Tác giả: Linh Hương
1
Ngón tay trỏ của chú Giao nằm im trong lòng bàn tay siết chặt của em, hai chú cháu chúng em tiến chầm chậm qua chiếc sân lót đầy sỏi trắng mà lối vào phòng khách được phân định bằng hai dãy gạch thẻ đỏ đặt chéo xếp song song và cách nhau một quãng xa. Khác với lúc ở trên xe em líu lo bên chú như một chim họa mi tập hót, cô bé họa mi đó giờ đây đã phải hồi hộp, hồi hộp một cách sung sướng – đặt những bước chân ra vẻ mạnh mẽ để đánh tan cảm giác run rẩy xúc động lên nền sỏi trắng như cô bé mẫu giáo lần đầu tiên đặt bút đồ lên hàng chữ ở đầu trang vở mới trắng tinh. Có cái gì rào rạt trong tim và thánh thót, êm ả trong hồn, một nửa lôi em lùi lại, bé dại trong lòng chú Giao để níu kéo những giây phút ấm cúng hạnh phúc của khung cảnh quyến thuộc gia đình, kéo dài trong những ngày nghỉ hè, và một nửa đẩy em sấn tới, lao mình vào cuộc tranh đua học tập tình bằng hữu, tình thầy trò đằm thắm, thiêng liêng thu hút bởi tiếng huyên náo bên trong khu phòng khách. Những tiếng ồn ào quen thuộc mà bất cứ một phút xa trường nào em cũng nhớ tới, cũng mong mỏi được nghe như đánh dấu của một quá khứ ấu thơ thắm thiết. Có một lúc em định cúi xuống nhặt một hoa soan cuối mùa màu vàng úa rũ mình trên thềm gạch, giữa những bóng mát thay nhau hứng những tia nắng mai dìu dịu để ngăn tiếng tim vỡ trong lồng ngực, tiếng thác reo đổ trong hồn. Nhưng dợm buông tay khỏi ngón tay chú Giao, em lại thôi. Một bâng khuâng nào đó đã cho em ý nghĩ ngón tay chú ví như cái móc thời gian, nếu buông tay ra khỏi, em sẽ bị đẩy dạt về tương lai thật xa, thật xa mà quá khứ, em đã từng không muốn rời bỏ nó.
Quả thật, em không muốn nghĩ ngợi gì nữa cả khi buông chú để ôm chầm lấy bóng dáng soeur Sabine xuất hiện nơi cửa vào. Soeur chỉ kịp tròn mắt:
– Ái chà, soeur không ngờ Như An của soeur chóng lớn thế cơ!
Em há miệng thật to để cười và để tíu tít:
– Trời ơi, chứ con gặp soeur con nhận ra liền… Soeur chả thay đổi tí nào cả.
Trong lúc soeur đưa em thật xa, nhìn thật kỹ bằng vẻ âu yếm lạ thường rồi bất ngờ siết em lại gần bằng cả hai cánh tay và đặt một chiếc hôn dịu dàng trên trán thì chú Giao tiến đến gần, chú hỏi:
– Thưa soeur, cháu Như An có đến muộn giờ không ạ?…
Nụ cười của soeur có pha vẻ dễ dãi khi với cầm chiếc vali trong tay chú Giao:
– Ối dào! Muộn gì mà muộn?
Chú Giao nhìn em rồi nhìn soeur:
– Thôi tuần sau chú lên đón… Thôi xin phép soeur…
Và chú giơ ngón tay trỏ lên như giao hẹn với nụ cười mỉm trên môi:
– Nhớ không được khóc đấy!
Nép đầu vào một trong hai cánh tay soeur Sabine choàng qua vai, em cố gắng cười một cái thật tươi với theo chú đang bước khỏi cửa:
– Không đâu ạ, cháu lớn rồi chứ bộ…
Nói thế mà mắt em cũng bắt đầu rưng rưng. Soeur xoa mái tóc cúp sát ót của em, giọng vỗ về:
– Thôi bây giờ vào trình với các soeur khác đi con.
Trước khi bước vào trong, soeur còn cẩn thận bẻ cổ áo em cho ngay ngắn và vuốt thẳng thớm chiếc váy màu sẫm. Điều làm em cảm động là hình như trong ý nghĩ, những cử chỉ của soeur vẫn còn dành cho em của 5, 6 năm về trước đã òa lên khóc và nhất định vùng vẫy khỏi tay ma soeur để chạy theo bóng dáng Ba Me khuất dần nơi cổng. Hình ảnh ấy, bây giờ em vẫn còn hình dung rất rõ ràng trong quang cảnh phòng khách em đi qua: một cô bé giơ tay chùi chùi những giọt nước mắt lăn trên má trong lúc Me cô cúi xuống sát bên thầm thì những gì không rõ. Một cô khác giật kéo chiếc vali, không chịu cho ma soeur xách đi, một mặt níu áo người cha. Cũng có những chị lớn lủi thủi xách vali vào một mình điềm tĩnh và vui vẻ.
Em bỗng cảm thấy mình trở nên máy móc với những tiếng “Thưa ma soeur, con mới vào!” và “Vâng ạ” lập lại mãi trên môi từ lúc gặp soeur hiệu trưởng Maria Goretti, soeur Giám Đốc Yvonne và các soeur khác cho đến lúc chiếc chìa khóa phòng được soeur đặt vào tay và còn mình em với chiếc vali kềnh càng nơi hành lang vắng lặng, tâm hồn em như chợt bình tĩnh trong bầu không khí của thảnh thơi, an nghỉ. Có lẽ cảm giác mà không bao giờ em quên được là khi bước chân vào phòng mình là nỗi sững sờ, bàng hoàng; cho đến sau nầy, nỗi sững sờ của ngày đó vẫn còn làm em tê tái trong từng loạt cảm giác khác nhau. Nó không chỉ đến từ bóng dáng thứ hai xuất hiện sẵn trong phòng mà còn đến cả cách bày biện khéo léo, ý tứ của một kẻ biết phòng mình còn thêm một người ở nữa. Và nhất là đôi mắt, lần đầu tiên đôi mắt đã làm em chú ý. Như cảm thấy sự ngượng ngập của em, cô bé lên tiếng trước, vui vẻ:
– Thế là bồ đến sau nhé, tên gì nhỉ?
Em lúng túng giây lâu mới trả lời được:
– Tên An… Như An, còn bồ?
Cô bé chợt reo khẽ:
– Vậy là tên hai đứa mình cùng bắt đầu bởi một chữ… người ta tên Ái, Trần Thúy Ái…
Em dè dặt:
– Ái… mới vào năm nay… hả?
Ái gật đầu mạnh, tươi cười:
– Ừ… mấy năm trước Ái học trường tỉnh.
Sau một lúc sắp xếp đồ học lên bàn và đồ đạc trong vali đẩy vào gầm giường, em rút ra một bộ đồ, ôm trong tay và lần này nói với Ái thật tự nhiên:
– Ái ở đây…, Như An đi thay đồ một chút nha…?
Cô bé đu đưa hai chân buông thõng từ trên giường nhìn em. Em vội vã rời phòng, óc rối bời ý nghĩ. Em cũng chẳng hiểu tại sao, trong khi những năm ở nội trú trước, chả bao giờ em nhận được những cảm giác như thế nơi người chung phòng, có lẽ tại họ lớn quá để em trở thành em nhỏ, có khi lại là một cô bé nhỏ xíu để em trở thành chị lớn. Nhưng năm nay kẻ ở chung phòng lại là cô bé đồng trang lứa, có thể nào em lại bối rối vì ý nghĩ không biết đứa nào phải chăm sóc đứa nào? Chắc chắn không vì quả thật nơi Ái có nhiều điểm lạ – có thể chỉ đối với em – những nụ cười bừng nở, tươi tắn rồi vụt biến. Có thể tại em quan trọng hóa, thôi nhất định không nghĩ tới nữa… Nhưng còn đôi mắt, tại sao đôi mắt làm em nhớ hoài… Đôi mắt, đôi mắt như khoảng tối có nhiều bóng lá râm mát…
2
Chúng em vừa tan bữa điểm tâm thì trời cũng lờ mờ sáng, ngay đỉnh đầu hai đứa là ngôi sao mai chói lòa, những chùm lá trên cây có màu tươi hơn và đưa đẩy những làn gió mát lạnh hơi sương. Ái hít thật mạnh một hơi dài rồi rụt đầu kéo cao cổ áo làm em bật cười:
– Những tháng nầy chưa lạnh đâu cô, những tháng gần Tết kìa…
Ái hồn nhiên:
– Ái chà, Ái phải nói Ba Má sắm áo len dầy mới được, bây giờ mà Ái thấy lạnh rồi đây…
Chữ Ba Má như muốn bóp nghẹt con tim, em lảng sang chuyện khác:
– Không biết năm nay ai phụ trách lớp mình, Ái nhỉ? Cầu trời cho mấy soeur hiền hiền…
Ái cũng cười:
– Ừ, Ái cũng mong vậy… Sao Ái lạnh quá à, hai đứa mình đi lên xem lớp mới đi…
Nói xong Ái tụt khỏi băng đá lạnh ngắt, quàng chiếc cặp lên một bên vai. Cô bé thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy hai chiếc bóng nhỏ nhắn chạy ào lại chỗ em đứng tíu tít và tiếng em như reo:
– Trời ơi, Hạnh, Thục đó hả… Sao hôm qua An không thấy hai bồ?
Hai con bé như mới có dịp nói:
– Tại Thục mới vào tối hôm qua, Thục với Hạnh ở một phòng.
– An vào từ hồi sáng phải không?
– Nghe nói soeur Agathe phụ trách lớp mình đó An à…
Em chỉ biết gật lấy gật để và trả lời:
– Soeur Agathe hả? Nghe nói soeur đó khó lắm mà… Hạnh nghe nói thật không?
Con bé Hạnh vờ như sợ hãi, khoanh hai tay trước ngực và xoay đi một vòng:
– Thật chứ… eo ơi! Thế thì ghê quá cơ.
Thục có vẻ lạc quan:
– Vậy còn đỡ hơn soeur Maria Goretti, soeur ấy còn khó hơn soeur Agathe nữa, nghe nói tụi bên B đang sợ đây… Thục “khoái” soeur Agathe hơn.
Mãi đến bây giờ em mới chợt nhớ ra Ái đang đứng lặng lẽ bên cạnh, em trịnh trọng:
– À, An giới thiệu với Thục, Hạnh… đây là Ái, ở chung phòng với An…
Bỗng từ giây phút ấy, Ái trở thành trầm lặng như một tượng đá biết di động bên em với hai nhỏ bạn cũ, chúng em trở nên ồn ào như ngôi chợ nhỏ trước lớp Ngũ A. Thật tình em muốn kéo Ái vào không khí sôi nổi vui vẻ bằng những câu hỏi liên tiếp nhưng cô bé chỉ trả lời bằng những tiếng ngắn. Em không đoán được Ái có giận em hay không vì lúc hé miệng trả lời, cô bé luôn luôn nở nụ cười. Nụ cười thoáng lên như ánh sao chớp rồi tắt mất. Em tin sẽ có dịp giải thích cho Ái hiểu rõ.
Nhờ vóc dáng nhỏ nhắn và có tên cùng bắt đầu bằng chữ đầu mẫu tự nên hai đứa được xếp ngồi gần nhau ở bàn đầu dãy giữa, chúng em có cảm tưởng như đang dự phần vào cuộc khánh thành một lớp học mới. Nơi đây cái gì cũng đẹp, cũng mới. Từ nước vôi màu vàng tươi trên vách đến cái bảng đen loang loáng ánh mặt trời rạng đông. Từ dãy bàn ghế cách quãng đều đặn đến khung cửa sổ có nhiều rặng cây căng gió, đến nền gạch Tây sạch bóng, mát mắt. Nhất là cái chỗ em ngồi, ngay từ đầu em đã ưng ý vô cùng, thật là một chỗ lý tưởng cho việc học hỏi. Em đã hít thật mạnh mùi gỗ mới nồng nồng, ghé mắt dõi theo những chú mọt lủi nhanh trong các khe hở và áp má lên mặt bàn trơn mát. Hồi đó, tụi em vẫn hay có trò chơi thế nầy trong những giờ nghỉ: hai đứa cùng áp tai lên hai đầu bàn. Thế là lúc đó đứa ở đầu nầy muốn nói gì hoặc muốn hát hỏng gì đứa ở đầu kia nghe cả. Nhưng nếu nhấc đầu lên khỏi bàn thì chả nghe được gì hết. Lúc soeur Agathe loay hoay dọn dẹp chỗ ngồi thì em nẩy ra ý định cùng chơi với Ái trò chơi nầy nhưng con bé không trả lời. Có lẽ Ái đang nhìn theo bọn học trò mới lần lượt kéo vào lớp, im lặng nhưng không giấu nổi nét hân hoan. Hình như có ai thọt lưng em bằng cây thước kẻ, em quay lại liền để kịp nhận ra khuôn mặt vui mừng của Hòa, Như Hòa, nhỏ bạn thân nhất của năm Đệ Thất. Hai đứa vẫn bị tụi bạn hiểu lầm là hai chị em vì tên có chữ lót giống nhau. Cũng từ đó mà hai đứa chơi thân, nhưng tiếc một cái là Như Hòa ở ngoài, không ở nội trú như em. Con bé tì cằm sát mặt bàn, liến khỉ:
– Ê nhỏ, làm gì mà mau lớn quá vậy?
Em cũng trừng mắt, làm ra vẻ dữ tợn, nhưng nói thật khẽ:
– Chứ còn mi, cái mặt sổ sữa như vậy chắc là bò theo má tối ngày…
Con bé cười khúc khích, phát một cái vào vai em để em kịp nhận thấy khuôn mặt soeur Agathe quay lại. Hai đứa hoảng hồn ngồi im. Em ném một cái nhìn áy náy về phía Thúy Ái. Nhưng mặt cô bé vẫn như thường nhìn sau lưng quyển tập mới, chắc đang tính toán để chép thời khóa biểu. Em cũng soạn ra một quyển tập và bắt đầu viết.
Chuông đổ, rồi thì tiếng đọc kinh vang lên. Đó là một thông lệ của trường mà bao giờ em cũng yêu quý. Có ai biết được tâm trạng bồi hồi, cảm xúc riêng em khi nhìn thấy được nơi những kẻ cùng đọc một kinh, cùng hát một điệu với mình tình đoàn kết kín đáo, sâu xa? Có ai biết được nỗi rung động của em khi chính ở giây phút nầy biết được mình chắc chắn vẫn được sống, chạy nhảy, nô đùa ở nơi mà em hằng nhớ thương, quyến luyến? Bất giác, em đưa mắt nhìn Ái. Cho đến sau nầy, mỗi khi nhớ lại, em vẫn còn cảm thấy được sự thích thú lúc ấy khi khám phá ra một điều lạ: Ái không biết đọc kinh. Có lẽ lần đầu tiên cô bé học trường đạo. Tuy không đọc nhưng cô bé không có vẻ bối rối lắm, Ái đứng cúi đầu, điềm nhiên chắp tay và thỉnh thoảng liếc nhanh về phía soeur Agathe. Em tin cô bé đang nghe những lời cầu nguyện chúng em bằng tất cả tâm hồn nhạy cảm thiết tha khi thấy Ái chớp nhanh đôi mắt mấy lần. Rồi đây Ái sẽ quen dần, như em cũng đã quen dần…
Đây là giây phút mở đầu cho một niên học. Giọng soeur Agathe trang nghiêm nhắc lại những qui củ của trường. Lớp học im phăng phắc. Em nghe được tiếng gió lùa vào lớp học và những sợi nắng mềm mại, óng ả phơi mình lên nền gạch, nền gỗ mát rượi. Tiếp đó là những quyển tập cần thiết cho niên học và tác giả các quyển sách. Khi soeur viết lên bảng, em nghiêng đầu sang Ái:
– Soeur đâu có dữ lắm, hén Ái?
Hình như Ái không nghe, khuôn mặt cô bé bằng phẳng, lạnh lùng như những sợi gió lao nhanh ngoài khung cửa mà không đi vào lớp học. Em lại hỏi, lần này hơi to:
– Bộ Ái giận Như An cái gì, hả? hả?…
Lần nầy cô bé mới giật mình nhìn em cười thật tươi:
– Đâu có…
Em không tin:
– Thật không?
Ái vẫn cười tươi, đôi mắt thật ấm áp làm em an lòng:
– Thật mà…, giận thì Ái phải nói ra chứ…
(còn tiếp)
Linh Hương
(bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138 và 139, ra ngày 1 và 15-10-1970)
_________________________________________________________________________
Chân thành cám ơn Đèn Biển đã sưu tầm và đánh máy.