Hồ Đình Nghiêm

Kỷ niệm cuộc hội ngộ tại quán Hồ Gươm, Montreal, vào chủ nhật 25/11/2018: Cao Vị Khanh, Hoàng Xuân Sơn và Hồ Đình Nghiêm.
Đêm rồi nằm mộng một giấc lạ thường. Thấy không dưng mua tấm vé số trúng được lô an ủi. Thấy tự nhiên cầm tiền xăm xăm đi mở ngay một quán ăn “đặc sản” hai miền Trung Nam, xin môn bài dựng bảng hiệu “Cao Hoàng Hồ” nằm trên con đường huyết mạch ở phố Mộng Lệ.
Tỉnh ra bần thần vò đầu tự hỏi do đâu? E rằng nguồn cơn phát sinh từ cái hẹn ở quán ăn Hồ Gươm? Người Huế kêu bằng “chập chộ”, ngày nghĩ gì đêm sẽ hiện tới trong khi mê thiếp, sanh đột biến.
Nói tới hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) chẳng cần tra khảo cũng biết ngay nó nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội thơ mộng, gợi hình trong những áng văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn dựng nên, chuyển tải sương khói. Do vậy, khi mượn hồ Gươm đặt tên cho quán ăn, chủ cũng như khách vào ra đa số đều là người “ngoài ta”. Giọng 12 nút cho tới 9 nút cứ thế mà dặt dìu du dương duyên dáng da diết. 12 giờ 30 trưa Chủ Nhật dưng không cái hiện ra một giọng Nam hai giọng Trung chen vô hát bè rậm rật kéo ghế. Các bác xơi gì ạ? Bình sinh các bác nhắm trước nhậu sau. Mang cho ba cái cốc đặng rót rượu vào rồi hẵng hạ hồi phân giải. “Thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ. Xa quá rồi em người mỗi ngả…” (Quang Dũng)
EM (viết hoa toàn tập) là nguồn cơn, là lực đẩy, là chất kích hoả để các bác tạo ra khói, dựng nên “Từ Những Ngậm Ngùi”, cho “Thơ Quỳnh” đâm hoa phát tiết. Chạm cốc, mừng được nhìn thấy nhau, nói-cười-như-chuyện-rất-đỗi-hiện thực. Một buổi ra mắt sách chưa từng có, tự cổ chí kim. Đòi gì hơn? “Một mảnh tình riêng ta với ta” (Bà Huyện Thanh Quan). Ta vốn tự nhận làm kẻ dại, ta tuyệt chẳng thích tìm tới chốn lao xao. Bất quá ta chỉ sẻ chia với “tình-thân-ái-xin-còn-hoài-như-hôm-nay”.
Rượu vào lời ra, lời vẫn nặng quý mến dành cho hai nữ nhân phương xa: Nguyệt Mai và Duyên. Bây giờ rót rượu ra ly, mà sinh diệu tưởng sân si cõi nào. Sách im không vọng tiếng chào, mà say chữ viết dồn vào nhớ thương. Đường đi của “Từ Những Ngậm Ngùi” rất đỗi ly kỳ, e có khi tìm cách phỏng vấn tác giả nhằm bộc bạch đôi điều, có nên gây nhiễu sự chăng? Tác giả từng khiêm cung hé lộ: “Một thứ tạm xem là sách”. Tác giả là người Vĩnh Long, là người Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ cho nên hai anh chánh quán Huế phải giả giọng: Nói dzậy mà hổng phải dzậy đâu nghen. Trang nhã, giản dị, chân phương… Ngậm ngùi khi chẳng kiếm thêm từ gì để ngợi ca. Tựu trung là đẹp, là ấm áp khi chạm tay vào. Nó là “Xanh”, mai này sẽ thêm hai “em” Xám và Nâu. Bìa in giấy quý, dày 224 trang không ghi giá bán. Hỏi, sao vậy anh? Trả lời, gởi gió cho mây ngàn bay, chẳng qua, dẫu vậy, rồi ra, để… vui chút vậy… mà!
Các bác dùng có ngon miệng không ạ? Các bác có cần cháu chùi tay để ghi lại một tấm ảnh kỷ niệm không ạ? Tốt quá nhỉ! Tử tế thật đấy. Ngươi đã có thành ý, há lẽ chúng ta quay mặt đi, vậy thì đâm phụ lòng ngươi mất.
Đã có tấm ảnh làm bằng chứng, há lẽ chú mi không viết đôi dòng đặng loan tin cho khách phương xa “để tường”. Cung kính không bằng phụng mạng, chỉ nên xem đây chỉ là “thoáng hiện trong đáy cốc”, hôm nào sẽ có bài “Thưa chuyện cùng nhị vị Cao Hoàng” dài hơi hơn. Sẽ hỏi câu đáng hỏi: Hai anh, mỗi người vừa ôm được một EM trong lòng, có thấy sướng không? Có vơi bớt chút ngậm ngùi.
Hẹn tái ngộ, dù biết rằng có khi “nói cười như chuyện một đêm mơ”. In ra một cuốn sách, nó tựa hồ như một công án vậy! “Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh!”
Hồ Đình Nghiêm
Hồ Gươm, 8 giờ 30 tối, ngày 25 tháng 11, 2018.