Tác giả: Thuần Giang Nguyễn văn Nghệ
Thúc trâu tiến lại nhập bầy với đám trâu lố nhố ở bãi cỏ hoang trước mặt, thằng Hơn bắt tù và tay, thổi một hơi:
– Ù… ú ù… ú ù…
Đáp lại, đây đó có tiếng reo:
– Ê, già Hơn tới!
– Đoàn trưởng giá lâm!
– Chào đoàn trưởng!
Một bọn ba bốn đứa chăn trâu lem luốc, đang ngồi trốn nắng dưới mấy gốc trâm bầu, bước vội ra đón.
Thằng Hơn là trưởng đoàn chăn trâu xóm Đình. Từ lâu, tụi chăn trâu ở đây đã kết bè với nhau, để hằng ngày lùa trâu lẻ tẻ của từng đứa họp thành bầy lớn, chăn giữ chung. Ngoài ra, chúng tổ chức họp mặt thường xuyên còn để vui đùa, đập lộn với tụi xóm khác, … “phá làng phá xóm” nữa. Thằng Hơn được cả bọn bầu làm trưởng đoàn, vì nó lớn tuổi nhất, khỏe nhất, nhiều sáng kiến nhất. Nghĩa là thường thường, cái gì nó cũng trội hơn tụi bạn. Tụi bạn phải nhìn nhận rằng, nó giữ chức vị “Anh Hai” rất xứng đáng, không đứa nào dám so bì.
Xuống trâu, thằng Hơn nhìn lướt qua lũ bạn: Con Mót, thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi… vắng mất hai thằng. Nó hỏi:
– Thằng Kia, thằng Tỵ đâu tụi bây?
Thằng Nò đáp:
– Hai đứa nó không có ra đây. Trâu của hai đứa nó chiều nay còn mắc bừa.
Con Mót hỏi:
– Có chuyện gì lạ hôn mà anh một mình một trâu tới đây coi bộ xăng xái quá vậy?
Thằng Bi thêm:
– Lại còn ra hiệu um sùm nữa chứ!
Thằng Hơn cười:
– Hổng có gì, bữa nay tao giới thiệu với tụi bây một đoàn viên mới.
Lũ bạn lao nhao:
– Vậy hả?
– Ở đâu?
– Ma nào đó, lạ hay quen?
Thằng Hơn quay trỏ phía sau:
– Nó kia kìa!
Theo đó, cả bọn trông thấy từ đằng xa một thằng nho nhỏ mặc áo bà ba đen, quần cụt đen, lùa mấy con trâu đen, bước lăn xăn lạo xạo trên một bờ đê dẫn đến bãi cỏ nầy. Thỉnh thoảng, một con trâu bướng bỉnh đứng lại, hay chực lội xuống ruộng mạ, thằng đó liền lướt lên vung roi quất vào mông con vật, hét vang:
– Đồ quỉ! Có đi thẳng không?
Trong phút chốc, mấy con trâu đến gần. Đó đều là trâu của thằng Hơn cả: con Pháo, con Đầm, con Xe đấy. Rồi tới cái thằng nhỏ xách roi tre đi phía sau, vừa thấy rõ mặt mày nó, con Mót la:
– Ủa, thằng Hết!
Thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi phụ họa:
– Thằng Hết thiệt!
– Vậy mà tao tưởng đứa nào đâu!
– Thằng Hết là đoàn viên mới của mình?
Chúng không lạ chi thằng Hết. Nó là em của thằng Hơn mà. Thằng Hơn nói:
– Có gì tụi bây ngạc nhiên? Ừa, thì thằng Hết, em tao đó, bữa nay nó khởi sự đi chăn trâu. Như vậy kỳ lắm à?
Thằng Nò trợn mắt:
– Sao không kỳ? Vậy chớ…
Nó mới nói nửa chừng, thằng Hết vừa lại đến ngắt ngang, cau có hỏi thằng Hơn:
– Anh làm cái quái gì mà cỡi con trâu Cộ đi riết tới đây, bỏ mình tui lụi hụi với mấy con trâu mắc dịch nầy vậy?
Thằng Hơn quát lại:
– Ý tao muốn để mầy tập giữ bầy trâu một mình cho quen. Chưa chi mầy đã cằn nhằn rồi à? Ối thôi về nhà ngủ đi mầy!
Thằng Đực cười lớn, xen vào:
– Thôi xin can hai cha! Thằng Hết mới nhập đoàn mà có chuyện rầy rà, không tốt đâu nghen!
Thằng Nò lay tay thằng Hơn:
– Nói vậy thằng Hết nhập đoàn thiệt hả anh?
– Ừ.
– Nếu vậy thì lại mừng đoàn viên mới đi chứ anh em!
Thằng Nò vui vẻ nói, đoạn bước lại trước mặt thằng Hết, chào theo kiểu nhà binh, và bắt tay thằng nầy vung văng:
– Chào người anh em! Chúc người anh em sớm quen chịu đựng với cái đời chăn trâu dầm mưa dang nắng cực trần thân nầy nghen!
Thằng Bi cười ha hả:
– Bậy quá, bậy quá Nò ơi!
Thằng Nò hất mặt:
– Bậy cái gì?
– Lời chúc của mầy đã không làm người ta vui, còn khiến người ta sinh chán ngán công việc mới, hổng bậy sao?
– Vậy chớ mầy biểu tao phải nói như vầy hả…
Nhắm tít hai mắt, khoanh hai tay ra bộ khúm núm, thằng Nò tiếp đọc một hơi như trả bài trong lớp học:
– “Ai bảo chăn trâu là khổ? A… không, chăn trâu sướng lắm chứ!… Đầu tui đội nón mê như lọng che…, tay cầm cành tre như roi ngựa… ngất nghểu ngồi trên mình trâu… a… a… “
Mấy đứa bạn cười rộ.
Thằng Hết cũng bật cười theo. Trước sự niềm nở, vui vẻ của đám bạn chăn trâu mới – cũng là bạn hàng xóm cũ xì rồi – nó đã tươi vui trở lại. Nó nghĩ lời thằng Đực vừa rồi là đúng, nên bỏ hết giận hờn. Hơn nữa, trước khi lùa trâu ra đây, nó đã ưng chịu nhận lãnh công việc nầy với cả một sự ham thích kia mà. Chẳng qua vì chưa quen chăn giữ lũ trâu ưa đi ưa chạy một cách vô trật tự, khi nãy nó mất bình tĩnh rồi sinh bực thế thôi.
Bắt chước thằng Nò, mấy đứa kia lần lượt đến “chào mừng” thằng Hết. Đến sau chót là thằng Bi. Tay mặt siết tay, tay trái vỗ vai thằng “lính mới”, nó thân mật bảo:
– Bắt đầu từ bữa nay, mầy với tụi tao “sống chết có nhau” nghen mậy!
Thằng Hết tươi cười gật đầu. Bỗng, mấy đứa kia cười rộ lên. Không rõ chuyện gì, nó ngó dáo dác. Thằng Đực trỏ vai nó:
– Coi áo mầy kìa!
Thằng Hết nhìn lại: Một bệt bùn hình bàn tay, với đủ năm ngón, in chếch trên vai áo nó, kết quả cái vỗ vai thân thiện của thằng Bi đấy! Thì ra, thằng nầy đã tinh nghịch nhúng tay vào bùn, “đóng dấu” vào áo nó chơi, mà nó có dè đâu để tránh? Cái áo bà ba đen mới tinh, nó mới mặc lần đầu, chơi như vầy thiệt… hết chỗ nói rồi!
Nổi cộc, thằng Hết co giò đá vào người thằng Bi. Thằng nầy né khỏi, chạy núp sau lưng thằng trưởng đoàn. Thằng Hết không tha, nhào theo. Nhưng thằng Hơn đã cản lại:
– Đừng có làm rối! Chuyện gì cũng còn có tao phân xử.
Thằng Hơn vẫn xử sự công bình như vậy. Ở đây, thằng Hết là em ruột nó, nhưng nó cũng không để cho thằng nầy tự chuyên, buộc phải theo đúng “luật lệ” của đoàn. Đức tính nầy là một trong những điều khiến tụi bạn nể phục nó lâu nay.
Quay sang thằng Bi, thằng Hơn lấy giọng kẻ cả, hỏi:
– Tại sao mầy chơi kỳ vậy Bi? Nó là đoàn viên mới, phải “chiêu dụ” từ từ, chưa chi mầy đã chọc phá như vậy sao được?
Thằng Bi ngoác mồm cười, bày hai hàm răng sún xếu xáo như răng ông cụ:
– Anh nghĩ coi, đã là chăn trâu thì phải dơ dáy lem luốc, để nó ăn bận sạch sẽ coi chướng mắt lắm! Tui “diện” cho nó như vậy là phải rồi. Cũng như, đã đi lính thì phải bận đồ lính, ai lại cho bận đồ thường?
Quay về phía thằng Hết, nó nheo mắt nói:
– Sao mà nóng quá vậy bồ tèo? Mới giỡn sơ sơ đã nổi cộc rồi hà! Điệu nầy làm sao mầy “sống chết có nhau” với tụi tao được?
Thằng Hết cúi đầu. Lòng nó đã dịu lại. Nó nghĩ: Mình để cho thằng Bi phá mà không hay là kém rồi, lại để bộc lộ sự tức giận ra thì càng kém hơn. Đành rằng mình phải “ăn miếng trả miếng”, nhưng “trả miếng” như vậy đâu có “chì”. Chợt nó tươi ngay nét mặt, ngẩng đầu nói với thằng Bi:
– Lời mầy rất đúng, tao chịu! Nhưng mầy lại đây cho tao hỏi nhỏ điều nầy đi!
Trước sự thay đổi thái độ đột ngột của nó, thằng Bi sinh nghi ngờ: Chà, cha nội “âm mưu” gì đây? Thay vì bước tới gần nó, thằng Bi lùi lại một bước:
– Tao đâu có ngu mậy! Lại gần mầy đặng mầy níu lấy, đập cho đã nư giận hả?
Thằng Hết trợn mắt:
– Tao không có chơi kiểu đó đâu mầy! Có chứng anh Hơn, nếu mầy lại gần tao mà tao làm gì mầy, tao bị cả đoàn phạt thế nào cũng chịu.
Thằng Bi nhìn thằng Hơn, hỏi ý. Thằng trưởng đoàn bảo:
– Mầy cứ lại xem nó hỏi cái gì, có tao, không sao đâu!
Thằng Bi ngập ngừng bước tới:
– Hết, mầy hổng đánh thiệt hén?
Không đáp ngay câu hỏi, thằng Hết trề môi:
– Ối, cái thằng coi vậy mà nhát như thỏ! Tao không có ăn thịt mầy đâu mà lo!
Bị khích, thằng Bi mạnh dạn bước lại gần nó ngay:
– Nào, mầy “hỏi nhỏ” cái khỉ khô gì?
Cặp cổ thằng Bi, thằng Hết lôi đi xéo sang trái vài bước, rồi đứng lại, chõ mồm vào tai thằng nầy:
– Đó!
Thằng Bi ngạc nhiên:
– Cái gì?
– Trước mặt đó!
– Có quái gì đâu?
– Một bầy vàng hực, di chuyển như một đoàn quân đó!
– Bầy gì đâu?
– Trơ trơ đó mà mầy chưa thấy hả?
– Chưa… Ái da!…
Thình lình, thằng Bi la oái lên, nhảy choi choi. Thằng Hết thì lăn ra cười. Mấy đứa kia chẳng hiểu chuyện gì, bu lại xem, rồi cùng cười rộ: Để trả đũa, thằng Hết đã dẫn thằng Bi lại đứng trên một ổ kiến lửa!…
Thằng Đực thích chí la:
– Thằng Hết “chì” ác chứ tụi bây!
– Em của đoàn trưởng mà!
Sau trận cười, thằng Hơn nói:
– Thôi, đùa “mở màn” như vậy đủ rồi. Bây giờ thằng Nò hãy cho tao biết, vì sao mầy cho rằng thằng Hết đi chăn trâu là kỳ?
Không đáp ngay, thằng Nò hỏi lại:
– Tui hỏi vậy chớ anh có mấy con trâu?
– Thì bốn con.
– Ờ, có bốn con bộ anh giữ hổng nổi sao phải viện thêm thằng Hết?
– Tao quên cho tụi bây hay, tao sắp sửa nghỉ chăn trâu. Thằng Hết sẽ thế tao đó.
Lời thằng Hơn khiến lũ bạn xôn xao:
– Ủa, sao vậy anh Hơn?
– Anh nghỉ chăn trâu để làm gì?
Thằng Hơn tươi cười:
– Để làm những công việc “người lớn” hơn: cày bừa, phát mướn…
Liếc nhìn con Mót, nó ưỡn ngực:
– Tụi bây coi, tao bây giờ cũng lớn xộn rồi chứ!
Trong khi thằng Hơn hãnh diện với “cái lớn” của nó, tụi bạn nhỏ lại buồn. Mất thằng Hơn, “đoàn chăn trâu xóm Đình” rồi sẽ ra sao? Lâu nay, dưới sự tổ chức của thằng Hơn, bọn nhỏ không e ngại trong bất cứ cuộc vui chơi, phá phách nào: Đá banh bưởi non, lặn hụp dưới rạch móc bùn chọi lộn, lén hạ mía vồng bà Tư Sen, vạch rào dâm bụt đột nhập vườn ông Bảy Én bẻ trộm ổi… hễ thằng Hơn hô lên một tiếng, chúng tuân hành hết mình. Trong những lần đập lộn với tụi xóm khác, có thằng Hơn cầm đầu, bọn nhỏ trở nên gan góc mạnh bạo kỳ lạ: Chúng lăn xả vào đối phương, hò hét, đấm đá hung hăng như những con hổ dữ. “Đoàn chăn trâu xóm Dình” nổi tiếng, tụi trẻ xóm khác gờm sợ, phần lớn đều nhờ ở tài “lãnh đạo của thằng Hơn cả. Nay thằng đoàn trưởng nầy sắp rời đoàn, tụi đoàn viên đoán trước là đoàn sẽ yếu đi nhiều lắm. Trừ con Mót, “nữ đoàn viên phụ hộ”, đứa nào cũng thấy buồn buồn lo lo, đứng im lặng mặt mày nghệt ra, trông nực cười.
Thằng Hơn cười lớn:
– Tụi bây làm gì sững sờ dữ vậy?
Thằng Đực nói:
– Hổng sững sờ sao được? Khi không rồi anh bỏ tụi tui hà!
Thằng Bi hỏi:
– Chừng nào anh thật sự nghỉ chăn trâu?
– Tuần sau lận… Trong những ngày cuối cùng ở trong đoàn, tao muốn cùng tụi bây nghịch cho đã, tụi bây bằng lòng không?
Lũ bạn giơ tay, hét:
– Bằng lòng!
– Anh biểu gì tụi tui nghe nấy!
Thằng Hơn gật gù:
– Tốt lắm! Bây giờ mình kéo đi lo “vụ trường trung học” nè!
Lũ bạn sốt sắng hưởng ứng:
– Đi liền!
Thằng Hơn quay sang bảo con Mót:
– Mót với thằng Hết giữ giùm trâu nghen! Tụi nầy đi một lát trở lại liền.
Con Mót mỉm cười:
– Dạ! “Người lớn” biểu, hai đứa em đâu dám hổng nghe!
Bọn thằng Hơn đi rồi, thằng Hết hỏi con Mót:
– “Vụ trường học” là vụ gì vậy chị Mót?
Con Mót lắc đầu:
– Ai mà biết! Ối mà Hết hơi đâu mà để ý. Bọn anh Hơn vẫn hay làm những chuyện lạ như vậy.
Im lặng giây lâu, con Mót cười tiếp:
– Nghĩ cũng tức cười! “Trưởng đoàn nhà mình” thích làm người lớn lắm, nhưng tính nghịch ngợm trẻ con thì hổng chịu bỏ!
Thằng Hết cười to gật đầu biểu đồng tình.
*
(còn tiếp)
Thuần Giang Nguyễn văn Nghệ
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 97, ra ngày 15-11-1968) _________________________________________________________________________
Chân thành cám ơn Đèn Biển đã sưu tầm và đánh máy.