(Những bài thơ Đỗ Nghê trên
Nguyệt san Tình Thương 63-67)
Bìa Nguyệt San Tình Thương – sưu tập của Thư Quán Bản Thảo
Anh ray rứt với tháng ngày chóng mặt
Vạch bàn tay tìm dấu vết tiền nhân
Rồi ngây ngất tưởng mình đầy phép lạ
Muốn đùa mây về lấp một dòng sông…
(Dỗ em, Đỗ Nghê, 65)
Nguyệt san Tình Thương của Sinh viên Y khoa Saigon (63-67) đăng khá nhiều thơ, nhiều thơ hay, nhưng có thể nói có một “dòng thơ” Đỗ Nghê những năm tháng đó, trên Tình Thương mà sau này tác giả đã tập hợp in trong tập Tình Người, thơ Đỗ Nghê, (1967) do người bạn cùng lớp, Lữ Kiều trình bày bìa. Tập thơ ronéo, không giấy phép, in với một số lượng ít (200 cuốn), dành cho bạn bè anh em. Bìa tập thơ Tình Người với tranh Cocteau, và những dòng nước mắt… khóc cho quê hương cùng những ước mơ cháy bỏng của người sinh viên tuổi mới ngoài đôi mươi…
“Muốn đùa mây về lấp một dòng sông…” gần như là chủ đề xuyên suốt của thơ Đỗ Nghê trên nguyệt san Tình Thương lúc đó, với ước mơ tràn đầy phép lạ để xóa đi những nỗi chia cắt trên quê hương, xóa đi những vết hằn lịch sử như một lời nguyền truyền kiếp.
Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Phép lạ không hề có. Chỉ còn lại nỗi chua chát:
Em khóc đi, khóc đi rồi anh dỗ
Khóc nhiều hơn khóc nhiều nữa đi nghen
Này tủi nhục với niềm đau nỗi khổ
Của quê mình không đáng khóc sao em?
Dỗ em (Tình Thương, tháng 5/65)
Gọi là có một “dòng thơ” Đỗ Nghê trên nguyệt san Tình Thương bởi những năm tháng đó Đỗ Nghê chủ yếu chỉ có những bài thơ nặng trĩu thế sự, những lời thơ chua chát, xót xa, cay đắng, nghẹn ngào… từ nỗi lòng của người tuổi trẻ trong thời tao loạn, nhiễu nhương, chiến tranh ngày càng khốc liệt trên quê hương… Cuộc chiến tương tàn giữa anh em, mà ngày nay đã rõ ra là một cuộc chiến tranh “ủy nhiệm”. Nỗi ước mơ xây dựng một đất nước thanh bình, chấm dứt cuộc chiến nồi da xáo thịt đó, ám ảnh như bởi một lời nguyền từ thuở đầu lập quốc khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đàn con nửa lên non nửa xuống biển, để rồi từ đó mà Sông Gianh, mà Bến Hải… cho đến ngày nay vẫn mãi mãi đôi bờ…
Hơn 40 năm trước, Thu Thủy (Võ Phiến) viết về Thơ Đỗ Nghê: “… dù đề cập đến nhiều đề tài, giữa các bài thơ trong tập không phải không có một mối liên hệ. Có lẽ không được đặt thành chủ đề chung, nhưng mối ưu tư về “chiến tranh và hòa bình” bàng bạc, thấm nhuần gần khắp các sáng tác của ông Đỗ Nghê (…) Hoặc khi nhắc lại huyền thoại Lạc Long Quân chia con đi hai ngả để liên tưởng tới tình trạng Nam Bắc lưỡng phân; hoặc khi nói về cổ tích ngôn ngữ để ám chỉ cuộc xâu xé liên miên giữ các dân tộc; hoặc nghe một bản tin thời tiết hàng ngày; hoặc làm một bài vè cho niềm mơ ước đơn giản v.v…, lúc nào người ta cũng nhận thấy nhà thơ bị vấn đề chủ yếu nọ ám ảnh: Chiến tranh trên quê hương; Hòa bình cho quê hương” (Chính Luận 11.1974).
Và từ những ước mơ vô vọng, đã trở thành câu hỏi không lời đáp:
Trong giấc ngủ có loài hoa bỏ ngỏ
Tiếng mẹ hiền còn mãi mãi à ơi
Dòng sông xưa nước đục chảy muôn đời
Sao trong mắt chưa thấy niềm sám hối?
Ý nghĩ (Tình Thương, tháng 5/64)
Nên chỉ còn là nỗi xót xa:
Niềm tủi nhục cũng tràn theo với tuổi
Máu xương rồi cũng thấy máu xương thêm
Chợt ngoảnh lại súng gươm cười nghiêng ngửa
Nhục nhằn này xin muôn kiếp đừng quên…
Ngỏ ý (Số 12 tháng 12/64)
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh mới đây nhìn lại lần nữa thơ Đỗ Nghê: “Một tập thơ in cách nay nửa thế kỷ (1967) có tên Tình Người, với bút hiệu Đỗ Nghê, ông nói về một ước mơ,
Súng dòn
Ánh sáng lóe lên
Đạn đan trên nền trời
Thành hai chữ Việt Nam
Những kẻ tử thù nhìn rõ mặt nhau
Khóc vì mừng
Anh em
(Ước Mơ)
Định mệnh một cuộc chiến… Đã biết bao gia đình, trong một nhà anh cầm súng vì bên này, em ra chiến trường cho bên kia. Hai phía ngỡ ngàng khi súng đạn lóe sáng nhìn ra nhau anh em… Người thơ ước sao cho đường đi của súng đạn đan thành hai chữ Việt Nam, để thức tỉnh nhau còn khóc được vì mừng… Và dường như có một đau lòng, nỗi chia cắt đất nước, nỗi phân ly ý thức hệ” (tuongtri.com/2017).
“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Kim Cang). Đừng trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm. Nói vậy mà không phải vậy đâu! Những danh từ đao to búa lớn kia cũng chỉ là để bịp lừa để đổ máu đó thôi.
Trong bài Tổ quốc, Đỗ Nghê viết:
“lịch sử sẽ ghi bằng những lời nói dối
mặc kệ- chúng mình thương nhau…”
Bởi hạnh phúc thực sự chỉ là:
… ngày hai bữa cơm khoai
rừng núi sông hồ
đời người tự do
(…) Thế nhưng mọi sự không vậy, cho nên cuối cùng:
“nếu anh vẫn một mực chối từ
và nhất định đòi cho tổ quốc một chiếc áo màu –dù xanh dù đỏ-
hay khoác một định nghĩa -dù trắng dù đen-
tôi đành nhặt một cọng cỏ rất xưa về làm tổ
rồi khóc trên đó
loài chim bỏ đi!” .
Tổ quốc (Tình Thương, tháng 9/65).
Chỉ còn lại nỗi trơ trụi, hoang vu:
Rồi từ đó cỏ cây cùng sửng sốt
Loài chim thiêng vỗ cánh về rừng xưa
Người với người hơn bao giờ chua xót
Ngước mắt nhìn nhau hổ thẹn sao vừa
Ý nghĩ ( số 5 tháng 5/64)
Khi mắt đã biết ngỡ ngàng nhìn ra bao trần trụi, trong “Thư cho bé sơ sinh” (1965):
(…) Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc
Với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…
Khi niềm tin chỉ còn là nỗi đắng cay:
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…
(Thư cho bé sơ sinh, 1965)
Lạc Long Quân rồi cũng đành đấm ngực, ăn năn, van vỉ các con:
Đốt hết sách vở xé hết cờ xí đi
Rồi đứng ôm nhau mà khóc
Nước mắt sẽ làm tươi lại cỏ cây
Nước mắt sẽ làm phì nhiêu mảnh đất…
Bởi:
Muôn lỗi lầm này có phải vì ta
Khi ta đưa các con 50 người xuống biển
Và vợ ta đưa 50 đứa lên rừng…
…
Bởi còn chút hy vọng:
Các con sẽ không bao giờ quên
Đã cùng sinh ra trong một bọc
Một trăm trứng
Một trăm con
Các con sẽ không bao giờ quên…
(Tâm sự Lạc Long Quân. 1965)
Khánh Minh viết: “Bạn ơi, lời ước nguyện này trải qua mấy mươi năm vẫn tươi rói hiện thực tình cảnh quê hương chúng ta. Mảnh sao băng kia đã thành bụi hư vô rồi mà chưa thành tựu được một ước mơ tưởng là rất dễ dàng đối với những đứa con sinh cùng một bọc Việt Nam này! Trái tim người thơ ấy đã thổn thức gần nửa thế kỷ, và vẫn còn theo thời gian…” (https://tuongtri.com/2017/02/17/do-hong-ngoc…)
“Muốn đùa mây về lấp một dòng sông” xuyên suốt dòng thơ Đỗ Nghê trên Tình Thương của sinh viên y khoa thời đó và như còn mãi đến tận hôm nay không khác đi, khi mà lòng sông thì sẽ được lấp, mà lòng người thì mãi mãi chia xa… không phải chỉ bởi ở thời gian, không gian của đôi bờ cách biệt.
Bao giờ cho đến Gaté Gaté Paragaté Parasamgaté Bodhi Svaha đây?
Đỗ Hồng Ngọc
Saigon tháng 3.2017
…………………………………………………………
(*) Đỗ Nghê là bút hiệu của Đỗ Hồng Ngọc.
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 74 – tháng 4-2017.