Lê Ký Thương
Năm 1974, tôi có cuộc triển lãm đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Pháp Đà Lạt do bạn bè tổ chức, người viết lời giới thiệu cho cuộc triển lãm này là nhà thơ Hoàng Khởi Phong, trong đó anh có nhắc đến bức NHẠN MÔN QUAN:
(- Có phải chăng sự đổi thay đang bắt đầu nơi mỗi con người, và nghệ sĩ thể hiện nó qua những tác phẩm để đánh thức đồng loại?
– Có phải anh đã vẽ “NHẠN MÔN QUAN” trong sự biểu đồng tình?)
Sau gần nửa thế kỷ, qua bao nhiêu thăng trầm của bể dâu cuộc đời, chúng tôi có cơ duyên gặp nhau trên đỉnh “NHẠN MÔN QUAN ĐÀ LẠT”! Sung sướng thay! Hai thằng bạn già nay đã U80, chụp chung một tấm ảnh để gọi là kỷ niệm.
BÀI GIỚI THIỆU TRIỂN LÃM – Hoàng Khởi Phong (1974)
Những cơn mưa cuối mùa bao giờ cũng phũ phàng và hối hả, gió thổi mạnh và trời đầy một màu chì nằng nặng. Có những tấm bích chương bị lật ngược. Cái gì rồi cũng qua đi. Cái gì rồi cũng ngừng lại. Cái gì rồi cũng đổ vỡ.
Phòng tranh của anh đã được khai mạc trong bối cảnh đó. Bối cảnh của buồn bã và u ám của thị xã này. Nơi mà những biến động bị bỏ quên vì lý do này hay lý do khác. Những thị dân ở đây đã oằn lưng chịu đựng những thử thách của thiên nhiên và những đổi thay phũ phàng của thời nửa chiến nửa hòa.
Giữa cái giá rét có những đứa trẻ chỉ có một manh áo mỏng, một chiếc quần đùi hở rốn. Những đứa trẻ bụng to không phải vì no cơm và đang cần một liều thuốc xổ. Ở đây những ngày cuối tuần, ngày lễ có rất nhiều xe du lịch đến từ mọi miền và đổ xuống vô số những người hồng hào, thanh lịch. Họ đã đổ về đây để có một cơ hội thụ hưởng, nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên đầy giả tạo của thành phố này.
Có một cái gì buồn thảm trong đời sống ở đây. Có một cái gì đang manh nha thay đổi nơi trái tim Sài Gòn, nơi khối óc của Huế, nơi bàn tay của Qui Nhơn và tại nhiều nơi khác nữa.
Tại sao anh không dùng màu lạnh?
Tại sao anh lại dùng màu nóng?
Có phải chăng màu nóng hôm nay được thể hiện nơi những mẹt khoai bày đó đây, nơi những đầu ngõ hẻm, hay giữa khuya, nơi những bếp than hồng mà ở đó cô hàng bắp nướng đang ngồi co ro dưới những tàn cây u ám, và trời thì đang lấm tấm mưa. Có phải chăng màu nóng còn được thể hiện trên những bích chương, biểu ngữ, trên mỗi lá cờ mà hơi sương đã làm rực rỡ thêm lên và vì dầm nước nên cho dù gió có thổi mạnh cũng không thể bay lên phất phới được.
– Có phải chăng sự đổi thay đang bắt đầu nơi mỗi con người, và nghệ sĩ thể hiện nó qua những tác phẩm để đánh thức đồng loại?
– Có phải anh đã vẽ “NHẠN MÔN QUAN” trong sự biểu đồng tình?
Và nơi anh làm việc trong một căn hầm ngộp thở, chỉ có chút trời xanh qua khung cửa nhỏ. Anh đang mơ về một nơi cao có cánh chim hồng, chim nhạn mới đủ sức vượt qua.
Sao anh không là một cánh nhạn hồng?
HKP
*******
Nhạn Môn Quan cửa ải của Vạn Lý Trường Thành thuộc huyện Đại, tỉnh Sơn Tây. Sở dĩ cửa ải mang tên này vì nơi đó có rất nhiều chim nhạn. Nhạn Môn Quan nổi tiếng qua điển tích Chiêu Quân Cống Hồ. Nhạn Môn Quan cũng là nơi Dương Nghiệp đánh thắng quân Liêu năm 981.
Nhạn Môn Quan cũng được biết đến trong tiểu thuyết võ hiệp Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung. Nhân vật Kiều Phong đã dùng chính sinh mạng của mình để đổi lấy sự bình yên của nhân dân hai nước Tống–Liêu.