Tác giả: Linh Hương
Chiếc cyclo chở chị em Phượng dừng lại căn nhà số một trăm mười sáu của mười năm thân yêu trước. Hai chị em bước xuống lề đường. Bác cyclo được dặn trước nên dừng xe nghỉ mệt, chờ Phượng giây lâu. Bảo với Phượng xem kỹ lại những gói đồ mình cầm trên tay. Bánh, quà Bảo mua Phượng đem về Ba. Bánh, quà Phượng mua Bảo đem về Me. Một cuộc trao đổi se lòng. Phượng với Bảo nép mình bên cổng. Cô bé ngậm ngùi hỏi em:
– Chị vào được không? Me về chưa em?
Bảo lo lắng:
– Có lẽ giờ nầy Me về rồi, chắc vú Sáu với Me đang làm cơm đó.
Giọng Phượng thoáng ngạc nhiên:
– Vú Sáu còn ở à… – cô bé thở dài – phải chi chỉ có vú Sáu thì có lẽ chị vào được… Chị muốn xem Me ra sao quá đi…
Bảo cũng gật đầu:
– Phải rồi, vú Sáu thương chị lắm. Vú cứ bảo em đem thư chị cho vú đọc, nhưng không được vì chị Ngọc cất cả rồi. Chị Ngọc sợ Me biết… Me khó quá chị ơi…
Mắt Phượng đỏ lên, cô bé nghẹn lời không nói được. Bảo phải an ủi:
– Thôi, hôm nào Me đi ăn tiệc ở nhà bác Hồng, em sẽ nói vú Sáu dẫn em sang chị, rước chị về nhà chơi một buổi…
Cậu bé rút túi quần một cái khăn gấp tư trao cho Phượng:
– Em hứa chắc đó. Thế nào Me cũng đi ăn mà. Chị đừng buồn nữa. Em thấy chị khóc em buồn ghê vậy đó.
Nghe em nói thỏ thẻ, nước mắt Phượng muốn lăn ra nhưng cô bé đã mím chặt môi chùi nhanh và ấn trả khăn tay vào túi em:
– Chị không buồn nữa đâu. Thôi em vào nhà đi và nhớ lại nhà chị, chắc nghe…
Phượng cúi xuống trán em. Một tiếng chút nhỏ nhẹ bật ra giữa đôi môi chúm lại cô bé vừa rời khỏi khuôn mặt em. Đôi mắt cậu bé sáng hơn, tròn hơn nhưng vành mi ướp buồn. Phượng dừng ánh nhìn thật lâu ở hai vì tinh tú rực rỡ ấy. Cô bé thì thầm trên vầng trán mượt mà, ấm áp:
– Mai mốt về ĐàLạt, chị chả bao giờ quên được lúc nầy đâu… Bảo ơi.
*
– Vú ơi, phải cái lọ nầy để giò thủy tiên Tết năm trước không?
– Cái lọ dài bằng sứ xanh ấy hả?
– Vâng ạ.
– Phải rồi. Con nhớ kỹ ghê. Vú tưởng con quên cả rồi chứ.
– Không bao giờ con quên được những gì ở trong căn nhà nầy đâu vú ạ. Nhất là những khi hồi tưởng lại thuở nhỏ sống đầm ấm nơi đây. Con còn nhớ hai mẹ con cò đứng mò tôm cá giữa giòng nước là của Ba đem từ Nha Trang về tặng Me khi hay Me có thai em Bảo. Con còn nhớ con búp bê mặc áo đầm vàng đen đứng trên bậc gỗ cao kia, bên cạnh chiếc xe tăng là Ba mua hồi con 6 tuổi, em Bảo mới đầy tháng. Bậc gỗ đó cao bằng con nên chơi xong con thường cất đồ lên trên ấy. mặt búp bê quay sang cười với mẹ con cò… Mà vú ơi, tại sao Ba mua riêng rẽ mẹ con cò thôi vậy hở vú?
– Tại Cậu nghĩ cò tượng trưng cho người mẹ đảm đang đó con…
– Không vú ơi… chỉ có một mẹ một con nên bây giờ Me mới thế nầy đây.
Giọng Phượng rưng rưng. Vú lật đật ló đầu ra khỏi bếp gọi Phượng nhưng cô bé đã xoay ngay lưng lại, lưng ngón trỏ giơ lên chùi hoài đôi mắt. Vú ra hiệu với Bảo đang đứng chùi bát đĩa bên sống chén:
– Rủ chị Phượng vào bếp chơi đi con.
Bảo giương to đôi mắt tròn rồi hiểu ra, gọi Phượng rối rít:
– Chị Phượng ơi, vào xem vú kho cá nầy, ngon ơi là ngon vậy đó…
Không tránh được, Phượng phải đi và giấu đôi mắt đỏ của mình bằng cách so đũa đặt trên 3 cái chén và xới nồi cơm nghi ngút khói. Những hạt trắng bong mềm mềm gần nhau trông ngon chi lạ. Vú nhắc chừng:
– Hạ hết lửa đi con kẻo khê…
Mãi đến bây giờ Phượng mới nói cười trở lại:
– Vú làm cơm hay quá, con mới ăn ban sáng bây giờ cũng phải đói bụng.
Vú thêm chút nước mắm vào nồi canh, mắt nheo lại vì khói cay:
– Vú đãi con một bữa cơm… hơi trưa trưa mà…
Phượng nhìn sang nồi cá:
– Không biết con phải nói với Ba làm sao khi bỏ cơm trưa nay.
Bảo chen vào:
– Nói chị Ngọc đãi là hay nhất chị Phượng ạ.
Phượng quay đầu cười với em:
– Nhất là Tám, chắc nó chả bằng lòng.
Mặt vú tươi hơn một chút:
– Tám là con trai mà đảm đang quá Phượng nhỉ. Vú xem nó có vẻ để ý vú với Bảo ghê đấy…
– Tại lần đầu tiên nó thấy con tiếp người lạ đó vú ạ…
– Và đi theo người lạ về nhà người ta luôn. Bảo liến thoắng thêm.
Phượng cốc nhẹ đầu chú bé liếng khỉ, tròn mắt:
– Vậy mà chị không dặn, hắn dám mách Ba lắm à.
Bảo ưỡn ngực:
– Như em… em chả sợ… mách cho mách…
Vú bật cười:
– Bảo có vẻ chả thích Tám tí nào, phải không?
– Con ghét hắn.
Vú ra dáng hiểu biết:
– Tại con sợ chị Phượng thương Tám hơn con chứ gì… Vú, vú thấy Tám thật thà ấy chứ. Một mình mà lo lắng đầy đủ cho cả hai bố con.
Tiếng Phượng cười ròn tan như nhớ được một chuyện hay ho:
– Ồ, vú không thấy Tám nêm canh, buồn cười lắm cơ. Phải nhón chân lên mới thấy trong lòng son đấy… Giá nó ở gần Me thì tuyệt, con sẽ được thưởng thức những món giống hệt ở đây.
– Ừ ừ… mà Phượng nhìn xem Bảo làm gì lạ ghê kìa.
Theo ngón tay vú chỉ, Phượng bắt gặp chú bé đang ngồi sẵn sàng ở bàn ăn, hai tay ôm lấy bụng nhăn nhó. Phượng nhìn vú, hai vú con cùng cười. Vú bảo:
– Nào, mình dọn thức ăn ra ngay.
Phượng đến bên em, cười với đôi má đỏ hồng hồng vì bếp lửa:
– Bảo xấu bụng đói ghê thế?
Bảo vẫn làm ra vẻ thiểu não:
– Tại vú cả ấy chứ. Vú bảo em sang rước chị rồi mới về ăn.
– Tội nghiệp chưa…
Phượng vỗ nhẹ má em rồi nhanh nhẹn mang chén đi xới cơm. Vú cũng dọn ra những thức ăn của một bữa cơm đơn sơ: canh với cá. Mãi khi Bảo với vú gắp thức ăn vào chén, Phượng vẫn còn ngồi im lìm nhìn quanh. Thấy mọi người nhìn, Phượng mới vội vàng cầm đũa. Bảo hỏi:
– Sao thế chị?
– Chị muốn, mai mốt về ĐàLạt một mình, sẽ nhớ được Bảo với vú lúc ăn dáng điệu ra sao…
Bảo chớp nhanh mắt. Phượng nghiêng mình sang vú nói nhỏ:
– Mà phải chi nhớ được cả Me nữa, vú nhỉ?
*
– Thế Me hỏi con, ai đem cò trên đầu tủ cất vào hộc bàn chi vậy?
Bảo ấp úng:
– Thưa Me con đâu biết.
– Không biết… hừ… con xem nầy.
Me giận dữ lôi mấy mảnh sứ đen, vụn từ trong hộc bàn ra, gồm một cái mõm cò mẹ, cái mình cò con và cái chân cò con. Bảo liếc nhìn vú vừa chạy lên đứng cạnh bên. Mặt vú thoắt tái đi. Me nghiến răng:
– Sáng tới giờ có ai vào nhà nầy đâu… Tại sao con nói không biết?…
Vú đỡ lời:
– Dạ quả sáng tới trưa chẳng có ai vào nhà đâu ạ… mà Bảo cũng chẳng có lên đây nữa đó Mợ…
Me chỉ tay về mấy mảnh vụn, cau mày:
– Thế tự nhiên cò từ đầu tủ leo xuống hộc tủ để bị cấn đồ trong tủ, bể vụn ra à…
Vú nghẹn lời. Vú biết Phượng ghét hai mẹ con cò lẻ loi, Phượng đem cất vào tủ chứ chả ai. Nhưng vú chả biết nói sao. Me tiếp tục gay gắt bảo:
– Me ghét thứ con cái nghịch đồ Ba Mẹ rồi chối đây đẩy…
Mặt Bảo đỏ bừng, mắt Bảo đỏ theo. Trong lòng vú như có lửa đốt. Giá mà Bảo biết thì đỡ tội. Vú định nhận tội thay nhưng mới há miệng Me Bảo đã đoán ngay được:
– Thôi vú đừng bênh vực nó. Lần nầy tôi chẳng tha được. Cứ vú mà em nó hư…
Vú cứng miệng, toan quay sang an ủi Bảo nhưng cậu bé đã vùng bỏ chạy về phòng. Vú cũng hối hả chạy theo. Bảo gục đầu bên bàn học, tóc ướt nhẹp mồ hôi. Vú gọi khẽ:
– Bảo, Bảo nầy…
Bảo vẫn im lìm. Vú kiên nhẫn:
– Phượng đem cò từ đầu tủ xuống đấy con…
Cậu bé ngẩng phắt đầu:
– Chị Phượng sao vú?
– Chứ sao… hồi vú bảo con gọi Phượng vào bếp đó… Con không hay à?…
Bảo ngơ ngác lắc đầu, đôi mắt đỏ ngầu lờ đờ:
– Không… vậy mà con chẳng biết…
Vú vuốt mái tóc ẩm nóng cậu bé, miệng có một nụ cười trấn an thật hiền:
– Ừ… con đừng khóc nữa, Phượng biết sẽ buồn… Mợ rầy thế tối lại quên ngay…
Nước mắt lăn lăn, Bảo lắc đầu:
– Không… Vú ơi, lúc nầy con thấy Me sao ấy. Nhiều lúc con nghĩ là cục nợ của Me. Me chả thương con nữa. Me theo bác Hồng tối ngày. Con muốn về Ba cho rồi…
Vú hoảng hốt:
– Ấy! Con đừng nói dại thế. Me con nghe được Me con buồn chết!
Và vú lật đật tiếp ngay:
– Vú thấy Mợ vẫn thương con nhiều đấy chứ. Sáng nầy đi Me còn dặn nhớ cho con ăn cơm nầy, con ngủ nầy, vì Me về trưa. Mà bữa nào đi Me cũng dặn vú kỹ hết đó…
Bảo vẫn lắc đầu:
– Vú ạ… Me biết tính con, con chẳng bao giờ nói láo mà Me còn rầy thế là Me hết thương con rồi…
Vú chẳng biết nói sao. Bảo đã tiến đến giường, ngả lưng xuống và nhắm mắt lại dưới lưng bàn tay che:
– Vú khép cửa phòng hộ con…
Vú nghĩ nên an ủi Bảo thêm một câu:
– Lúc nào Me con cũng thương con hết đó Bảo. Đừng nghĩ dại mà Me con giận, chị Phượng buồn. Nhớ nghe con.
Bảo nín lặng. Nhưng sau khi vú Sáu khép kín cửa phòng và tiếng chân đã tắt ở cuối bếp xa, Bảo choàng dậy, chùi kỹ mắt và bước đến tủ để áo quần…
*
– Kiếm con chi thế Vú? Trời nắng nôi thế nầy…
Phượng vừa hỏi vừa mở cánh cổng nhỏ. Cô bé nhìn quanh. Tám, sau khi báo tin đã lẩn vào trong nhà. Phượng hơi lo là. Vú như đoán biết.
– Có Cậu ở nhà hả con?
– Vâng, Ba con ở nhà chiều nầy. Mà chuyện gì hở vú?
Phượng hồi hộp hỏi. Vú đáp nhanh:
– Con không hay à? Bảo nó bỏ nhà đi. Vú tưởng nó đến con nên sang đây tìm.
Phượng cắn chặt môi, mặt cô bé tái ngắt:
– Sao? Vú nói sao? Bảo bỏ nhà đi? Mà sao thế, vú làm con sốt ruột quá…
Vú vắn tắt:
– Phải con cất bức tượng hai mẹ con cò trong tủ không? Nó cấn đồ bên bể vụn… Me con la Bảo. Bảo giận nên bỏ đi tức thì hồi trưa nầy…
Phượng cố gắng cãi lại:
– Mà vú có chắc không? Không chừng Bảo đến nhà bạn chơi…
Vú quả quyết:
– Thật mà. Tủ quần áo Bảo trống trơn… Mà trước đó Bảo có dọa đến nhà con. Me con bảo vú đi tìm rồi Me con cũng đi tìm một ngả.
Rồi vú hấp tấp:
– Thôi vú về trông nhà… Thật khổ! Không biết Bảo có lại nhà con hay đi đâu. Bé thế mà gan lì ghê là.
Phượng vói theo vú đang vẫy tay gọi xe:
– Không chừng Bảo lại lạc đường… Con cũng đi tìm nữa vú ạ.
Trong cô bé đã có một quyết định. Trái tim càng đập mạnh hơn khi Phượng đến gần phòng Ba. Trong mấy giây đồng hồ dừng lại khi nắm tay lại, giơ lên và sắp sửa gõ cửa, Phượng cố gắng nhắm chặt mắt để yên ổn giây lát kiểm soát lại hành động. Mình đang làm gì đây? Đồng thời một tiếng nói khác vang lên từ đâu đấy: Đây có phải là một cơ hội không?
Tự nhiên cô bé rõ ràng thấy mình trở lại bình tĩnh và thẳng thắn gõ nhẹ cửa:
– Ba ơi! Ba…
Có tiếng xê dịch trong phòng, tiếp đó là tiếng mở cửa. Mặt Ba hơi đỏ như đang ngủ bị thức dậy:
– Gì thế con?
Bỗng dưng Phượng trở nên lúng túng. Cô bé nói loanh quanh, có lẽ vì không biết bắt đầu thế nào:
– Con xin lỗi đã đánh thức Ba dậy lúc đang ngủ… nhưng… gấp quá… Ba à…
Cố bé lắp bắp một cách khó khăn. Nhưng nói xong rồi, Phượng giật mình. Mình vừa nói cái gì vậy? Không chừng Ba lại chọc quê Phượng như bữa nọ thì xấu hổ. Nhưng nụ cười Ba đã bao dung nở rộng:
– Gì thế? Bình tĩnh nói Ba nghe nào.
Lần nầy Phượng nói rành rẽ:
– Me rầy em Bảo, em giận nên bỏ nhà đi rồi. Ba với con đi tìm Bảo nha Ba… Vú mới cho con biết đó Ba…
Giọng Phượng tự nhiên quá, dễ dàng quá, như Me Phượng, Ba Phượng, Bảo đang cùng ở một gia đình. Em Bảo của Phượng bỏ đi, Ba phải tìm là chuyện dĩ nhiên… Như có một cuộn lưới sững sờ, từ trên trời rơi xuống và bao trùm Ba rất đỗi từ từ, mắt Ba căng to, cổ Ba nghẹn cứng lại. Lần đầu tiên, trước mặt Phượng, Ba tỏ ra kinh ngạc ghê gớm như vậy. Cô bé bối rối siết mấy ngón tay với nhau:
– Ý kiến Ba sao hả Ba?
Thật trong thâm tâm Phượng nghĩ, nếu Ba từ chối Phượng sẽ không biết nói sao đây. Nhưng Ba đã khéo léo phân giải:
– Con lớn rồi Phượng. Để Ba nói con nghe. Chuyện đi tìm thì dễ dàng rồi. Bất cứ một người lạ nào đến nhờ Ba tìm em, tìm con, Ba cũng đều có thể vui lòng làm được. Đó là một hành động giúp đỡ. Nhưng ở đây là phạm vi và quyền hạn của Me con. Tám năm trước đây Ba và Me con đã cương quyết phân ranh như thế rồi. Hơn nữa Ba không muốn làm vụn vỡ thêm những gì, từ đầu, vốn dĩ đã không còn nguyên vẹn. Con hiểu Ba nói gì không?
(còn tiếp)
Linh Hương
(bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 170&171, xuân Nhâm Tý, ra ngày 1 và 15-2-1972, và số 172, ra ngày 1-3-1972)
_________________________________________________________________________
Chân thành cám ơn Đèn Biển đã sưu tầm và đánh máy.