Tác giả: Thuần Giang Nguyễn văn Nghệ
Cả bọn chăn trâu xóm Đình tụ tập đủ mặt dưới bóng râm bụi tre mỡ phía sau miễu Bà. Thằng Hết, thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi, thằng Tỵ, thằng Kia ngồi chùm nhum một chỗ “đá kiến”. Tụi nầy gần như lúc nào, nơi nào, cũng có thể bày ra được những trò chơi hào hứng như vậy. Ở khoảng đất quanh đây thường có những con kiến nẻ đen, to bằng con kiến vàng, ẩn trong lỗ hang nhỏ xíu ăn thẳng xuống đất. Bọn trẻ tìm những hang ấy, bứt cọng cỏ dài xoi xuống. Con kiến ở bên dưới bị động, cắn miết vào đầu cọng cỏ, bọn trẻ kéo lên là bắt được ngay, bứt râu cho cắn lộn. Bị bứt râu con kiến như nổi điên, nhe càng, lăn xả vào đồng loại mà cắn. Bọn trẻ châu đầu xem, la hét cổ võ, tưởng chừng như đang dự khán một cuộc đấu vật giữa hai lực sĩ da đen.
– Thấy chưa, kiến tao hăng ác tỉ!
– Kiến tao mạnh hơn!
– Ha ha!… Kiến thằng Nò bị hất té chỏng gọng rồi!
Trước đây không lâu, những lúc “túng” cuộc vui, thằng Hơn cũng thích chơi “đá kiến nẻ”. Nhưng hôm nay, bỗng dưng nó thấy chán trò ấy lạ! Cái trò chơi có vẻ con nít làm sao! Nó ngồi duỗi chân trên một gò đất, cách tụi đoàn viên vài bước, xe tròn một cọng cỏ đuôi chồn giữa hai ngón tay, lơ đãng nhìn mấy chiếc lá tre khô rơi lảo đảo qua cơn gió, bám nhẹ lên đám mắc cỡ đơm đầy những bông tròn nhỏ tim tím, xinh xinh.
Trời đã xế chiều, nhưng vẫn còn gay gắt nắng. Không khí rưng rưng. Đồng ruộng im vắng trải dài. Sự sống động theo chân các bác nông phu bỏ vào những mái lá rải rác ở xa xa, theo chân lũ mục đồng và bầy trâu lẫn cả vào các bóng mát trong nầy.
– Chiều nay sao nó… buồn buồn gì đâu… hén anh Hơn?
Thằng Hơn hơi giật mình, quay nhìn con Mót ngồi gần đấy, vừa thốt lên câu nói diễn tả đúng bon với lòng nó hiện giờ. Nó mỉm cười gật đầu. Một lần nữa, nó nhận ra con Mót không còn con nít, cũng như nó vậy. Hai đứa có nhiều điểm gần nhau ghê! Bỗng, nó quên phứt tụi bạn nhỏ, quên phứt bầy trâu đứng nằm lố nhố đằng kia, để biết bây giờ chỉ còn có mình nó và con Mót, ngồi gần bên nhau, trong buổi chiều nầy, mà ánh nắng hanh cơ hồ dịu lại. Nó hỏi:
– Do đâu Mót thấy buồn?
– Ư… thì…
Con Mót cúi đầu ngẫm nghĩ, tay tần mần gỡ cỏ may ghim đầy hai ống quần mốc thít. Đoạn, nó cười lỏn lẻn, lắc đầu:
– Hổng biết nữa!
– Vậy thì cũng như tui! Tui cũng thấy buồn buồn mà… khó giải thích nguyên do quá!
– Chớ hổng phải anh buồn vì sắp sửa nghỉ chăn trâu à?
– Phải đâu! Nghỉ chăn trâu có gì mà buồn? Tui còn vui nữa đa! Đi chăn trâu nhiều khi chán thấy mồ! Cực khổ hổng thua ai mà chẳng được một đồng xu dính túi. Đã vậy còn bị người ta coi thường nữa chứ!
Quả thật, đi chăn trâu tuy có vẻ nhàn hạ, nhưng không kém phần cực khổ. Có những sáng sớm mưa dầm, những buổi trưa trời nắng chang chang, thằng chăn trâu phải lùa trâu đi ăn, dù có lạnh run người, dù có bị nóng cháy da, khát nước khô khào cổ họng. Cực nhứt là vào mùa lúa, không thể để trâu lội xuống ruộng mạ, cũng không thể lùa trâu lên vườn phá phách cây trái của người ta, thằng chăn phải canh giữ bầy trâu chằng chằng ở một khoảnh đất hoang nhỏ hẹp nào đó. Lại còn những tai nạn, khó khăn bất ngờ nữa à: Đang cỡi con trâu đi, nó vụt sanh chứng, nhảy cồng lên, húc vào một con khác, thằng chăn bị quăng mạnh xuống đất, muốn nín thở. Đôi khi, một con trâu đực rẽ bầy, chạy theo một con trâu cái ở bầy khác, chiều tối, thằng chăn lùa mãi nó không chịu về, quất roi tre vào mình nó, nó hươi sừng chém lại…
Chăn trâu không khỏe, tiền công cũng chẳng bao nhiêu. Còn như thằng Hơn, chăn trâu nhà, đâu có tiền công khỉ khô gì. Xin tiền “ông già, bà già” lại là cả một sự khó, nó không chịu được những lời cằn nhằn của “ổng, bả” nên ít khi xin xỏ lắm. Bởi vậy, nó “nghèo mạt rệp”! Những lần có gánh hát cải lương đến hát tại quận, nó muốn rủ con Mót đi coi – chỉ con Mót, còn tụi bạn nhỏ thì khỏi lo, dù không tiền chúng cũng tìm được cách xông vào rạp coi cọp như chơi được – và bao con Mót uống nước mía, ăn đậu phộng rang bán đầy trước cửa rạp, mà đành thôi, vì chẳng kiếm đâu ra tiền.
Nghĩ tới chuyện đó thằng Hơn buồn ra mặt. Nó lại nhớ đến những lần gây gổ với người khác, lớn cũng có bé cũng có, người ta thường mắng vào mặt nó là “đồ chăn trâu” với giọng khinh miệt. Nó tức cành hông. Tại sao người ta lại khinh chăn trâu? Chăn trâu cũng góp nhiều công lao vào công việc làm nên hạt thóc cho thiên hạ no lòng chứ bộ! Tại chăn trâu lỗ mãng, ưa phá phách? Ừ há! Nhưng sao người ta không hiểu giùm một chút cà? Không lỗ mãng, không dữ tợn thì làm sao chăn giữ được lũ trâu lì lợm? Không phá phách, tạo ra trò vui, thì làm sao có thể kéo dài được công việc nhàm chán nầy?
– Ối mà thôi, mai mốt mình thôi chăn trâu rồi hơi đâu nghĩ hoài tới chuyện cũ?
Thằng Hơn bảo thầm, đoạn vui vẻ tâm sự với con Mót:
– Tui mà nghỉ chăn trâu rồi á nha, tui sẽ đi phát mướn, cày mướn, giựt dừa, lột dừa… hổng thua ai đâu! Làm có tiền, tui sẽ mua một miếng đất nhỏ, cất một ngôi nhà nhỏ, sống vui vẻ sung sướng suốt đời!…
– Anh ở một mình trong ngôi nhà nhỏ của anh á hả? Vậy thì buồn chết tươi, chứ vui vẻ sung sướng khỉ gì?
– Tui đâu có ở một mình.
– Chứ với ai? Hai bác, mấy em anh? Như vậy thôi ta ở luôn nhà ông già, bà già cho rồi.
– Đâu phải… Ủa mà Mót nói tui mới nhớ! Dù sao mình cũng phải lo phụng dưỡng ba má mình nữa chứ há!…
– Chứ sao! Lại còn một điều nầy.
– Điều gì?
– Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
– Mười tám.
– Anh có nghĩ tới chuyện đi lính không?
– Ờ… tui quên!…
Ngồi thừ một lúc, thằng Hơn nói:
– Chuyện đời có nhiều cái khó tính ghê ta!
Con Mót cười:
– Anh thấy chưa, càng lớn càng mệt đủ chuyện chứ có gì mà ham?
Thằng Hơn vung tay, ra vẻ hài hước:
– Thây kệ, tui cũng cứ khoái lớn như thường!
Con Mót châm chọc:
– Khoái lớn mà cứ thích chơi trò con nít! Bữa nay có đi lo cái trò “trường trung học” gì đó không “người lớn”?
Thằng Hơn đứng bật dậy:
– Mót nhắc thiệt đúng lúc! Phải đi chứ! Đây không phải là một trò phá phách cho vui, mà…
Bỏ lửng câu nói, nó quay về phía tụi bạn nhỏ, bảo lớn:
– Tụi bây, ngưng “đá kiến”! Đi lo “vụ trường trung học” gấp!
Bọn nhỏ răm rắp đứng dậy:
– Dạ dạ!…
– Tuân lệnh đoàn trưởng!
Thằng Hơn nheo mắt nhìn mặt trời chếch về hướng Tây:
– Tụi bây liệu coi gần tới giờ tan học chưa?
Thằng Bi đáp:
– Gần rồi đa! Thôi gởi trâu cho chị Mót, mình đi rút kẻo trễ anh Hơn.
Thằng Hơn nói:
– Không, bữa nay tao đổi “chiến lược”. Mình đem trâu theo.
– Để làm gì?
– Tới trường rồi tao sẽ nói.
Con Mót xen vào:
– Bận nầy cho tui đi với, coi mấy người làm cái gì cho biết!
Thằng Hơn lắc đầu:
– Không được đâu! Mót nên lùa trâu của mình về nhà nghỉ là hơn. Đi theo nguy hiểm lắm!
Con Mót rùn vai, le lưỡi:
– Ái chà! Vậy sao?
– Ừ, thôi Mót ở đây rồi về, tụi tui đi nghen!
Thằng Hết hỏi:
– Còn tui, có phải ở lại với chị Mót như mọi khi không?
Ngẫm nghĩ một giây, thằng Hơn bảo:
– Kệ, bữa nay cho mầy đi! Nhưng nhớ là tao biểu gì phải làm nấy, đừng hỏi lôi thôi chi hết nghe!
Thế là, trừ con Mót, cả bọn lùa trâu ra lộ đá, tiến về phía trường Trung học. Bảy thằng chăn, mười mấy con trâu, kéo đi rầm rộ, choán đường choán xá. Trong khi thằng trưởng đoàn có vẻ đăm chiêu suy tính, tụi đoàn viên hầu hết tỏ ra hứng thú với cuộc “xuất quân quy mô” như thế nầy. Chúng cười nói, la hét, chạy qua chạy lại, vung roi lùa trâu đi cho ngay. Ngôi trường nằm bên lề mặt, phía xa xa, hiện rõ dần.
Trường trung học nầy mới lập, chỉ gồm có hai lớp đệ thất, nằm biệt lập trên một khu đất trống, cách công sở chừng hai trăm thước. Người ta cũng đang tiếp tục xây cất thêm, để có đủ các lớp của một trường trung học đệ nhứt cấp.
Tới gần trường, thằng Hơn bảo tụi bạn lùa trâu vào một bãi cỏ ven lộ, rồi họp lại nghe nó “bày mưu, thiết kế”. Với thân hình vạm vỡ đứng cao vọt giữa đám bạn nhỏ vây quanh, với nét mặt ra vẻ nghiêm trang bậm trợn, thằng trưởng đoàn chăn trâu nầy rất có phong cách của một vị tướng chỉ huy. Nó nói:
– Bữa nay tao muốn tụi mình đại náo trường trung học một phen chơi. Tụi bây đồng ý không?
Thằng Đực hỏi:
– Vậy chứ hổng chơi trò “ma đá” như mọi khi sao?
– Lâu ngày đổi món, làm hoài một cách chán lắm!
– Nhưng, làm cái gì gọi là đại náo?
– Đây nè, đợi tới giờ tan học, tụi học trò vừa ra khỏi lớp, mấy đứa mình lùa trâu vô sân, làm rối loạn cả lên. Đại náo như vậy đó!
Thằng Hơn vừa dứt lời, cả bọn vỗ tay, nhảy cỡn, la ó:
– Hay, hay lắm!
– Cho tụi học trò khớp luôn!
Thằng Hơn cười đắc ý:
– Tao đã bày trò thì bảo đảm, khỏi chê!… Nhưng tụi bây tính kỹ lại coi, có dám làm không nè?
Bọn nhỏ lại rộ lên:
– Sao không dám?
– Sức mấy mà không dám?
– Còn lâu mới không dám!
Thằng Hơn gật đầu hài lòng:
– Vậy thì hoan hô lòng “dũng cảm” của anh em!
Bọn nhỏ đáp lại:
– Hoan hô đoàn trưởng!
Thằng Hết nãy giờ đứng lặng thinh, không hưởng ứng một lời nào, bây giờ mới xen vô:
– Bộ tụi học trò trường nầy có gây thù oán gì với mấy người sao, mà mấy người quấy quá như vậy?
Câu hỏi làm bọn thằng Đực ngẩn ngơ. Sự thật chúng đâu có thù hằn gì học trò trường trung học nầy. Những lần chơi trò “ma đá” trước, và vụ “đại náo” lát nữa đây, chúng đều theo lệnh của thằng Hơn mà hành động. Chúng xem đó là những cuộc đùa vui vậy thôi, không có hậu ý gì. Nhưng bây giờ thằng Hết hỏi, chúng cũng cố nại những điều “đáng tội” của tụi hoc trò ra. Thằng Bi nói:
– Tụi nó không có gây thù chuốc oán gì với tụi tao. Nhưng tụi nó thấy ghét lắm!
Thằng Hết hỏi:
– Tại sao thấy ghét?
Thằng Nò đáp:
– Tụi nó làm phách!
Thằng Đực tiếp:
– Tụi nó “cao bồi”!
Thằng Kia thêm:
– Tụi nó phần đông ở dưới tỉnh lên đây học, đâu phải “dân mình”.
Thằng Hết cười:
– Mấy người làm chuyện kỳ chướng! Người ta ra thế nào, ở đâu, thây kệ người ta, có động chạm gì tới mình đâu mà mình gây sự lôi thôi?
– Sao lại không động chạm?
Thằng Hơn gắt gỏng lên tiếng. Bọn nhỏ quay nhìn nó. Nó tiếp bảo thằng Hết bằng giọng nghiêm trang:
– Tụi học trò nầy không hề động chạm tới đám chăn trâu tụi tao, nhưng chúng đã động chạm, đã ăn hiếp nhiều đứa khác ở quận mình, trong số đó có mầy đó!
Thằng Hết ngạc nhiên:
– Tui đã bị tụi nó ăn hiếp? Hồi nào, sao tui không hay biết chi hết vậy?
– Đồ ngu!… tụi nó… Mà thôi, hồi nãy tao đã bảo trước là mầy không được quyền hỏi lôi thôi kia mà!
Thằng Hơn vừa nói dứt, thằng Tỵ vụt la lên:
– Kìa, tan học!
Cả bọn quay nhìn về phía trường: Học trò đang từ trong lớp lũ lượt kéo ra, con gái mặc áo dài trắng, con trai áo sơ mi trắng quần tây xanh, cười nói ồn ào, đến ngoài nầy cũng nghe.
Lập tức, thằng Hơn hét lên, ra lệnh:
– Xuất trận anh em!
Bọn nhỏ vung roi hưởng ứng:
– Xuất trận!
Cả bầy trâu mười mấy con, bị bảy thằng chăn xua đuổi, xông thẳng vô trường. Thằng Hơn vừa quất roi vào mông chúng, vừa gào to:
– Trâu điên! Trâu điên!
Bọn nhỏ cũng bắt chước, quát tháo:
– Trâu điên! Tránh ra! Tránh ra!
Cảnh hỗn loạn diễn ra trong sân trường: Trâu chạy, trâu nhảy loạn xạ. Học trò hoảng hốt, kêu ơi ới, tránh vẹt vào lớp học. Mấy tiếng “Trâu điên! Trâu điên!” làm tăng thêm sự kinh hãi. Ông Hiệu trưởng, mấy vị giáo sư, đứng trợn trừng trước cửa văn phòng.
– Trâu điên?
– Điên cả bầy?
– Vô lý!
-Ttụi nầy muốn phá trường mà!
Một cậu học trò lớn bắt loa tay, quát bảo:
– Tụi chăn trâu quỉ! Làm cái gì vậy? Có đuổi trâu ra khỏi trường không?
Không thèm đếm xỉa, thằng Hơn và tụi bạn tiếp tục cho bầy trâu tung hoành.
Bực tức, cậu học trò nọ quay bảo các bạn:
– Đừng sợ! Lượm đá chọi trâu anh em!
Liền đó, một cuộc “phản công” bằng đất cục, đá vụn, gạch vụn bay tới tấp vào mình lũ trâu, và cả vào người mấy thằng chăn nữa. Trâu bị đau, kêu rống lên. Thằng Hơn giận dữ, truyền lệnh cho tụi đoàn viên:
– Thằng nào chọi đá, nhào vô đập nhừ tử nó cho tao tụi bây!
Không đợi giục, thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi, thằng Tỵ, thằng Kia nhào vô đám học trò, đấm đá túi bụi. Bên học trò tuy đông, nhưng yếu sức làm sao kháng cự lại tụi chăn trâu. Có đứa rút thước, có đứa thủ viết cố chống trả, nhưng rồi cũng bị địch thủ tước đoạt, hoặc đá văng đi. Hết đứa nầy đến đứa khác bị đánh ngã, chúng cứ lui dần. Đó là kể mấy đứa học trò trai gan góc, số đông còn lại, cũng như đám con gái, sợ hãi lính quýnh không biết làm gì.
Giữa lúc ấy, vụt có tiếng thằng Hết la to:
– Chết cha! Rút lui mau anh Hơn!
Nãy giờ nó đứng im cạnh gốc cây me tây ở đầu sân, lo lắng quan sát cuộc ẩu đả, chẳng chịu tham dự. Bây giờ hình như vừa thấy điều gì nguy cấp, nó mới hoảng hốt kêu lên thế. Thằng Hơn quay hỏi nó:
– Cái gì vậy?
Nó trỏ tay về phía công sở:
– Ông Hiệu trưởng đi kêu lính kìa!
Thằng Hơn nhìn theo, quả thấy ông Hiệu trưởng đang hấp tấp tiến lại đó. Nó vội gọi tụi đoàn viên:
– Anh em! Rút lui gấp!
Thật nhanh, bầy trâu lại được nội bọn lùa ra khỏi trường, thoát chạy theo con đường mòn dẫn vào vườn cây rậm rạp.
Tới chỗ an toàn nhất, cả bọn mới dừng lại. Đứa nào đứa nấy quần áo xốc xếch, mồ hôi nhễ nhại, mệt thở hào hển. Thằng Kia hỏi:
– Làm cái gì mà mình đang thắng thế, anh Hơn lại ra lệnh rút lui gấp dữ vậy?
Thằng Hơn cười:
– Vậy chứ mầy hổng nghe thằng Hết nói sao? Ông Hiệu trưởng đi kêu lính, mình ở chậm một chút bị nắm đầu cả lũ!
Bọn nhỏ le lưỡi:
– Hú hồn!
– Chơi trò nầy coi bộ nguy hiểm quá!
– Nhưng hào hứng hơn trò “ma đá” nhiều.
– Thôi, bây giờ chia tay chứ?
– Ừ, tối về ngủ ngon nghen!
– Ngủ ngon cái con khỉ, thế nào cũng nằm chiêm bao thấy đánh lộn!
Tụi bạn dắt trâu đi cả rồi, thằng Hơn thằng Hết cũng lên lưng trâu mình, cỡi đi chầm chậm về nhà.
Chiều xuống mau trong vườn cây. Bóng tối đã thấy thấp thoáng trong các bụi rậm. Hai thằng chăn anh em không nói gì với nhau. Mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ. Vắng lặng, tiếng thở phì phì, tiếng bước chân chậm chạp của mấy con trâu nghe rõ ràng.
Chợt, thằng Hết càu nhàu bảo anh:
– Thiệt tui hổng dè lóng rày anh du côn quá!
Thằng Hơn nhìn em trừng trừng:
– Mầy muốn bảo chuyện tao vừa làm là bậy?
– Chứ hổng lẽ là tốt? Về nhà tui mét ba má cho anh coi!
Thằng Hơn la lên:
– Con khỉ! Mấy biết tại sao tao làm như vậy không?
– Tại sao?
– Tại vì mầy đó!
– Tại tui?
– Ừ, tại tao tức cho mầy quá đó!
Thằng Hết nhìn anh, lắc đầu khó hiểu.
*
(còn tiếp)
Thuần Giang Nguyễn văn Nghệ
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 97, ra ngày 15-11-1968) _________________________________________________________________________
Chân thành cám ơn Đèn Biển đã sưu tầm và đánh máy.