Về Thu Xếp Lại (5, tiếp theo và hết)

Gate, gate, pāragare, pārasaṃgate! Bodhi-Svāhā!

Đỗ Hồng Ngọc


tranh Lê Ký Thương

9. Trời cao đất rộng một mình tôi đi…

“Đời như vô tận, một mình tôi về,
Một mình tôi về với tôi…”


(TCS)

Ở một nơi không có thời gian, không có không gian, không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả gì nữa cả, thì nơi đó chính là Chánh định (Samadhi). Thiền là “kỹ thuật” để đạt tới chánh định.

Bí quyết thực hành căn bản nằm ở Tứ niệm xứ (Satipatthana), bốn lãnh vực quán niệm. Có rất nhiều phương pháp hướng dẫn cụ thể trong Tứ niệm xứ. Nhưng tôi chỉ chọn một phương pháp đơn giản nhất nhưng cũng sâu sắc nhất, khoa học, sinh lý học đúng đắn nhất, không sợ “tẩu hỏa nhập ma” lúc thực hành. Đó là Anapanasati: Quán niệm hơi thở (Nhập tức xuất tức niệm/ An-ban thủ ý). Chỉ cần niệm (nhớ, nghĩ) hơi thở vào hơi thở ra… đủ “thấy biết” kiếp người chỉ nằm trong từng hơi thở đó. Người ta cứ sống chết mỗi phút giây như vậy mà chẳng biết. Khi niệm, tức nhớ nghĩ đến cái thở, cái sống cái chết thì thấy… thì ra ai cũng như mình, cũng hít thở như mình, rồi cũng… chết ngủm như mình. Tất cả các sinh vật đều vậy. Từ đó mà có Từ, có Bi. Từ Khí đã chuyển thành Trí. Anapanasati là đã đủ để thực hành (Ana: thở vào; Apana: thở ra; Sati: niệm), nhưng theo tôi cần để ý đến một điểm quan trọng khác nữa. Đó là khoảng trống – một quãng lặng – ở giữa lúc thở ra mà chưa thở vào. Nó thực sự là một quãng “chết” (không thở). Để cho dễ nhớ trong thực hành, tôi đặt tên nó là “Pranasati” (Pra=trước; Ana=thở vào; Sati=niệm). Trước thời thở vào có nghĩa là sau thời thở ra. Thở ra vĩnh viễn mà không thở vào nữa chính là cái chết. Đặt niệm vào quãng lặng đó để “thấy biết” (cảm nhận) một cái chết ngắn. Như là một sự “tập chết”. Trở về thời bào thai trong bụng mẹ. Ở đây là mẹ Như Lai, “bào thai Như Lai”. Loài người có trí thông minh vượt trội là nhờ vỏ não phát triển, với hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, hàng trăm nghìn tỷ tỷ các mối nối… dày đặc nhưng sự điều hành hô hấp của ta lại không nằm ở vỏ não. Nó nằm ở hành tủy, dưới vỏ não. Các trung khu hô hấp nằm ở đó, điều hành sự thở. Vì thế mà dù vỏ não không hoạt động (ngủ, hôn mê…) thì sự thở (hô hấp) vẫn được duy trì. Khi tập trung (sati) vào hơi thở là ta đã giải phóng cho vỏ não được nghỉ ngơi! “Tâm an” nhờ đó.

Thực ra ở giai đoạn thiền cao hơn, thì chẳng còn cần phải để ý, đặt niệm vào hơi thở vào, hơi thở ra, hay quãng lặng gì nữa cả. Thở sẽ tự động điều chỉnh theo nhu cầu năng lượng của hành giả. Nhu cầu năng lượng này rất thấp nên nhiều khi ta thấy hành giả thở như “sợi chỉ”, gần như không cần thở nữa. Cảm nhận lúc đó như tan vào hư không. Không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả gì nữa.

“Quán niệm” hơi thở chính là “thiền quán” (vipassana). “Quán” là không còn “dõi theo” hơi thở đơn thuần nữa (giai đoạn chánh niệm) mà đã có sự phân tích, soi sáng (quán chiếu) dưới nhiều góc cạnh khác nhau để nhìn cho ra những điều mà bình thường không “thấy biết”. Cái thấy biết bấy giờ đã vượt khỏi cái trình hiện, cái giả tướng bên ngoài để nhìn được cái thực tướng bên trong, bờ bên kia.

Vi, tiếp đầu ngữ có nghĩa là “một cách khác”, “một cách đặc biệt”, còn passana là “thấy”, là “biết”. Vipassana là thấy biết một cách khác, một cách đặc biệt!

Một chiếc lá vàng rơi, người thi sĩ có thể thấy cả mùa thu, thấy con nai vàng ngơ ngác, thấy mùa thu không trở lại, nhưng người có quán chiếu lại thấy sự vô thường, vô ngã, sự bất sinh bất diệt…

Khi vào sâu trong định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa. Hơi thở nhẹ gần như ngưng. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Đó chính là quãng lặng ở cuối thì thở ra – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tĩnh, vì không tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “Prana”. Khi cơ thể đã chùng xuống, thả lỏng toàn thân thì tiêu hao năng lượng đã giảm một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ bớt nhu cầu phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn! Ăn ít mà vẫn đáp ứng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc. Các nghiên cứu trên sinh vật cho nhịn đói vừa phải thì thấy sống lâu hơn và trẻ hơn!

Ai có thể thở giùm ai? Ai có thể thiền giùm ai? Cho nên chỉ có thể nương tựa vào chính mình thôi. “Duy ngã độc tôn” thôi vậy!

Thiền tập là đẩy cái “thân hơi” ra khỏi cái “thân xác”. Thân xác là cát bụi, là tứ đại, đất nước gió lửa, là cái “sắc”, thô phù, còn “thân hơi” là phần “thọ tưởng hành thức” trong cái gọi là “ngũ uẩn” của cái ta.

Có lần tôi viết:

“Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở của nghìn năm xưa
Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau”…

(ĐHN)

Nói tình cờ chớ chẳng phải tình cờ chi đâu, do duyên, do nghiệp cả đó thôi. Nói cho cùng thì cái thân hơi – hơi thở – kia là của ngàn năm trước, ngàn năm sau, chớ chẳng phải của ta, riêng ta gì đâu. Đừng tưởng bở! Nó đến nó đi vô tình, ngạo nghễ. Nó Như lai. Không phân biệt.

Tôi ngờ rằng thiền là kết quả của một tình trạng “thiếu dưỡng khí’ tế bào. Ở một mức độ vừa phải, sự thiếu dưỡng khí đó cho phép tế bào nghỉ ngơi. Khi cơ thể không cần quá nhiều năng lượng dùng cho sự co cơ (tonus musculaire), khi trí não (vỏ não) không còn tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho những chuyện không đâu, thì cơ thể không cần phải hấp thu nhiều Oxy nữa, thở sẽ rất nhẹ, tối thiểu, chỉ để duy trì chuyển hóa cơ bản (métabolisme basal) lúc này cũng đã giảm thiểu. Các tế bào toàn thân được “xả hơi’ không phải vất vả, hùng hục làm việc. Mitochondrie (bộ máy sản xuất năng lượng trong từng tế bào) cũng sẽ giảm hoạt động, nghỉ ngơi. Tình trạng đó có thể xem như cơ thể đang sống trong trạng thái yếm khí, co cụm lại, thành một “bào tử” (spore) để tự bảo vệ, sống dai, khó bị hủy bởi môi trường. Nhiều hành giả thích tu tập trên núi cao, ở đó Oxy rất loãng, và họ thường không sợ lạnh, có khi họ ngồi thiền giữa tuyết giá như ta từng biết.

Trạng thái “thiếu oxy” giống như bệnh nhân bị sốt rét Plasmodium falciparum, vỡ hồng cầu hàng loạt. Tôi có kinh nghiệm sốt rét rừng trong nhiều năm, ở vùng Bình Châu, Láng Găng, Bưng Riềng, Rừng Khỉ… khi theo cha tản cư về sống ở đó. Khi ông mất, tôi mới về thành phố. Những cơn sốt rét nhức đầu, nóng dữ dội rồi run bần bật, toát mồ hôi lạnh ngắt… và sau đó thấy sảng khoái, thân thể nhẹ nhàng, lâng lâng như đi trên mây do thiếu máu tán huyết (!). Dĩ nhiên, đó là do không còn đủ lượng hồng cầu để chuyên chở oxy cho cơ thể. Mỗi cơn sốt rét thường kéo dài cả tiếng đồng hồ, sau đó, cơ thể rã rời, chóng mặt thường xuyên vì thiếu máu. Nhiều năm sau, coi như sống sót, lá lách sưng to. Sau này, khi đã là bác sĩ, tôi khám bệnh cho mấy bé ở vùng sốt rét về chỉ cần nghe người nhà nói bé bị “thư” một con rùa vào bụng thì đã biết là sốt rét, lá lách sưng to, có ngằn, có cạnh, lớn độ 3, độ 4 có thể vượt qua rún, sờ thấy như mu một con rùa đang bơi trong ổ bụng vậy.

Điều muốn nói ở đây là cái cảm giác “sảng khoái” lâng lâng, bay bổng, sau cơn sốt rét như thế, do hồng cầu bị vỡ (tán huyết), do cơ thể thiếu Oxy chẳng khác hành giả ngồi thiền, có thể gọi là “thiền duyệt” chăng?

Thiền sâu sẽ không còn vướng vào hơi thở vào (ana) thở ra (apana) hay quãng lặng (prana) gì nữa. Lúc đầu có năng có sở. Năng là chủ thể (hành giả), sở là đối tượng (hơi thở). Khi vào sâu trong định, chánh định (samadhi), thì không cần để ý gì đến hơi thở nữa. Kệ nó. Nó biết phải làm gì. Nghĩa là chẳng còn “năng” còn “sở” gì nữa, gọi là “năng sở song vong”. Chẳng còn trâu chẳng còn người chăn gì nữa cả. Trâu cũng mất mà người chăn cũng mất.

“Tam-ma-địa”, phiên âm Samadhi là Chánh định trong Bát chánh đạo. Nghe cứ rờn rợn như “đất của ba con ma” nào đó vậy. Nhưng hiểu “đất của ba con ma” cũng hay chứ! Ma tham, ma sân và ma si. “Một ông Phật hiện ra / Ba con ma biến mất!” như một bài đồng dao trẻ con thường hát! Nơi nào ông Phật hiện ra thì “ba con ma” tham sân si phải biến mất thôi! Hay nói cách khác, nơi nào có “ba con ma” hiện ra thì lập tức có ông Phật xuất hiện. Nếu chẳng có ba con ma Tham, Sân, Si thì Phật hiện ra làm gì cho mất công! Cho nên muốn biết Phật ở đâu thì hãy tìm trong… tham sân si. Tham sân si càng lớn, Phật càng to.

Mỗi tế bào là một sinh vật. Chúng cũng sanh trụ dị diệt. Tế bào sinh vật có bộ phận tự sản xuất năng lượng để sử dụng cho mình. Oxy được mao mạch mang đến tận nơi, thức ăn dưới dạng đường glucose mang đến tận nơi, và mitochondrie lo sản xuất năng lượng. Hôm nào thiếu Oxy thì sẽ tìm cách xoay sở để có năng lượng tối thiểu cần thiết dưới một dạng chuyển hóa khác. Một vài loại vi khuẩn khi thiếu Oxy thì co cụm lại, gom tụ lại để tồn tại. Gọi là những “bào tử” (spore). Chúng sống rất dai và bền vững ở môi trường thiếu Oxy đó. Thí dụ loại vi khuẩn clostridium. Ta biết sự hô hấp thực sự xảy ra trên từng tế bào chớ không phải ở phổi. Phổi chỉ là cái ống thụt… dùng để hút khí, bơm khí, nhờ máu chuyển khí đến từng tế bào. Cho nên nói rằng trong Thiền, ta có thể đưa tâm ta, ý chí ta đến từng tế bào để an ủi, khuyến khích, chữa trị khi cần không phải là chuyện nhảm nhí.

Thú vị là thai nhi trong bụng mẹ không cần thở! Suốt chín tháng mười ngày nằm đó, lớn nhanh như thổi mà không cần thở lấy chút nào! Chỉ khi sanh ra khỏi bụng mẹ mới bắt đầu hơi thở đầu tiên bắng tiếng “khóc chào đời” đầy thi vị.

Thai nhi cũng có phổi, nhưng là một cái phổi xẹp lép, để dành đó, như người lính nhảy dù đeo trên lưng chiếc dù xếp gọn, sẵn sàng bung ra bọc gió khi tung mình ra khỏi phi cơ. Tất cả nhu cầu năng lượng để hình thành và phát triển của thai nhi được cung cấp từ bào thai của mẹ.

Vì sao Khí mà có thể trở thành Trí? Khí trong trường hợp này chỉ là một phương tiện, là công cụ để đạt đến trạng thái Vô Ngã. Chánh tri kiến, “thấy biết” ở đó. Cho nên Chánh định sẽ dẫn đến Chánh kiến. Từ đó sẽ có Chánh tư duy, nghĩ đúng và làm đúng, sống đúng với… chánh pháp, tự tại, an vui.

Nhiều hành giả chưa vượt qua được cái ngưỡng để “thấy biết” trọn vẹn các pháp. Vượt qua cái gì? Qua bờ bên kia. Paramita. Vực thẳm. Hố thẳm. Đó là điểm không đòi hỏi tốn năng lượng, là điểm giao thoa giữa âm và dương, áp suất trong hô hấp bằng không. “Thân nhẹ nhàng như mây”. Điều quan trọng, ý thức vẫn sáng suốt, không phải là hôn mê, vô thức, mà hoàn toàn tỉnh giác, thấy mình hòa vào vũ trụ, vũ trụ với mình như một. Thế, tôi có đạt tới điểm này chưa? Dạ thưa, chưa!

Đó là điểm mà Quán Tự Tại Bồ-tát đã “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” (thấy rõ ngũ uẩn đều không có tự tánh riêng) nên đã “độ nhất thiết khổ ách” (vượt tất cả mọi khổ đau ách nạn) vậy.

Chẳng ai có thể thở giùm ai được đâu. Chẳng ai có thể “thiền” giùm ai được. Cho nên phải quay về nương tựa chính mình “một mình tôi đi, một mình tôi về… với tôi” mà thôi.

Phải “duy ngã độc tôn” thôi!

…………………………………………………………………………………….

10. Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười…

“Bên trời xanh mãi
Những nụ mầm mới…”

(TCS)

Hỏi vậy chớ học Phật mấy năm qua thì được gì? Được nhiều lắm chứ. Thứ nhất là ăn được, ngủ được, tức ăn ngon, ngủ yên, làm việc, nghiên cứu giảng dạy viết lách ít mệt mỏi, suy nghĩ tập trung tốt… Sau đó biết thưởng thức cuộc sống hơn, bớt lo toan, bớt tính toán, bớt sợ hãi… Nhìn mọi sự thoáng hơn, biết con người có đến năm mắt (ngũ nhãn), biết con người có đến sáu nẻo đường (lục đạo) để mà chọn lựa tùy nghi. Biết những phương pháp thực hành, rèn luyện thân tâm, như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Lục độ ba-la-mật các thứ và thử nghiệm trên chính bản thân mình rồi rút ra bài học thực tiễn, không lý thuyết viển vông. Nghiền ngẫm, thể nghiệm và sau đó chia sẻ cùng người khác. Đó là một cách học tốt. Càng về sau tôi đọc các kinh sách thấy trơn tru, dễ dàng hơn, biết chỗ đúng sai, biết chỗ bày đặt, thêm thắt, phiền não, mê tín dị đoan… Kinh sách chân chính luôn có sự nối tiếp hay rộng mở một cách nhất quán, không phân biệt. Thấy tám vạn bốn ngàn pháp môn tông phái gì đó chỉ là một. Đọc kinh sách thấy thú vị như đọc truyện tình cảm, trinh thám, kiếm hiệp thuở xưa. Khi viết ra những điều ngẫm ngợi, thể nghiệm, thì đó là một cách để học hỏi sâu hơn. Mỗi khi bí thì lạ thay như được ai đó chỉ bày, qua một sự kiện, một bài viết, một gặp gỡ ngẫu nhiên tình cờ nào đó làm tôi cũng chưng hửng.

Cái nền tảng kiến thức y học cũng giúp soi sáng nhiều điều, và ngược lại học Phật đã giúp tăng cường hiệu quả cho y học nhờ tiếp cận toàn diện, thân tâm, khổ đau, bệnh hoạn… Các “hạnh bồ-tát” không xa lạ với tham vấn trong y học, tâm lý học. Những hình tượng Bồ-tát gần gũi biết bao! Nào trung thực, chân thành, “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” như Dược Vương; nào tôn trọng, không phân biệt đối xử, như Thường Bất Khinh; nào lắng nghe, thấu cảm, ngàn mắt ngàn tay như Quán Thế Âm với nhành dương liễu, bình tịnh thủy… Rồi nào “tam Thân tứ Trí” để rèn tập cho có diệu quan sát trí, nhất thiết chủng trí, để nhìn thấy rõ Pháp thân với tâm bình đẳng. Rồi nào Từ nào Bi nào Hỷ nào Xả… Nhìn rõ cái vô thường, khổ, không, vô ngã, duyên sinh, thực tướng vô tướng… trong mọi sự vật, hiện tượng. Các pháp vận hành tự nó tròn đầy trong cuộc sống. Điều quan trọng của học Phật là hành, là “văn tư tu”, là giới, định, huệ. Có hành thì mới nên hạnh, có hạnh mới nên…duyên.

Tôi thấy mình đến với Phật giáo không chút ngại ngần, khó khăn, mà như một sự trở về chốn thân quen. Tôi hiểu Phật vì sao phải dạy từng bước với Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… các thứ, để rồi rốt cuộc khẳng định “Ta chưa từng nói một lời nào, chưa từng dạy một điều chi. Mọi thứ đều sẵn đó rồi!”. Vô trí diệc vô đắc (Tâm kinh). Tôi hiểu vì sao Phật tự xưng mình là Như Lai, bởi chỉ có xưng là Như Lai thì mới không còn thấy có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả gì nữa! Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Nhân vô ngã và pháp vô ngã như hai cánh của một con chim hồng bay vút vào hư không. Từ đó, tôi chú ý những chuyện lặt vặt của Phật như cách ăn, cách ở, cách đi lại, nói năng… nôm na là cách sống. Nhờ nền tảng y học, tôi thấy vô thường, vô ngã, duyên sinh… không khó. Đừng tìm kiếm đâu xa cho mất công. Cứ “nương tựa chính mình” là đủ. Những môn Cơ thể học, Tế bào học, Sinh lý học, Di truyền học, Phôi thai học, Bệnh lý học… qua cái nhìn Phật học cũng đủ để giúp tôi “thấy biết” (Tri kiến).

Tôi “đặc biệt” coi kỹ cách Phật dạy con… ruột của Ngài: La-hầu-la ra sao. La-hầu-la là người con huyết thống, lúc Phật còn là Thái tử, quy y theo Phật từ lúc 7 tuổi. Phật giao ngay cho ông “thầy dạy kèm” là Xá-lợi-phất, vị đệ tử trí tuệ bậc nhất của Ngài. Ngài không giao cho Mục-kiền-liên, đệ tử bậc nhất về thần thông vì sợ La-hầu-la mê thần thông, quên trí tuệ.

La-hầu-la được dạy thở trước hết, sau đó mới dạy cách nhìn đời: “không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta” để từ bỏ tham sân si, đi vào Giới Định Huệ. Thở là cho thân và cách nhìn đời là cho tâm. May thay, tôi đến với Phật không có thầy. Nếu có thầy thì đã phải suy nghĩ thực hành theo thầy! Không có thầy nên tôi cứ nhởn nhơ như không. Chỉ cần nắm lấy cái cốt lõi. Tuy vậy, tôi phục Duy-ma-cật, Huệ Năng, Tuệ trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông… Họ đúng là Bồ-tát, đem đạo vào đời, đem an lạc hạnh phúc đến cho mọi người. Tôi học Phật thấy… không khó. Tôi học Tâm kinh và thấy mình hiểu Bát Nhã (Prajna paramita) không khó. Không có tự tánh riêng biệt, Duyên sinh, Vô ngã, Thực tướng vô tướng… Cho nên núi Tu-di to đùng kia có thể cho vào đầu hạt cải, nước bốn biển mênh mông kia có thể cho vào một lỗ chân lông, “bố thí thân mạng” mỗi ngày nhiều như cát sông Hằng… không khó hiểu. Prajna (Bát nhã) là cái thấy biết “như thật”, cái thấy biết hiện tiền, thấy tròn đầy sự vận hành của pháp, không có sự can thiệp của cái ta tích cóp, cái ta học tập, cái ta thành kiến. Pra là trước; Jna trí thức. Prajna là một “cái biết trước cái biết”. Cái biết Prajna (Bát Nhã) kia có thể dẫn thẳng tới… vô vi, trực tâm. Cho nên “tri kiến lập tri tức vô minh bổn”: cái biết khi đã hình thành (lập tri, thành kiến) là nguồn gốc của vô minh. Chẳng phải do vì “thành kiến” (lý tưởng nọ kia, triết lý này khác… anh sai tôi đúng) mà loài người vẫn cứ đánh nhau, giết nhau với những danh từ đao to búa lớn. Cho nên mới nói “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đừng có trụ (dựa) vào đâu cả để mà sanh cái tâm)! Đừng có sinh sự, đừng có can thiệp vào cái “thanh tịnh bổn nhiên” vốn sẵn có kia!

“Cái thấy chỉ là cái thấy/ cái nghe chỉ là cái nghe”… thiệt ra chỉ muốn nhắc một điều: cái thấy nó vậy đó, do căn với trần tiếp xúc nhau. Chấm hết. Tại cái “ta” (ngã) xen vào mà sinh sự. Cái “ta” luôn phê phán, nhìn ngắm với những cặp kính màu khác nhau để rồi chí chóe, thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Khi cái thấy do “Ta” thấy. Nó sẽ khác với người khác thấy. Nó hay hơn, giỏi hơn, tốt hơn người khác. Khi cái thấy trần trụi căn với trần, thì ai cũng như ai. Hết chuyện. Vì thế, thật đơn giản khi tách cái “tâm’ ra, tức là tách cái “của ta, là ta” ra thì nó trơ trụi, bình đẳng. Trần Nhân Tông nói “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” là vậy.

Tuy nhiên, vẫn phải đi từng bước, thực hành từng bước. Không cần phải phân biệt tông này phái nọ môn kia. Phải có thực hành mới “thấy” được bên trong. Mới reo lên “Không ngờ… Không ngờ…!” được như Huệ Năng.

Thực ra, Phật chỉ dạy có 2 điều: Khổ và Diệt khổ. Nhận diện được khổ để từ đó có phương pháp Diệt khổ tận gốc chẳng khác gì thầy thuốc chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng, đem lại an vui hạnh phúc cho con người. Kinh sách nào, pháp môn nào dạy ta khiến ta… thêm khổ, thêm phiền não thì chắc chắn không phải của Phật rồi!

Nỗi khổ lớn nhất của kiếp người là sợ. Sợ… chết. Ta từ đâu đến, ta sẽ đi về đâu… là những câu hỏi không lời đáp từ ngàn xưa. Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là ta đã từ bào thai mẹ mà đến và sẽ trở về… “bào thai Như Lai”. Quả có một sự giấu nhẹm thú vị. Ta bỗng dưng mà có thì cũng sẽ bỗng dưng mà không. Nhưng có và không lại là một. Thú vị ở đó. Xà quần chút chơi vậy thôi. Nó sẽ vận hành theo pháp. Sanh trụ dị diệt. Sanh chẳng phải sanh mà diệt chẳng phải diệt. Nên mới bảo “bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm” (Tâm kinh). Hằng tỷ tinh trùng loi ngoi và một con duy nhất chui vào quả trứng. Có tình cờ không? Có xếp đặt không? Stephen Hawking nói có. Có xếp đặt đó, nhưng không có người xếp đặt. Vũ trụ còn 95% khoảng đen chưa khám phá. Nàng Hằng Nga chỉ là cục đất, chú Cuội là cục đá. Đất với đá thì cũng như nhau. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” là vậy. Mỗi hạt cát là một vũ trụ. Cứ khám phá nữa đi. Bên dưới hạ nguyên tử sẽ là những hạt và những sóng, rồi dưới nữa thì không có gì cả: “Bổn lai vô nhất vật” (Huệ Năng). Không có gì cả mà có tất cả. Thú vị chứ. Đừng nhìn đâu xa. Nhìn vào ta thôi. Nó vậy đó. Không phút giây nào tĩnh lặng, nhưng hoàn toàn tĩnh lặng. Một thứ thanh tịnh bổn nhiên.

Vô thường dễ thấy mà vô ngã thì khó. Vì cái ngã đã được bồi đắp xây dựng từ thuở còn trong bụng mẹ cho đến lúc vào đời, được nhào nặn trong một môi trường ở bầu tròn ở ống dài, tích tụ, nhồi nhét đủ kiểu. Thoát ra thật khó. Tham ái và chấp thủ dày đặc, như cái kén bọc kín nhiều lớp. Phủi bỏ không dễ. Khi Stephen Hawking nói có sự “xếp đặt” nhưng không có người xếp đặt (có design, nhưng không có designer) thì ông đã thấy pháp. Mà thấy Pháp tức là thấy Phật. Pháp nó tự vận hành. Không có người vận hành. Không có ta. Cho nên Phật dạy cách khác đơn giản hơn: Cái thấy chỉ là cái thấy. Cái nghe chỉ là cái nghe. Chỉ vậy. Khi có cái “ta” xen vào: Ta thấy, ta nghe… thì đã sinh sự. Có ta hay không có ta thì pháp nó cũng cứ vận hành như vậy. Nhưng bằng cách nào để sống được “cái thấy chỉ là cái thấy”? Vì ta không phải là gỗ đá, vô tri. Vấn đề chỉ ở chỗ không dính mắc. Cô hoa hậu xinh đẹp thì thấy là xinh đẹp, nhưng dính vào thì tiêu!

Tóm lại, tại vì có cái ta mà phát sanh phiền não, khổ đau. Pháp vận hành theo pháp, chẳng vì ta. Chẳng vì ta mà hoa nở hoa tàn. Nếu không can thiệp thì nó vậy là nó vậy. Sự phân biệt chính là can thiệp, dính mắc. Ta là Tâm, là lòng muốn, lòng tham dẫn đến sân mà gốc thì từ si mà ra. Thuốc đã sẵn có. Phật giáo nhìn cái chết là sự vận hành của pháp. Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời, cái sống. Cho nên chết không phải là hết. Cái sống, một hiện tượng tạm thời và vận động không ngừng, vô thường thú vị, một bonus, nên cái chết cũng là vô thường, một bonus khác.

Để lại cái gì? Thiên thu là bao lâu? Nào ngã nào nhân nào chúng sanh nào thọ giả? Cái còn lại, ấy là nụ cười. Nụ cười không phải từ khóe miệng. Không phải từ ánh mắt. Mà từ trăm ngàn tỷ tế bào, nhiều như cát sông Hằng, hàng ngày vẫn bố thí. Nụ cười vừa an vui vừa từ bi. Thôi, đừng làm phiền ta nữa nhé. Biết tỏng cả rồi. Hù dọa nhau chi. Khi đã tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả cùng Đa Bảo trong tháp báu hôm nào nơi núi Thứu.

Khi hiểu thêm về Phật, tôi tự nhiên thấy gần gũi lạ thường. Nhiều lúc tôi thấy mình cũng muốn nói: À, hóa ra là thế. Hèn chi mà không thể nói ra được, không muốn nói ra cho ai biết, không dám nói ra cho ai biết. Rồi cũng cảm nhận được là không phải chỉ một mình mình thấy, một mình mình biết mà nhiều lắm, từ xưa đến nay vô số người đã thấy, đã biết và cũng không nói ra được, chỉ có họ, khi gặp nhau mới trao đổi vài từ với nhau đã đủ thấy người kia và mình đang ở đâu. “Văn tự” hình như rất hạn chế ở đây, rất dễ gây nhầm lẫn và chính vì thế mà Phật phải dùng một cách nói gián tiếp hoặc dặn đi dặn lại nhiều lần, nói vậy mà không phải vậy “tức phi thị danh” thôi nhé.

Khi chưa hiểu thì tất cả những điều này có vẻ bất thường, kỳ cục, vô lý, khi hiểu được rồi thì thấy nó quá rõ ràng, chính xác, hoàn toàn hợp lý. Nhờ đó, có thể thấy xuyên suốt những pháp này pháp nọ, tông này tông kia chẳng qua cũng chỉ là một.

Không phải là lý thuyết suông, mà là sự thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân mình. Hãy đến và nếm thử. Mô tả không được! Xưa nay chưa ai mô tả nổi một sự “cực khoái”. Nếm trải mới biết.

Nụ cười ấy là sự giác ngộ, giải thoát. Đã thấy biết Như Lai. Đã sống cùng Như Lai. Đã là Như Lai. Ai đã thấy biết Như Lai, đã sống với Như Lai, đã là Như Lai mà không cười như vậy?

Đỗ Hồng Ngọc
Saigon, Kỷ Hợi, tháng 2.2019

Nguồn: https://www.dohongngoc.com/web/

—-

Xem từ đầu:
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2019/02/20/ve-thu-xep-lai/
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2019/03/03/ve-thu-xep-lai-2/
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2019/03/08/ve-thu-xep-lai-3/#more-28780
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2019/03/10/ve-thu-xep-lai-4/