VỚI LỮ QUỲNH

Bài viết của Nguyễn Lệ Uyên

Nhà thơ Lữ Quỳnh (nguồn: sangtao.org)

Nhà thơ Lữ Quỳnh
(nguồn: sangtao.org)

Lần đầu tiên tôi “gặp” anh, bắt đầu bằng truyện dài Những cơn mưa mùa Đông, rồi đến những truyện ngắn đăng rải rác trên các báo văn nghệ Sài Gòn.

Anh là một trong những người chủ trương tạp chí Ý Thức, hậu duệ của Gió Mai ở Huế. Các thành viên của nhóm tôi đều may mắn gặp mặt và trò chuyện dông dài về văn chương, nhưng riêng anh, mãi đến năm 2007 khi từ San Jose về VN ăn tết, anh và Nguyên Minh chịu khó ngồi 12 tiếng trên tàu lửa ghé thăm tôi đúng ngày mồng 4 tết.

Trôi nổi theo vận nước. Gặp nhau muộn màng. Muộn vẫn là gặp nhau, nhưng hơn hết là “kiến kỳ hình” sau gần nửa thế kỷ “kiến kỳ văn” của anh.

Quả đúng như khi đọc truyện, qua văn phong và qua các nhân vật xây dựng, ngồi bên ly cà phê trong cái quán rất đỏm dáng ở cái xứ xương rồng luôn có nhiều nhân tài bên dưới mặt đất, tôi mới kịp khám phá nơi anh, trong con người anh luôn có những bất toàn, chịu đựng y như những nhân vật của mình. Cái cách nói năng nhỏ nhẹ đã đành, đến cung cách cầm chiếc muỗng khuấy ly cà phê từ tốn và từ tốn bưng tách đưa lên. Trước mắt, tôi nhìn thấy một sự khác xa với hình ảnh của người lính từng xông pha trận mạc, từng băng bó cứu chữa cho đồng đội và những giọt nước mắt lăn dài theo chữ nghĩa trong một truyện ngắn anh viết về trại dưỡng quân ở Phú Tài, Quy Nhơn. Và, không hiểu sao, một người ngổ ngáo như tôi lại có thể gần gũi và chấp nhận sự hiền lành nơi anh như thể cố bơi về phía một nửa khiếm khuyết trong đời sống xô bồ, đầy dẫy những hằn học, toan tính, lừa bịp?

Những ưu tư, dằn vặt nội tâm của nhân vật Vũ dường như cũng chính là những dằn vặt của anh trong đời sống mà anh đang phải đối mặt trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc, vô nhân và phi lý nhất trên mảnh đất nghèo xơ xác này. Anh đeo mang sự dằn vặt ấy trong suốt cuộc làm người, phải chứng kiến. Chứng kiến và ngậm ngùi để cuối cùng nó hiển lộ nguyên vẹn trong các nhân vật anh đeo mang.

Cả đến thơ cũng thế. Những bài thơ trong hai tập Sinh nhật của một người không còn trẻNhững giấc mơ tôi vẫn là những thôi thúc vô bờ của những ray rức về thân phận phải làm người trên thế gian này:

Chiếc cầu sắt đen
Những thanh tà vẹt rỉ
Tàu qua mỗi buổi chiều
Để lại tiếng còi hoàng hôn
Người lính tóc râu phủ mặt
Bước lạnh lùng trên những thanh ray

Đã nhiều năm trôi qua
Người lính buồn ở lại
Người lính buồn nằm xuống
Giấc ngủ ruộng đồng
Mênh mông mây trắng
Tiếng vỗ cánh
Hư không

(Những giấc mơ tôi)

Cuối năm 1970, nhóm Ý Thức tổ chức họp mặt ở nhà chủ nhiệm Nguyễn Thị Yến. Rượu tràn. Tình văn chương cũng phơi tràn trong không gian hẹp là những ô gạch vuông phòng khách. Bỗng có ai đó nhắc đến Lữ Quỳnh, nhắc đến Doãn Dân. Những bạn bè khuất lấp xa gần đâu đó, trở thành nỗi nhớ nhung trên cành hoa cắm trong chiếc lọ sành bắt đầu phai sắc. Những ly rượu ấm trong lòng tay bỗng trở nên lạnh vì sự thiếu vắng những người bạn đang lầm lũi trong cánh rừng già, ngoài cánh đồng nghi ngút khói hay dừng quân bên quán tranh nghèo của cô hàng cà phê nơi quận lỵ xa mờ hơi khói đạn bom?

Tôi không nhớ đã nói những gì với anh trong lần đầu gặp nhau. Có lẽ chỉ xoay quanh đề tài viết và lách, về cuộc sống bất toại hiện ra trong đáy mắt mọi người ngồi quanh bàn cà phê buổi sáng hôm đó.

Viết bây giờ với anh, với tôi, với chúng ta là khó. Rất khó, bởi tuổi tác, bởi bối cảnh xã hội xộc xệch. Đời sống bị bào mòn, bởi những ngụy trá xảo lộng như những sắc màu trang trí trên từng ô gạch vỉa hè, góc phố và những tòa nhà lộng lẫy, những con người lộng lẫy những mê ám âm u. Hình như Lữ Quỳnh chưa bao giờ tự xem mình là nhà văn, nhà thơ, cũng không hề run rẩy, từ chối trách nhiệm những gì mình đã viết ra trên trang giấy. Anh hiên ngang một cách cô độc. Anh ngẩng cao trong nỗi cô quạnh lạnh buốt. Và hơn hết, thơ anh, văn anh vẫn là thơ là văn Lữ Quỳnh, không lẫn vào ai khác!

Có lần Côn kể với tôi về Lữ Quỳnh ở San Jose như một kẻ mộng du. Anh ra phố giữa đêm lạnh, bước đi và không cần biết nơi đến là đâu, cứ bước tới, đều đều trong đêm. Côn nói hình như có nỗi buồn gì đó không thể nói ra. Lần khác anh hỏi Côn làm thế nào để chọn cho mình cái chết dịu dàng? Những câu hỏi đến cả Phật cả Chúa cũng lắc đầu, huống chi là những kẻ lang thang cùng trời cuối đất như Côn? Ở gần mà không rõ thì sao nơi chốn xa xôi tôi sao hiểu được nỗi lòng anh? Đoán non già và mang điều ưu uẩn đối chiếu với 2 câu thơ anh viết và được nhiều người truyền nhau đọc quanh chiếu rượu hay trên bàn cà phê sáng:

Thèm rượu mà ta không uống được
Bạn thì xa tri kỷ cũng đi rồi
Tay với trời cao không thấu nổi
Tuổi già mất bạn cũng mồ côi

Và câu khác:

Tôi không còn trẻ để cầm tay em nữa
Nhưng lòng luôn sẵn lửa cho em.

Lần gặp thứ hai là cuối năm ngoái, nhân triển lãm tranh của Đinh Cường và Thân Trọng Minh. Bạn bè đủ cả, không thiếu một ai trong nhóm Ý Thức cũ, lại có cả vợ chồng Khuất Đẩu, Trương Văn Dân…

Sau buổi sinh nhật Thân Trọng Minh ở nhà riêng, một nơi ở gây kinh hoàng cho những “người không còn trẻ”. Con dốc dựng đứng như chiếc thang tre ở nông thôn. Đinh Cường phải lần từng bước, nhưng còn đi được (bên cạnh Nguyễn Dương Quang lúc nào cũng trong tư thế xuống tấn, giang tay ra đỡ). Lữ Quỳnh nhìn con dốc lắc đầu. Tôi dìu anh từng bước lúc đi xuống cũng như lúc lên. May là bữa tiệc sinh nhật rất vui vẻ, khác thường nên nỗi lo sợ về con dốc cũng tiêu tan!

Tối, Lữ Quỳnh ở với tôi trong căn phòng của vợ chồng Nguyễn Dương Quang. Anh mở túi thuốc ra tôi mới hay sức khỏe anh không như cách đây mấy năm. Tôi ái ngại cho anh, bởi lần trước, năm 2007 khi trở về SG anh phải đi cấp cứu. Uống thuốc xong, anh muốn nói chuyện, tôi gạt đi, kêu hãy ngủ một giấc vì từ sáng giờ anh di chuyển bằng xe đò, taxi từ SG lên đây đã quá mệt rồi.
Sáng hôm sau chị Hồng, vợ Quang pha một bình trà đặc và cà phê. Căn phòng ấm áp hẳn lên. Chúng tôi nhắc chuyện cũ chuyện mới, khen chê cách làm Quán Văn của Nguyên Minh. Thời buổi này, không thể khác, không có con đường chọn lựa nào khác là phải ôm lòng nén đau ký gửi đời văn đời người cho một nhà xuất bản. Cái tâm huyết phừng phừng lửa rực một thời cùng đành chịu thế thôi, không khác được trong bối cảnh xã hội hiện thời.

Chia tay anh, tôi leo xe đò về cố xứ, không quên dặn anh trông chừng sức khỏe. Anh ừ hử, nhưng cuối cùng cách đây mấy ngày lại nghe tin anh phải nhập viện. May là không đến nỗi nào, vẫn khỏe và vẫn làm thơ, công bố trên các trang mạng.

Đọc quyển Ngàn cánh sen xanh biếc Đỗ Hồng Ngọc viết về kinh Pháp Hoa, gửi tặng, tôi có cảm tưởng như dòng nào, trang nào, chương nào anh cũng thương Phật vô hạn. Anh thương Phật ở vào “tuổi cổ lai hy” bởi “Tôi đến với Pháp Hoa bằng tấm lòng trẻ thơ, tò mò mà ham học hỏi, không mắc mứu vào một “pháp” nào trước đó cả… Tôi cảm nhận xuyên suốt, nhất quán một con đường Phật dạy ngàn xưa ngàn sau không chia chẽ”. Dẫn qua một chút để nhớ đến nhân vật Vũ của Lữ Quỳnh khi xe leo đèo trong mù mịt sương, tưởng tượng đến cơn mưa dầm thúi đất xứ Huế và cái dáng trẻ con lầm lũi bước đi trên bờ ruộng lúc về thăm ông nội. Thằng bé Vũ ấy đã ám ảnh tôi mỗi khi chợt nhớ đến tập truyện đầu tay của anh, rồi lại liên tưởng với những gì Côn nhắc về anh nơi xứ người.

Một chút tình cảm bé mọn với anh, một người luôn cô đơn trong cuộc sống và cả văn chương anh dàn trải.

Tôi không còn trẻ để cầm tay em nữa
Nhưng lòng luôn sẵn lửa cho em.

Anh vẫn còn tiếp tục viết những câu thơ độc đáo như vậy cho chính cuộc đời mình.

(xứ Xương Rồng, tháng 7/2014)
Nguyễn Lệ Uyên

Những người bạn già tại điền trang Thân Trọng

Những người bạn già tại điền trang Thân Trọng

Advertisement