Phan Tấn Hải
Một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam vừa được Viện Việt Học trình bày trước công chúng: ấn hành tác phẩm “Tuồng Kim Vân Kiều: Truyện Kiều ở Nam Kỳ Lục Tỉnh” (Hồi 1/3) vừa được Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ ấn hành bản đầy đủ ba hồi.
GS Nguyễn Văn Sâm và phu nhân (tức nhà văn Trần Ngọc Ánh) hôm 16/1/2019
và các ấn bản đặc biệt Tuồng Kim Vân Kiều bản Miền Nam.
Sách này lần đầu ấn hành, với lời giải thích:
“Bản in nhân kỷ niệm 20 năm thành lập và hoạt động của Viện Việt Học, CA, USA.
Ngày 11 tháng 1 năm 2020. Sách chỉ được in 30 ấn bản dành cho người quý sách. NVS.”
Sách gồm 2 phần: phần thứ nhất dài 96 trang, là phần phiên âm và ghi chú; phần thứ hai là nguyên bản tuồng Kiều bằng chữ Nôm, là hình scan lại các trang cổ bản Nôm.
Điểm ghi nhận đầu tiên, trong khi Truyện Kiều của Nguyễn Du là thơ lục bát, bản tuồng Kim Vân Kiều viết theo thể phú, số lượng chữ biến hóa đa dạng, có câu 2 chữ, có câu 5 chữ, có câu 6 chữ, có câu 7 chữ, có khi thơ lục bát… Bởi vì Tuồng Kim Vân Kiều được soạn để trình diễn trên sân khấu tuồng.
Ngôn phong “Tuồng Kim Vân Kiều” mang nhiều hình ảnh và điển tích cổ, có vẻ như đối tượng khán giả và độc giả của vở tuồng là giới trí thức xưa (tức các cụ Nho sĩ hoặc Nho sinh). Những điển tích cổ hiện ra ngay ở trang đầu vở tuồng, với phần “Giáo đầu: Kim Trọng nghe chuyện nhà họ Vương”…
Trích những dòng đầu:
“Giáo đầu:
Đền Nghiêu chầu thái phụng,
Sông Hạ ứng thần quy.
Chúa chắp tay gặp vận vô vi,
Dân vỗ bụng vui lòng bất thức.
Sanh gặp Minh triều ngự cực.
Mỗ nay Kim Trọng biểu danh.
Dòng Nho nối dấu trâm anh,
Đạo tháng vui nghề hàn mặc.” (ngưng trích)
Ghi nhận rằng trong phần “Vào Đề” nơi đầu sách, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm ghi rằng học giới trước 1975 biết nhiều tới một vở tuồng Kim Vân Kiều có tựa là “Phong Tình Lục Thúy Kiều Thực Sự” dày 237 trang, gồm ba hồi, từ cổ bản do Thư Viện Hoàng Gia Anh Quốc tặng Phủ Quốc Vụ Khanh VNCH dưới thời cụ Mai Thọ Truyền.
Vở tuồng đó, theo GS Nguyễn Văn Sâm, có thể do Nho sĩ Miền Bắc viết vì có nhiều từ ngữ riêng của Miền Bắc mà không gặp các từ ngữ đặc biệt của Nam Bộ. Tuồng đó thuộc về tuồng văn, nhiều lời và hình như chưa bao giờ được trình diễn.
GS Nguyễn Văn Sâm viết về cổ bản khác, vở tuồng rất mực Nam Kỳ Lục Tỉnh được ấn hành năm 2020 do ông phiên âm và giới thiệu:
“Bản mà tôi dùng để phiên chuyển đây là một bản khác, một bản Kiều Nôm Nam do nho sĩ Nam kỳ viết ra. Nguyên bản còn tồn tại đến ngày nay, và do một gia đình cố cựu ở An Giang tặng Viện Đại Học An Giang thập niên đầu thế kỷ 21. Bút tích trên trang bìa tập sách cho biết người viết bản chữ Nôm là ông Cao Đĩnh Hưng, năm 1948. Không biết đây có phải là tên tác giả hay tên người sao chép.” (hết trích)
Do vậy, do các nhà Nho Nam Kỳ sáng tác, ngôn phong rất mực Nam bộ, và có những đoạn cho thấy thể văn tuồng này là ông bà tổ tiên của thể loại cải lương trên sân khấu sau này.
Thí dụ, trong sách “Tuồng Kim Vân Kiều ở Miền Nam” của GS Nguyễn Văn Sâm, nơi trang 54, cho thấy có vẻ như là ngôn phong sơ thời cải lương, trích lời Sai Nha (tức, cán bộ, quan chức):
“Quân bây!
Truyền quân đem gã tới,
Cứ việc đặng mỗ tra,
Lời cung ngôn hễ có nói ra,
Thời:
Đều sao khẩu cứ mà biên lấy nghe a!
Lão kia!
Tuổi tác đà được mấy.
Con cái có bao nhiêu?
Chàng rể ít hay nhiều,
Nàng dâu nhiều hay ít?
Nhà đặng mấy thằng phục dịch?
Cửa nuôi mấy đứa a hoàn?
Ngày tháng nào trữ lấy của gian?
Đảng khỏa ấy bao nhiêu kẻ cướp?
Ta nay phụng phép,
Đâu có lẽ tây hay mần răng?
Ấy!
Nhà gã khá phân ngay,
Đừng kiếm điều nói vạy mà khốn giờ!” (hết trích)
Tác phẩm tuồng này hiển nhiên là một di sản văn hóa lớn. Nơi đây mở ra nhiều lĩnh vực cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về ngôn ngữ và thể văn tuồng trong thời đầu thế kỷ 19 và cuối thế kỷ 20 tại Nam Kỳ Lục Tỉnh. Một công trình vô giá vậy.
Sau đây là trích tiểu sử GS Nguyễn Văn Sâm từ trang nhà Viện Việt Học: Sanh tại Sài gòn, 1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sàigòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hòa Hảo, Cần Thơ.
Sang Mỹ từ năm 1979, vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt.
Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Đã in: Văn Học Nam Hà (1971, 1973), Văn Chương Tranh Ðấu Miền Nam (1969), Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp (1972).
Qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương.
Ðã in ở Mỹ: Câu Hò Vân Tiên (1985), Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987), Khói Sóng Trên Sông (2000).
Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lôi Phong Tháp, Sơn Hậu Diễn Truyện, Trương Ngáo v.v…
Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Trưởng ban Văn chương, Viện Việt-Học. Hiện cư ngụ tại California, Hoa Kỳ.
Vì chỉ có 30 ấn bản, những người muốn tìm đọc có thể liên lạc tới
Nguyễn Văn Sâm: samnguyen20002002@yahoo.com hay phone: 714-332-9086.