau thương,
Người ơi…”

[Johannes Brahms / Phạm Duy]

Khi đam mê cùng tiếng hát, chị như thiếp đi trong một dĩ vãng xa xôi. Tiếng hát chị mơ hồ cho tôi tưởng ra một mối tình không thể nào quên lãng, đang được chôn cất trong cái dễ sợ, hun hút của rừng già.

————————–

Không hiểu tôi đã nương náu bao lâu dưới mái chùa cùng chị. Lá vàng rơi nhiều, tôi biết mùa thu tới. Chim bay hót líu lo, tôi vui với xuân về, và ngay cả gió lạnh của mùa đông, chúng tôi cũng chẳng làm gì hơn là suốt ngày quẩn quanh bên bếp lửa.
Không có gương soi, tôi quên cả nhan sắc mình. Sớm mai, trưa đứng bóng hay chiều tàn, tôi đoán giờ giấc dựa theo ánh sáng của mặt trời, như những nông dân muôn đời sống đơn sơ cùng mưa nắng. Tôi cũng chẳng nhớ ra, còn tính quên luôn cả nghĩ tới, tại sao mình lại sống ở nơi đây?

Cho đến một hôm có năm, sáu người Việt dừng chân xin nước uống. Tôi hiểu ra, tôi nhớ lại mình cũng đã từng vật vờ sống, đắm đuối chết theo những giấc mộng kinh hoàng. Lâu rồi tôi cũng như họ, đã dợm bước, đã ra đi, mong tìm tới ánh sáng chói lòa của một thế giới được sống với Tự Do.

Nộp hết những nữ trang còn lại cho người trưởng nhóm, tôi xin được đi cùng.

Chị đứng lặng lẽ như một pho tượng bên cạnh chuông, khi tôi nói lời từ giã.
Một chút mưa hắt không làm ướt áo ai, nhưng cái âm u của rừng sâu, cái lạnh lẽo ướt át của mưa rơi, đã làm tôi nhận ra, thấm thía tận cùng nỗi cô đơn vô vàn của chị, khi tôi bỏ chùa, bỏ luôn cả chị, ra đi.
Chị ủ tay tôi trong đôi tay chi ̣lạnh giá, ngậm ngùi tôi khóc cùng giọt nước mắt chị đang rơi.
Trong vội vàng, chị nói với tôi: “Em đi bình an và phải rất cẩn thận. Anh chị cũng đi theo đoàn như em, nhưng Anh lạc dấu trong rừng từ 5 năm trước. Chị không bao giờ bỏ nơi đây, dưới mái chùa này chị đợi chờ Anh cho đến chết…”
Tôi nghe mà lòng đau thảng thốt, tôi nhìn xa xăm như đang gửi chị trăm lời trách móc. Chuyện chắc phải lê thê dài, sao chị không nói gì với tôi hôm qua, tháng trước?
Thương chị, tôi ngập ngừng nghĩ đến chuyện ở lại, không đi…

Theo đoàn người lầm lũi trong bóng lá của rừng sâu. Lòng tôi buồn như chết.
Tôi thầm tạ ơn chị đã cưu mang, đã nhân ái giúp tôi sống còn trong những ngày dài khốn khó. Chị bao dung như nụ cười từ bi, nhân hậu mà chị đã ban phát cho tôi, và cả cho đời.
Chuyện đau buồn chị giữ kín, không muốn dông dài kể lể, nên tôi đã chẳng có dịp nào nói với chị đôi lời ủi an. Sự mất mát lớn lao ấy, chị giữ cho riêng mình, như ôm ấp đến tận cùng nỗi niềm oan khiên, nghiệt ngã.

Chợt có tiếng chuông vang, ngân theo từng bước chân đi. Chuông len lách trong ngàn ngàn lá rụng, chuông trải dài theo bóng chiều dần tan.
Suốt bao lâu sống bên chị, đã chẳng bao giờ tôi được nghe tiếng chuông rơi. Duy nhất hôm nay, chuông gào khóc theo tôi như một lần đưa tiễn.
Chuông không reo vui, chuông ngân nga dìu dặt. Chuông như tiếng hát chị vút cao, vói theo bước chân tôi với trăm lời than thở.

—————-

Tôi đang đi theo họ, chẳng biết những ai đây, và theo cùng với những ngả nghiêng của định mệnh, liệu tôi sẽ đến được nơi muốn đến?

Và rồi còn có bao giờ tôi tìm về mái chùa xưa, nghe lại tiếng chuông đã mất tăm trong rừng chiều hiu hắt?
Chuông vọng mãi theo cùng giấc mơ xa xôi, những bước chân lao lung, nổi trôi như gió
của riêng tôi. Hay chuông muôn đời sẽ chỉ như một tiếng ngân dài, rên siết theo sự đợi chờ cho đến ngàn năm của Chị?

Lê Chiều Giang