Người Mẹ

Lương Thư Trung

Mother Art Mother with Son and Daughter Painting Motherhood | Etsy
nguồn: Internet

Mấy hôm nay thời tiết trở lạnh. Những cơn gió cuối Thu rào rào thổi qua những hàng cây phía sau nhà, cuốn theo những chiếc lá vàng cuối mùa đắp đầy mặt đất ẩm mục.
Chị Bảy dậy sớm khi màn đêm còn lờ mờ. Chị chuẩn bị cơm cho chồng, cho con chị đem đi làm, đi học. Ấm nước trên bếp kêu ro ro, rồi bốc hơi bay vọt lên trần nhà. Chị lấy cái ly trên ngăn tủ và pha một ly cà phê sữa. Chị châm bình trà với những bông trà ướp hoa lài. Đâu đấy sẵn sàng, chị rót trà vào hai cái tách nhỏ, rồi van vái cha mẹ chồng, cha mẹ ruột của mình về uống trà. Việc van vái, mời mọc cha mẹ bên chồng, bên mình mỗi khi có món ngon vật lạ như một việc làm tự nhiên từ trong lòng của chị, mà thiêng liêng lắm! Tách nước trà màu xanh, bốc hơi thoang thoảng mùi thơm hoa lài. Cái không khí ấm áp trong nhà tỏa nhẹ làm cho khung cửa kiếng mờ mờ hơi nước, cho biết thời tiết bên ngoài lạnh lắm!

Dường như ngày nào chị Bảy cũng thức sớm và chuẩn bị với chừng ấy công việc nội trợ như vậy, những công việc không kém phần lam lũ như những ngày chị còn ở quê nhà cách nay mấy năm. Những ngày tháng ấy, trong hoàn cảnh đơn chiếc, chị Bảy lặn lội trên đồng như bươn chải với gió mưa, với nắng đốt để cầu mong lượm từ trong đất những hạt lúa, hạt gạo nuôi con và thăm nuôi cả chồng chị nữa. Sáng sáng, khi tiếng gà, vịt, heo cúi rời những chỗ ngủ nheo nhóc kêu đầy ngoài sân là thêm một ngày lo lắng nhiều cơ cực trong đời chị. Một ngày mới bắt đầu như mọi ngày mới, không thấy tia sáng nào rọi vào căn nhà lá dột trước dột sau của chị, rọi vào niềm hy vọng cho chị vài tia sáng mong manh…, mà chỉ có tăm tối và tăm tối vây quanh, vây quanh mãi, không rời!

Nhiều lúc chị Bảy chỉ lo cho chồng, cho con, những người thân yêu, mà chị đã quên luôn đời chị cũng có một thời con gái với nhiều ước mơ, nhiều mộng đẹp đến lãng mạn như những bạn trẻ cùng trang lứa ngày nào. Có ai ngờ, người nữ sinh viên nhiều mộng đẹp của ngày xưa ấy rồi có những ngày là một nhân viên chính phụ trách phần hành kế toán chuyên nghiệp của một nhà sách lớn chuyên bán sách ngoại ngữ cho sinh viên ngay giữa lòng trung tâm Sài Gòn văn minh và nhộn nhịp ấy lại có một ngày tay bồng con thơ, tay cầm lá đơn xin bảo lãnh chồng về, đã bị người ta ném lá đơn của chị xuống đất một cách tàn nhẫn! Chị Bảy chỉ còn biết cúi xuống lượm tờ giấy với những dòng chữ mà chị đã nắn nót mấy đêm liền với chút hy vọng mong manh là được bảo lãnh chồng về. Tờ giấy nhầu ra, dính bùn, cùng những giọt nước mắt của chị Bảy không giữ được, đã làm những dòng chữ lem luốc như chính con người ở xã hội xô bồ ấy bị lem luốc vậy… Thế rồi, chị đã gượng dậy và chị cũng đã thoát ra khỏi chốn cay nghiệt ấy…

Bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, nhớ lại đắng cay, nhớ lại cái lạnh tanh của những con người vào thời buổi ấy, chị Bảy thấy những cơ cực cho con chị bây giờ không thấm vào đâu. Mặc dù thời gian, giờ giấc ở đây quá eo hẹp, nhiều lúc chị cũng phải vừa làm, vừa chạy giống như người bản xứ ở đây họ cũng vừa chạy, vừa làm. Ở cái xã hội mà giờ giấc được tính từng giây, thì đủ biết nó quý như thế nào rồi trong đời sống. Có điều đáng nói là lúc nào chị cũng mang đến cho các con của chị những nụ cười thương yêu độ lượng, những chăm sóc ân cần của một người mẹ, những lời nói ngọt dịu êm đềm cả trong những lúc chị mệt mỏi nhất. Chị Bảy, có lẽ, chưa lần nào biết dùng những lời khô khốc để nói với con mình dù chỉ một lần. Không biết có phải vì thế mà hai đứa con của chị, một gái, một trai, nay đã lớn mà rất ngoan như hồi nào tới giờ. Đứa nào cũng quấn quýt bên mẹ, rồi khoe cho mẹ biết hôm nay con thi môn này làm bài được, học môn kia dễ hiểu giống như hồi còn nhỏ học lớp hai, lớp ba ở trường làng khi ba của chúng cứ biền biệt trong các trại tập trung không biết ngày về.

Chị Bảy cũng phải rời nhà vào sáng sớm để lo miếng cơm manh áo trong gia đình phụ với chồng chị. Bên chiếc bàn ăn, mà gia đình chị gồm bốn người, tối nào cũng quây quần bên bốn chiếc ghế với bữa cơm nóng hổi, khói bốc nghi ngút do chính bàn tay chị nấu nướng, những chuyện mới, chuyện cũ được mọi người hàn huyên thật ấm cúng.

Chị Bảy thường để lên chiếc bàn ăn ấy những tờ giấy ghi lại những lời dặn các con của chị khi chúng còn ngủ mà chị phải rời nhà sớm hơn. Chẳng hạn chị căn dặn đứa con gái lớn:

“Thảo,
Bánh này con có thể đem theo ăn. Mẹ làm cho con không có ớt.
Mẹ.
Sáng ngày… tháng… năm…
Ps: Không có tiền, con lấy của mẹ. Mẹ để tiền chỗ cũ”

Một lời dặn đầy ắp tấm lòng của người mẹ hiền dành cho thằng con trai của chị:
“Hiếu,
Chiều nay, thứ tư, con đi học đem xe về trước tám giờ, để Ba rước chị Hai. Mẹ có đem cơm cho con với tép ram.
Mẹ.
Sáng ngày… tháng… năm…”

Hoặc:

“Hiếu,
Con đem cái bánh sandwich nguyên này vào sở làm để ăn, mẹ để “ham” bốn miếng. Còn nửa cái kia con có thể ăn tại nhà vì mẹ để ít “ham”.
Mẹ,
Sáng ngày… tháng… năm…”

Có hôm chị Bảy quá bận rộn, nên không kịp làm sẵn thức ăn mang theo cho con và chị đã dặn:
“Thảo, Hiếu,
Mẹ có nướng sandwich, nhưng làm không kịp.
Các con tự làm lấy để mang theo ăn nhe.
Mẹ.
Sáng ngày… tháng… năm…”
.”

Nhiều lúc hai đứa con của chị phải ở lại thư viện của trường để làm bài hoặc phải đi làm thực tập thêm ở nhà thuốc tây hoặc ở một hãng nào đó do cái ngành học bắt buộc, phải về nhà trễ, chị Bảy vì quá mệt với công việc ban ngày, nên đã dặn con:

“Thảo, Hiếu,
Có hột gà lộn, mẹ đã luộc chín. Hai con hâm đồ ăn trong tủ lạnh để ăn. Nồi sườn trên bếp để sáng mai mẹ để cà rốt và khoai tây vào cho ba.
Mẹ hơi mỏi nên phải đi nghỉ sớm. Có mấy cái coupons ở Burger King, con mang theo để mua ăn.
Mẹ.
Tối ngày… tháng… năm…”

Và dường như trong ngăn tủ của mỗi chiếc bàn học, hai đứa con chị Bảy đã cất giữ những trang giấy thân yêu với những lời nhắc nhở, căn dặn trìu mến như vậy của mẹ không bỏ sót một lời nào, thật thứ tự, ngăn nắp, cẩn thận.

Lần nào cũng như lần nào, dù sớm hoặc muộn, hai đứa con của chị, mỗi lần đi học về đều chạy vào tìm mẹ, ôm hôn mẹ như tự hồi còn nhỏ bé lúc mẹ dìu dắt hai con đi thăm nuôi ba cho tới giờ. Chị liền bỏ hết mọi việc đang làm, để nhận niềm hạnh phúc bên hai đứa con của mình với lời hỏi thăm ôn tồn, thương yêu của một người mẹ đang hạnh phúc:

“Hôm nay, đi học có mệt hông con?”
Và chị âu yếm với con:
“Lo thay áo quần, rồi ăn cơm đi con.”

Ánh mắt của chị Bảy sáng long lanh…

Hai Trầu
Boston, tháng 11 năm 1997
Houston, đọc lại ngày 27.12.2020

(trích từ Những Bến Bờ Còn Lại – Lương Thư Trung)

Advertisement