Trịnh Thanh Thủy
Nguyễn thị Minh Ngọc ngày mới lớn
Trong dịp phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc về sân khấu hài và thoại kịch lần trước, chị có nhắc đến kịch tác gia Vũ Khắc Khoan và vở kịch bi tráng Thành Cát Tư Hãn của ông sáng tác trước năm 1975. Chị tiết lộ, chị từng là học trò của thầy Vũ Khắc Khoan ở đại học Tri Hành. Chị còn giữ bản thảo Ga Xép của thầy. Thời gian đó chị cùng các bạn đang chuẩn bị làm vở kịch Le Malentendu (Ngộ Nhận – bản dịch Bùi Giáng) và Les Justes (thầy Lê Tuấn dịch) của Albert Camus, Les Mains Sales của J.P. Sartre, và The Glass Menagerie của Tennessee Williams. Sau năm 75, chị được đóng vai Amanda trong The Glass Menagerie. Sang thế kỷ 21, chị sém dựng vở Thành Cát Tư Hãn ở California, Hoa Kỳ. Thật tiếc, dự định bất thành. Đối với chị, dựng và thực hiện được những vở kịch này đều là những cơn trường thiên đại ảo mộng. Hệt như trước năm 75, có một lần chị được xem đoàn kịch Pháp sang diễn vở Caligula của Camus ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Trên một sân khấu tối xanh đầy mạt cưa, kịch đã mở đầu bằng câu hỏi của Caligula: “Khi ta chết rồi, ai sẽ cho ta ánh trăng?” Tôi được chị cho biết thêm tình hình thoại kịch ở Việt Nam hiện đang lâm vào tình trạng sống dở, chết dở, nhất là các vở kịch có tính triết lý hay nghệ thuật cao.
Hỏi: Thủy nghe nói ngoài hài kịch, thoại kịch ở Việt Nam đang hấp hối, là một kịch tác gia, xin chia sẻ ý kiến của chị.
Đáp: Tôi cũng được nhiều người hỏi tôi về vấn đề này, ai cũng biết đó không phải là chuyện của một cá nhân. Một cá nhân có làm gì thì làm cũng chỉ là chuyện của một cá nhân. Chuyện đó rất cần nhiều bàn tay, nhiều quy chế. Thí dụ bây giờ đoàn quốc doanh được coi như chết ngỏm, ngay cả đoàn quốc doanh ở Hà Nội cũng đóng cửa. Họ phân bì là trong miền Nam có kêu “Xã Hội Hóa” tức tư nhân bỏ tiền ra làm. Lúc tư nhân bỏ tiền ra làm, thì không được nhà nước hỗ trợ. Tỷ như, họ không có rạp phải bỏ tiền ra thuê rất mắc, và kêu cứu rất thường. Trước sự cạnh tranh của điện ảnh, lại không được trợ giúp, họ bị khán giả quay lưng. Thành ra để làm những vở tử tế chỉnh chu như thời hoàng kim của nó, đó là những giấc mơ. Chúng tôi vẫn có những ông bầu hay nhà sản xuất tư nhân rất có tấm lòng. Nếu ví với tỷ lệ 7/3, thì 7 cái doanh thu chỉ có 3 cái là nghệ thuật đàng hoàng. Có khi nó tụt xuống còn 9/1, ít ra cũng còn 1. Chúng tôi cũng rất mừng là sắp tới Sân Khấu Idecaf có làm một vở nhạc kịch có tên là “Tiên Nga” do chúng tôi hợp soạn, lấy tích của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Nhân vật xuyên suốt là Nguyễn Đình Chiểu, một người viết mù đau đớn trước thời cuộc loạn ly, nhân tâm thất cách, người ta sống cầu an không còn tinh thần Lục Vân Tiên nữa. Chúng tôi tuyên dương những anh hùng vô danh, trong đó là nhân vật Kim Liên được đề cao và những bóng ma của chiến sĩ vô danh được đề cao. Các em sẽ hát “live”, không hát nhép. Đức Trí là người trong nước có đi học ở Boston, Mỹ, về và làm những bài nhạc rất cảm động với mục đích khiến các bạn trẻ hiểu hơn về văn học Nam Bộ. Một tác phẩm như vậy kể cũng là làm với mục đích tác động đến cuộc sống bây giờ, khuyên nhủ mọi người không nên dửng dưng với cuộc sống chung quanh.
Nguyễn thị Minh Ngọc chụp với gia đình nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung sau một buổi diễn độc thoại
Hỏi: Nói đến thoại kịch và những vở có giá trị nghệ thuật sau 75, sân khấu kịch nghệ trong nước đã dựng được những vở tương tự như Thành Cát Tư Hãn tiêu biểu nào, xin chị đơn cử vài thí dụ.
Đáp: Có chứ, riêng tôi, đã dựng hai vở được mọi người rất thích là vở “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên” và “Hồn Xuân Thu”. Vở thứ nhất “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên” là một vở kịch của Bertolt Brecht đã bỏ ra 20 năm để viết. Khi kịch khởi diễn lần đầu năm 2000, xem xong khán giả đã xuống đường biểu tình chống nhà cầm quyền bấy giờ, vì vở kịch đã đặt ra vấn đề “Trong một xã hội xấu, liệu làm người tốt được không?” Việc thực hiện vở này rất gay go, tôi đã được hội Đức Á do chị Thái Kim Lan bảo trợ, có nghĩa là, nếu không bán vé được các anh chị em nghệ sĩ vẫn yên tâm lãnh lương trong một số xuất nào đó. Trong số 8 diễn viên (có Thành Lộc, Thanh Thủy, Hữu Châu, Quốc Thảo, Hoàng Trinh) chia nhau đóng hai mươi mấy vai, tôi lãnh một vai nhỏ. Mỗi diễn viên đã thật vất vả với nhiều nhân vật trong kịch – ngoài kịch, những đối thoại là mình – không là mình ở một vở thể nghiệm. Vở kịch theo đúng với tinh thần của Bertolt Brecht, nghĩa là luôn luôn để mọi người phải tỉnh táo rằng đây là diễn kịch, để họ có thể ý thức và liên hệ với công việc của xã hội bên ngoài.
(Từ trái qua phải): Nguyễn Ngọc Tư, kiến trúc sư Thanh Thủy, Nguyễn thị Minh Ngọc, đạo diễn Lê Hùng Phương
Vở thứ hai diễn năm 2003, “Hồn Xuân Thu”, không phải một vở kịch Tây Phương mà do 4 người bạn trẻ người Trung Quốc viết lại từ một tích cổ là bi kịch Khuất Nguyên. Nội dung cũng là vấn đề của một người tốt không sống được giữa cõi đời ô trọc đã phải nhảy xuống sông Mịch La tự tử. Tuy nhiên 4 bạn trẻ đã hiện đại hóa và đưa ra những vấn đề cần suy ngẫm. Với tính thách thức và thú vị, chúng tôi đã quyết tâm làm vở ấy. Tôi có bảo các sinh viên, khi rời trường ra đời, các em sẽ không bao giờ chạm được những vở kịch hay như thế này nữa đâu, vì chỉ còn vấn đề của kinh doanh và cơm áo gạo tiền. Các em tỏ ra rất hạnh phúc khi được tham gia, vai Khuất Nguyên do 3 em đảm nhận. Vở ấy có thâu truyền hình nhưng không thể phát được với vấn đề là, họ thấy cấu trúc rối loạn quá, họ không biết xếp đặt thế nào cho khán giả dễ hiểu. Tuy nhiên, đối với những ai chịu khó kiên nhẫn một chút sẽ hiểu. Đó là một loại vở kịch mà chẳng cần phải có một tổng thể nhưng chỉ cần một mảng hay là đủ và người ta có thể thấy đó là một tác phẩm hay rồi.
Hỏi: Như vậy theo chị, một vở kịch được công diễn có ảnh hưởng xấu hay tốt tới các diễn viên, nhà biên kịch và khán giả không?
Đáp: Đối với các vai diễn, có nhiều em đặt vấn đề khi phải đóng các vai ác, tôi vẫn nói với các em rằng: Phải có cái tâm lý như thế nào mới đóng được các vai ác. Mình không phải tập ác như người đó, mà mình phải đặt mình vào tâm trạng, mình làm luật sư biện hộ thế cho nhân vật. Mình phải đặt hậu quả của cái ác gieo tới cho người khác, càng căm thù cái hậu quả ấy chừng nào, càng phải thể hiện cái ác đó xuất sắc để người ta cũng phải căm thù mình trong cái xác được thể hiện trên sân khấu. Phải cho người ta biết để đề phòng và ngăn ngừa con người biến thành ác độc như vậy. Hóa ra ngành nào cũng có cái hay của nó, ít nhất nó cũng giúp cho con người đào luyện nhân cách sống tốt. “Bù qua, sớt lại”, kiểu nào đi nữa, tôi vẫn thấy rằng nghệ thuật sân khấu giúp cho chính mình mà còn cho những ai yêu sân khấu sẽ có một nhân cách sống tốt hơn.
Hỏi: Đối với các vở kịch có nhiều tính triết lý, phi lý, rất kén khán giả, chị có gặp khó khăn gì khi viết hay thực hiện không? Nhất là từ phía chính quyền? Cách chị phải đương đầu.
Đáp: Sau 75, có nhiều chuyện ngang trái xảy ra với tôi. Xin đơn cử một câu nói của một nữ đạo diễn của miền Nam ra Bắc tập kết và đi học nước ngoài về, tâm sự với tôi rằng, “Không đâu mà để những người dốt nát dễ chui vào làm lãnh đạo, bằng ngành văn hóa,” bởi vì các ngành khoa học khác thì rõ ràng như “2 cộng 2 là 4,” còn ngành văn hóa thì “2 cộng 2 có thể là 0, 1 tỷ hay vô cực.” Thế là tha hồ cho người ta nghĩ; “Ồ, người ta có một số năm ở tù hay sao đó, mà người ta suy luận, đương nhiên người ta có quyền kiểm tra tư tưởng của những người có trình độ hơn người ta. Rồi lại phải nghe người ta góp ý thay đổi vở diễn của mình bởi những người như thế, thì có nhiều người bị xúc cảm quá độ đến mức muốn bỏ nghề, hay tự tử.”
Còn tôi, khi có người bảo “Sao bà bị phê bình mà bà tỉnh bơ?” Nghe thế, nhiều khi tôi nghĩ đến chuyện, “có đáng để trầm mình như Khuất Nguyên không”… (cười lớn). Tuy nhiên, vì đã trang bị trước và xác định mình “sống chung với lũ” rồi, thành ra mục đích của tôi là làm sao cho tác phẩm của mình ra mắt được với công chúng là đủ. Ngoài ra tôi thấy, khá là phí phạm chất xám và công sức của các anh chị em chúng tôi khi làm kịch mà tỷ lệ 10 thành công lực bỏ ra chỉ có 1 thành công lực là sáng tạo, 9 phần còn lại phải lo đối phó với những người giống như kiểu “Họ cho tất cả điều họ nói đều đúng, và nói chuyện với họ không phải đối thoại mà chỉ là độc thoại thôi, hệt như đó là một vở kịch phi lý.”
Nguyễn Thị Minh Ngọc độc thoại trong tiểu phẩm “Cô Đào Hát”
Nói đến kịch phi lý là trường phái kịch mà tôi thích trước 75, nên sau 75 tôi vẫn tìm đủ mọi cách để có thể cho ra đời được. Tuy nhiên lại hóa ra đó là loại kịch “bị sợ”, nó bị khá nhiều những nhà lãnh đạo văn hóa, nhất là trong Sài Gòn rất là sợ. Người ta sợ những gì vô hình, không rõ ràng. Có những vở mà tôi thấy buồn cười, tự hỏi “Ủa, 2 điều vi phạm luật pháp là “chống cộng” và “sex”, thì vở của tôi không đụng vào đó mà sao họ sợ?”. Có nhiều người bảo với tôi rằng “Họ không thể cấm vì nó không vi phạm luật, nhưng sau 50 xuất thì tôi ngưng được rồi, ngưng mà không có lệnh cấm”. Tôi hỏi lại “Được! Tôi dẹp cũng được, nhưng cho tôi biết cái tên, tội của nó là gì?” Họ trả lời “Nó đã được đặt trên cơ sở triết học ngoài Marx….” Nói chung thì khi tôi nghe được như vậy, tôi hiểu là người ta hiểu ra vấn đề mà người ta không đối thoại được thì người ta muốn mình ngưng. Quyền cho diễn hay không là quyền của người ta chứ không phải của mình, tôi đã làm hết sức mình rồi đành “tới đâu hay tới đó” hay tôi thôi, vì tôi còn nhiều chuyện khác để làm.
Nguyễn thị Minh Ngọc trong phim tài liệu Gìn Vàng Giữ Ngọc
Tuy nhiên có những trường hợp mà khi nó trôi qua rồi, tôi chỉ còn kết luận một điều là “Trời cứu”. Tôi là một người nếu xếp vào một tôn giáo nào thì không hẳn, ví dụ thấy nhà thờ đẹp tôi thích vào, chùa đẹp tôi cũng đến cầu nguyện, nghĩa là tôi vẫn tin có một đấng thiêng liêng. Tôi là một người “duy linh” chứ không phải “duy vật”. Tôi lướt qua được tất cả các chuyện đó, tôi chỉ có thể cắt nghĩa một điều là “Tôi sống và làm nghề được tới giờ nầy là do Trời cứu.”
Trịnh Thanh Thủy thực hiện
Nguồn: https://damau.org/