Trịnh Thị Vui
Là một cái duyên!
Chị là một tiến sĩ triết học, là giảng viên của trường ĐH Ludwig Maximilian (Đức), là giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Phật học Tp HCM, Phật Học viện Huế. Chị là một dịch giả, nhà sưu tầm, một sứ giả văn hóa Việt, là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo, nhiều bài ký sự, tùy bút và tập thơ tiếng Đức “Lạnh hơn xứ mình”… Không thể kể hết những công việc, những hoạt động của chị. Chị là một người bận rộn nhất mà tôi được biết.
Nhưng tôi đến với chị không phải vì chị là một TS hay là một người nổi tiếng. Mà trước hết tôi đến với chị là qua những tản văn của chị đã đăng trên tạp chí “Nhớ Huế”.
Lúc đó, chỗ tôi ở cũng khó mua được tờ báo này, vài quyển bạn bè cho mượn, tôi đã đọc và đã biết chị. Vì vậy tôi cũng không đọc được nhiều mà chỉ vài bài viết của chị mà thôi. Nhưng chị đã thật sự đi vào tâm hồn tôi. Tôi chỉ biết chị sinh ra và lớn lên ở Huế, đang sinh sống, làm việc ở Đức và thường hay về VN mà chính là về Huế, quê nhà của chị. Ngoài ra tôi chẳng biết gì hơn. Vậy mà tôi thấy chị thật thân quen, gần gũi vô cùng nhất là khi nhìn thấy hình ảnh của chị trên báo. Tôi với chị có biết nhau trong tiền kiếp chăng, có lẽ vậy.
Những bài tôi được đọc là những bài chị viết về Huế, viết về cái tết của Huế với những phong tục, tập quán xưa từ thời ông bà, từ thời của mẹ mà người dân Huế vẫn còn giữ được. Những nếp xưa trong từng việc nhỏ nhặt, bình thường, những cảm xúc cùng những kí ức qua ngòi bút của chị đã trở nên thật thi vị và ý nghĩa trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Chị viết về tính cách của người Huế, “Hình như người Huế nào cũng có một chút chi cô đơn trong hồn nếu không nói là người Huế thích cô đơn. Cô đơn như một góc nhỏ hẩm hiu trong cái căn nhà cổ ba gian hai chái có rất nhiều bóng tối…” Chị viết về cái cô đơn của người trở về, “Ai có Huế là quê hương mới thấy ngày trở về lắm khi là một chuyến hành trình thậm cô đơn…”. Chị viết về tâm trạng của chị, “Tôi mang tâm trạng của một kẻ bỏ trốn trước trang giấy viết… nguy kịch nội tâm có thể biến chứng thành phân tâm, đi chân hổng đất, lắm lúc nghe mình như cái bóng của chính mình…”
Với chừng đó được đọc vào những năm hai ngàn lẻ mà tôi đã cảm nhận được tâm hồn của chị và tâm hồn tôi, nỗi niềm của tôi cũng đã phần nào được hóa giải như khi hát và nghe nhạc TCS vậy.
Thế rồi một ngày tôi trở về cố hương. Huế bây giờ là nơi tôi trở về chứ không phải là một cõi đi về nữa. Và trong dịp kỷ niệm 95 năm thành lập trường Đồng Khánh, trong căn trại “Lãng Bạc” của cựu nữ sinh ĐK tôi tình cờ gặp được chị. Không làm sao nói hết được sự ngỡ ngàng, xúc động và vui mừng của tôi. Tất nhiên chỉ mình tôi biết được điều đó.
Gặp chị phải nói đó là cái duyên hạnh ngộ không dễ gì có được.
Từ đó… tôi đến với chị. Khi tôi đến nhà chị lần đầu, tôi đã nói với chị là em xin đọc mật khẩu trước khi vào nhà, nếu đúng thì chị cho em vào:
Thiền là gì?
– Nơi ấy
Cô đơn
biến thành
Dược đơn!
(Thơ tiếng Đức của TKL trong tập ” Lạnh hơn xứ mình”, xb tại Đức)
Có lẽ chị rất ngạc nhiên. Nhưng tôi được chị mời vào nhà không phải nhờ cái mật khẩu đó mà có lẽ vì tôi là một cựu nữ sinh ĐK thế hệ đàn em và có thể là học trò của chị nếu chị không đi du học ở Đức. Hơn nữa chị là một người vui vẻ, chan hòa, thân thiện, không tạo khoảng cách với bất cứ ai.
Từ đó… tôi cùng nhóm bạn nữ sinh Huế xưa theo chị khi thì lên chùa, khi thì đi nghe giới thiệu sách của chị và của những tác giả khác. Nghe chị đọc thơ dịch của Wagner ở tạp chí Sông Hương. Theo chị trong các chương trình giao lưu văn hóa, triển lãm, hát nhạc Trịnh do chị hoặc tạp chí Sông Hương, Bảo tàng Văn Hóa Huế phối hợp tổ chức. Tham gia buổi giới thiệu nhà văn Đức George Buchner với vở kịch “Cái chết của Danton” của viện Goethe Hà Nội, kết hợp hát tưởng nhớ nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn đã rời cõi tạm 17 năm, và những buổi hát nhạc Phạm Duy, nói chuyện áo dài… nơi vườn xưa Kim Long của chị. Rồi đi dự hội thảo có chị đọc tham luận, có mặt trong các buổi VTV 8 quay phim làm chương trình về chị…
Chưa kể những lần chị tiếp khách phương xa, chúng tôi cũng được mời tham dự những buổi tiệc nhẹ với các món bánh Huế đẹp mắt và ngon miệng do chị tự tay làm cùng với chị bạn thân học chung lớp năm xưa. Sau bữa ăn, khách còn được thưởng thức ca nhạc. Những bản tình ca với những giọng ca không có tuổi của các nữ sinh Huế xưa vẫn ngọt ngào, da diết làm rung động người nghe trong căn nhà ấm áp chân tình của chị.
Rồi năm tháng qua đi, tôi vẫn theo chị, khi vui khi buồn, khi xa xôi khi gần gũi, tôi chụp ảnh và viết những cảm xúc của mình… Trong thời gian này tôi có dịp đọc thêm sách của chị. Những bài viết của chị tiếp tục làm lay động lòng tôi. Hình ảnh của chị, nụ cười của chị, những sinh hoạt truyền cảm hứng của chị, những hoạt động của chị thật sự thu hút tôi cũng như bạn bè gần xa của chị. Hội tụ về đây bên chị đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Đây là một một dịp để bạn bè gặp nhau và mặc những chiếc áo dài đẹp. Họ đến đây để tiếp xúc, chuyện trò, quen biết, chụp ảnh, để hiểu biết thêm về triết lý đạo Phật, để giao lưu văn hóa, nghệ thuật, để hát, nghe hát, để được tiếp thu nhiều điều hay và điều thú vị nhất khi họ là một phần trong những chương trình mới lạ đầy hấp dẫn của chị.
Mỗi năm chị qua về mấy lần giữa nước Đức xa xôi nơi có gia đình của chị và Huế quê hương, cội nguồn của chị. Ở lứa tuổi chị, đi lại trên những quãng đường dài như vậy lại thêm sức làm việc của chị thật là đáng ngưỡng mộ. Tôi rất thán phục chị đã đi về và làm việc không biết mệt mỏi, một sức khỏe và trí tuệ phi thường hiếm có.
Cứ thế chị như con tằm nhả tơ, cho ra những sợi tơ vàng óng và dệt nên những giấc mơ đời hư thực.
Cám ơn đời đã cho tôi gặp chị
Cám ơn chị đã cho tôi niềm vui
Hoa đã nở với bao niềm hy vọng
Đã xa rồi ngày ấy nỗi bơ vơ…
Huế 12/1/2019
Trịnh Thị Vui