Ẩn tình của thằng chăn trâu III

Tác giả: Thuần Giang Nguyễn văn Nghệ

Thằng Nò từ trong mé vườn phóng vọt ra, nhảy mương, băng rãnh, chạy bừa về phía đàn trâu do con Mót và thằng Hết giữ. Chưa tới nơi, nó đã la lên:

– Chết tía rồi chị Mót ơi, Hết ơi!

Hai đứa giật mình quay lại:

– Cái gì vậy?

– Anh Hơn với mấy đứa kia đâu?

Đứng lại, sự kinh hãi còn in trên nét mặt, thằng Nò vừa thở vừa đáp muốn không ra tiếng:

– Bị… bị bắt hết rồi!

Vỗ vai nó, con Mót hỏi như thét:

– Hả? Bị bắt? Bị ai bắt?

– Lính! Lính bắt hết, chỉ có mình tui chạy khỏi thôi!

Đang cầm cây roi tre, thằng Hết quất mạnh xuống đất:

– Tui nói có sai đâu? Cứ đi phá tán người ta, thế nào cũng có ngày bị nắm đầu cả lũ mà!

Sau cái hôm tổ chức lùa trâu vào sân trường trung học làm náo loạn cả lên, hai ba ngày sau, không nghe thằng Hơn bày chuyện đi phá phách đâu nữa. Nhưng chiều nay, buổi chiều cuối cùng trong cuộc đời chăn trâu của mình, nó bỗng họp lũ bạn lại, bảo:

– Ngày mai tao nghỉ chăn trâu luôn rồi. Vậy bây giờ tao muốn rủ tụi bây kéo lại trường trung học chơi trò “ma đá” một lần chót. Tụi bây có chịu không?

Trừ con Mót và thằng Hết, tất cả đều rộ lên tán thành. Liền đó, cả bọn kéo đi, sau khi năn nỉ con Mót và thằng Hết ở lại giữ trâu hộ. Nhưng rồi, chuyện gì đã xảy ra?

Con Mót hỏi thằng Nò:

– Anh Hơn với tụi bây làm gì đến nỗi bị lính bắt?

– Thì cũng tại làm “ma đá” nhát học trò trường trung học đó!

– “Ma đá”! “Ma đá”! Làm “Ma đá” là làm mốc xì gì?

Thằng Nò ngập ngừng:

– Là… là…

Con Mót bực tức quát:

– Tới bây giờ mà mầy còn muốn giấu nữa hả? Nói mau!

Bình thường, thằng Nò chẳng xem “con gái Mót” ra gì, mặc dù nó lớn cũng gần bằng “anh đoàn trưởng”, và coi bộ được “anh đoàn trưởng” “nể” lắm. Nhưng bây giờ, trước cơn thịnh nộ bất thần của con nhỏ, thằng Nò tự nhiên khai tất cả ra ngay:

– Hổng có gì lạ hết! Anh Hơn rủ tụi tui lượm gạch đá thật nhiều, rồi chia nhau đến núp ở các lùm cây quanh trường trung học, chọi rầm rầm vào lớp học à! Mọi khi chơi vậy hổng sao, lần nầy!…

Con Mót, thằng Hết nhìn nhau lắc đầu. Thằng Hết hỏi:

– Lính bắt cả đám đưa đi đâu?

Thằng Nò:

– Hình như dẫn lại công sở xã.

Thằng Hết quay sang con Mót:

– Bây giờ tui phải chạy lại đẳng xem sao mới được!

Con Mót gật đầu:

– Ừ. Tao cũng đi nữa!

– Còn bầy trâu?

– Trâu của mình thì mình lùa về nhà nhốt lại, còn bao nhiêu bắt thằng Nò giữ. Nó cũng là thằng có tội, nó phải chịu khó!

Vài phút sau, con Mót và thằng Hết có mặt tại công sở xã quận lỵ. Tại đây, hai đứa gặp cả bọn thằng Hơn ngồi lủ khủ trong một góc văn phòng. Trừ thằng “đoàn trưởng” ngồi im cúi mặt lầm lì, mấy đứa kia đứa nào cũng lộ vẻ sợ sệt dớn dác. Ngoài ra còn có chú Bảy Hiếu, ba thằng Hơn, vừa được gọi đến, ngồi ở băng cây đối diện với đám “tội đồ”.

Ông Ủy viên cảnh sát an ninh đang ngồi viết lách ở bàn viết đặt gần đó, vụt đứng dậy, cất viết, dằn giấy tờ, bước lại vỗ vai chú Bảy Hiếu:

– Anh Bảy! Anh có biết tại sao tôi cho mời anh tới đây không?

Chú Bảy Hiếu đứng lên, không tránh được một cử chỉ sợ sệt khúm núm:

– Dạ, tui đang phát cỏ sau nhà thì có thằng Tư Xệ, nghĩa quân ở đây đó, lại cho biết con tui là thằng Hơn bị bắt, và ông cảnh sát cho gọi tui. Tui lật đật tới đây mà hổng hiểu chuyện gì hết, thưa ông cảnh sát!

Ông Ủy viên cảnh sát an ninh ở đây người ta thường gọi tắt là “ông cảnh sát” – trỏ thằng Hơn:

– Đây nè! Thằng con quí của anh đây nè, hổng biết mắc chứng gì mà kết bè kết lũ với mấy thằng kia, lượm đá chọi vô trường trung học, làm bể ngói lở tường hết trọi. Đây không phải là lần thứ nhứt chúng phá phách như vậy đâu, đã nhiều lần rồi, hôm nay tui cho lính bao vây mới bắt được “trọn ổ” đó!

Chú Bảy Hiếu quắc mắt nhìn thằng Hơn trừng trừng:

– Hơn! Mầy… mầy…

Nếu không có khoảng cách giữa chú và nó, nếu không có ông cảnh sát đứng một bên, có lẽ chú đã chồm tới vố vào mặt nó hai ba bốp tay rồi!

Ông cảnh sát nghiêm nghị hỏi:

– Bây giờ anh Bảy tính sao đây anh Bảy?

Chú Bảy Hiếu nhìn ông, thiểu não:

– Thiệt tui không dè cái thằng già đầu!… Bây giờ thì ông cảnh sát xử ra sao tui cũng chịu, chứ biết làm sao!… Ờ mà quên, trong vụ nầy đâu phải riêng thằng con tui gây vậy ông cảnh sát?

Ông cảnh sát chưa kịp trả lời, tụi bạn thằng Hơn vụt rộ lên:

– Tụi tui làm theo lời xúi của anh Hơn đó chú Bảy!

– Tại anh Hơn hết!

– Tụi tui đâu có tội gì!

Thằng Hơn nhìn lướt qua mấy đứa bạn, hơi mỉm cười. Cái khốn cho kẻ cầm đầu là thế, một khi đã thất thế thì bao nhiêu tội lỗi người ta trút cả vào đầu! Thằng Hơn không đến nỗi buồn tức lắm, trước sự “quyết liệt” đổ lỗi của tụi bạn. Nó biết tụi nhỏ sợ nhiều, không những sợ sự trừng phạt của ông cảnh sát, mà còn sợ những cái đấm cái đá, những ngọn roi quật vun vút mà ba má chúng sẵn dành cho chúng ở nhà.

Đứng lên, thằng Hơn bình tĩnh nói:

– Thưa ông cảnh sát, thưa ba, tui nhận, trong vụ nầy, bao nhiêu lỗi về tui hết!

Mọi người có vẻ ngạc nhiên trước sự “liều lĩnh” ấy. Nó tiếp:

– Nhưng thưa ông cảnh sát, việc gì cũng có nguyên nhân. Trước khi chịu tội, xin ông cảnh sát cho tui được nói ra nguyên nhân nào đã khiến tui làm bậy như vậy, để ông cảnh sát dễ phân xử!

Ông cảnh sát gật gù: Thằng chăn trâu nầy ăn nói suôn sẻ đấy chứ! Ừ, nghe đâu nó học cũng khá mà! Trở lại ngồi vào bàn viết, ông cảnh sát bảo:

– Được, chú mầy cứ nói nghe thử coi!

– Dạ, cám ơn ông cảnh sát! Trước hết tui xin phép được hỏi: Nền trường trung học hồi trước có phải là một miếng đất hoang, mương rãnh, lồi lõm, đầy bụi rậm, cỏ dại, nghĩa là một miếng đất xấu đến không trồng trọt chi được?

– Phải rồi!

– Đến khi có lệnh lập trường trung học, có phải Quận đã nhờ dân làng góp công sửa sang miếng đất đó cả tháng trời, để đắp nền chăng?

Câu hỏi của thằng Hơn gợi ra trong trí nhớ của ông cảnh sát một khung cảnh linh hoạt: Một đám đông dân làng, gồm toàn đàn ông trai tráng, hì hục cuốc xới, bang phá một khu đất hoang rộng. Tất cả đang làm công tác đắp nền trường trung học, nay mai sẽ được xây cất lên. Họ cười nói ồn ào, làm việc trong sự vui vẻ hăng hái. Sự vui vẻ hăng hái bắt nguồn từ những cảm nghĩ tốt đối với ngôi trường tương lai. Có những ông cha, ông anh nghĩ đến con em mình mai sau có thể học lên tới bậc trung học, không phải đi đâu xa, mà mạnh tay làm. Cũng có những người không cùng ý nghĩ đó, nhưng họ có lý do khác để vui với công việc: Thỉnh thoảng trong quận có một ông nhà giàu hay một chú chệt nào đó cất thêm một ngôi nhà to, đẹp lộng lẫy, hoặc cơi thêm một tầng lầu cao, tự nhiên họ thấy thích thích, mặc dù điều ấy không mảy may đem lại lợi ích cho họ. Bây giờ trong quận lại có thêm một trường trung học, họ càng thích nhiều, hãnh diện nhiều. Tất cả chỉ vì tình yêu xứ sở mà ra, họ mong cho vùng đất mình sống mỗi ngày một mở mang, lớn mạnh. Đến nơi khác họ có quyền khoe với người ta, quận nhà không thua một tỉnh thành, chẳng thiếu chi cả.

Và, nền trường trung học quận, ngày đó đã được đắp nên vững chắc bằng hàng trăm bàn tay hăng hái của dân làng.

Ông cảnh sát gục gặc bảo:

– Mầy nói đúng! Quả như vậy.

Thằng Hơn lại hỏi:

– Và trường trung học được xây cất lên có phải là để cho học trò trong quận được tiếp tục học khi qua khỏi bậc tiểu học chăng?

– Ừ, chứ hổng lẽ để cho học trò bên Tây qua học mậy?

– Thưa ông cảnh sát, vậy mà sao bây giờ tui để ý thấy, phần đông học trò trường trung học quận mình đều là dân ở tỉnh vào học không vậy? Thiệt kỳ quá! Chướng mắt quá! Ghét quá!…

– Ạ!…

Bây giờ thì ông cảnh sát, cũng như những ai có nghe những lời vừa rồi đã hiểu được “ẩn tình” của thằng chăn trâu kia!

Thằng Hơn, sau khi trình bày “phải quấy” xong, như trút được bao nhiêu uất ức, giơ tay áo quệt mồ hôi trán, nét mặt có vẻ dịu lại. Nếu nó để ý nhìn trong đám người dự khán đứng lố nhố ở trước cửa, nó sẽ thấy em nó, thằng Hết, đang cúi đầu nghĩ ngợi rất lung:

Lâu nay anh nó phá phách trường trung học mãi, không phải để thỏa tánh ham vui, mà chỉ vì quá uất ức? Uất ức cho ai? Vì ai? Nó nhớ một lần, trong lúc cãi cọ về vụ phá rối nhà trường, anh nó đã quát vào tai nó: “Tại vì mầy đó! Tại tao tức cho mầy quá đó!”. Đúng rồi, giờ đây nó biết! Vâng, tại vì nó cả!

Nguyên thằng Hơn tuy con nhà nghèo nhưng lại có nhiều mơ ước lớn, hay so sánh nầy nọ. Nó học khá, và muốn học thêm lên mãi. Nhưng tới lớp nhất, quận “hết trường”, nó phải thôi, vì ba má nó không tiền đâu để “phí” cho nó ra tỉnh tiếp tục học.

Đến lượt thằng Hết, vừa qua xong bậc tiểu học, thời may, trường trung học công lập cũng vừa được mở ở quận nhà. Thương em, thằng Hơn muốn cho em mình thực hiện được ý nguyện của mình, thi đậu vào trường trung học đó, để tiếp tục học lên cao. Điều ấy, xem ra chẳng có gì khó khăn cả. Trong quận tính thử đâu có bao nhiêu thí sinh đệ thất? Hơn nữa, thằng Hết lại học không tệ, chẳng lẽ không “giành” được một chỗ ngồi nào trong số cả trăm chỗ ngồi của hai lớp đệ thất mới mở hay sao? Tuy đã lấy làm chắc, nhưng thằng Hơn không khỏi lo nhiều. Gần đến ngày thi, nó kèm cho thằng Hết học thật kỹ tất cả bài vở.

Rồi ngày thi đến. Ủa lạ kìa! Cái gì vậy ta? Từ ngoài tỉnh, hai ba chuyến xe đò chở ních học trò đổ vào quận tranh thi. Số thí sinh tăng lên “kinh khủng”. Thằng Hơn muốn khóc được, khi nhìn thấy em mình, cũng như bọn học trò ở trong quận, chìm mất trong đám học trò tỉnh lạ hoắc thật đông đảo!

Kết quả, thằng Hết rớt! Trường trung học của quận, học trò tỉnh lỵ chiếm hai phần ba tổng số!

Thằng Hơn xin ba má cho em học lại, năm sau thi nữa, nhưng không được. Đối với hai ông bà, việc học hành là phụ thuộc, cho con đi học, chúng biết chữ nghĩa vậy thôi, rồi bắt ở nhà lo việc ruộng nương. Thằng Hết thi rớt, chẳng hề gì! Nếu nó đậu, còn phải tốn tiền hằng năm sắm thêm đồ đạc sách vở cho nó nữa đa! Chú Bảy Hiếu đã bảo thằng Hơn:

– Bây giờ thiên hạ đi học rần rần, cơ sở nào mà thâu dụng cho hết? Mình bắt chước đeo theo ba cái chữ nghĩa thì có ngày chết đói! Tao nhứt định rồi! Tao cho thằng Hết ở nhà chăn trâu thế mầy. Mầy thì lo làm việc khác.

Thế là, bao nhiêu mộng đẹp thằng Hơn âm thầm đắp xây cho em nó, tan vỡ không còn gì! Nó căm hận đám học trò tỉnh học ở quận kể từ đó. Nó căm hân luôn trường trung học của quận kể từ đó…

Ông ủy viên cảnh sát an ninh ngồi im, tẳn mẳn nhổ râu cằm. Được một lúc, ông gật gù bảo thằng Hơn:

– Tao nghĩ rằng, mầy… còn trẻ người non dạ, nên ý nghĩ của mầy còn thiển cận quá! Nó thiển cận ở chỗ mầy chỉ hẹp hòi với lòng đố kỵ mà quên mất tình nghĩa đồng bào, quên cả những ích lợi lớn lao khác. Tại sao mầy không lấy việc học trò các nơi về đây theo học là một điều vinh dự? Ừ, có như vậy thì trường sở mình càng đông, sự học vấn càng có cơ phát triển chớ! Vả chăng có luật lệ nào cấm người ở vùng nầy đến vùng khác thi cử học hành đâu?

Thằng Hơn cúi đầu đứng im. Nó nghĩ thật nhiều về lời giải thích của ông cảnh sát, và nó thấy nó bậy thật. Nhưng dù biết hành động phá phách của mình là quấy, nó vẫn không muốn công nhận một cách công khai. Và nó chỉ đứng lặng chờ đợi.

Ông cảnh sát mỉm cười:

– Mầy thấy cái lỗi của mầy rồi chớ, Hơn?

Rồi ông đứng lên, lấy lại giọng nghiêm nghị:

– Hơn, đúng lý tao phạt mầy về tội phá trường! Nhưng thể tình, nên lần nầy tao tha. Lần sau còn thế nữa tao sẽ nhốt mười bữa nghe không! Còn anh Bảy Hiếu, vui lòng xuất tiền sửa mấy chỗ hư trong trường trung học, do thằng con của anh nó gây ra vậy!

Thuần Giang Nguyễn văn Nghệ
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 97, ra ngày 15-11-1968) _________________________________________________________________________
Chân thành cám ơn Đèn Biển đã sưu tầm và đánh máy.

Advertisement