Truyện ngắn của Huyền Chiêu
Khi chiếc xe đò qua khỏi đèo Rọ Tượng, trời đã ngả về chiều… Những thửa ruộng hai bên đường đang chờ gặt, lấp lánh một màu vàng óng… Đến ngã ba Ninh Hòa, xe ngoặt về hướng Ban Mê Thuột. Nhưng chỉ mươi phút nữa thôi tôi sẽ dừng lại ở điểm đến của tôi, Dục Mỹ.
Thị trấn miền núi nhỏ xíu đó là nơi tôi sinh ra. Tôi vẫn nhớ căn nhà êm ấm bên cạnh nhà thờ Tin Lành. Hình ảnh của những người Thượng mỗi sáng sắp hàng một, đi ngang qua nhà tôi, lưng gùi những giỏ trái rừng đem xuống chợ vẫn còn in đậm trong trí nhớ . Mùa đông, cái lạnh gay gắt của núi rừng bao trùm lấy con phố có cây cầu vắt ngang con suối nhỏ. Sau khi ba tôi qua đời, mẹ tôi đưa các con về sinh sống ở Sài Gòn. Tuy nhiên mẹ tôi vẫn để mộ ba tôi yên nghỉ ở nghĩa trang Dục Mỹ và mỗi năm mẹ tôi luôn đều đặn về thăm. Năm nay mẹ tôi không được khỏe và tôi thay bà đi viếng mộ cha, nhân ngày giỗ.
Khi tôi bước vào nghĩa trang, trời đã ngả về chiều. Không khó để tìm được mộ cha. Tôi đứng lặng yên trước ngôi mộ mà tôi đã thuộc lòng từng phiến đá. Đưa tay sờ lên thành mộ, tôi có cảm giác như đang chạm vào thành vai ba tôi. Sau khi thắp nhang trên mộ cha , tôi tha thẩn qua những ngôi mộ lân cân. Cuối cùng tôi dừng lại rất lâu trước ngôi mộ một cô gái chết trẻ.
Huỳnh Thị Hoài Trang
(1954-1972)
Vừa cúi xuống để cắm mấy cây nhang trước bia mộ của cô gái, tôi bỗng nghe một giọng đàn ông rất trầm vang lên sau lưng:
– Cám ơn cô
– Ông là thân nhân của cô gái này?
– Vâng.
Người đàn ông ngồi xuống bên cạnh ngôi mộ và không nói gì thêm. Ông khoảng trên 60, rất cao và gầy. Dưới mái tóc điểm bạc, tia nhìn của ông hơi tối. Đôi mắt của ông như quá mệt mỏi và từ chối không muốn thu nhận thêm bất cứ hình ảnh nào.
– Cô ấy chết quá trẻ?
Người đàn ông tiếp tục yên lặng nhưng tôi thấy những ngón tay của ông co lại. Ông ngước lên nhìn những ngọn phi lao có màu xanh sậm rất buồn đang kêu hun hút trong gió chiều. Cuối cùng người đàn ông cũng kể cho tôi nghe câu chuyện về Hoài Trang.
***
Hoài Trang quê ở một thị trấn nhỏ bên dòng sông Tiền. Nàng xinh đẹp, hiền lành, cuộc sống êm đềm. Nàng có một mối tình trong sáng ngây thơ với một chàng trai đáng yêu tên Khánh. Khánh là bạn của người anh con dì. Mỗi lần xuống nhà dì, Hoài Trang lại được Anh Tân và Khánh chèo thuyền đưa đi chơi qua những con kênh nhỏ. Thật là một chuyện tình học trò nhẹ nhàng bình thường. Mọi sự trở nên không nhẹ nhàng nữa khi Khánh đi lính và Hoài Trang đến tuổi cha mẹ muốn nàng lấy chồng. Người mà cha mẹ nàng chọn cho nàng không có điểm nào để từ chối ngoại trừ lý do người ấy không phải là Khánh. Lần cuối cùng gặp nhau họ ôm nhau khóc trong tuyệt vọng.
Sau khi Khánh trở về Dục Mỹ . Hoài Trang biết rằng nàng đã mang thai. Hoài Trang, cuối cùng quyết định rời bỏ tất cả để ra miền Trung tìm lên nơi Khánh đóng quân, sống cùng Khánh. Nàng sắp làm mẹ. Con nàng là kết quả của một tình yêu trong sáng. Nó phải được ra đời trong niềm hân hoan của cha mẹ. Nàng không muốn con mình sinh ra trong nỗi cô đơn, tủi nhục của người mẹ bị gia đình hắt hủi,
***
Thật lạ. Tối nay đã hơn 10 giờ mà vẫn chưa thấy Khánh trở về nhà. Nằm một mình trong căn nhà thuê chật chội, vách được đóng bằng những tấm ván bìa sơ sài, Hoài Trang bỗng thấy lòng như bị trăm nỗi lo buồn xâu xé. Ngày trước Khánh là tất cả. Vì Khánh, nàng có thể đổi cả cuộc đời êm ấm, chỉ mong được ở cạnh người mình yêu. Nhưng bây giờ tình yêu dường như chùng xuống. Nỗi thương nhớ cha mẹ lại cồn cào ruột gan… Sắp làm mẹ, Hoài Trang cảm thấy người nàng cần được ở bên cạnh không phải là Khánh mà chính là mẹ nàng. Nhưng nàng đã từ bỏ mẹ. Cuộc đời sao mà nghiệt ngã, nước mắt Hoài Trang đã tràn ướt gối.
Bên ngoài, trong đêm tối đen, tiếng ếch nhái kêu buồn bã. Từ ngày sống bên nhau, chưa bao giờ nàng phải chờ chồng khuya khoắt đến thế.
Lo sợ, hoang mang, Hoài Trang vùng dậy khoác vội chiếc áo len, bước ra ngoài.
Cứ mỗi lần lĩnh lương, ba chàng lính trẻ lại gặp nhau ở bar Thu Hồng. Họ đã hứa với nhau không vì lý do gì mà phá đi thông lệ này. Vỹ, người lớn tuổi nhất trong bọn, tính ồn ào và hơi tự mãn.
– Nè Khánh, mày hãy nhớ câu “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” Hôm nay mày phải ngồi đây uống với anh rồi nghe anh nói cho nghe làm cách nào để đừng để bọn đàn bà con gái nó cai trị mình…!!!
– Nhưng anh chưa có vợ!!
– Nhưng tao hiểu tâm lý của đàn bà hơn cái đồ mới nứt mắt đã cưới vợ như mày. Phải vậy không Phong?
Phong gật gù tán thành.
Khánh cầm mũ đứng dậy.
– Em phải về.
Vỹ đứng dậy ấn Khánh ngồi xuống, rồi Vỹ và Phong cùng xỉa ngón tay trỏ vào mặt Khánh hét lớn:
– Một, hai, ba, cái, đồ, sợ, vợ !!!
Vỹ đã bắt đầu say và quay ra sau gọi lớn:
– Hồng ơi đem thêm cho anh chai rượu và cho anh mượn cây đàn.
Vỹ chỉ hát khi rượu bắt đầu ngấm và khi ấy anh như biến thành một con ngưởi rất khác . Tiếng hát của anh khàn đục, thê thiết như tiếng kêu của con thú bị săn đuổi, nằm gục giửa một sa mạc hoang vu. Vỹ sẽ buồn biết mấy nếu biết rằng bao lâu nay Phong và Khánh bị thu hút, say đắm vì tiếng hát của anh chứ không phải vì anh khôn ngoan trường đời, dạn dày chinh chiến. Trong đêm khuya, trong ánh đèn mờ, trong tiếng đàn thùng bập bùng giọng Vỹ chỉ còn là hơi thở.
– “Chiều xóa thành đô,
– Thế nhân bàng hoàng
– Giọng hát, lời ca,
– Ôi sao nhịp nhàng
– Dừng trên hè phố
– Lòng ta thầm nhớ
– Những chiều lá rơi, lá rơi bên thềm nhà….”
Đêm tối dâng lên và chai rượu cạn dần.
Cô Hồng, cô Huệ cũng đã bị cuốn hút vào những âm thanh buồn bã. Giọng ca trầm buồn của Vỹ như một chiếc mền nhung êm ái chụp xuống đầu bọn họ, ru tất cả vào giấc ngủ say say…
Khi Khánh về đến nhà đồng hồ chỉ hơn 12 giờ. Khánh muốn đổ sụp khi phát hiện Hoài Trang đã ngủ giấc nghìn thu. Nàng uống quá nhiều thuốc an thần. Mọi người trong những căn nhà lân cận xúm lại. Một người nói:
– Lúc hơn 11 giờ tôi nhìn thấy cô ấy đứng nhìn vào bar Thu Hồng.
***
Trời đã tắt nắng. Người đàn ông ngừng nói. Rất lâu, ông nói nhỏ như để cho một mình mình nghe:
– Hoài Trang nhìn vào quán bar và thấy một cô gái trẻ đang tựa đầu vào vai chồng mình.
– Nhưng cô ấy đã hiểu lầm!! – Tôi nói.
– Vâng Khánh là một người chồng tốt. Sau khi vợ mất, mỗi đêm Khánh ra nằm ôm mộ vợ suốt ba tháng cho đến khi anh bị thuyên chuyển đi nơi khác.
Tôi quay nhìn thẳng vào mắt người đàn ông:
-Thưa ông, ông là ông Khánh?
– Không, tôi là Vỹ.
Khi tôi rời nghĩa trang, trời đã chập choạng tối nhưng người đàn ông vẫn còn ngồi im bên ngôi mộ, như một pho tượng.
Huyền Chiêu