Đùa Với Đường Thi

Related image
Nguồn: Internet

Đường thi như đôi cánh hạc nghìn đời bay lượn trên thân phận con người.  Tôi bơi lội trong Đường thi, ngậm ngùi, đùa giỡn.  Lấy chút hồn cổ nhân về cấy sinh tử phù vào lòng mình.

Đôi cánh hạc có thật đã bay, bay mất?  Sao thoáng vút vàng tung trong nháy mắt, mà thiên thu hiu hắt đến bây giờ?

Mục Đùa Với Đường Thi nhất định không phải là nơi biên khảo hay nghiên cứu về Đường thi, hay về bất cứ điều gì.  Chỉ là nơi dìu dặt đón đưa mấy vần thơ từ những mùa hội cũ trở về với trời thơ hôm nay.  Khi thì vỗ về, yêu mến nó, lúc thì bỏ bê, loanh quanh đi chơi đây đó.  Khi thì nghịch ngợm một cách nghiêm chỉnh, lúc thì đùa giỡn một cách lai rai.  Mọi cuộc dịch tự trong tinh thể của nó vốn là một cuộc đổi dời di dịch.  Lời thơ có dịch về cõi miền nào khác cũng là điều tự nó.  Mọi điển tích có di về ngôn ngữ hôm nay cũng là điều tự nhiên.

Bay về ổ chín tầng cao,
Con chim giã biệt quên chào mái hiên  (BG)

Đôi cánh hạc đã bay về ổ, thì xin một lần gắng gượng gọi nó trở về.

Đàn Bách Kiếm

彈    柏    劍
—–

Xuân Vọng

Khi Văn Học số này đến tay độc giả thì có lẽ đất trời đang chuyển mình để sửa soạn chan hòa tưới gội sức sống lên vạn vật.  Mùa xuân đang trở về trên nửa trái tinh cầu mong manh này.  Lại sắp thêm một tuổi, thêm một cái Tết trên xứ người.  Xin mời độc giả cùng hướng về bên kia bờ Thái Bình Dương, và cùng ngậm ngùi với Đỗ Phủ qua bài thơ Xuân Vọng, khi ông chứng kiến cảnh xuân về trên quê hương của ông trong một bối cảnh loạn lạc, chiến tranh triền miên không dứt.

Đất nước Việt Nam nay đã thanh bình, sao lại đem cảnh loạn lạc ra mà ngậm ngùi như thế?  Bài Xuân Vọng này ai ai cũng quen biết, sao còn đem ra giới thiệu làm gì?  Thưa, chuyện gì cũng có lý lẽ của nó.  Bài Xuân Vọng của Đỗ Phủ chỉ là cái cớ mượn lấy để nói lên một điều khác.  Bài thơ ấy mở đầu bằng 2 câu:

Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm.

Tổ quốc đã tan nát, núi sông vẫn còn đó,
Phố phường vẫn bừng xuân, cỏ cây vẫn tươi tốt.

Quốc phá là cái gì phá vậyCái gì tan nát vậy? Có phải là cái vương triều nhà Đường đang bị An Lộc Sơn cưỡng chiếm?  Nhưng lịch sử đã bao lần vận nước thay ngôi đổi chủ, không triều đại này thì triều đại khác, có sao đâu mà bảo là quốc phá? Hay quốc phá là ý nói quân Thổ Phồn đang lấn át thành Trường An?  Cũng không phải vậy, vì chính triều đình nhà Đường đã cầu gọi sự yểm trợ của vương quốc Thổ Phồn, tiền thân của nước Tây Tạng ngày nay, ngay chính Đỗ Phủ cũng có lần lên tiếng reo vui là quân Thổ sẽ giúp triều đình giành lại thắng lợi.  Vậy thì Đỗ Phủ nói quốc phá là ông muốn nói cái gì phá vậy? Cái khái niệm về tổ quốc có thực là một khái niệm rõ ràng không?  Đỗ Phủ đã hiểu cái khái niệm ấy như thế nào?  Nhà Nguyễn hay nhà Lê, hay nhà Mạc, điều đó có sánh được với sự no ấm của người dân Việt hay không?

Quốc phá hay không phá không phải ở chỗ ai cai trị đất nước, ngoại bang hay không ngoại bang, mà là ở chỗ cái cơ quan lèo lái, điều hành vận nước, cái cơ quan ấy có đi ngược lại nguyện vọng của người dân, có tạo được điều kiện để người dân an vui sống theo cách họ muốn hay không, hay là nó chỉ lo mưu cầu, thu tóm lợi lộc cho thiểu số cầm quyền ăn trên, ngồi trốc.  Người dân Trung Hoa đã đôi ba lần bị ngoại bang cai trị.  Trong trăm năm dưới triều đại nhà Nguyên (1271-1368), người Mông Cổ đã làm chủ Trung Hoa.  Rồi sau khi Chu Nguyên Chương giành lại được quyền bính từ tay người Mông Cổ để lập nên nhà Minh (1368-1644) thì họ lại bị người Mãn Châu cai trị gần ba trăm năm dưới triều đại nhà Thanh (1644-1912).  Dưới hai triều đại bị người “rợ” phương Bắc cai trị ấy, người dân Trung Hoa sinh sống có khác gì cách họ sống dưới các triều đại mà vua là người Hán không?  Đất nước Trung Hoa thời ấy có lâm cảnh quốc phá không ?

Dưới triều đại nhà Nguyên hay nhà Thanh, người dân Trung Hoa tuy bị ngoại bang cai trị nhưng họ đã không bị người Mông Cổ hay người Mãn Châu tìm cách hủy diệt ngôn ngữ, văn hóa của họ.  Vì thế không thể bảo là quốc phá.  Bằng chứng là các triều đại ấy đã có thể tồn tại hằng mấy trăm năm.  Ngược lại, gần đây khi Trung Hoa xâm chiếm Tây Tạng, họ đã ức hiếp người dân Tây Tạng phải từ bỏ văn hóa, tôn giáo, từ bỏ cách sống truyền thống từ nghìn năm trước.  Dân tộc Tây Tạng vì thế đang lâm cảnh quốc phá.  Khi nhà Hán hay nhà Đường đô hộ Việt Nam, cái cách sống, cái ngôn ngữ của người Việt cũng đã bị các quan cai trị người Trung Hoa tìm cách ngăn cấm, hủy diệt.  Họ muốn đồng hóa người Việt thành người Trung Hoa.  Nhưng các quan lại cai trị người Trung Hoa đã thất bại trong việc hủy diệt nước Việt.  Tại sao vậy?  Vì người Việt nhất quyết không từ bỏ lối sống của mình, vì văn hóa của người Việt đủ sức để đương đầu với văn hóa Trung Hóa, đủ sức để lấy cái hay của người mà vẫn giữ được bản sắc riêng.  Ngôn ngữ của người Việt tuy có nhiều chữ gốc ở chữ Hán – hệt như tiếng Anh tiếng Pháp có nhiều chữ gốc ở Hy Lạp, La Tinh – nhưng cách đặt câu, cách sắp đặt thứ tự các chữ, cách xưng hô, cách dùng thuật ngữ láy, cách nói lái, v.v… vẫn riêng biệt, rất tài tình theo cách Việt Nam.  Nhờ thế, tổ quốc Việt Nam không bị mất tuy là bị phá, ngay cả trong lúc bị người Trung Hoa cai trị. Và nhờ thế cỏ cây nước Việt vẫn còn đó, nước Việt vẫn còn sơn hà tại.

Vậy thì quốc phá là cái gì phá vậy?  Sự no ấm, sung túc của người dân, có phải đấy là điều tối thượng làm nên tổ quốc không?  Cái gì là cái làm nên tổ quốc Việt Nam vậy?  Chắc chắn nó không phải là nhà cầm quyền, là nhà Nguyễn hay nhà Lê, là đảng Cộng Sản hay bất kỳ một đảng phái nào.  Nó cũng không đơn thuần là sự no ấm, hay sự công bình pháp trị cho mấy chục triệu người dân Việt.  Đành rằng đó là điều quan trọng, nhưng cái làm nên tổ quốc Việt Nam là cái lối sống của người dân Việt đã tiếp diễn từ mấy nghìn năm.  Còn lối sống ấy, thì còn tổ quốc Việt Nam, mất lối sống ấy thì mất tổ quốc Việt Nam.  Con người không chỉ sống bằng hiện tại, không chỉ mơ ước đến tương lai, mà còn cần cả quá khứ.  Tương lai dù tốt đẹp đến đâu cũng không thể biện minh cho sự xóa bỏ quá khứ.  Vì nếu không có quá khứ chúng ta sẽ lạc lối.  Cái làm nên tổ quốc Việt Nam là cả một giòng lịch sử mấy nghìn năm.  Mấy nghìn năm ấy đã tạo ra một nền văn hóa với những nét đẹp đẽ lẫn xấu xí của nó, đã tạo ra một ngôn ngữ với những thanh, những âm, những cách diễn đạt tài tình hay vụng về của nó, đã tạo ra cái hồn, cái cách sống, cách nhìn cuộc đời, cách thương yêu, vui chơi, đùm bọc, ghèn gựa, bắt nạt lẫn nhau, cách làm cho thôn xóm trở thành nơi an trú trên cái sa mạc trần gian lạnh lẽo và thơ mộng này.  Người Ấn Độ, người Trung Hoa, người Nhật Bản v.v…, mỗi dân tộc ấy có cách riêng của họ.  Người Việt có cách riêng của người Việt.  Cái cách ấy làm nên hồn nước Việt.  Còn nó, thì còn tổ quốc Việt Nam.  Mất nó, thì mất tổ quốc Việt Nam.  Nó có thể mang ảnh hưởng của những nền văn hóa tiếp xúc với nó, nhưng nó vẫn là nó.  Nó không nằm ở thủ đô Hà Nội, trong những bộ phủ, cơ quan hành chánh, nó không nằm ở Sài Gòn, trong những dinh thự tráng lệ lộng lẫy, mà nó nằm ở làng mạc, thôn quê rải rác khắp đất nước, ở đồng ruộng miền Nam trù phú, mênh mông cò bay thẳng cánh, ở thôn xóm miền Bắc với những lũy tre làng bao bọc, ở miền Trung với những xóm chài tắm mình trong nắng.  Cái cách sống ấy, cái cách trò chuyện tâm tình, vui chơi ấy là cái hồn dân tộc.  Bảo vệ tổ quốc Việt Nam là bảo vệ cái cách sống, cái hồn ấy, cái ngôn ngữ ấy.

Thử nhìn bằng một cách khác.  Thử thí dụ cho vui thôi, rằng xứ Cờ Hoa Hiệp Chủng Quốc giầu có và hùng mạnh nhất thế giới này, cái quốc gia có nền dân chủ tân tiến bậc nhất này, cái mảnh đất tự do tôn trọng nhân quyền hơn hầu hết các quốc gia khác trên trái đất này, cái xứ Cờ Hoa ấy bằng lòng đón nhận Việt Nam như là tiểu bang thứ 51, liệu chúng ta có nên hoan hỷ trở thành người Hoa Kỳ và xóa tên Việt Nam ra khỏi bản đồ thế giới không?  Nếu bằng lòng thì người dân nước Việt sẽ được cơm no áo ấm, sẽ được tự do dân chủ, được luật pháp bảo vệ, được đối xử một cách tương đối công bằng.  Nếu chúng ta đặt những điều ấy là tối thượng cho quyền lợi của người dân Việt thì liệu có thể giải thích được việc từ chối không muốn Việt Nam trở thành một phần của nước Mỹ?  Lại thử thí dụ thêm chút nữa, thí dụ như nước Trung Hoa ở sát nách chúng ta bỗng ngày mai trở thành một quốc gia giầu có hơn cả nước Mỹ, dân chúng Trung Hoa sống trong cảnh thái bình, no ấm như thời Nghiêu Thuấn.  Pháp Luân Công hay bất cứ một tín ngưỡng nào khác đều được tôn trọng.  Trong trường hợp giả dụ không tưởng ấy, liệu chúng ta có bằng lòng để Việt Nam trở thành một quận lỵ của Trung Hoa không?   Câu hỏi dĩ nhiên là một câu hỏi giả tưởng vì nước Mỹ chẳng muốn có thêm một tiểu bang, mà xã hội cộng sản độc tài Trung Hoa thì nhất định không phải là một xã hội tự do, dân chủ, công bằng.  Nhưng câu hỏi ấy hơn bao giờ hết là một câu cần phải hỏi, để trả lời khẳng định dứt khoát là không.  Tại sao không?  Xin thưa:  Hiểm họa thôn tính của Bắc Kinh đang đè trên đầu dân tộc Việt.  Chủ nghĩa một Đại Trung Hoa đang ngày càng thịnh hành ở Hoa Lục.  Cả chính quyền lẫn người dân Việt Nam cần phải chuẩn bị tư tưởng để đương đầu với người láng giềng phương bắc.  Sự xâm lấn, tranh chấp sẽ không giới hạn trên bình diện quân sự mà sẽ diễn ra cả trên mặt trận chính trị, văn hóa và kinh tế.  Dù là trong trường hợp giả tưởng của một siêu quốc Trung Hoa phú cường, no ấm, ngay cả trong cái hoàn cảnh tốt đẹp không có thực ấy, chúng ta cũng không đời nào bằng lòng đem quá khứ, ngôn ngữ, văn hóa của chúng ta để đánh đổi lấy an bình, cơm no áo ấm.  Chúng ta không thể chấp nhận Việt Nam trở thành một quận lỵ của Trung Hoa không phải là vì tự ái dân tộc, hay vì muốn chứng tỏ sự quật cường của mình, hay vì sự căm thù bắt nguồn từ nghìn năm bị Trung Hoa đô hộ.  Cũng không phải vì sợ có tội với tiền nhân đã dầy công dựng nước, mà là vì chúng ta muốn bảo vệ cái cách người dân Việt sinh sống trên quê hương Việt Nam.  Nếu người Việt không muốn nói tiếng Trung Hoa, không muốn theo tục lệ của người Trung Hoa, không muốn thắt bím như người Hán đã bắt chước người Mãn Châu, thì người Việt có quyền sống theo ý họ.  Miếng cơm manh áo, tiện nghi vật chất, và ngay cả dân chủ, công bình pháp trị chăng nữa, tuy là những điều quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn cả những điều ấy là cái ý thức về cách sống của mình.  Không ai có quyền ép buộc ai cầm đũa hay cầm thìa.  Tuy nhu cầu được tự do sống theo ý mình chỉ được nghĩ đến sau nhu cầu dinh dưỡng, nó vẫn là nhu cầu căn bản và tối thượng của con người.

Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian trước đã suýt nữa phá vỡ hoàn toàn cái lũy tre làng bao bọc thôn quê miền Bắc qua những đợt đấu tố cải cách ruộng đất, và sau này khi cai trị cả nước đã không cho phép người dân được sống theo cái cách mà họ muốn, đã áp đặt một cơ cấu xã hội xây dựng trên một lý thuyết không tưởng lên đầu dân Việt.  Vì thế, đất nước Việt Nam tuy nay do người Việt cai trị lại đang bị nguy cơ quốc phá.  Nhưng, núi sông vẫn còn đó, cỏ cây nước Việt vẫn còn đó.  Lối sống của người Việt vẫn còn đó.  Đảng CS sẽ còn tiếp tục thất bại ngày nào họ còn tìm cách đi ngược lại nguyện vọng của người dân.

Nguyện vọng của người dân là gì ?  Ai có quyền nói rằng cái điều mình nghĩ ấy là nguyện vọng chung của người dân?  Chẳng là nhà nước đã và đang đổi mới theo nguyện vọng người dân từ 15 năm nay sau khi Liên Sô sụp đổ đấy ư?  Chẳng là đời sống kinh tế của người dân đã và đang cải tiến gấp bội so với thời 75-90 và còn đang tiến nhanh tiến mạnh đấy ư?

– Xin thưa:  Đành rằng so với giai đoạn đen tối 75-90, đời sống vật chất gần đây của ngưòi dân nói chung đã được cải thiện.  Nhưng đảng Cộng Sản có thể nào tự hào là mình đã có công trong việc cải thiện miếng cơm manh áo cho người dân trong 15 năm vừa qua hay không?  Hay đấy là điều tất nhiên phải đến do sự đầu tư của ngoại quốc vào thị trường Việt Nam?  Còn đời sống của người dân quê thì sao?  Họ có được cơm no áo ấm chưa? Con cái họ có được đi học chưa?  Hoạ hoằn chăng, Đảng chỉ có thể ‘kể công’ là đã không ngăn cản đầu tư từ tư bản ngoại quốc, đã không tìm cách thắt chặt vòng kiểm soát, đã xê ra, để Việt Nam nương theo đà phát triển của nền kinh tế toàn cầu mà từ từ ngoi lên một cách chậm chạp.  Mức tiến ấy, theo lẽ, đã tốt đẹp gấp mấy lần nếu như nhà nước đã thẳng thắn và công minh hơn trong việc hành xử luật pháp và quản lý tài nguyên quốc gia.  Hỏi là ai có quyền lên tiếng phát biểu nguyện vọng chung của người dân, thì xin hỏi ngược lại: ai là người không có quyền phát biểu ý kiến của mình?  Chỉ bằng cách cho phép tự do ngôn luận thì nguyện vọng của người dân mới được biết đến.  Đảng không thể tiếp tục nhân danh sự ổn định chính trị và an ninh xã hội để giải thích cho việc dùng võ lực ngăn cấm quyền hội họp, quyền phát biểu ý kiến của người dân trong nước.  Làm như thế là coi thường người dân, là đi ngược lại nguyện vọng của người dân, là đưa đất nước đến tình trạng quốc phá, làm suy yếu sức mạnh của dân tộc.  Đảng phải chấm dứt sự bắt bớ, giam cầm, hành hung những người như Hoàng Minh Chính, như Lê Hồng Quang, như Hà Sĩ Phu, những tiếng nói mà Đảng có quyền không đồng ý nhưng không có quyền bịt miệng.  Nói cho cùng, trong thời nội chiến huynh đệ tương tàn, Đảng đã phần nào thành công trong việc vẽ vời ra một chính nghĩa chống Mỹ giành lại độc lập cho đất nước.  Người dân miền Bắc đã bị lừa, tin vào lý tưởng ấy.  Và đấy là một phần lý do đưa đến thành quả thôn tính miền Nam.  Nhưng trong thời đại của thông tin điện toán, Đảng không thể tiếp tục lèo lái lòng dân, gạt gẫm họ mãi được nữa, bằng cớ là Đảng đã phải dùng võ lực để bịt miệng họ.  Hơn ai hết, đảng Cộng Sản Việt Nam phải hiểu sức mạnh của dân tộc.  Đi ngược lại lòng dân, sớm muộn gì cũng đưa đến thất bại.  Những người cầm quyền ở Việt Nam há chẳng nhớ rằng vua quan cuối đời nhà Đường đã vì lòng tham vơ vét đầy túi, đi ngược lại lòng dân, làm kiệt quệ tiềm năng của Trung Hoa, mà hậu quả kéo dài suốt triều đại  nhà Tống, khiến dân tộc Trung Hoa không ngóc đầu lên được, đã phải mất một nửa giang sơn cho nước Kim?  Há chẳng nhớ rằng tài giỏi như cha con Hồ Quý Ly, xây lũy, đắp thành, luyện binh, đóng cọc, chuẩn bị công phu là thế, cũng không sao chống cự được sự xâm lăng của quân Minh.  Vậy mà người áo vải Lê Lợi trong mười năm kháng chiến đã đẩy lui được binh tướng Mã Kỳ ra khỏi bờ cõi Việt Nam?  Vì sao vậy, nếu không phải vì nhà Hồ đã không được sự hậu thuẫn của lòng dân?  Há nhà cầm quyền đương cuộc chẳng nhớ những điều ấy sao?  Trước hiểm họa Trung Hoa, giới lãnh đạo ở Hà Nội phải biết tập hợp sức mạnh của dân tộc bằng cách từ bỏ việc độc quyền lãnh đạo, tổ chức một xã hội tôn trọng luật pháp, ngăn cấm và cách chức những người lạm quyền tham ô, kết tụ được sự hậu thuẫn của người dân trong nước và Việt kiều cư ngụ trên thế giới, và nhất là phải thả những tiếng nói đối lập ra khỏi nhà tù, để giới sĩ phu Việt Nam có thể đối thoại với giới cầm quyền Trung Hoa, cho họ thấy là chúng ta không phải là một đám man di cần được giáo hóa, rằng chúng ta thuộc thơ Đỗ Phủ, Lý Hạ, Thương Ẩn không thua gì họ, rằng chúng ta có một lối sống đẹp, có một nền văn hóa cao, có Nguyễn Du, Cao Bá Quát làm thơ chữ Hán hay không kém những bài Đường thi của Lý Bạch, Thôi Hiệu.  Rằng chúng ta có những Bà Huyện Thanh Quan, có Nguyễn Khuyến, viết những bài thơ bằng chữ Nôm theo thể Đường luật của họ, mà những thi sĩ nhà Đường giá có đọc được cũng phải giật mình kinh hãi, không ngờ rằng trên đời này lại có một dân tộc khác, bằng một ngôn ngữ khác, lại có thể sáng tác những câu ngũ ngôn, thất ngôn, những bài tứ tuyệt, bát cú, một cách tài tình đến thế.  Lại còn làm được một điều mà họ chưa từng làm là đưa nét trào phúng, châm biếm vào thể Luật Thi qua thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nam Man.

Xin trở lại với bài thơ của Đỗ Phủ:

           Xuân Vọng

Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiễn lệ
Hận biệt điểu kinh tâm
Phong hỏa liên tam nguyệt
Gia thư để vạn câm
Bạch đầu tao cánh đoản
Hồn dục bất thăng trâm

國 破 山 河 在

城 春 草 木 深
感 時 花 濺 淚
恨 別 鳥 驚 心
烽 火 連 三 月
家 書 抵 萬 金
白 頭 搔 更 短
渾 欲 不 勝 簪

 

Bài thơ này dịch xuôi ra như sau:  Đất nước tuy tan nát, núi sông vẫn còn đó, thành phố vẫn bừng xuân, cỏ cây vẫn xanh tốt.  Xót thương thời thế, hoa cỏ cũng tuôn lệ.  Đau hận chia ly, chim chóc cũng hoảng sợ.  Khói lửa báo biến loạn cháy liên miên suốt ba tháng.  Tin tức quê nhà hiếm quý như ngàn vàng.  Tóc đã bạc, sờ lên đầu chỉ thấy lưa thưa mấy sợi.  Chao ôi biết làm sao mà cài trâm đây !

Bài thơ này tôi xin phép không dịch ra thơ quốc âm.  Làm sao lột được tâm tình của Đỗ Phủ: Thiên nhiên sao vô tình trước nỗi thống khổ, điêu linh của con người?  Sao phố phường vẫn cỏ cây xanh thắm khi bao kẻ đang chạy hộ khẩu đói mờ con mắt?  Sao xuân vẫn chan hòa trên núi rừng khi bao kẻ còn đang bị giam cầm, khổ sai trong những trại tù Việt Bắc?  Sao hoa vẫn nở để rồi nhỏ lệ?  Sao chim chóc vẫn tung cánh để rồi kinh hãi trước đám chó săn hung dữ tự cho mình là pháp luật?  Sao đất trời vẫn rộn ràng vào xuân khi người nông dân phải bỏ ruộng vườn tha phương cầu thực?  Sao tóc đã bạc lại còn rụng loe hoe sót lại mấy sợi?  Sao sự tử tế của con người được đáp lại bằng lòng lãnh đạm, ích kỷ?  Sao thư nhà vắng biệt? Sao lửa vẫn cháy trên những cánh rừng cao nguyên thơ dại?   Sao con người vẫn đối xử với nhau như lang sói?  Khổ đau là như thế, mà trời vẫn đành đoạn xanh được ư?  Làm sao mà nói được ngần ấy điều trong vỏn vẹn mấy vần thơ?  Chữ nghĩa Đỗ Phủ đẹp và chắc như một viên ngọc.  Muốn dịch một bài thơ phải ghè cho nó vỡ ra thành từng mảnh rồi mới sắp xếp, tạo dựng nó lại trong một ngôn ngữ mới. Thơ Đỗ Phủ ghè cả tuần lễ vẫn không suy suyển, nên thôi, xin đầu hàng.  Thay vào đó, xin chép tặng ông một bài Luật Thi của Bà Huyện Thanh Quan, và cậy ông lúc nào rảnh rỗi, dịch sang tiếng Trung Hoa cho những người đồng hương của ông đọc.

Thăng Long Thành Hoài Cổ

Tạo hoá gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Ôi Thanh Quan Bà Huyện ơi, hà cớ gì nương tử lại phá vỡ văn phạm Việt Nam?  Sao nương tử không nói là Lối xe ngựa cũ hồn thu thảo, không nói là Nền điện đài xưa bóng tịch dương, mà lại viết là lối xưa xe ngựa, mà lại là nền cũ lâu đài, khiến cho lòng dạ kẻ hậu sinh này tơi bời, xót xa như thế?  Tài dùng chữ, đặt câu của Đỗ Phủ khắp lịch sử Trung Hoa không ai bì kịp.  Gặp hai câu Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương không biết ông có đang gục gặc cái đầu lưa thưa mấy sợi tóc bạc, loay hoay tìm cách chống đỡ trước những vần thơ ảo diệu của Nữ Sĩ Huyện Thanh đó không?

Nỗi lòng của Đỗ Phủ là nỗi lòng của kẻ ưu thời mẫn thế.  Chứng kiến bao cảnh tang tóc, vợ xa chồng, con xa cha, chứng kiến bao nỗi thống khổ của nhân dân Trung Hoa, ông viết bài Xuân Vọng.  Ông trông vọng, mơ ước điều gì khi mùa xuân trở về, ông không nói ra.  Ông chỉ vẽ lên cảnh điêu linh tang tóc rồi để chúng ta mỗi người tự mơ ước nỗi niềm riêng.  Quốc phá sơn hà tại.  Thành xuân thảo mộc thâm.  Mùa xuân đang trở về trên non sông Việt Nam gấm vóc.  Tôi mơ ước một ngày giới cầm quyền ở Việt Nam chấm dứt việc sử dụng võ lực, dùng công an để áp bức, cai trị người dân.  Tôi mơ ước một ngày mà người dân ở khắp nơi trên nước Việt, từ thôn quê đến thị thành, được chính quyền đối xử tử tế và công bằng, được để yên cho họ sống như là họ muốn sống.  Và xin mơ ước thêm là những người đứng ra đại diện cho chính quyền Việt Nam thương thuyết với nhà nước Trung Hoa, những người ấy hiểu biết về văn học Trung Hoa, quen thuộc với Đỗ Phủ, Lý Bạch, thuộc truyện Kiều, biết thơ Bắc Hành của Nguyễn Du, nhớ Chinh Phụ Ngâm chữ Hán của Đặng Trần Côn, đọc lại Cung Oán của Ôn Như Hầu, và chí ít, theo dõi thường xuyên mục Đùa Với Đường Thi trên tạp chí Văn Học.

Houston, tháng giêng, 2006, những ngày giáp Tết Bính Tuất
Đàn Bách Kiếm

Advertisement