Cuối Năm Đọc Hành Nguyễn Bính, Đầu Năm Nhớ Thơ Mường Mán


Nguồn: Internet

Hồ Đình Nghiêm

“Cuối Năm Đọc Hành Nguyễn Bính” là bài viết đầy cảm xúc của anh Cao Vị Khanh. Một chuỗi liên tưởng đầy thi vị, nhói lòng khi đọc thơ người xưa, mang mang tâm sự trong đồng cảm. Giả như Nguyễn Bính còn đâu đó, ắt sẽ moi hết tiền ra mua cút rượu giắt lưng để dọ tìm cho được Cao hiền sĩ mà đòi đối ẩm. Một cút mà thấm béo gì? Bởi chăng “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu!”. Tuyết rơi mù trời, kiếm đâu ra cô hàng rượu bán mắc chịu để rinh về ngàn chén, chí ít? Phương này ta vốn nghèo, em biết chăng! Có ai mua tấm lòng, ta bán cho. Hừ, rõ là “thoại bất đầu cơ bán cú đa”. Nôm na, đừng nói nhiều mà xa nhau.

Tôi đang tập ít nói, bởi tôi nào biết bình thơ. Thủy chung, thơ như nhan sắc rạng ngời đậu trên dung mạo một người nữ. Được đối mặt chỉ biết á khẩu, ú ớ. Bùi Giáng từng diễn tả tâm trạng:

Khóc em duy nhất tình đầu
Đã đầy đủ quá sức người của anh.

Không nói, chỉ biết vỗ tay. Xuống đường, chỉ biết hoan hô. Ngợi ca sự mẫn cảm của anh Cao Vị Khanh. Nhờ bài viết của anh, thế một dẫn dắt tôi về “ngồi lại bên cầu” mà nhớ một người quen cũ: Mường Mán. Bởi sau khi gãy súng, ông Trung úy Quảng cũng lưu lạc phương Nam. Dưới đây là bài thơ “Chăn Vịt Phương Nam” của Mường Mán được làm vào năm 1979.

Tôi người trai sông Hương
Lưu lạc về sông Hậu
Như chim mỏi cánh đậu
Trên vồng đất quê em

Chòi tôi che hướng đông
Che giùm tôi ngọn gió
Em đùa: anh chiếc lá
Bị bão giạt về Nam

Tôi đùa: thời buổi khó
Đi đâu để trốn buồn?
Thôi đành đi chăn vịt!
Em bảo: thế mà hơn

Vịt tôi chăn trăm con
Ngày lùa đi trăm ngả
Bạn tôi, trăm linh hồn
Theo tôi, qua thời khó

Thương mình em cô đơn
Ngày đưa võng ru con
Mong chồng nơi biên giới
Mà chiến chinh tưởng lụi
Ai ngờ vẫn còn dài!

Em buồn sợi tóc mai
Dài bằng cơn nắng sớm
Em buồn: cây nhang ngún
Cháy khuya sầu mênh mang

Mỗi ngày tôi lùa vịt
Qua cánh đồng thênh thang
Buồn tôi khua gậy múa
Hát cùng bèo trôi sông
Ngóng giùm em phương đó
Coi chồng về hay không.

Cũng là trôi giạt phương Nam, nhưng mỗi người có riêng một hoàn cảnh, một tâm thức lẻ loi. Một ông quan, trước, cổ áo gắn hai hoa mai vàng. Sau, vì thời cuộc phải lui về chốn vắng sớm tối đi chăn vịt. Lời thơ cầm giữ lòng, tuyệt không hiển lộ chút than van, cố bình thản, chừng như chấp nhận sự thế. Lại còn biết đùa nghịch. Xem vịt là bạn, những linh hồn nhỏ, theo mình đi trăm hướng giữa một cánh đồng rộng như thế trận đã an bài, buộc phải thúc thủ. Chẳng nói về nỗi khổ mình đang mang, lại đâm quan hoài tới một người nữ xa lạ gặp gỡ tình cờ ở chốn lạ nước lạ cái. Bất nhẫn nhìn thấy em cô đơn, buồn bã chôn đời giữa đồng không mông quạnh, tựa kiếp bèo giạt hoa trôi, xuôi tay. Dùng hình ảnh sợi tóc dài thế một chờ đợi hằng cửu, đồng thời biết ngay rằng tháng ngày vốn ngắn. Ngắn như đường đi một cây nhang đang dần tàn lụn. (Ca dao có câu hợp tình hợp cảnh: Anh buồn còn chỗ thở than, em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya). Hai câu cuối trong bài chăn vịt ký gửi chút lạc quan, nhưng mặt khác tự dồn lên một dấu hỏi: Nếu chồng em mãi không về, liệu tôi có thể thế chân? Bởi tuồng như đôi ta lỡ chịu chung một số phận. Số phận muôn đời chẳng biết tìm lời thanh minh. Định mệnh canh giữ ta, nó lùa ta đi như ta đang trông coi đàn vịt nhỏ bé này.

Mường Mán làm nhiều thơ, nhưng tôi đặc biệt yêu nhà thơ qua bài trích dẫn ở trên. Ít ra thì anh đã khắc họa được một tình cảnh, nhằm trình bày: “Chúng ta đã có một thời như thế”. Tôi yêu những con chữ hiền hòa anh viết, không bẳn gắt, nhưng nó mang giá trị của một chứng nhân. Ở thời đại nào, chúng ta đều cần đến một thể loại văn chương như vậy cả. Nhắc ta nhớ lại một chương hồi đầy bi thảm mà trong lúc sống trải qua, một đôi người cố tìm cách quên, hoặc nhắc lại với cả một thở than bi lụy, yếm thế.

Tâm cảm của Nguyễn Bính khi viết bài Hành phương Nam xảy ra trong thập niên 1940 hoặc 50, giai đoạn của một đất nước tạm xem là an lành.
Thời điểm Mường Mán đi chăn vịt phương Nam? Ôi, xiết bao lầm than bi luỵ khốn cùng. Có nói cũng chẳng tuyệt tận. Truyện Kiều dài chỉ 3.254 câu. Trường thi hậu đoạn trường tân thanh thì bao triệu câu mới tải đủ?
Nguyễn Du có sống lại thời bao cấp cũng đành bưng mặt hổ ngươi! Và Nguyễn Công Trứ vẫn giữ một ý muốn: “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Đang mang tật nói nhiều chăng? Dầu có thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn chịu ơn các thi sĩ. Chữ cảm ơn, nghe vô chừng vô đỗi và ít ỏi quá, kéo dài đôi chút ngẫm cũng chưa trả được nợ vốn hưởng lây hương hoa họ gieo rắc. Mường Mán hiện mở quán Ruốc kinh doanh việc ẩm thực xứ Huế ở Phú Nhuận (phương Nam). Làm sao tôi có thể làm cuộc hành phương đông để rượu vào lời ra, vật đổi sao dời? Về phương ấy có là hành xác? Và tréo cẳng ngỗng khi hay biết “chàng” đang chí thú vẽ tranh. Sở trường không nắm lại đè sở đoản mà vọc. Tiếc thay!

Cuối năm rồi đầu năm. Gà đi thì cún tới. Giữa giao thoa của đất trời chốn này mờ mịt thức mây, chỉ xin nén lòng gửi đi chút lợn cợn của cảm hoài. Có sơ suất thì xin người hiền lương niệm tình bỏ qua. Bùi Giáng nói: Vui thôi mà. Ừ, chỉ nguyện theo lời bày vẽ ấy để vuông tròn kinh qua cuộc lữ.

Hồ Đình Nghiêm