Tác giả: Linh Hương
Như có cơn lốc thật nhanh cuốn Phượng bỏ vào nhà Dì Năm rồi vội vàng bỏ đi nên chả ai hay cô bé đến lúc nào. Chỉ biết khi Ngọc và Dì Năm cùng ngẩng lên thì thấy Phượng đã đứng nhìn mọi người dịu dàng. Trong chiếc áo dài xanh da trời, hơi cao để một khoảng quần trắng rộng, nụ cười nở sáng long lanh, Phượng như một kẻ trở về, mang bề ngoài tuyệt vời của một mái ấm nghìn thu. Sự yên ổn nơi đây đằm thắm quá. Trái tim cô bé thoắt nhói lại.
Tiếng reo của Dì Năm hòa trong tiếng Ngọc rõ to:
– A! Phượng.
Ngọc tíu tít liền sau đó:
– Thế mà cứ đứng im đó. Bận sau Ngọc phạt đó nhe.
Mẹ Ngọc cũng ân cần:
– Kìa, ngồi xuống đi con. Về được bao lâu vậy…
– Dạ khoảng mùng bảy con trở lên…
Hai cô bé ríu rít ngồi cạnh nhau như đôi chim non. Phượng kéo mảnh áo len Ngọc đang đan:
– Sao mà siêng thế, nhỏ? Tết mà chẳng ra khỏi cửa à…
Cô bé Ngọc nheo mắt nghịch ngợm:
– Ồ, nói thế tội Ngọc chết… tại còn chút nữa Ngọc cố đan cho xong chứ mấy hôm nữa Phượng lại, chẳng tìm Ngọc ra đi…
Phượng tròn mắt trêu:
– Ghê thế cơ à… – và cô bé không giấu được vẻ sốt ruột, khẽ hỏi – thế Bảo đến chưa hở Ngọc?
Ngọc chợt ngẩng đầu lên, đôi mắt chơm chớp tinh quái:
– Ứ ừ… chưa… không biết sao mà trễ thế nữa…
Mắt Phượng tối hẳn lại:
– Không chừng Me Phượng không cho đi.
Nụ cười Ngọc có vẻ cả quyết:
– Cho chứ, Ngọc đến xin phép mà… chắc Bảo gặp bạn dọc đường chứ gì…
Mẹ Ngọc chắc thấy tội Phượng quá:
– Thôi… Ngọc, đừng đùa nữa… nói Phượng nghe đi…
Ngọc vẫn cứ cười cười lúc lắc đầu. Phượng tức mình đứng lên đi vòng vòng quanh. Trái tim cô bé nhảy nhanh hồi hộp, như linh cảm được một cái gì. Đôi mày Phượng nhíu lại. Ngọc ác thế thì thôi. Nước mắt cô bé muốn trào ra. Mờ mờ nhạt nhạt, sau một chiếc tủ đen kê mãi xa bên phòng học, một cái gì động đậy ló ra. Phượng phập phồng bước tới, đôi mắt mở to. Đúng rồi, vạt áo len xanh sậm Phượng đan cho Bảo. Không dừng được, Phượng kêu:
– Bảo! Bảo! Phải em không…
Cái bóng nhỏ quay nhanh lại, nhảy chân không ôm chầm Phượng. Một tiếng a thật nhỏ không thoát nổi khỏi miệng cậu bé. Phượng lúc lắc tay Bảo:
– Em đang làm gì vậy?
Bảo cũng có một nụ cười mím lại hệt như Phượng:
– Chị Ngọc bảo em vào đây ngồi đọc sách chờ, khi nào chị đến sẽ gọi em.
Phượng cũng cười theo:
– Nhỏ Ngọc thật ác… Nó định giấu em cho chị khóc chơi hay sao ấy.
Tiếng Ngọc vang sau lưng hai chị em, vui vẻ:
– Phượng nói xấu Ngọc há. Tại Ngọc muốn biết ai nhìn thấy ai trước chứ bộ… Có thế mà Phượng cũng rưng rưng đấy Bảo ơi…
Phượng nghẹn lời, chả trả lời được. Bảo đã trả đũa thay:
– Chị của Bảo phải thương Bảo chứ. Ai như chị Ngọc vậy.
Nhưng tiếng chân của Ngọc đã xa dần trả lại sự yên lặng đầm ấm giữa hai chị em. Phượng lấy một chiếc hộp trong giỏ trao cho Bảo:
– Cái nầy của Me. – Phượng lau nhanh nước mắt – đừng để Me biết chị tặng Me nghe em.
Đôi mắt tròn, sáng, cậu bé ngẩng lên tò mò:
– Cái gì hả chị?
– Một cái nhà sàn làm bằng quả thông đẹp lắm. Quà đặc biệt của ĐàLạt đó. Nhưng Bảo phải nói là lần nầy chị Ngọc cho Me nha…
Bảo nhíu mày, lắc đầu:
– Không được đâu, chị Hai ơi.
Phượng ngạc nhiên:
– Sao vậy… A, – Phượng hơi nhớ ra – phải rồi, Dì Năm với Ngọc cho Me bó hoa rồi phải không…
Phượng cắn môi suy nghĩ. Hai bàn tay cô bé hơi run. Me biết thì hai đứa bị la hết, nhất là Bảo. Phượng loay hoay tìm cách thì Bảo reo lên:
– A, để em nói cái nầy của em tặng Me – cậu bé cả quyết – được, được mà chị Hai.
Phượng ngẩng lên:
– Nhưng mà cái nầy của ĐàLạt. Với lại em có tiền để dành đâu mà mua.
Mặt Bảo tươi hơn Phượng dự tưởng:
– Sao lại không? Em có con heo đất bỏ tiền to vầy… vầy nè. Cậu bé dang rộng hai tay để phân định.
– Thế Me có biết không?
Bảo gật mạnh đầu:
– Biết chứ. Em sẽ nói là em mua tặng Me, gởi bạn mua. Thế nào Saigon cũng có chỗ bán đồ Đà Lạt chứ, phải không chị Hai?
Phượng vẫn còn phân vân:
– Thế rủi Me biết tiền em vẫn còn nguyên thì sao?
Gương mặt Bảo sáng lên thêm, miệng cậu bé nhoẻn cười:
– Em tính trước cả rồi. Em sẽ tặng Ba một món quà.
– Tặng Ba? – Mắt Phượng mở thật tròn, sửng sốt.
Bảo nghiêng đầu, nhướng mắt một cách đáng yêu:
– Chứ sao… chị không muốn à…
Mãi đến bây giờ, Phượng mới lấy lại nụ cười mím chặt môi thật tươi:
– Ồ… tại sao không… chị muốn lắm chứ.
– Thế chị muốn cùng em đi mua đồ cho Ba không, em có đem tiền theo nữa…
Thêm một lần mắt Phượng đầy ắp ngạc nhiên:
– Bây giờ à? Me, Me…
– Me cho em chơi ở nhà chị Ngọc đến trưa lận cơ…
Bảo vui vẻ ngắt lời và tiếp ngay:
– Vậy bây giờ em với chị xin phép Dì đi nhé?
– Ừ, chị đi với em. Phượng gật mạnh đầu.
Rồi ôm vòng cậu bé để cùng đi về phía phòng khách, giọng Phượng rung động:
– Thật như một cuộc trao đổi. Bảo lớn và biết nhiều hơn chị tưởng quá đi cơ.
*
Bằng cái kéo và với những cái vuốt tay thật khéo, món quà Bảo chọn để tặng Ba chỉ trong năm phút đã được gói kỹ lại bởi lớp giấy bóng nền hồng và những lọn nơ đỏ cong vút hoặc lòa xòa xuống góc thật xinh. Nhìn đôi mắt lấp lánh ánh đèn của Bảo ló lên mặt tủ kính và hai má phúng phính hồng khi nhận gói quà, cô bán hàng không dừng được, phải bẹo má cậu bé một cái và hỏi Phượng với nụ cười tươi tắn trên môi:
– Chú bé tên gì thế?
Phượng mỉm cười:
– Tên Bảo đó chị… Nào, Bảo chào chị rồi đi em…
Cậu bé cúi đầu thật ngoan, Phượng cũng chào cô bán hàng bặt thiệp rồi bước ra. Sàigòn Tết xôn xao như có một cuộc huy động toàn diện. Quà nào cũng đẹp, thiệp nào cũng mê hồn. Những nhánh mai vàng rực bông nhô lên lừng lẫy từ góc phố, góc đường, cả trong trang giấy, tủ kính, hình ảnh. Mấy cô bé tha hồ lựa thiệp Tết để viết những lời chúc diễm lệ cho bè bạn, thân quyến. Có cả những cụ đồ trải giấy đỏ, mực son, gò chữ rồng phượng để trao cho khách hàng bức liễn, câu đối về trang hoàng ngôi nhà. Một mùa xuân với những truyền thống tuyệt vời của nghìn trăm năm xưa. Hơi người, khói xe từ đường xông vào làm hai chị em chảy nước mắt ràn rụa và ngộp cả thở. Bảo đề nghị rẽ lên Bưu Điện để mua ít bánh ngọt về cho Ba Mẹ.
Phượng dí dỏm hỏi lại:
– Nghĩa là một cuộc trao đổi thứ hai?
Rồi Phượng với Bảo cùng cười mà tự dưng nghe mắt mình thật nóng.
Không biết Ba Me sáng nay ở bàn làm việc trong sở hay trên đường về nhà có ngờ được hai đứa con mà Ba Me muốn phải chia xa, phải không nghĩ tới nhau, phải dứt bỏ liên hệ huyết thống đang cùng nhau chọn những quà những bánh về làm đẹp lòng Ba, đẹp lòng Mẹ? – Bảo với Phượng tách khỏi đám người đông đúc, náo nhiệt ở dãy phố Lê Lợi, quẹo lên Tự Do thênh thang hơn để thả những bước chân chầm chậm về ngã Bưu Điện hoặc Vương cung Thánh đường. Con đường che bởi những bóng râm nhún nhảy, man mác. Lá me bay bay lũ lượt, phơi phới trên áo Phượng, trên vai Bảo. Có chiếc rơi trên tóc Bảo mà vẫn còn lăn.
Phượng đưa tay gỡ hộ em và lắng hồn nghe đôi môi nhỏ huyên thuyên:
– Chị Phượng này, hôm qua học ngữ vựng, em đọc được chữ liền cánh, liền cành…
Cậu bé dõi mắt lên các bóng mây trắng muốt nổi bật trên bầu trời xanh, như màu áo xanh Phượng mặc, sừng sững các tháp nhà thờ chót vót cao, huy hoàng với những cánh bồ câu trắng rực bay sà xuống, tò mò nghiêng đầu ngắm người đứng, người quỳ dưới vòm cong thánh đường, như trong một thánh địa cổ xưa nào. Bảo thong thả tiếp:
– Ừ, liền cánh thì em tưởng tượng được. Một đàn chim bay cùng nhau. Hai con bay kề nhau, trông xa như cùng chắp một cánh. Thế gọi là liền cánh. Còn liền cành, sao gọi là liền cành, em chả nghĩ ra nổi…
Phượng quay nhìn em, cái cười tươi như thắp sáng cả giọng nói:
– Có liền cành chứ em, mà ở trường chị trên ĐàLạt kia. Một cây lớn một cây nhỏ, lá cành quấn quít nhau chẳng phân biệt được cành nào, lá nào của cây nào.
– Thế cái bóng nó chắc to lắm chị Phượng há?
– Dĩ nhiên…
Nụ cười cô bé chợt dừng lại ; giọng Phượng nói buồn ghê là:
– Dĩ nhiên là cái bóng phải to hơn bóng một cây chứ em. Mỗi lần đứng dưới hai cây ấy, chị cứ ao ước hoài một ngày nào Bảo với chị sẽ cùng đứng mãi mãi dưới bóng mát của chúng đó, em…
Một tiếng nấc lặng thầm vang vọng đâu đây. Cô bé muốn có một nụ cười ngấm mềm nước mắt để vơi bớt xót xa của mơ ước tuyệt nhất đời về Ba Me. Bảo nhương nhướng mắt nhìn Phượng, chú bé ra dáng chả hiểu gì cả. Phượng vội vàng nắm tay em, chỉ sang ngôi nhà thờ cao vút nguy nga:
– Mình qua kia rồi băng qua Bưu Điện em…
Hai chị em rẽ dòng xe cộ từ mấy ngả đường túa về lộ Tự Do. Chả mấy chốc, hai cái bóng nhỏ nhoi đã bị lấp khuất nắng trong sân nhà thờ mát rợp gió. Đôi mắt Bảo len lén nhìn vào trong. Sáng thứ hai chả có rộn rịp người đi lễ, chả có tiếng hòa ca cao vút, tiếng phong cầm nâng tâm hồn bay bổng như mây phù du. Những âm điệu đã muôn đời được giữ lại nơi đây, trong những vách tường cao dày nầy, ở các khuôn cửa xanh dài che bởi những vòm kính lấp lánh rực rỡ. Âm điệu đã muôn đời được giữ lại nơi đây, bên những dãy ghế đỏ gụ, hàng hàng lớp lớp chạy dài ngun ngút mắt, trên các đôi môi máy động, cái bóng im lìm in xuống nền gạch loang loáng ở một góc xéo nắng tạt. Thứ âm điệu ôm sát mái cong cao thẳm, thứ âm điệu ấm áp, nồng nàn, tỏa một làn ánh sáng ngọt ngào êm ái xuống tâm hồn những ai ngang qua đây. Bảo kéo tay Phượng:
– Mình đứng đây một chút đi chị…
Phượng dừng lại theo cái kéo tay chứ hình như chẳng để ý đến câu Bảo nói. Đầu cô bé ngẩng nhìn đâu xa, trên mái nhà thờ. Bảo thoáng ngạc nhiên rồi cũng chú mục nhìn theo. Đôi môi cậu bé khẽ hé cười khi nghe tiếng vỗ cánh phần phật, tiếng ùng ục cùng lúc với hai cái đầu bồ câu trắng toát nghiêng qua nghiêng lại ló ra trên mái cửa vào trong. Rồi Bảo nhìn Phượng chăm chú. Miệng Phượng cũng hé cười, nhưng đôi mắt nhíu hẳn lại, đăm chiêu. Như chợt nhớ đến Bảo, cô bé cúi xuống, đôi má đỏ hồng mầu rượu ngọt:
– Bảo nầy, xem hai con bồ câu lạ lùng quá kìa…
Mắt Bảo nhìn chị dò xét. Phượng tiếp như có một đậm đà phiền muộn nào âm thầm tan trong giọng nói:
– Chúng muốn ở lại đây nghe loài người cầu nguyện chứ chả chịu về nhà.
Bảo ngây ngô:
– Chúng giống hai chị em mình ghê. Chẳng có khác chi đâu.
Phượng siết chặt hai lòng bàn tay em với mình, buồn bã:
– Bởi vì hai chị em bồ câu mà về nhà, chúng sẽ bị chia xa hoài đó em.
Nhìn mặt Bảo ngẩn ngơ, Phượng nói thầm – Ngay lúc nầy đây, em chẳng hiểu chị nói gì đâu – Thôi mình sang Bưu Điện đi, Bảo nghe.
*
(còn tiếp)
Linh Hương
(bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 170&171, xuân Nhâm Tý, ra ngày 1 và 15-2-1972, và số 172, ra ngày 1-3-1972)
_________________________________________________________________________
Chân thành cám ơn Đèn Biển đã sưu tầm và đánh máy.