Một Vài Kỷ Niệm Với Nguyên Minh

Lê Ký Thương

Họp mặt cuối năm 2016 với một số thành viên nhóm Ý Thức. Từ trái: Lê Ký Thương, Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều.

Họp mặt cuối năm 2016 với một số thành viên nhóm Ý Thức.
Từ trái: Lê Ký Thương, Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều.

Qua sông không lụy đò

Tầm tháng Hai, Ba âm lịch, phía hữu ngạn Sông Dinh – vùng Thuông, nơi bày ra những doi cát được phù sa bồi đắp sau mỗi mùa nước lớn, người dân ven sông thu hoạch bắp. Bắp nếp ở đây đều hột, thơm ngọt, tới nỗi dân ở đây truyền tụng một câu chuyện vui như sau: Có một chàng trai ở phía tả ngạn Sông Dinh – thuộc thị xã Phan Rang, lần đầu đến nhà người yêu chơi, được cha mẹ người yêu dọn ra hai món: chè bắp và bắp luộc đãi khách. Trong bụng chàng muốn ăn bắp, nhưng khi người yêu hỏi thì chàng trả lời chè. Tại sao có tình huống trái ngược như vậy? Vì chàng trồng hàm răng vàng vừa xong, cốt tới nhà người yêu để khoe. Phát âm chữ CHÈ thì hở môi, phát âm chữ BẮP thì ngậm miệng, không thấy hàm răng vàng! Ở Thuông còn có đặc sản trầu và cau. Cau Phan Rang nổi tiếng khắp các tỉnh lân cận, trái to và đều, người ta lựa cau vùng này mua về để làm lễ hỏi, lễ cưới.

Chỗ sâu nhứt thuộc bên tả ngạn – thuộc thị xã Phan Rang. Một buổi chiều, tôi và Minh cao hứng rủ nhau đi đò qua sông, mua bắp tươi chưa lột vỏ về nấu chè. Bến vắng, chờ mãi không thấy bóng người đưa đò, tôi bàn với Minh cởi áo lội qua. Minh chỉ biết bơi… chó nên lưỡng lự, còn tôi hồi sinh hoạt trong đoàn thể Hướng đạo, đã qua khóa huấn luyện cứu người chết đuối nên tin tưởng khả năng bơi của mình. Vả lại Minh cũng nhỏ con (bạn bè gọi là Minh con) để phân biệt với Minh lớn là Thân Trọng Minh tức Lữ Kiều.

Cả hai cởi quần áo, mặc độc quần đùi. Tôi giữ quần áo và nắm gọn một tay, giơ cao khỏi đầu cho khỏi ướt, còn một tay bơi đứng. Minh vịn hai vai tôi bơi theo sau. Chuyến bơi qua an toàn. Chuyến bơi về hơi nhiêu khê một chút. Tôi phải đem bắp bơi về rồi bơi qua lại rước Minh…

Người ta nói đem bắp qua sông thì mất vị ngọt thơm. Tôi nghĩ thực tế không phải vậy. Đúng cho trường hợp bắp để ba bốn ngày rồi mới nấu nướng nên mất mùi vị.

“Chiếc xe vương giả màu… đen”

Nguyên Minh có chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki màu đen. Khi còn ở Phan Rang, mỗi lần Ý Thức bản thảo in xong, tôi chở anh mang ra Nha Trang phát hành, đoạn đường dài hơn 100 cây số. Một lần, xe chạy qua khỏi Cam Ranh, gió thổi ngược chiều quá mạnh đến nỗi tôi không giữ được tay lái nên đâm xuống ruộng. Minh ngồi sau vội nhảy khỏi xe nhưng hai tay vẫn ôm chặt gói báo, còn tôi thì lao theo xe. May là người tôi không bị xây xát nhiều. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười và cùng đẩy xe lên đường. Khi nổ máy xe tiếp tục cuộc hành trình thì tôi thấy mất nắp xăng, đi tìm, không thấy, đành lấy khăn tay làm tạm nắp đậy bình xăng. Ra đến Nha Trang, tôi mua nắp đậy bình thủy thay, nhưng cứ chạy được một đoạn ngắn thì xe tắt máy mặc dù bình xăng vẫn còn đầy. Suy nghĩ mãi tôi mới đoán bình xăng thiếu không khí để “thở”, bèn lấy đinh dùi lỗ trên nắp bình thủy, không ngờ đúng thật. Tôi và Nguyên Minh rất thích phim “Chiếc xe vương giả màu vàng” do Alain Delon đóng vai chính, nên đặt tên cho nó là “chiếc xe vương giả màu… đen”.

Nó theo Minh vào Sài Gòn. Khi Ý Thức in ty-pô ra số đầu tiên. Minh chở người yêu và một chồng báo đến nhà Hồ Thanh Ngạn nằm bên kia cầu Phan Thanh Giản để họp mặt bạn bè ăn mừng. Giữa đường gặp mưa, xe tắt máy. Minh nôn nóng ôm chồng báo đón xe tắc-xi đến nhà Ngạn cho kịp giờ hẹn vì biết các bạn cũng nôn nóng muốn biết “đứa con đầu lòng” chính thức của nhóm ra sao, bỏ cả người yêu lẫn xe bên đường dưới cơn mưa Sài Gòn. Khi đến nơi, bạn bè hỏi Minh còn T. đâu? Minh kể sự việc. Bạn bè biết tính Minh vì mê làm báo mà có thể bỏ hết mọi thứ. Lữ Kiều vì bạn phải tình nguyện mặc áo mưa đi đón T. tuy chưa biết mặt T. Theo lời mô tả của Minh về cách ăn mặc và mái tóc của T. cùng địa điểm, Lữ Kiều tìm mãi chẳng thấy cô nào giống như Minh tả (anh chàng mê báo đến nỗi không nhớ được kiểu tóc, màu áo của người yêu), cuối cùng nhận ra “chiếc xe vương giả màu… đen” mới đánh bạo hỏi cô nàng đứng bên cạnh nó thì đúng là T.!…

Chiếc xe gắn liền với Ý Thức suốt một thời gian dài. Khi vào lại Sài Gòn làm báo với Minh, tôi dùng nó chạy công việc. Một hôm khi tôi chạy về đến gần 666 Phan Thanh Giản thì bị cảnh sát thổi hỏi giấy tờ xe. Lý do xe mất bảng số đăng ký. Anh cảnh sát yêu cầu tôi về lấy giấy tờ xe để kiểm tra rồi cho đi, không phạt. Tôi mừng, về nhà hỏi Minh, Minh nói: “Hôm trước tao chở báo đi phát hành cũng bị cảnh sát chận vì mất bảng số xe, họ lấy giấy tờ, viết cho cái biên nhận, bảo khi nào làm bảng số xe xong thì đến nhận lại giấy tờ. Mày biết, tao có thèm để ý tới chuyện đó đâu. Bây giờ biên nhận tao bỏ đâu rồi không biết. Thôi, bỏ xe luôn cũng được!”

Bước khởi đầu của tạp chí Ý Thức

Hè năm 1970. Nguyên Minh đã từ giã nghề “gõ đầu trẻ”, quyết tâm vào Sài Gòn để làm báo. Anh lo thủ tục xin giấy phép chính thức ra tờ bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức. Anh nhờ dược sĩ Nguyễn Thị Yến, bạn anh, quê ở Phan Rang, đứng tên chủ nhiệm, chị Nguyễn Thị Dung (vợ Hồ Thanh Ngạn – một thành viên trong nhóm) làm quản lý, anh là Tổng thư ký. Những thành viên nòng cốt trong nhóm đồng ý góp mỗi người 5.000 đồng (theo thời giá 1970) để làm vốn ban đầu cho tờ báo. Giấy phép có. Vào thời điểm này, tôi có mặt ở Sài Gòn để cùng anh lo in áp-phích quảng cáo và tìm nhà in in báo. Qua bạn bè giới thiệu, tờ áp phích được in ở một nhà in nằm trên đường Nguyễn Thông mà chủ nhân là một nhà thơ. Còn báo, sau khi tìm hiểu nhiều nhà in, cuối cùng anh em quyết định in ở nhà in Đăng Quang trên đường Phan Thanh Giản, gần ngã bảy. Nhà in này chuyên in sách của nhà xuất bản An Tiêm, có tiếng in đẹp lúc bấy giờ. Tôi phụ Nguyên Minh trình bày bìa, làm ma-két tờ bán nguyệt san Ý Thức số 1 rồi phải về lại Phan Rang. Những số đầu chỉ một mình Nguyên Minh lo toan mọi việc, sau này có thêm anh Thái Ngọc San giúp một thời gian ngắn…

Nhà in Thanh Bình, 666 Phan Thanh Giản

Đầu năm 1971 tôi có dịp vào lại Sài Gòn học bổ túc Anh ngữ một thời gian dài. Lúc bấy giờ, nhà in Thanh Bình đã hình thành, chỉ cách nhà in Đăng Quang khoảng 100 mét, chủ nhân chẳng ai khác là chị đầu của Nguyên Minh – chị Mai. Chị Mận, chị kế của Minh cũng đưa gia đình từ Phan Rang chuyển vào Sài Gòn sinh sống, làm thư ký kiêm kế toán nhà in. Nguyên Minh được chị Mai giao công việc quản lý. Ý Thức may mắn được “in nhà in nhà”, từ in ty-pô chuyển sang in offset.

Như trên đã nói, đại gia đình Minh xem tôi như “người trong nhà” nên tôi lại may mắn sống với gia đình chị Mai. Tôi ở chung với Minh một phòng trên tầng ba, mỗi ngày đi học một buổi từ 13 giờ đến 18 giờ, thời gian còn lại phụ anh trong công việc quản lý nhà in đồng thời cùng anh trực tiếp lo cho tờ báo từ hình thức đến nội dung.

Nhà in Thanh Bình thành lập vào thời điểm khởi đầu kỹ thuật in offset. Lúc đầu nhà in có một máy ty-pô tự động, tiếp đến chị Mai mua thêm một máy offset đặt tay một màu, một thời gian không lâu lại lắp thêm một máy offset hai màu tự động. Ý thức in ty-pô được 19 số thì chuyển sang in offset theo khổ vuông – sáng kiến của Nguyên Minh. Kỹ thuật in offset ở Sài Gòn hơn ba mươi năm trước còn phôi thai, hết sức nhiêu khê so với bây giờ. Sách báo in offset vẫn xếp chữ chì như in typô. Nhà in nào cũng phải có “sếp typo” phụ trách phòng xếp chữ và một hai đệ tử ruột thạo việc làm phụ tá, nhưng thợ xếp chữ đều là các em học nghề không lương, trình độ văn hóa lớp năm, lớp sáu, có em phải kê đòn đứng mới với tới hộc chữ, nên lỗi morasse dày đặc từng trang in thử. Vì vậy, hầu hết nhà in đều có thầy cò (correcteur) và được xem như một nghề. Tôi phải kiêm luôn nghề thầy cò. Phần chữ hoàn chỉnh thì xếp typo “mise” thành tay sách rồi lên khuôn trên máy in typo để in trên giấy kính bao sách vở. Sau đó, đến công đoạn chữa bản chữ và montage thì tôi và Minh trực tiếp làm. Hai công đoạn này chẳng có trường lớp nào dạy, nhưng Minh có thiên khiếu về ngành in, anh “học lóm” nghề từ một nhà in ở Chợ Lớn rồi “truyền” cho tôi và chúng tôi vừa làm vừa học. Chúng tôi phải phết kín nhũ bột trên mặt chữ in trên tờ giấy kính để khi phơi bản ánh sáng không xuyên qua, từng nét chữ đều hiện rõ trên mặt bản kẽm, sau đó mới cắt từng trang rời “montage” trên “support” để đưa đi phơi bản… Tôi nhớ Lữ Kiều gởi cho chúng tôi hai con dao mổ ở bệnh viện để làm công việc “montage”. Vì “vừa làm vừa học” nên số Ý Thức in offset đầu tiên trông không được đẹp, nhiều lỗi kỹ thuật, anh em trong nhóm và độc giả ở các nơi gởi thư về tòa soạn vừa động viên vừa trách móc. Tôi là người đứng tên trình bày nên nhận trách nhiệm về mình, bèn viết một mẩu tin xin lỗi độc giả đăng trên mục “Chuyện vòng vo” ở số tiếp theo.

Ý Thức ra mỗi tháng hai số đồng thời còn lo xuất bản tác phẩm của anh em, nhưng mọi việc từ tòa soạn đến trị sự, kể cả phát hành cứ nối đuôi nhau liên tục mà chỉ có Nguyên Minh và tôi đảm trách. Sau này, Nguyên Minh mời thêm anh Trần Quang Huề và tuyển thêm hai nhân viên lo phần xuất bản và phát hành. Nhiều hôm chúng tôi đứng bên bàn “montage” suốt ngày đêm, nếu mệt quá thì nằm trên đống giấy in ngủ một giấc ngắn rồi dậy làm tiếp cho xong việc. Việc học của tôi chỉ có ở trường, về nhà là bỏ hết. Có hôm đứng bên bàn “montage”, khi nhìn đồng hồ thấy hơn 12 giờ trưa, bỏ ăn, vội vàng thay quần áo chạy ra đường Trần Quốc Toản đón xe lam đến trường. Lắm lúc toát mồ hôi vì không đón được xe…

Mình hạc xương mai

Năm 1970, Nguyên Minh rủ tôi đi Sa Đéc thăm Hạc Thành Hoa. Đêm đầu tiên, cả ba chúng tôi ngủ trong nhà trọ của HTH bên dòng Sa Giang hiền hòa. Hồi đó chúng tôi thường nói đùa “nằm mùng chống muỗi”, nhưng suốt đêm tôi ngủ không được vì muỗi kêu như sáo thổi. Hình như muỗi đui không thấy mùng, bay tự do từng đàn, vo ve như bầy ong, chích ngứa, gãi suốt đêm. Sáng hôm sau, đi uống cà phê, tôi hỏi HTH sao bạn chịu đươc muỗi. HTH cười hề hề, giọng cười quen thuộc của chàng, trả lời: – Tui sống chung với muỗi như dân Miền Tây sống chung với lũ vậy!

Hạc Thành Hoa cứ sáu tháng từ Sa Đéc lên Sài Gòn một lần tái khám sức khỏe ở Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ. Trước khi đi tái khám, chàng phải nhịn đói cả tuần để giữ cân, không quá 40 ký, tiêu chuẩn để được nhận giấy hoãn dịch 6 tháng. Lần nào lên SG, HTH cũng ở chung phòng với Nguyên Minh và Cóc tui. Mỗi lần đi khám về, thấy mặt mày chàng tươi tỉnh hẳn ra, là biết kết quả như ý.

Căn gác bên kia cầu Phan Thanh Giản – Đếm số nhà và bịch chè trôi nước

Nhà của vợ chồng Hồ Thanh Ngạn ở bên kia cầu Phan Thanh Giản, trong một con hẻm, mái tôn, có căn gác gỗ, chật hẹp. Nhưng, như ông bà xưa thường nói “hẹp nhà chứ không hẹp bụng”. Ngạn sống với mẹ và hai cô em đang học trung học. Đó là nơi anh em trong nhóm Gió Mai (sau này là Ý Thức) thường tụ họp nói chuyện văn chương một cách say sưa bên những ly bia, ly rượu thâu đêm suốt sáng, ai buồn ngủ thì cứ nằm ngay trên sàn gác mà ngủ, không sợ phiền, vì gia đình Ngạn coi chúng tôi như người trong nhà.

Khi làm báo Ý Thức, tôi và Nguyên Minh thỉnh thoảng xuống nhà Ngạn ở lại vào mỗi tối cuối tuần để chơi trò cầu cơ với hai cô em. Những lúc chúng tôi “cạn túi”, chưa biết mượn ai thì nghĩ đến chị Dung (vợ Ngạn, quản lý báo Ý Thức).

Hôm đó là ngày chủ nhật, sau khi “montage” báo xong, chúng tôi muốn xuống phố Lê Lợi “xả hơi”, nhưng lục túi thì thấy không đủ tiền bát phố, bèn nghĩ đến chị Dung. Tôi và Minh đón taxi xuống nhà Ngạn, chẳng may vợ chồng Ngạn đều đi vắng. Hai thằng không đủ tiền taxi về nhà, chỉ còn cách đi bộ, vừa đi vừa đếm số nhà cho quên đường dài. Gần nhà có một gánh chè trôi nước, trong túi tôi chỉ còn đủ tiền mua một viên mang về định chia nhau ăn cho… lại sức sau hơn một tiếng đồng hồ đi bộ. Minh xách bịch chè, kêu cửa. Lúc bấy giờ cả gia đình chị Mai đều về Đà Nẵng nghỉ hè, nhà chỉ còn Minh, tôi và cô H., em họ chồng chị Mai, dân Nha Trang đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Cô H. mở cửa. Minh nhanh tay đưa bịch chè cho cô và nhanh miệng nói:
– Mời cô H. ăn chè.
Cô H. lịch sự hỏi:
– Các anh ăn chưa?
Minh vội trả lời:
– Tụi này ăn rồi, phần này là của cô H.
Tôi bịt miệng Minh không kịp.
Khi về phòng, đóng cửa, hai thằng ôm bụng cười một trận đến quên mệt mà không sợ cô H. nghe, vì phòng cô cách phòng chúng tôi khá xa…

Xén giấy rẻo đổi đầu vịt

Tôi về lại cái thị xã yên bình sau gần hai năm “ta bà” ở Sài Gòn cùng làm báo Ý Thức với Nguyên Minh và tu nghiệp bên phương trời xa, như quay về chốn cũ. Thời điểm này YT đình bản vì Luật báo chí 007/1972 của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, phải đóng số tiền ký quỹ rất lớn. Nguyên Minh cũng trở về mái nhà xưa, giao lại cho Lữ Kiều đang công tác tại Trường Võ bị Đà Lạt làm Ý Thức bản thảo. Tôi có cơ hội sống chung với Nguyên Minh trong căn nhà 11 Nguyễn Thái Học, ngôi nhà mà cha mẹ anh để lại. Anh sống với người mẹ kế mà anh gọi bằng “cô” và cùng với mấy đứa em cùng cha khác mẹ, trong không khí hòa thuận, đầm ấm, yên vui. Không làm báo được nữa, anh nhảy sang lãnh vực có liên quan đến… bút mực in và giấy báo. Nguyên Minh tậu một máy in “multitype” từ Sài Gòn mang về (loại máy in dùng cho văn phòng, đánh chữ bằng quả cầu tròn trên giấy master thay bằng giấy “stencil” hay chế bản kẽm rồi in cũng được), đồng thời lập nhà sách Tiếng Việt…

Có nhà in trong tay, giấy rẻo ở đây không biết làm gì, chỉ có nước đem vất rác. (Không như ở nhà in Thanh Bình – Sài Gòn, mỗi chiều chúng tôi muốn thư giãn, lai rai chút đỉnh thì chịu khó xén từng xấp vuông 5 cm, mang tới quán cháo vịt cạnh nhà, để đổi hai chai bia con cọp và một dĩa đầu vịt. – Cả chủ và khách của quán họ thích dùng loại giấy này thay vì loại giấy rơm lâu nay quán dùng).

Một buổi chiều mát, chúng tôi đèo nhau đi dạo trên đường ven Sông Dinh, phía ngoại ô, tình cờ phát hiện một quán cháo vịt bên đường. Tấp vô, cũng gọi một dĩa đầu vịt và hai chai bia con cọp để nhớ thời “chích dạo” ở Sài Gòn. Nhâm nhi xong, tôi mạnh dạn hỏi cô chủ quán muốn đổi giấy lấy đầu vịt không? Lúc đầu, cô ta tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên, tôi phải giải thích. Nghe ra, cô ta gật đầu đồng ý. Từ đó, mỗi lần thèm “chích dạo” (cháo dịch – nói theo tiếng miền Nam) chúng tôi đều tới quán cô hàng xinh xinh…

Lê Ký Thương