Trò chuyện với nhà văn Lê Ký Thương

Lời mở:

Thưa bạn,
Nhơn dịp anh Năm Hiền (Nguyễn Hiền Đức) gởi cho Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà văn Lê Ký Thương và tôi hai tài liệu viết về học giả Nguyễn Hiến Lê (của nhiều tác giả) và bài “Có Người Thục Nữ Dám Theo… Ngu” của Lê Ký Thương [Viết về bà Thoại Dung, vợ nhà văn Nguiễn Ngu Í]; và từ đó thư qua tin lại rồi có cuộc trao đổi này giữa nhà văn Lê Ký Thương và tôi.
Xin trang trọng giới thiệu cùng bạn!

Hai Trầu
Houston, ngày 06 tháng 06 năm 2021.

————–

Lê Ký Thương – Trầm Hương Thư Quán
Chân dung nhà văn Lê Ký Thương
(Nguồn từ: http://www.tramhuongthuquan.com)

LKT: Thưa quý sư huynh!
Bài của đệ viết theo hồi ký của bà Thoại Dung và những bài viết khác trong tập Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư là chính, trước khi đăng trên Blog Bác sĩ ĐHN đệ có đưa cho anh Ngọc coi qua và anh Ngọc đã “biên tập” một vài chi tiết không chính xác. Đệ nghĩ “mua vui cũng được một vài trống canh” cho quý vị 😃. Cám ơn quý vị đã quan tâm đến bài biết của đệ.

Nhân đây đệ xin mạo muội hỏi Năm Hiền có phải là Nguyễn Hiền Đức, tác giả “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” không?

HT: Mến chào anh Lê Ký Thương

Tôi đọc bài “Có Người Thục Nữ Dám Theo… Ngu” của Lê Ký Thương [Viết về bà Thoại Dung, vợ nhà văn Nguiễn Ngu Í] của anh trên trang nhà Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và nay đọc lại bài này do anh Năm Hiền gởi, tôi thấy cách dẫn chuyện của anh vừa hồi hộp, vừa mạch lạc, và vô cùng hấp dẫn!

Trong khi chờ anh Năm Hiền hồi âm về câu anh hỏi của anh về tác giả cuốn “Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong”, tôi hiện có được ba cuốn sách của anh Năm Hiền (Nguyễn Hiền Đức) sưu tầm và tuyển chọn và rất vui được ảnh gởi tặng, xin kèm hình vài bìa sách:

LKT: Thân tình gởi đến 5 Hiền và quý huynh!

Trước tiên tôi thay mặt bà xã gởi lời cám ơn Anh 5 Hiền.

Và cũng cám ơn Anh Lương Thư Trung về bài viết của tôi trên trang nhà BS ĐHN, cũng như những bìa tác phẩm đã in của anh 5 Hiền.

Tôi sinh năm 1946, có lẽ nhỏ tuổi hơn các Anh. Sở dĩ tôi gọi Đỗ Nghê là bạn là vì cùng chủ trương tạp chí Ý Thức, và từ ngày anh Ngọc về hưu tới giờ vợ chồng thường ngồi café với anh và thường cùng rong chơi khắp chốn, anh Ngọc gọi vợ chồng tôi là “những người bạn trẻ”.

Thân chúc các Anh thân tâm an lạc, sức khỏe dồi dào, hanh thông mọi sự! (lkt)

HT: Anh Lê Ký Thương,

Dạo này ở Sài Gòn dịch Covid-19 hơi bộn, kính chúc anh chị mọi sự bình an, may mắn nhe! Nhớ hôm trước định hỏi thăm anh về Nha Trang, rồi lại quên. Số là tôi có duyên với Nha Trang vì hồi đó tôi ở đó khoảng ba năm; sau này vợ chồng tôi lại có duyên kết bạn thông gia với gia đình anh chị họ Lâm & họ Lương, hổng biết hồi đó ở Diên Khánh, anh có quen ai họ Lâm và họ Lương hông anh Lê Ký Thương? Nếu có chắc là vui lắm vì “làm sui một nhà biết ra cả họ” mà! À, mà sao ở các vùng như Ninh Hòa, Diên Khánh và cả Nha Trang của anh nữa hồi đó nhiều văn nhân thi sĩ quá vậy anh Lê Ký Thương?

LKT: Thưa anh,

Gia đình tôi và gia đình Anh Ngọc, gia đình anh Lữ Kiều hiện giờ vẫn bình yên vô sự. Việc anh hỏi, tôi không biết hai vị đó, vì tôi sinh trưởng ở làng Vĩnh Điềm Thượng, quận Vĩnh Xương, nay thuộc TP Nha Trang (cách Thành – Diên Khánh 6 cây số). Riêng họ Lương ở Xóm Rượu Ninh Hòa thì tôi có quen với cô Lương Lệ Huyền Chiêu, con của Cụ Lương Trấp.

Chúc anh và gia đình hanh thông mọi việc trong ngày mới. (lkt)

HT: Rất mừng được tin gia đình anh, gia đình anh Đỗ Hồng Ngọc, gia đình anh Lữ Kiều bình yên vô sự.

Hồi năm 1970, tôi ra Nha Trang là lúc anh vô Sài Gòn học Anh văn và làm báo với nhà văn Nguyên Minh rồi (theo như bài “Nhớ Sài Gòn” ở đường Vỏ Di Nguy chỗ Chợ Cũ;,của anh). Lúc bấy giờ, tôi ở trọ gần tiệm bánh pâté chaud góc đường Công Quán và đường Độc Lập; đặc biệt ăn pâté chaud uống sữa đậu nành nóng rất ngon, xéo xéo nhà sách Huy Hoàng. Ở Nha Trang hồi đó chiều cuối tuần hoặc sáng chủ nhựt đường phố đông người lắm do các quân nhân đang thụ huấn tại các quân trường Hải quân, Không quân, Đồng Đế, Dục Mỹ, Lam Sơn đổ về, rồi có thêm binh lính Mỹ, Đại Hàn nữa. Con đường Độc Lập chạy dài xuống tới đường Phan Bội Châu, chợ Đầm thật là náo nhiệt, sầm uất.

Hồi đó tôi ưa ăn bánh khoái Nha Trang, tối tối thì có xe phở, rất ngon. Con đường Trần Quý Cáp thì có món hủ tiếu đặc biệt, gần rạp hát Tân Tiến có gà xối mỡ; gần rạp hát Tân Tân có nhà hàng Tân Tân cũng hấp dẫn nhưng tụi tôi hồi đó ưa qua nhà sách Huy Hoàng coi cọp sách; bên hông nhà sách có cái hẻm nhỏ, bề ngang chừng vài thước, có ông cụ dường như thân phụ của chủ nhà sách Huy Hoàng có bán bia và nem chả Ninh Hòa, rất rẻ và ngon.

Trong quê tôi có bánh khọt, bánh xèo; hổng biết có giống bánh căn, bánh khoái ngoài Nha Trang của anh hông?

Nói về nhà văn nhà thơ thì nói chung miền Trung rất nhiều, riêng Nha Trang đời trước có thi sĩ Quách Tấn, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Cung Giũ Nguyên, lớp kế là Châu Hải Kỳ, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Hoàng; sau này đọc sách báo biết thêm có Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương, Cao Kim Quy, Triều Đẩu, Huyền Chiêu, Nguyễn thị Khánh Minh, Nguyễn Vy Khanh và hổng biết còn có ai nữa hông, tôi hổng rành lắm. Hồi đó mấy anh em làm chung, thỉnh thoảng ưa ghé qua nhà số 53 đường Hồng Bàng thăm nhà văn Võ Hồng. Mỗi lần có người ghé thăm, ông rất vui!

Về các quán cà phê tụi tôi ưa ngồi có cà phê Tân Tân phía sau khách sạn Nha Trang (quên tên đường rồi), cà phê La Cigogne ở đường Lê Văn Duyệt do mấy cô con gái của ông Đại tá Tâm hồi hưu (trường Hoàng Phố) coi sóc, cà phê ngon mà chủ quán cũng rất đẹp nữa! Dưới bãi biển thì có kiosque số 1 là món cua biển rang muối rất hấp dẫn; chạy dài xuống tới Hải Học Viện Nha Trang có món tôm hùm nằm cặp mé biển…

Nha Trang của anh cũng còn là bối cảnh của truyện dài “Đời Thủy Thủ” của nhà văn Vũ Thất nữa [do nhà xuất bản Thiên Tứ (Sài Gòn) xuất bản năm 1969]. Mãi tới bây giờ tôi vẫn không chịu được “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng, (dù các nhà nhận định văn học hết lời khen ngợi) cũng như “Thung Lũng Tình Yêu” của Lệ Hằng trên Đà Lạt (tôi nhớ mài mại truyện lấy bối cảnh thị xã Cam Ranh, Đà Lạt); hổng biết tại sao? Có lẽ vì lúc nhỏ ở nhà quê tôi bị giới hạn trong nếp sống của khuôn khổ cũ với nền giáo dục nghiêm khắc của gia đình và xã hội hồi đời trước! Nhớ lại, hồi tụi tôi còn là học trò trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) mấy năm đầu thập niên 1960, tôi còn nhớ nếu nhà trường biết được có vị giáo sư nào mà dan díu với học trò của mình, dù là thầy hay cô, các vị ấy sẽ bị hội đồng kỷ luật của trường đổi đi nơi khác liền!

Nhớ hồi đó, ở Nha Trang mấy ngày Tết thì tụi tôi bị cấm trại; ăn Tết ngoài Nha Trang mà phải vô sở trải chiếu dưới đất để ngủ, đêm 30 Tết, buồn thúi ruột!

Vài hàng cùng anh cho đỡ nhớ Nha Trang của anh ngày ấy, cách nay hơn năm chục năm! Vậy nhe anh Lê Ký Thương!

LKT: Thưa anh Hai Trầu,

Năm 67 thì tôi rời Nha Trang rồi. Anh nhắc đến tiệm pâté chaud ở góc đường Công Quán – Độc Lập làm tôi nhớ đó là tiệm Hưng Hoa của người Tàu. Bên cạnh rạp Tân Tiến chuyên chiếu phim Ấn Độ cho giới bình dân và trẻ em, có tiệm chè sâm bổ lượng “ăn là ghiền” 😆. Anh Huy Hoàng và chị Vân vợ anh thì tôi rất thân. Trên chuồng cu, phía sau nhà sách anh chị nuôi một số anh em văn nghệ trốn lính và trẻ bán báo. Nhà văn Võ Hổng thì tôi có nhiều kỷ niệm với Thầy, mặc dù Thầy không dạy tôi. Còn Khánh Minh thì tôi biết cô làm thơ từ nhỏ, vì là bạn Hướng đạo của anh cô – Nguyễn Khoa Minh, mãi gần 30 năm sau tôi mới có dịp gặp KM ở Sài Gòn… Đúng là quả đất tròn!

Về bánh căn hơi giống bánh khọt, khác xa bánh khoái. Nó chỉ thuần bột gạo xay nhuyễn đổ vào khuôn nhỏ làm bằng đất nung, không dầu không mỡ, nếu khách muốn ăn trứng thì người đổ đập trứng vào bột khuấy đều rước khi đổ. 

* Hình này: tôi, anh Ngọc và anh tài xế ăn bánh căn ở Long Khánh, quán anh Ngọc quen trên đường đến La Gi, do bà xã tôi chụp.

HT: Dà, cảm ơn anh Lê Ký Thương hồi âm và cho biết thêm về vài nét đặc biệt của bánh căn; ngoài ra được biết thêm về nhà sách Huy Hoàng. Hồi đó, mỗi lần ghé thăm nhà văn Võ Hồng, ông hay kể về việc đi lãnh học trò bị giữ ở Ty cảnh sát vì ở Tuy Hòa vô Nha Trang ở học không có tên trong sổ gia đình khi có cuộc hành quân cảnh sát hồi đêm qua.

Nhớ lại những ngày Nha Trang, lúc bấy giờ xin đổi về Sài Gòn hoài không được, nhiều lúc rất chán đời nhưng nay nghĩ lại cũng nhờ lưu lạc như vậy mà giờ mới biết và kể chuyện với anh về Nha Trang của anh nghe chơi, vui quá!

Hồi ở Boston, nhà anh chị sui tôi thường họp mặt bằng hữu Ninh Hòa, Diên Khánh (Nha Trang), tôi được quen thêm vài anh em Nha Trang, trong số đó có gia đình con cháu của tiệm nem TTT rất nổi tiếng về nem chả ở Ninh Hòa. Hồi ở Nha Trang tôi có dịp ghé thăm xã Lương Sơn ngoài đèo Rù Rì một đỗi, ở đó là làng chài lưới, cuối tuần theo ghe ra khơi bủa lưới bắt tôm, cá rồi lên hòn gần gần gom cây khô đốt lửa nướng cá tôm lai rai với lave vui lắm!

Nhớ lại hồi ức về việc anh theo Ba “đi buôn Thượng” để bè gỗ về làm nhà (trong bài “Dấu Ấn Từ Một Dòng Sông”), lúc bấy giờ tôi có lên Diên Khánh, hoặc qua Vĩnh Xương thấy nhà cư dân ở đó cất nhà với hai hàng cột cái bằng những cây gỗ tròn và lớn bằng cột đình nhưng đâu biết rằng muốn có các cây cột như vậy phải lên rừng, vượt thác, vượt ghềnh rất cực khổ và nguy hiểm như anh kể. Mà nhà ở Diên Khánh, ở Vĩnh Xương (Nha Trang) hồi đó bề ngang thì rất dài; còn bề thâm hậu thì ngắn, theo tôi, đó cũng là cái nét rất riêng về nhà cửa của vùng Diên Khánh, Vĩnh Xương (Nha Trang) của anh vậy.

Xem hình anh và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ngồi ăn bánh căn rất vui. Anh Đỗ Hồng Ngọc dường như rất kỹ trong việc ăn uống. Hai lần gặp ảnh hẹn uống cà phê, để ý tôi thấy dường như ảnh chỉ có một loại cà phê đặc biệt mà các quán cà phê biết ý ảnh nên pha rất lạt. Gởi kèm anh chị vài hình hồi đó vợ chồng tôi chụp ở Nha Trang năm 1970, để anh chị coi chơi cho vui.


Thích Ca Phật Đài và Tháp Bà (Nha Trang) 1970.


Cua quẹo làng Lương Sơn (Nha Trang) nằm trên Quốc Lộ 1 (1970)

LKT: Cám ơn anh đã gởi cho những bức ảnh kỷ niệm Nha Trang của anh chị.

 – Trước 75, ở Nha Trang còn có nem Mỹ Hạnh trên đường Trần Quí Cáp nổi tiếng, không biết anh đã ghé vô tiệm này chưa?

–  Trên Thành (Diên Khánh) hai bên đường dọc theo QL còn có những quán bánh ướt khách ra vào nườm nượp! Giờ thì không còn. Cách nay 2 năm, học trò cũ cấp 3 của bà xã ở Thành tổ chức mời cô giáo chủ nhiệm (thầy chỉ “theo ăn” 😄) được đãi điểm tâm bánh ướt Thành.

– Anh Ngọc giờ thì chuyển sang cappuccino rồi. Và mỗi lần nhà tôi mời anh đến cơm trưa thì anh hỏi có cá khô không, nếu không thì anh không đến 😜.

HT: Dà, cảm ơn anh Lê Ký Thương cho biết thêm về bánh ướt trên Thành. Hồi đó, lâu lâu tôi mới lên Diên Khánh vì hổng ai có xe cộ gì ráo trọi; mà ngoài chỗ quê anh trịch ra là gặp đường đèo, là núi và là biển nên việc đi lại phải có xe mới đi được thành ra tôi không rành về bánh ướt trên ấy; nhưng hồi đó trên Thành các nhà ưa trồng thanh long, chuối lá xiêm và nuôi gà lấy trứng. Thanh long trái nhiều lắm! Còn tiệm nem đường Trần Qúi Cáp tôi hổng biết; hồi đó mấy anh em tụi tôi ưa xuống biển rủ nhau ăn cua rang muối; có lần rủ ra chỗ Tháp Bà trên sông Cái có quán bán gỏi cá sống nhưng tôi rất ớn cá sống, nghe nói ngon lắm! Lúc bấy giờ tôi có quen anh bạn (chồng chị Mộng Điệp), nên thường được mời đến nhà dùng cơm gia đình dịp Tết, có khi gặp bác Mộng Cầm ở Phan Thiết ra chơi thăm con cháu nữa; Tết ngoài Nha Trang dường như nhà nào cũng có nồi thịt heo kho rệu với măng khô, rất đặc biệt; ở quê tôi thì thịt kho rệu với cá lóc, với hột vịt còn ngoài Nha Trang của anh thì thịt kho rệu với măng khô hoặc cá ngừ, ăn với bánh tráng.

Vả lại, hồi đó ăn cơm tháng ở gần cổng trại Không quân nên các món ăn nhiều đồ biển, và cá ngừ làm chuẩn; tụi tôi đóng tiền rồi hôm nào ăn thì ghi sổ cuối tháng tính sổ trừ tiền, số tiền còn lại thì gộp qua tháng sau. Lúc bấy giờ bà xã tôi vẫn làm việc ở Sài Gòn, nên mấy anh em có gia đình ở Sài Gòn làm chung rủ nhau ăn cơm tháng chung một chỗ, ai có gia đình tại Nha Trang thì ăn cơm gia đình. Riêng tôi thì ăn cơm lang thang như vậy nên giờ nhớ lại mình cũng hơi bụi đời dữ quá! Lâu lâu về Sài Gòn thăm gia đình; tui thích đi xe đò Nha Trang – Sài Gòn, hồi đó hãng xe thì nhiều nhưng tôi thích đi hãng xe Thái Bình vì xe rộng rãi, không rước khách dọc đường, có mời khách dùng điểm tâm với bánh pâté chaud và cà phê nóng rất ngon, thoải mái và lịch sự…

LKT: Anh nhắc tôi mới nhớ GỎI CÁ MAI chấm mắm nêm cá cơm nổi tiếng dưới chân cầu Hà Ra. Tết ở Khánh Hòa nhà giàu cũng như nghèo đều có xoong thịt mỡ (xắc cục lớn) hầm với măng khô.

HT: Dà, anh nhắc GỎI CÁ MAI, tôi mới nhớ; hồi đó chỗ quán này giống như nhà hàng nổi, cuối tuần lúc nào khách cũng đông lắm; tôi thì hơi ớn ăn cá sống!

Trong “Nhớ Sài Gòn” anh có nhắc lúc đi tham dự Trại Hè Thanh Niên – Sinh Viên – Học Sinh ở Bình Dương, lúc về Sài Gòn làm bản tin anh có đi chung với nhà thơ Sương Biên Thùy, sau này tôi có gặp ảnh ở Boston, mới mấy năm nay ảnh có ghé Houston thăm anh em.

Với Nha Trang của anh tôi có vài kỷ niệm là vậy; còn Sài Gòn, anh về ở đó chắc lâu lắm rồi phải hông? Cuối tuần anh chị thích đi ăn ở đâu? Hồi xưa, tụi tôi ưa ăn cơm ở quán Thanh Hương đường Lê Thánh Tôn với món cá rô kho tộ hoặc ăn cơm thố ở đường Võ Di Nguy chỗ Chợ Cũ; còn hồi lên Sài Gòn đi học tôi ưa uống cà phê gốc me trên đường Nguyễn Du, Gia Long… Cà phê pha bằng bọc vải nhưng thơm, ngon lắm mà lại rẻ.

Sau này ở quê lên Sài Gòn hổng biết chỗ nào là chỗ nào; thay đổi dữ quá; tìm một chỗ ngồi nghỉ chưn cũng đã khó nói gì tìm một chỗ để bình tĩnh ngồi nhâm nhi lý cà phê hay chút bia bọt gì! Đúng như anh nhắc, hai lần gặp bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tôi thấy ảnh ưa uống Cappuccino; tôi giống ảnh là ưa khô mà nhứt là khô cá lóc và khô cá sặt nướng với than đước và ăn bốc với cơm nguội thì hết sẩy!

LKT: Ôi! Những kỷ niệm ngày xưa đã ăn sâu vào tiềm thức ta không thể nào quên được!

HT: Dà, trong các trang văn của anh được biết anh rất say sưa với sách vở, anh có thể nào cho biết anh bắt đầu viết văn từ hồi nào vậy anh Lê Ký Thương? Anh có cho xuất bản quyển sách nào hông?

LKT: Anh Hai Trầu thân mến!

Tôi coi văn chương và nghệ thuật là NGHIỆP. Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa (ND).

Đã nói NGHIỆP thì tôi mê vẽ trước khi biết tập tễnh làm thơ.

Năm 1974, tôi đã in tập thơ “Bếp lửa còn thơm mùi bã mía” do Ý Thức ấn hành (phổ biến hạn chế, in những bài thơ đã đăng trên tạp chí Đất Nước, Đối Diện, Ý Thức), Lữ Kiều viết tựa. 

Cùng thời điểm đó tôi được anh em Ý Thức tổ chức cho một phòng triển lãm tranh sơn dầu tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp – Đà Lạt, nhà thơ Hoàng Khởi Phong viết lời giới thiệu phòng tranh trên brochure…

Giai đoạn sau 75: 

– Một nỗi đau riêng (dịch từ bản tiếng Anh của nhà văn Nhựt Kenzaburo Oe, Nobel Văn chương 1994) NXB Văn nghệ TP, S. 1997.

– Phù thủy xứ Oz (dịch từ nguyên tác The Marvellous Land of Oz của L. Frank Baun, NXB Văn nghệ TP. S. 1997.

– Tchékhov – cuộc đời và tác phẩm (dịch từ bản tiếng Pháp của Sophie Laffitte, NXB Thời Đại, S. 2009.

NHỮNG TÁC PHẨM DƯỚI DẠNG BẢN THẢO DÀNH NHỮNG NGƯỞI THÂN TRONG GIA ĐÌNH VÀ BẠN THÂN:

– Nobel Văn chương Thế kỷ 20 (1901 – 2000) biên dịch theo tài liệu của Viện Hàn lâm Thụy Điển, S. 2004. (Hiện thời bắt đầu phổ biến trên mạng vanchuong.org).

– 14 Họa sĩ Mỹ tiên biểu (từ Gilert Stuart đến Jackson Pollock), S. 2004.

– Hành trình Nghiệp Vẽ – S.  2014

– Hành trình Nghiệp Thơ – S. 2018

– Góp nắng cho cây (thơ, văn, dịch cho thiếu nhi) – S. 2019.

Đã tổ chức 6 cuộc triển lãm cá nhân. Có tranh trong các bộ sưu tập cá nhân ở các nước: Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore.

Hiện thời tôi đang tập trung thời thực hiện cuốn Hành trình Nghiệp Văn, dự tính cuối năm sẽ hoàn tất, sau đó thõng tay vào chợ.

Khái quát như thế anh Hai Trầu.

Chúc anh và gia đình an lạc. (lkt)

TB: Thân gởi anh bài “Mơ hoài những giấc mơ” để đọc cho vui:

Mơ hoài Những giấc mơ…

1.- Tháng mười, tiếng ễnh ương giục người gặt lúa. Cha lót ổ bên bụi chuối sau hè cho mẹ nằm. Con từ nơi đó sinh ra. Hương bưởi trong vườn phảng phất lưỡi dao tre. Bà mụ già run tay cắt rún. Giọt máu đầu đời con thấm sâu lòng đất ẩm. Biến thành những giấc mơ.

2.- Con lớn lên bằng nước cơm sôi và sữa mẹ thất thường. Ngày thôi nôi con cha mẹ nguyện cầu tám hướng bốn phương. Xin Ơn Trên cho con chọn một nghề nhàn hạ. Chiếc nia bày những mẫu vật tượng trưng. Con toét miệng cười sung sướng, giơ bàn tay nhỏ bé chụp vội nắm xôi.

Nắm xôi tròn ôm trọn những giấc mơ con.

3.- Con thích rong chơi với những bạn chăn bò. Vô núi bẫy chim, ra đồng bắt dế.  Chơi những trò chơi trời cho dân dã. Có lần con được làm vua. Ngồi trên chiếc ngai vàng làm bằng đôi cánh tay của hai “đô lực sĩ”. Nhưng con không mơ mình là thiên tử. Con chỉ mơ luôn là “hoàng tử bé” của người lớn thôi.

4.- Hoàng tử bé thì rất thảnh thơi. Khi chán học i tờ hay đồ tô theo nét chữ (bài học vỡ lòng Cha dạy với hy vọng con mình lớn lên thành thầy thông thầy ký), con chạy ra đường ngồi trên trụ cây số trước nhà. Ngóng chờ cha mẹ cày thuê gặt mướn đồng xa mau về. Thương cha mẹ con mơ mình thành họa sĩ.

5.- Con thả giấc mơ lên bất cứ nơi nào có thể được. Với cục than trên tay, con biến mái nhà tranh thành tòa lâu đài, bữa cơm độn bắp khoai thành cao lương mỹ vị, chiếc áo lành cho Cha, chiếc nón mới cho Mẹ, tán đường cho các em, những giọt nước miếng thèm thuồng thành những que kem… Con sung sướng thấy mình là ông Tiên… trong mơ.

6.- Con vẽ hoài, vẽ hoài những giấc mơ. Những giấc mơ không xa đời thực. Đầu đã bạc nhưng những giấc mơ của con chưa hề thành hiện thực. Nên con cứ mơ hoài mơ hoài những giấc mơ… (LKT)

HT: Dà, được biết, anh có nhiều tác phẩm, tôi rất nể anh và vui quá! Theo Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, anh dường như còn có cuốn: “Dịu Ngọt Lời Quê” của Lê Ký Thương (2020), nữa!

Từ trái: Nhà văn Lữ Kiều-Thân Trọng Minh, nhà văn Lê Ký Thương, nhà văn Khuất Đẩu, nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với các tác phẩm mới vừa chào đời:
– “Dịu Ngọt Lời Quê“của Lê Ký Thương (2020)
– “Tám Mươi Năm Soi Bóng Mình” của Khuất Đẩu (2020)
– “Lữ Kiều-Thân Trọng Minh và Những Người Bạn” (2020), [do Nguyễn Hiền Đức thực hiện, Thân Trọng Minh tự xuất bản.]
– “Để Làm Gì” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (tháng 6-2020)
(Sài Gòn, ngày 5.6.2020) [Hình trang nhà Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc]

Trong việc dịch thuật của anh, cái duyên nào tới trước và cái duyên nào tới sau anh Lê Ký Thương? Chẳng hạn như anh tình cờ đọc được một tác phẩm hay và anh thích nó rồi anh bắt đầu có ý dịch nó ra tiếng Việt hay là anh có ý dịch tác phẩm ấy trước khi anh đọc nó, anh Lê Ký Thương? Và trong lúc dịch, anh có gặp trở ngại gì hông? Nếu có thì anh phải làm sao?

Tôi thì Tía Má tôi sanh tôi ra ở dưới quê và lớn lên khi vào đời thì đi lông bông ít năm rồi tới tuổi “nhi bất hoặc” thì bắt đầu bắt chước người xưa “Qui khứ lai từ”. Thế là tôi bắt đầu trở về làng quê cũ theo nghề ông bà đời trước là cày sâu cuốc bẩm, làm ruộng, giăng lưới, giăng câu nên ít có dịp tiếp xúc với sách vở văn chương trong gần hai chục năm liền, và tôi dường như có óc hơi hoài cổ nữa anh Lê Ký Thương; thành ra, hồi đời trước lúc tôi còn đi học, đến khi vào đời và mãi tới sau này khi tuổi đời mỏi mệt hơi nhiều rồi, tôi rất ít đọc sách dịch, ngoại trừ các bản văn dịch bất hủ về văn vần của Nguyễn Du, của bà Đoàn Thị Điểm, của Phan Huy Vịnh, của Từ Long, của Tản Đà…; về văn xuôi thì của học giả Nguyễn Hiến Lê, mà theo trong bụng tôi nghĩ là văn sách của cụ Nguyễn Hiến Lê thời nào đọc cũng hay, thời nào cũng hấp dẫn, và thời nào cũng bổ ích nhe anh Lê Ký Thương! Văn của cụ Nguyễn mỗi lần đọc lại là mỗi lần nghe lòng mình lại cứ như mới thêm, lại cứ như vui lên vậy! Vui lắm!

Dà, nhắc tới khía cạnh hội họa của anh, tôi thấy anh có bộ tranh “Lạy tạ I & II” mà có người bảo là nó mang chất “thiền” trong Phật Giáo; riêng tôi thì với cái nhìn mộc mạc của người nhà quê già, và qua những trang hồi ức của anh mà tôi đã đọc được, thì trong bộ tranh ấy chính là tấm lòng hiếu kính của tác giả luôn hằng mong rằng các ĐẤNG SANH THÀNH, TRỜI PHẬT, THIÊN NHIÊN, và CUỘC ĐỜI là các ĐẤNG luôn nuôi dưỡng và độ trì mình qua nhiều bất trắc giữa dòng đời nhiều kham khó này, nên mình có bổn phận phải “lạy tạ” vậy thôi! Hổng biết có trúng cùng không đây?

LKT: Thưa anh Hai Trầu!

Thời tu nghiệp ở Mỹ tôi mua được cuốn “Phù thủy xứ Oz”, đọc say mê từ trang đầu đến trang cuối vào ban đêm hay những giờ không lên lớp, sau đó bắt tay vào dịch ngay. Tôi không nhớ rõ mình dịch xong bản thảo đầu tiên bao lâu, chỉ nhớ là khi mãn khóa về nước đã có bản đánh máy. Hồi đó anh Nguyên Minh lập tủ sách Hoa Niên chuyên in sách thiếu nhi. Từ Mỹ về tôi mang một vali toàn sách thiếu nhi ý định là để dành dịch dần, nhưng người tính không bằng trời tính! Và cũng lại cái duyên. Hồi dịch cuốn “Phù thủy xứ Oz”, tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ, không có phần tiểu sử tác giả. Năm 1991, gia đình tôi chuyển vô Sài Gòn mưu sinh, tôi vốn mê sưu tầm sách báo cũ, trên đường Trần Huy Liệu có nhiều cửa hàng như thế, nên ngày nào tôi cũng đi lùng. Sách tìm đến mình. Tôi mua được số tạp chí Reader’s Digest có in tiểu sử của nhà văn, thế là mãn nguyện.

– Khi nhà văn Lữ Quỳnh còn ở VN, chuyên cộng tác với các nhà xuất bản làm sách, nhờ tôi dịch Một nỗi đau riêng, tôi đắn đo mình phải dịch qua bản bắc cầu tiếng Anh. Lữ Quỳnh bảo tôi trước 75 ông Diễm Châu dịch Nuôi thù cũng của tác giả này. Tôi thận trọng trả lời bạn để tôi nghiên cứu qua mạng về tác phẩm và tác giả này. Cuối cùng tôi đã nhận lời một phần vì bạn đã tin tôi, một phần vì tôi vốn mê văn học Nhựt.

– Quyển Tchekhov – cuộc đời và tác phẩm cũng dịch theo yêu cầu của một người làm sách khác: anh Lê Nguyên Đại.

– Còn những quyển dịch dưới dạng bản thảo thì tôi dịch theo kiểu “văn ôn võ luyện” thôi.🤓

– Về “Dịu ngọt lời quê” thì tôi chỉ tập hợp một phần nhỏ những tạp văn và đoản văn trong HÀNH TRÌNH NGHIỆP VĂN của tôi, in ra 50 cuốn dành tặng bạn bè thân quen cho vui thôi.

– Cám ơn anh đã nhắc đến serie tranh Lạy tạ của tôi. Đó là lần triển lãm cuối cùng của tôi năm 2009 tại Gallery Tự Do, SG mà chủ gallery là chị Thu Hà em ruột của chị Nhã Ca. Đến 2010 thì tôi bị tai biến, bạn bè chuẩn bị mua nhang phúng viếng, sau 21 ngày nằm điều trị tại BV 115 SG, tôi hồi phục một cách thần kỳ. Từ đó, tôi bị yếu cơ tay mặt, chỉ sử dụng tay trái gõ bàn phím, điều khiển chuột hay cầm cọ vẽ trên khổ giấy A4 tối đa.

Nói chung, cuộc đời tôi có nhiều điều may, nhiều phước báu được hưởng từ cha mẹ, ông bà. (lkt)

HT: Cảm ơn anh Lê Ký Thương đã hồi âm và gởi cho hai chương 6 & 7 trong quyển “Một nỗi đau riêng” mà anh đã dịch và bài tham luận của giáo sư Huỳnh Như Phương.

Đọc hai Chương 6 & 7 của anh tôi nghe ra chữ dùng và hơi văn rất đặc thù của Lê Ký Thương trong các bài tùy bút của anh mà tôi đã đọc và không khí truyện rất Việt Nam; nếu anh không cho biết đây là quyển sách dịch từ tác giả Nhựt và tên nhân vật nữ Himiko, thì người đọc sẽ nghĩ rằng đây là câu chuyện của một nơi nào đó ở Việt Nam.

Qua nhịp cầu giao cảm mà anh Năm Hiền (Nguyễn Hiền Đức) gởi cho Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương và tôi hai bài viết về Nguyễn Hiến Lê của nhiều tác giả và Nguyễn Ngu Í ( “Có Người Thục Nữ Dám Theo… Ngu” của Lê Ký Thương [Viết về bà Thoại Dung, vợ nhà văn Nguiễn Ngu Í]; riêng bài của anh, tôi đã đọc trên trang nhà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và giờ đọc lại qua tài liệu này, tôi có nhận xét:” Cách dẫn vào câu chuyện của Lê Ký Thương trong bài này vừa hồi hộp vừa mạch lạc mà hấp dẫn”.; rồi từ đó tôi mới đi tìm đọc thêm các trang hồi ức của Lê Ký Thương như“Nhớ Sài Gòn”, “Sài Gòn – Sách” (Sài gòn 2002), “Hồn Sách Cũ” (Sài Gòn 2004), “Sài Gòn- Ăn” (Sài Gòn 2005), “ Bánh Căn Phan Rang”, “Dấu Ấn Từ Một Dòng Sông” [Nha Trang – Sài Gòn, 2002] “… và vài bài nữa

Sau khi đọc xong một số bài vừa kể như vậy, tôi có cảm tưởng:

“Là một bạn đọc nhà quê già vùng sông nước miền Tây (Long Xuyên, Sa Đéc) nhưng lớn lên cùng thời với nhà văn Lê Ký Thương, rồi có những năm tháng tôi lưu lạc lên Sài Gòn ở trọ gần nơi tác giả cũng ở trọ; rồi khi vào đời, có lúc tôi cũng ra Nha Trang quê quán của tác giả và lúc bấy giờ nhiều bận tôi có lên Thành (Diên Khánh), lên Suối Dầu, ra Ninh Hòa, ra Lương Sơn, xuống Chụt, qua núi Sạn của quận Vĩnh Xương, ra Hòn Chồng, ghé Tháp Bà, cầu Hà Ra, Xóm Bóng (Nha Trang) và cũng nhiều lần nhìn thấy những guồng quạt nước vào ruộng dọc theo bờ sông Cái quê hương của anh; thành ra đọc hồi ức của Lê Ký Thương tôi dễ hòa nhập vào những trang đời mà tác giả đã từng trải… Chính cái “đức thành thật”, óc quan sát tỉ mỉ, với cách dùng chữ giản dị mà tinh xác và thuật miêu tả vừa phải mà tự nhiên trong những trang hồi ức của Lê Ký Thương, tác giả đã làm cho tôi thích thú và cảm động; và tôi tin chắc rằng, nếu bạn có duyên đọc được những trang văn ấy của tác giả, bạn sẽ đồng ý với tôi về nhận xét ấy và rồi bạn cũng sẽ thích thú và cảm động như tôi vậy!”

Thế rồi, lần mò tôi làm quen với anh, rồi gợi chuyện và được anh vui vẻ san sẻ vài kỷ niệm về Nha Trang quê anh, về Sài Gòn mà anh đã và đang sống và về sách vở và từ đó tôi học hỏi ở anh thêm nhiều điều mà tôi chưa biết. Không biết nói gì hơn, tôi xin chân thành cảm ơn anh Lê Ký Thương rất nhiều qua cuộc trò chuyện này và kính chúc anh chị luôn mạnh khỏe và an vui.

LKT: Thưa anh Hai Trầu,

Cám ơn anh đã nhận xét tốt về những bài văn của tôi. Tôi nghĩ những bài văn này hợp với tạng người của anh. Cũng có người nhận xét khác: Văn của LKT hiền quá! Đó là anh Dương Nghiễm Mậu và anh Khuất Đẩu khi tôi tặng cho hai anh bản thảo tiểu thuyết “Tiếng vạc kêu mưa” của tôi, viết về những năm đầu quê tôi thành lập hợp tác xã nông nghiệp mà tôi đã thực tế thâm nhập trong bốn năm trời. 

Một lần nữa “lạy tạ” anh.

HT: Dà, hổng dám nhận nhe anh Lê Ký Thương! Rất cảm ơn anh đã cho nghe nhiều câu chuyện về dòng đời của anh, mà thế hệ anh và thế hệ tôi, tuy xê xích nhau vài ba tuổi nhưng cùng một hoàn cảnh loạn lạc mấy mươi năm nên dễ cùng nhau nhìn lại những khoảng đời mà anh em mình có dịp đã sống qua! Vui quá!

Phải vậy hông anh Lê Ký Thương?

LKT: Anh Hai Trầu thân mến!

Tôi ghi nhận tấm lòng của anh dành cho vợ chồng tôi.

Một lần nữa chân thành cám ơn anh! (lkt)

Hai Trầu gợi chuyện và ghi lại.
[Houston-Sài Gòn, từ ngày 26.05.2021 đến ngày 06.06.2021]