* Thái Kim Lan
Chùa Hồng Ân ở Huế là ngôi chùa sư nữ rất thân quen với tôi. Thời thơ ấu, tôi theo bà nội, thời con gái, theo mạ đi chùa, sau khi lạy Phật ở các chùa, thế nào cuối cùng cũng đến Hồng Ân, để được ghé chân ngồi nơi tấm phản ngựa nghỉ mát, được các sư cô cho bát nước chè sau khi lạy Phật và vấn an quí sư bà trụ trì. Trong những năm đầu thập niên 60, thời sinh viên, tôi lại cùng với anh chị em Phật tử lên chùa sư nữ xin ăn cơm chay, làm nũng với quí sư cô với sức trẻ háu ăn mau đói, bởi quí sư bà trụ trì chùa thường là những người đỡ đầu đám sinh viên cả nam lẫn nữ còn lớ ngớ với Phật Pháp Tăng như chúng tôi. Thời ấy, trong ngôi chùa ấy, nhiều ngày nhiều tháng, tiếng cười nghịch ngợm của đám trẻ chúng tôi xen với tiếng cười từ bi trong trẻo của quí Ni sư, nghe như còn vang vọng đến bây giờ…
Trong ký ức tôi, chùa Hồng Ân dạo ấy đơn sơ nhất trong các chùa mà tôi đã được bước chân đến ở Huế, mặc dù các vị sư nữ trụ trì, như cố Sư bà Thể Quán, Sư bà Diệu Không, Sư bà Diệu Trí, Sư bà Viên Minh, Sư bà Trí Hải, đều là những vị sinh trưởng trong gia đình thế gia, vọng tộc. Phong cảnh quanh chùa rất đồng quê với đồng lúa và lũy tre xanh nằm dọc con đường đất nhỏ đi vào chùa. Phật đường là ngôi nhà rường năm gian, thuở trước mái tranh, về sau mái ngói, nhà Ni sự cũng giản dị với các phòng nhỏ cho Ni sư trưởng và các phòng lớn chung cho Ni chúng, bàn ghế đơn sơ mà ngăn nắp, sạch sẽ, trong bóng như gương. Chùa thảnh thơi nhờ ngôi vườn rộng lớn với nhiều cây ăn quả bốn mùa, trải ra đến bên chùa Trúc Lâm, nên chúng tôi tha hồ thơ thẩn với nắng mùa hạ, ăn quả khế ở chùa Trúc Lâm, với gió mùa thu, ngước mắt nhìn trái thị Hồng Ân thơm lừng không gian… Và xuân với hoa lá và đông với mưa dầm gió bấc, tiếng kinh kệ trong trẻo nhân hậu luôn theo tôi những năm, những tháng về sau. Trong ký ức của một người đi xa, hình như những hình ảnh ấy lao xao tiếng gọi quay về, trong tiếng gọi mơ hồ sóng ngân bài hát về niềm hạnh lạc thoát trần, dù nắng mưa cát bụi vẫn không rời gót hành nhân… Thời gian trôi lênh đênh, có lẽ điểm tựa không thay đổi là những bóng dáng người sư nữ trì kinh hạnh nhẫn… từ khi đi cho đến ngày về thăm quê lần thứ nhất. Hồi sinh tiền, ngày đầu trở lại Huế, mạ tôi đã dặn, con nhớ lên thăm chùa Hồng Ân. Và như thế thời gian đi – về vẫn xuôi dòng xóa bao vết nhân sinh… Sư bà Diệu Không viên tịch, rồi Mạ tôi từ giã cõi trần, và bao người khác nữa. Thời gian không đợi…
Kể từ khi tôi đến chùa Hồng Ân lần đầu với bà nội, các Sư bà ngày xưa còn là những vị sư nữ trẻ, cho đến khi các vị lần lượt bước lên chín tầng sen, có người vừa tròn trăm năm, tính ra đã hơn một nửa thế kỷ, vẻ trẻ măng đã ôm bóng chiều trên nền đất.
Thật dài dòng những điều vừa viết, những danh tính vừa kể, mà hầu như đang bỏ sót nhiều người, nhất là vị Trưởng Lão Ni vừa mới nhập cõi Bất thối Bồ tát. Không, làm thế nào mà tôi có thể quên NGƯỜI? Chỉ là, dòng chảy trong tâm chưa kịp tràn ra chữ viết, tuy chưa, nhưng vẫn sống động trong tâm như tự bao giờ… Khi kể chuyện chùa, chuyện các cố Sư bà, khi thưa khi lạy “Thể Quán”, “Diệu Không”, thì tâm tôi không hề thiếu sự cung kính những vị khác cũng như NGƯỜI.
Tôi nói làm sao đây? Về NGƯỜI? Có lẽ NGƯỜI là sự lặng yên bình thản như mặt hồ không gợn sóng hay có lẽ là một nét KHÔNG CHI tựa một thoáng “Như Như”, ra khỏi những tiếng và lời, mọi huyên náo hình như thừa thãi khi Người xuất hiện trước mắt hay thoáng qua trong võng mô của tôi, đứa sinh viên ngày trước trở lại chùa Hồng Ân sau nhiều năm tháng, lại còn lận đận mang theo những nhà hảo tâm phương xa đến cho chùa.
Đó là khoảng đầu thập niên 90, Hồng Ân dạo ấy đã đơn sơ lại càng sơ đơn hơn, cảnh chùa thanh bần đạm bạc. Tôi đã được gặp lại tất cả ni chúng trong chùa, những nụ cười an nhiên vẫn nở ra như thể chưa có lần xa… Dạo ấy tôi đã viết: “Có lần tôi trở lại thăm chùa Hồng Ân vào dịp đầu xuân. Cây hồng đơn sơ ít lá đang trĩu trái trước hiên chùa, hoa tím lẳng lặng nhẹ đùa trong gió, hương trầm tỏa ấm không gian… Khi tôi giã từ ra về, ngoái lại thấy… áo lam hòa với màu hoa tím nhạt… đẹp thanh thoát, tôi tưởng như đang rời một bức tranh có thật là Niết Bàn chốn ấy để trở lại lạc loài ảo ảnh cát bụi trần ai…” (Thái Kim Lan, Xem bốn bức tranh Quán Thế nhớ Sư Bà Diệu Không). Tôi nói thấy Sư bà Diệu Không đứng với các ni sư trẻ dưới mái hiên, nhưng thực ra tôi còn thấy nhiều điều hơn thế nữa mà chưa kịp viết ra.
Giàn hoa tím nhạt ấy, trong buổi chiều xuân ấy, buông những chùm hoa nhẹ như mơ trong không gian Hồng Ân, lá cây xanh mướt rợp bóng nắng hiên nhà, những hoa lung linh trong gió như bóng các Ni sư đổ trên nền nhà, thế nhưng tôi chưa nói đến những búp hoa còn núp trong lá, thật dịu dàng, an lạc, bình yên, an nhiên mà phơi phới như khí trời xuân hôm ấy tẩm đượm không gian.
Và hôm nay tưởng niệm Sư bà Viên Minh, tôi bỗng nhớ đến đóa hoa tím vừa nở mà chưa kịp hay chưa bao giờ muốn buông ra, rơi vào thinh không vì một lẽ rất thường muốn được thấy được nhìn, búp hoa ấy thật không thường… Ấn tượng của tôi khi nhìn thấy Sư bà Viên Minh lần đầu tiên trong đời – khi còn là cô bé gái – rồi sinh viên – rồi thành “người lớn” nói theo kiểu Huế là tra tra rồi tra hung – vẫn không thay đổi, vẫn là ấn tượng như khi chợt nhìn thấy búp hoa đơn sơ còn chưa tím hẳn nằm im giữa lá và dây leo, nhũn nhặn thong dong như tuồng không cần có mặt trên thế gian.
Vẫn thế mỗi lần, khi còn là cô gái nhỏ ngồi níu áo Mạ khi lên chùa, lắng nghe cuộc chuyện trò với các Ni sư, nhìn vào nhà trong, thấp thoáng thấy các Sư cô hoặc tụng kinh hoặc sắp đặt công việc do Sư bà dặn dò, tôi nhận ra dáng người nhỏ nhắn của một Ni sư, mà khi thấy, Mạ tôi đã chào cung kính. Sau đó được Mạ cho biết đó là Sư “cô” Viên Minh. Khiêm tốn và thuần nhị, chỉ có ánh mắt và nụ cười hiện rõ. Khi đã thành sinh viên trong phong trào Phật tử, lên chùa ồn ào với thảo luận nghiên cứu chi chi trọng đại, ngẩng nhìn lên, có lần bắt gặp gương mặt thuần hậu của một nàng Út bé nhỏ, nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy chia xẻ, như muốn cười và muốn nói, mà không cần nhiều lời, cười và nói bằng sự lặng yên có thể chuyển động những gì ù lì nhất ra khỏi vùng u mê. Mỗi lần như thế tôi ngỡ ngàng, thoáng ngạc nhiên như bắt gặp một nhân vật trong truyện cổ tích, như những nàng tiên có phép thần, khi ở thế gian thì lại hiện ra trong dáng dấp khiêm tốn nhỏ bé mà khi cần thì có thể hóa phép cứu độ chúng sanh. Như chuyện nàng Cóc ẩn mình trong lốt cóc, nàng Út ẩn náu trong hoa, tuy ẩn dật mà viên thành tất cả khó khăn. Ẩn nhẫn quả thật là một đức hạnh của tu chứng chân thành. Mỗi lần đến chùa, đi ngang qua cửa sổ nơi sư bà nghỉ, thấy có ánh đèn, nhìn vào thấy cái lưng nhỏ nhắn của sư bà và quyển kinh trên bàn, tinh tấn rất mực mà không một chút bi quan, nhìn lên là ánh mắt và nụ cười ấy, vẫn là như thế những năm sau, chỉ duy lưng thì dần cong hơn với tháng ngày.
Nhận biết hiện diện của Sư bà Viên Minh ở Hồng Ân của tôi vỏn vẹn có từng ấy và hầu như tôi chưa một lần hầu sư bà lâu hơn vài cái cúi đầu lạy chào, hỏi thăm sức khỏe. Thoáng gặp đã thấy không còn, đã lùi vào trong, lẳng lặng, chìm khuất không dấu vết.
Những năm thập niên 90 tôi có dịp đến Hồng Ân nhiều hơn vì các dự án từ thiện của quỹ từ thiện Đức do ông TS Boehme giới thiệu và cố vấn, thực hiện các dự án vườn trẻ, dạy nghề cho trẻ em và phụ nữ dưới sự hướng dẫn của cố Sư bà Diệu Không. Bàn bạc công việc ở nhà ngoài với các vị trưởng lão đến bụng đói cồn cào, tôi lẻn vào bếp xin các sư cô nấu cho mấy củ khoai sắn trong vườn chùa. Các sư cô trẻ cười vang bảo đi Tây đi Tàu về mà xin ăn khoai sắn, ui chao ơi. Giữa tiếng tíu tít và ánh lửa hồng reo, nồi khoai vừa mới bắt, hình như tôi thấy có chiếc bóng nhỏ nhắn màu lam đi qua dặn dò các sư cô nấu cho thật nhiều để chị ấy đem về mà ăn cho đã thèm. Cái bóng ấy đã nhìn tôi, mỉm cười rồi biến mất. Đức hạnh khiêm nhường đầy từ bi ấy thật khó sánh.
Nhưng tôi đã lầm, những tưởng Sư Bà chỉ biết trì kinh niệm Phật. Có lần Sư bà Diệu Không đi vắng, Sư Viên Minh đã thay mặt tiếp ông TS Boehme (nay cũng đã thành người thiên cổ) – việc tiếp người ngoại quốc rất đỗi ngại ngùng cho các Ni sư – vui thay Sư bà đã làm công việc tiếp khách và nhận lãnh tài trợ với dáng dấp tự tại trang nghiêm cao quí, rất thuyết phục trong hạnh khiêm tốn mà quảng đại không lường. Hình ảnh thật là đẹp và xúc động khi Sư bà nhỏ nhắn đừng bên cạnh ông Tây khổng lồ mỉm nụ cười tự tại, tôi vẫn còn nhớ mãi.
Và một người như tôi thì hẳn có nhiều sự lầm. Điều lầm nữa của tôi là tưởng chắc Sư Bà có hàng nghìn hàng triệu đệ tử, chúng sinh, cái bóng của tôi đi qua hẳn mất hút giữa đám sinh linh đệ tử lên chùa Hồng Ân. Năm tháng trôi qua như thế… mười năm, mười lăm năm sau, đệ tử hầu như quên chùa là tôi trở lại Hồng Ân thắp hương cho quí sư bà quá cố, chợt nhớ đến Sư bà Viên Minh, tôi xin vào đảnh lễ. Đó là năm 2011, chùa Hồng Ân bây giờ đã khác xưa nhiều, điện Phật nhà tăng đều mới xây, lạ hơn những ngày cũ. Sư cô thị giả thưa xin phép cho vào. Bước vào liêu, hình ảnh đập vào mắt là dáng người nhỏ bé thanh khiết đang ngồi xem kinh. Sư cô thị giả thưa Sư bà, lúc ấy đã 97 tuổi thọ, và là Trưởng lão trụ trì chùa Hồng Ân, có biết ai đến thăm không. Tôi giật bắn cả người khi nghe Sư Bà nhìn lên và nói: “Chị Kim Lan chứ ai”, rồi Sư Bà hỏi tiếp: “Thế ông TS Boehme có khỏe không?” Ui chao cả mấy thầy trò còn lại thất kinh, không ngờ trí nhớ của Sư Bà còn minh mẫn đến thế. Riêng tôi thì ngẩn người, cảm động đến rơi nước mắt. Khi ra về mãi nhớ đến cái lưng đã cong vòng của bà vẫn còn gập người trên quyển kinh như không bao giờ rời.
Hai năm sau 2013 vào dịp Lễ Thượng Thọ 99 tuổi của Sư Bà, tôi ngẫu nhiên ở Huế, dĩ nhiên tôi vội vàng lên chùa Hồng Ân chúc thọ. Nhưng hôm ấy Hồng Ân đông nghịt người đến dự lễ thượng thọ, tôi không thể vào đảnh lễ, đành mang bài thơ tôi làm kính tặng Sư Bà trở về nhà treo lên vách như một công án đời người:
Ngày lại ngày
Còng lưng
Gánh kinh
Trăm năm
Tâm thành
Ngọc sáng
Tịnh lành
Tròn trăng
Giác ngộ
Viên Minh
Những mong có dịp lên hầu Sư Bà đọc thơ, ngờ đâu ở xa nghe tin Sư Bà viên tịch vào rằm Vu Lan năm nay, sen tịnh vừa tròn chín phẩm, Bất Thối Bồ Tát thong dong.
Huế, Trung Thu 2014
Thái Kim Lan